Chương trình tâm lý chiến của Anh tại Trung Đông

Chủ Nhật, 05/07/2020, 08:08
Một loạt hồ sơ mật vừa được giải mật của chính phủ Anh đã tiết lộ một chương trình trong đó cơ quan tuyên truyền tâm lý chiến của Bộ Ngoại giao Anh đã lợi dụng các buổi cầu nguyện của người Hồi giáo ở khu vực Trung Đông để tuyên truyền xuyên tạc, bôi xấu và kích động tình cảm chống lại chủ nghĩa cộng sản trong giai đoạn cao điểm Chiến tranh Lạnh.


Vài nét về IRD

Theo các hồ sơ mật, Cục Nghiên cứu Thông tin (IRD) là một đơn vị tâm lý chiến bí mật đặt bên trong Bộ Ngoại giao Anh, được thành lập vào năm 1948 nhằm tiếp nối công việc của một cơ quan tương tự thời Chiến tranh Thế giới lần II có tên gọi là Ban điều hành Chiến tranh Chính trị (Political War Executive - PWE).

IRD có nhiệm vụ thực hiện nhiều hình thức tuyên truyền thông qua các ấn bản báo chí, tạp chí, phát thanh và ấn phẩm văn chương để phát hành, tuyên truyền chống chủ nghĩa cộng sản khắp thế giới. Tại khu vực Trung Đông, IRD thực hiện các bài tuyên truyền chống cộng rồi lồng ghép chúng vào các buổi cầu nguyện của người Hồi giáo tại nhiều quốc gia trong khu vực.

Tổng thống Ai Cập Gamal Abdel Nasser và Thủ tướng Syria Fares al-Khoury ở Cairo năm 1956.

Bên cạnh đó, IRD còn bố trí các bài báo đăng trên các tạp chí do Đại học Al-Azhar ở Cairo (Ai Cập) xuất bản, “để bảo đảm rằng mọi sinh viên tốt nghiệp trường đại học này đều quyết tâm chống chủ nghĩa cộng sản”.

Ngoài ra, để mở rộng tuyên truyền ra toàn khu vực Trung Đông, IRD còn cho xuất bản nhiều quyển tiểu thuyết trinh thám và lãng mạn bằng tiếng Arab, lồng vào đó những thông điệp chống phá, bôi bác Liên Xô và chủ nghĩa cộng sản. Chính phủ Anh còn bí mật kiểm soát hoặc tác động, gây ảnh hưởng lên chương trình phát sóng của nhiều đài phát thanh và báo chí trong giai đoạn từ thập niên 1940 đến cuối thập niên 1960.

Các tài liệu mật cũng đề cập việc chính phủ Anh dành khoản ngân sách bí mật cho các chương trình tuyên truyền tâm lý chiến của IRD tại Trung Đông, tương tự như ngân sách “đen” dành cho các cơ quan tình báo. Phương pháp được IRD ưa chuộng nhất là đưa những bài báo đăng trên các tờ báo trong khu vực và bí mật dùng tiền hối lộ hoặc mua chuộc người viết xã luận để họ viết những bài định hướng dư luận.

Ngay từ giai đoạn đầu, John Peck, một quan chức cao cấp của IRD, từng cảnh báo việc hối lộ để mua chuộc người viết những bài báo định hướng dư luận như thế, bởi nó không có mấy tác dụng. Ông Peck cho biết, ngoại trừ ở Jordan và Syria, còn lại thì số phát hành của các tờ báo nhận hối lộ đều không đáng kể và tác động của những bài báo như thế cũng mau chóng bị lãng quên.

Bất chấp lời cảnh báo của ông Peck, việc hối lộ báo chí vẫn được triển khai để phát tán các bài báo chống cộng trong khu vực Trung Đông. Trong một thư tín nội bộ đóng dấu Tối mật năm 1954, Giám đốc IRD Ralph Murray cho rằng Trung Đông khi đó đã diễn ra một cuộc chiến tranh tư tưởng văn hóa. Murray cho rằng khối lượng tuyên truyền của IRD trong cuộc chiến tranh đó vẫn chưa đủ so với nhu cầu “sống còn” của nước Anh tại Trung Đông.

Các tài liệu mật tiết lộ một số chi tiết về các chiến dịch tâm lý chiến tại Trung Đông. Chẳng hạn, vào tháng 2/1950, 2 năm sau khi IRD ra đời, đại diện của tổ chức này trong Đại sứ quán Anh tại Cairo, Ai Cập đã báo cáo về London: “Lễ cầu nguyện ngày thứ Sáu luôn được xem là một trong những cách quan trọng để tuyên truyền trong thế giới Hồi giáo”.

Thông qua đó, một kế hoạch đã được chuẩn bị sẵn sàng, những bài thuyết giáo đã được soạn sẵn để đưa vào các buổi lễ cầu nguyện. Kế hoạch tuyên truyền trong các buổi lễ cầu nguyện này được tiến hành trong 10 năm.

Một bức điện ngoại giao gửi về London tháng 8/1960 ghi rõ: “Chúng ta hy vọng tạo ra hai bài tuyên truyền ngắn mỗi tháng về các chủ đề tôn giáo. Các bài tuyên truyền này sẽ được viết bởi Sheikh Saad al Din Trabulsi, cựu ủy viên Tòa án Hồi giáo Beirut và hiện trực thuộc Tòa án Hồi giáo Zahle. Trabulsi là một tín đồ ngoan đạo bậc nhất. Hai ngàn bản thuyết giáo sẽ được phân phối vô điều kiện cho khắp các quốc gia nói tiếng Arab. Thành phần được nhận bái thuyết giáo bao gồm các giáo sĩ, các nhân vật Hồi giáo uy tín, các Thánh đường và cơ sở giáo dục Hồi giáo”.

Người làm trung gian các giao dịch giữa IRD và Trabulsi là một người mang bí danh là Rivera. Một người trung gian khác giữa IRD và các cá nhân trong khu vực là Talaat Dajani, một người Palestine tị nạn sống ở Beirut. Về sau, Dajani đến sống tại London và được trao tặng một huy chương danh dự của Nữ hoàng Anh vào năm 1979. Ông ta mất năm 1992. Toàn bộ chiến dịch của Trabulsi tốn kém chi phí đến 8.800 bảng Liban, tương đương khoảng 1.000 bảng Anh mỗi năm.

Mặc dù Iraq không được đưa vào kế hoạch của chiến dịch, nhưng thỉnh thoảng nước này vẫn được IRD “chiếu cố” trong các hoạt động về tôn giáo. Chẳng hạn, vào năm 1953, Tổng hành dinh IRD gửi thư cho người của mình ở Baghdad như sau: “Chúng tôi muốn biết thêm về kế hoạch của ông trong việc phổ biến tuyên truyền ở các thánh địa dòng Hồi giáo Shiite để có thể áp dung cho dòng Hồi giáo Shiite bên ngoài Iraq”.

Các quan chức IRD nhìn thấy thêm cơ hội để tận dụng “hoạt động tôn giáo” ở Iraq sau vụ ám sát hụt Thủ tướng nước này, ông Abd al-Karim Qasim vào tháng 10-1959. Sau vụ ám sát đó, ở Iraq có sự phụ hồi tôn giáo đáng kể. Những công nhân thực hiện việc tháo dỡ công trình gần địa điểm vụ ám sát hụt đã phát hiện ra ngôi mộ của một vị “thánh” Hồi giáo.

Câu chuyện này đã được công bố rộng rãi khiến dư luận tin rằng Thủ tướng Iraq đã được vị “thánh” kia bảo vệ một cách thần kỳ. Trong hàng ngũ IRD có sự nhất trí rằng câu chuyện mê tín này phải được lan truyền rộng rãi hơn nữa.

Các chiến dịch can thiệp và gây ảnh hưởng

Vào tháng 4 tiếp theo, một hội nghị các quan chức và chuyên viên IRD tại Trung Đông được tổ chức tại Beirut, Liban. Đó là hội nghị chuyên sâu về công tác tuyên truyền bí mật. Biên bản của hội nghị đó cho thấy Giám đốc Ralph Murray liệt ra một danh sách các mục tiêu để thực hiện chiến dịch “can thiệp và gây ảnh hưởng”.

Liên quân Anh – Pháp đổ bộ lên Port Said vào tháng 11/1956, phát hiện nơi này đã bị phóng hỏa.

Các mục tiêu nhắm đến bao gồm các đảng cộng sản trong khu vực và các cơ quan tuyên truyền đối nghịch. Vào thời điểm đó, các xưởng in bí mật bên trong các đại sứ quán Liên Xô ở Trung Đông có thể in ra 10.000 bản của tờ báo Akhbar mỗi ngày.

Mặt khác, đối tượng can thiệp, gây ảnh hưởng còn bao gồm cả những phụ nữ, thanh niên trẻ tuổi, các nghiệp đoàn, các tổ chức của giáo viên, lực lượng vụ trang và lãnh đạo tôn giáo.

Một đại diện Đại sứ quán Anh tại Baghdad thời đó giải thích rằng Iraq hiện “đã trở thành một mục tiêu quan trọng để tìm nguồn cung cấp các bài giảng tôn giáo”. Biên bản hội nghị cho thấy các đặc vụ của IRD tại Amman (Jordan) và Khartoum (Sudan) “đã liên tục đòi cung cấp các bài giảng và các bài báo về tôn giáo có thể được đăng tải rất dễ dàng”.

Các tài liệu mật cho thấy chính phủ các nước trong khu vực không chỉ nhắm mắt làm ngơ để cho IRD tự do hành động, mà còn hỗ trợ trong việc phân phát các bải giảng tôn giáo và đăng tải các bài báo về tôn giáo trên các tờ báo và tạp chí do mình kiểm soát. Tài liệu mật cũng cho thấy một loạt sĩ quan quân đội Iraq khi đó đã được bố trí cho đến Anh du lịch, do người của chính phủ Anh tài trợ. Ở Basra, việc in ấn báo chí được kiểm soát một cách tùy tiện, và các tờ báo của đảng cộng sản được phép in hoặc cũng có thể bị đình bản “tùy thích”.

Tại hội nghị ở Beirut, các đại biểu cũng thảo luận về các nỗ lực tuyên truyền của Khối Baghdad (khối liên minh Chiến tranh Lạnh bao gồm Iran, Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan và Anh, tan rã vào năm 1979). IRD khi đó được tiếp xúc rất tự do với chính phủ các nước thuộc Khối Baghdad để đưa ra đề nghị hỗ trợ tài liệu tuyên truyền và cả kỹ thuật phục vụ công tác tuyên truyền.

Tuy nhiên, trên thực tế chỉ có Thổ Nhĩ Kỳ là thật sự chủ động trong hoạt động tuyên truyền này, đã hỗ trợ xuất bản 25 đến 30 bài báo trên các tờ báo tại nước này. Thời đó, chính phủ Anh đã điều hành một số tờ báo trong khu vực, như tờ Al Khalij (tiếng Arab) và tờ Gulf Times (tiếng Anh).

Tổng thống Nasser và cuộc khủng hoảng Suez

Từ cuối Chiến tranh Thế giới lần II cho đến cuối thập niên 1960, các đời chính phủ Anh luôn sử dụng tình báo và bộ máy tuyên truyền nhằm nỗ lực duy trì các lợi ích chiến lược và kinh tế ở khu vực Trung Đông vào thời điểm mà họ phải vất vả để giữ lấy ảnh hưởng.

Các tiết lộ trước đây về hoạt động của IRD tại Trung Đông đã cho thấy rằng tổ chức này đã tham gia vào cuộc khủng hoảng “cuối cùng” đế quốc Anh còn can thiệp tại Trung Đông. Đó là cuộc khủng hoảng Kênh đào Suez tại Ai Cập, thời ông Gamal Abdel Nasser làm Tổng thống. IRD đã hoạt động mạnh tại Ai Cập kể từ ngày đầu thành lập.

Một mẩu thư tín nội bộ của IRD.

Nguyên nhân được thể hiện trong một thư tín nội bộ của IRD năm 1950, trong đó viết: Điều kiện ở Ai Cập rất thuận lợi để trở thành nơi ươm mầm cho chủ nghĩa cộng sản. Bức thư tín nhấn mạnh về “sự phân phối bất cân đối nghiêm trọng giữa người giàu và người nghèo và sự tập trung đất đai trong tay một số ít người tại Ai Cập.

Bức thư tín viết, thay vì tổ chức tuyên truyền rộng rãi như đã từng làm tại Jordan hay Iraq, IRD lại chọn cách nhắm vào đối tượng là sinh viên Đại học Al-Azhar ở Cairo, với lý do là “trong số họ sẽ có những Imam để tuyên truyền trong các buổi cầu nguyện ngày thứ Sáu tại mọi thánh đường Hồi giáo Ai Cập; họ cũng có thể trở thành các giáo viên tiếng Arab ở các trường trung học và các trường làng; và họ cũng sẽ là những luật sư chuyên về luật đạo Hồi…”.

Tháng 3/1956, quan hệ giữa Anh và Ai Cập khi đó đã trở nên rất xấu, Bộ Ngoại giao Anh ra lệnh cho IRD chuyển mục tiêu quan tâm từ chủ nghĩa cộng sản sang chống phá chính phủ của Tổng thống Nasser. Ông Nasser vốn cũng tung chiến dịch tuyên truyền chống nước Anh tại khu vực trong nhiều năm.

Tại Cairo, Cơ quan thông tấn Arab (ANA) là một trong những đơn vị tuyên truyền được tình báo Anh thiết lập trong Chiến tranh Thế giới lần II, đã được chuyên giao lại cho IRD sử dụng trong các chiến dịch tuyên truyền Chiến tranh Lạnh. Tháng 7/1956, sau khi ông Nasser quốc hữu hóa Công ty Kênh đào Suez, nắm quyền kiểm soát tuyến đường thủy mà đế quốc Anh xem là huyết mạch trong kinh tế, chiến lược, các hoạt động tuyên truyền và tình báo của nước Anh đã gia tăng cường độ.

Thủ tướng Anh khi đó là Anthony Eden tin rằng Nasser đã chịu tác động bởi Điện Kremlin (Liên Xô), và MI-6 được lệnh nghiên cứu phương án ám sát Tổng thống Ai Cập. Khí độc là một lựa chọn ưu tiên; kế đến là chất nổ cài trong dao cạo râu.

Tuy nhiên, khi cuộc khủng hoảng Kênh đào Suez nổ ra, Thủ tướng Eden lại đổi ý, hủy bỏ kế hoạch ám sát, chuyển sang thực hiện chiến dịch tâm lý chiến trong nhiều tháng, sau đó là can thiệp quân sự.

Một trạm truyền phát sóng vô tuyến tần số mạnh đã được dựng lên ở Iraq, phát sóng những chương trình tiếng Arab đi khắp khu vực, được bí mật kiểm soát bởi người Anh, trong một chiến dịch bí mật mang tên Transmission X. Khi Anh, Pháp và Israel chuẩn bị đổ bộ xâm lược Ai Cập và khu vực xung quanh Kênh đào Suez, thì người của IRD và MI-6 cũng lần lượt kéo đến các văn phòng của ANA ở Cairo.

Những động thái đó không thể qua khỏi con mắt của chính phủ Ai Cập. Cho nên, vào tháng 8/1956, chỉ vài tuần trước khi cuộc đổ bộ diễn ra, toàn bộ hoạt động của ANA - bao gồm báo chí, tin tức, tuyên truyền và thu thập tình báo - đều bỗng dưng dừng hẳn.

Cảnh sát mật vụ của Ai Cập đã bất ngờ ập vào lục soát các văn phòng ANA và nơi ở của một số sĩ quan MI-6, một trong số họ đã bị hành quyết ngay tại chỗ, hai người khác bị bắt và bị thẩm vấn. Chỉ có người đứng đầu văn phòng ANA trốn thoát, nhưng đã được chính phủ Ai Cập “chuốc” thông tin giả để ông ta mang về London.

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.