Chuyên cơ Air Force 3 của bà Hillary Clinton

Thứ Hai, 07/11/2011, 15:00
Trong chuyến thăm Libya không báo trước, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã chọn đi trên chuyên cơ Boeing C-17 Globemaster III. Đó là loại máy bay phản lực đa năng nhất thế giới về vận tải quân sự.

Cao 16,7m và dài 53m, chiếc Boeing C-17 Globemaster III có cấu trúc bên trong như một "hang động" được ví như một tòa nhà khổng lồ tải hàng hóa. Tòa nhà này chứa được nhiều loại xe quân sự, xe tăng chiến đấu và có các khoang hành khách đủ khả năng chở nhiều phái đoàn các nhà ngoại giao.

Globemaster III (còn gọi là Chuyên cơ Air Force 3) trở thành phương thức lựa chọn tuyệt hảo cho Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Hillary Clinton khi bà đến Libya hồi đầu tuần trước.

Bên trong chuyên cơ đa năng này có thể được thiết kế cho phù hợp với nhiệm vụ từng chuyến đi. Lần này, các quan chức chính phủ bố trí 4 chỗ trong khu vực bà Hillary ngồi, và trợ lý Huma Abedin được bố trí ngồi bên cạnh bà, theo ABC News. Bất kể kích thước "quá khổ" của mình, C-17 có thể cất cánh và hạ cánh ở những góc lái dốc đứng để giảm nguy cơ trúng hỏa lực từ vũ khí  loại nhỏ và tên lửa đất đối không, được xem là một mối đe dọa đặc biệt tại chiến trường Libya. 

Bà hillary xem hồ sơ tại bàn làm việc khi máy bay  C-17 chuẩn bị cất cánh từ Malta sang Tripoli.

Loại tên lửa đất đối không đặt bệ phóng trên vai, còn được gọi là MANPADS (hệ thống phòng thủ trên không cầm trên tay người) đặc biệt nguy hiểm "chết người" ở đất nước Bắc Phi này, bởi vì chúng rẻ tiền và rất chính xác, theo Steve Ganyard, nhà tư vấn tại Hãng tin ABC News (trước kia ông là phi công chiến đấu trong lực lượng Thủy quân Mỹ).

Kể từ khi chế độ Gaddafi sụp đổ, hàng ngàn MANPADS đột nhiên mất tích, dẫn đến nhiều lo ngại rằng, công nghệ này sẽ rơi vào tay của bọn khủng bố trên thị trường chợ đen. Ganyard cho biết, bà Clinton giờ đây lãnh trách nhiệm cho các chương trình của Chính phủ Mỹ trong việc tìm mua lại MANPADS trên thị trường chợ đen toàn cầu để hạn chế mối nguy hại cho các máy bay dân sự không trang bị vũ khí tự vệ.

Ông nói với ABC: "Bọn khủng bố đã nhiều lần tìm cách bắn hạ máy bay dân sự, cho nên Chính phủ Mỹ lo sợ rằng MANPADS tại Libya bị mất trộm sẽ tràn ngập thị trường, làm cho những tên khủng bố dễ dàng thực hiện các kế hoạch như vậy". Ông khẳng định không chỉ nói cho vui, hiện tại trong hành trình bay mọi thành viên phi hành đoàn phải nhìn ra ngoài cửa sổ để quan sát có MANPADS nào đang "lao" vào máy bay của mình không.

Các quan chức thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ đi cùng bà Hillary trên chiếc máy bay C-17.

Nếu có, các phi công nhanh chóng chuyển sang thế phòng thủ thông minh là bắn pháo sáng. Bằng cách đó, MANPADS - với nguyên tắc là tìm kiếm các điểm nóng như khói xả của động cơ máy bay - sẽ chuyển trọng tâm tấn công vào pháo sáng, có nghĩa là tránh xa mục tiêu tấn công máy bay của nó. Đây mới là lần thứ hai bà Hillary sử dụng C-17, lần trước là dịp bà bay tới Baghdad cách đây vài năm.

Chuyên cơ C-17 - Globemaster III (trước đây gọi là McDonnell Douglas) được McDonnell Douglas phát triển cho Không lực Hoa Kỳ (USAF) từ những năm 80 đến đầu những năm 90 thế kỷ trước. Nó được sử dụng cho không vận chiến lược nhanh về binh sĩ và hàng hóa cho các căn cứ quân sự chính hoặc các căn cứ quân sự tiền tuyến trên toàn thế giới. C-17 cũng có thể tiến hành các sứ mệnh không vận chiến thuật, sơ tán y tế và thả hàng cứu trợ.

Ngoài Không lực Hoa Kỳ, lực lượng không quân ở nhiều quốc gia khác như Anh, Australia, Canada, Qatar, Các tiểu Vương quốc Arập thống nhất và NATO cũng rất chuộng C-17, và mới đây Ấn Độ cũng thông qua văn bản mua C-17

Lệ Thiện (tổng hợp)
.
.