Chuyên cơ dành cho các nguyên thủ quốc gia

Thứ Hai, 31/05/2010, 15:30
Sau vụ tai nạn hàng không thảm khốc dẫn tới cái chết của Tổng thống và một loạt các quan chức cao cấp Ba Lan, chính quyền nước này mới quyết định mua 2 chiếc máy bay Embraer-175 để phục vụ cho các nhà lãnh đạo hàng đầu. Nhân chuyện này, báo chí Nga đã có bài điều tra về việc sử dụng chuyên cơ dành cho các nguyên thủ quốc gia trên thế giới...

Loại máy bay tầm trung Embraer-175 từ lâu đã được Hãng Hàng không quốc gia Ba Lan (LOT) sử dụng để dần dần thay thế những chiếc TU đã cũ của Nga. Có điều phải đến khi bi kịch của Tổng thống Kaczinski xảy ra, chính phủ nước này mới bắt đầu chú trọng đến việc hiện đại hóa chuyên cơ dành cho nguyên thủ của mình. "Thỏa thuận về việc sử dụng máy bay dành cho các quan chức quan trọng nhất của quốc gia sẽ được ký kết trong vài ngày tới. Chỉ trong vòng một tháng nữa, các máy bay của LOT có thể chuyên chở những nhân vật VIP của chúng tôi" - đó là tiết lộ của Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Bogdan Klich với phóng viên tờ Gazeta Wyborcza.

Cũng theo quan chức này, những chiếc máy bay mới trên sẽ được bàn giao cho LOT trước khi được thiết kế và trang bị lại. Được biết, ngoài 2 máy bay mới trên, đội bay của Chính phủ Ba Lan còn có trong biên chế 1 chiếc TU-154, 2 chiếc Yak-40 và 2 chiếc M-28 (phiên bản tại Ba Lan của loại AN-28).

Có thể nói, máy bay dành cho nguyên thủ quốc gia của các nước trên thế giới tương đối đa dạng về chủng loại. Với những nước có ngành công nghiệp hàng không phát triển, "đội bay của tổng thống" thường là những loại "nội địa", loại trừ những kiểu máy bay trong nước chưa thể sản xuất. Ví dụ điển hình nhất là Brazil với Hãng Embraer vừa được chính người Ba Lan chọn.

Chiếc Boeing VC-25A (747-2G4B) của Tổng thống Obama.

Trong đội bay của Tổng thống Brazil hiện đang có 2 máy bay mới nhất kiểu Embraer 190 (khác với các kiểu Embraer-170/175 về độ rộng của cánh cũng như có các động cơ tiết kiệm nhiên liệu hơn) được đặt tên riêng là Bartolomeu de Gusmao và Augusto Severo - cả hai được sử dụng cho những chuyến công du các quốc gia trong phạm vi châu lục. Để đi lại trong nước, Tổng thống Brazil thường sử dụng 2 chiếc chuyên cơ kiểu Embraer ERJ 145.

Còn để vượt qua bờ đại dương tới những khu vực khác, Tổng thống sẽ bay trên chiếc chuyên cơ tầm xa Airbus A319 Santos-Dumont sản xuất tại châu Âu, được đặt tên để tưởng nhớ một chuyên gia tiên phong trong lĩnh vực hàng không người Pháp gốc Brazil là Alberto Santos-Dumont. Tương tự như nhiều quốc gia khác (chẳng hạn như Mỹ), chiếc chuyên cơ số 1 của Brazil cũng được đặt ký hiệu quân sự là VC-1A, tức là một bộ tư lệnh trên không có thể điều hành các lực lượng vũ trang.

Còn tại Mỹ, chuyên cơ phục vụ các lãnh đạo cao cấp nhất nằm trong biên chế của không quân. Hiện tại, máy bay chính của Tổng thống Mỹ là một chiếc Boeing 747-200B với ký hiệu quân sự là VC-25A - theo hệ thống ký hiệu máy bay của Mỹ: V là VIP, còn C là Cargo (hàng hóa). Phi cơ dành cho Phó tổng thống là chiếc Boeing 757 khiêm tốn hơn một chút với ký hiệu quân sự là C-32. Không phụ thuộc vào việc có mặt Tổng thống Mỹ hay không, những phi cơ trong đội bay này đều được đặt ký hiệu bắt đầu từ con số "1" kèm theo đó là binh chủng điều hành quản lý nó: Army One, Air Force One, Navy One, Coast Guard One hay Marine One.

Chiếc Airbus A340-200 F-Rajb của giới lãnh đạo Pháp.

Chẳng hạn như chiếc Marine One là tên hiệu của một chiếc trực thăng phục vụ Tổng thống do các phi đội của lực lượng lính thủy đánh bộ điều hành. Bắt đầu từ tháng 1 năm ngoái, Marine One là một chiếc trực thăng sản xuất tại châu Âu - AgustaWestland EH101 Merlin. Tương ứng theo đó, những phi cơ dành cho Phó tổng thống có các ký hiệu bắt đầu bằng số "2".

Nói chung, việc chuyên chở nguyên thủ đối với các nước thuộc khối Anglo-Saxons đều có đặc trưng riêng. Chẳng hạn như Thủ tướng và Toàn quyền Canada thường đi lại trên phiên bản đặc biệt của loại máy bay Airbus A310-300 với ký hiệu quân sự CC-150 Polaris, nằm trong thành phần phi đội vận tải số 437 tại căn cứ không quân Trenton (Ontario).

Còn Thủ tướng, Toàn quyền và Bộ trưởng Ngoại giao Australia lại công du trên những chiếc Boeing 737BBJ của phi đội số 34 Không quân Australia. Còn trong những hành trình cự ly ngắn, chính phủ lại thuê của Hãng Hawker Pacific 2 chiếc Dassault Falcon 900 do phi công của Qantas Defence Services điều khiển.

Chiếc CC-150 Polaris (Airbus A310-300) dành cho Thủ tướng và Toàn quyền Canada.

Tại Anh, Phi đội Hoàng gia số 32 (No. 32 The Royal Squadron) chuyên trách phục vụ các khách VIP. Do nước Anh từ những năm 80 không còn sản xuất các loại máy bay vận tải cỡ lớn, nên trong thành phần phi đội này có tới 3 nhóm máy bay cỡ nhỏ thuộc kiểu thương mại là British Aerospace BAe 125 CC Mk.2 cùng một vài chiếc BAe 146-300 có 4 động cơ dành cho những chuyến bay xa hơn. Đội thứ ba chỉ gồm có các máy bay trực thăng.

Phục vụ cho các chuyến đi của Nữ hoàng, trên danh nghĩa thường dùng 2 chiếc phi cơ vận tải quân sự Vickers VC10 C.1 với các số hiệu quân sự XR807 và XV106 thuộc Phi đội số 101. Nhưng do Nữ hoàng đã cao tuổi ít đi lại, nên Thủ tướng và Bộ trưởng Quốc phòng Anh lại thường xuyên sử dụng các máy bay Boeing-777 của Hãng Hàng không British Airways.

Phi đội 3/60 Esterel của Pháp (chuyên đảm trách vận chuyển các nguyên thủ) có trong tay một đội ngũ phi cơ khá đông đảo, trong đó đáng chú ý có 3 chiếc Airbus A310-300 và 2 chiếc Airbus A340-200. Bộ Quốc phòng nước này vào năm 2008 còn đặt hàng thêm 2 chiếc A330-200 để thay thế cho loại phi cơ tầm xa nhưng thân hẹp Airbus 319 CJ. Ngoài ra, giới lãnh đạo Pháp còn có sự phục vụ của cả một đội máy bay Falcon đủ các phiên bản.

Các quan chức hàng đầu CHLB Đức có trong tay 2 chiếc "Aerobus" 310-304 với tên riêng lần lượt là Konrad Adenauer và Theodor Heuss, để tưởng nhớ Thủ tướng và Tổng thống đầu tiên của quốc gia này. Giới lãnh đạo Trung Quốc từ giữa những năm  80 thế kỷ trước chỉ chuyên bay trên những chiếc Boeing-737, chưa kể hai chiếc 747 dành riêng cho Chủ tịch nước và Tổng bí thư.

Tại những quốc gia có ngành công nghiệp hàng không phát triển kém hơn, nguyên thủ thường chọn phi cơ của hai hãng Boeing và Airbus, các phiên bản phụ thuộc nhiều vào sở thích cũng như tình trạng tài chính của từng nước - có thể từ những "lâu đài bay" cực kỳ sang trọng của các ông hoàng Arập tới những phi cơ cũ kỹ của nguyên thủ các nước nghèo tại châu Phi.

Gần đây cũng phát triển xu hướng các nguyên thủ quốc gia ưa thích sử dụng dịch vụ của các hãng hàng không dân dụng. Tuy nhiên, trước khi những chiếc chuyên cơ "Number 1" thực sự lùi vào quá khứ, trên bầu trời vẫn thường xuyên có mặt tới hơn 1.000 chiếc máy bay dành riêng cho chính phủ các nước - từ những loại khiêm tốn như Cessna cho tới những chiếc Boeing sang trọng

Đinh Linh (tổng hợp)
.
.