Chuyến đi đầu tiên của tàu ngầm hạt nhân Liên Xô đến đỉnh Bắc Cực

Chủ Nhật, 21/10/2007, 20:30
Hơn 40 năm trước, tàu ngầm hạt nhân K-3 đầu tiên của Liên Xô đã hoàn thành sứ mệnh vĩ đại trong lịch sử, đi ngầm dưới băng dày trên 20m đến đỉnh Bắc Cực, và cũng đã cắm quốc kỳ trên mặt băng ở Bắc Cực.

Ngày 2/8/2007, đoàn khảo sát Bắc Cực của Nga với tàu ngầm phá băng chạy bằng năng lượng nguyên tử (tàu ngầm hạt nhân) Rossiya đã đến đỉnh Bắc Cực, thành công mở một miệng giếng băng hình chữ nhật 28x10m, tàu mẹ Akademik Fuodorov dùng cần trục thả 2 tàu ngầm mini (Mir-1 và Mir-2) dài 7,8m; nặng 18,6 tấn xuống biển Bắc Cực, tàu Mir-2 chạm đáy biển với độ sâu 4.261m, sử dụng cánh tay máy cắm quốc kỳ bằng kim loại titan dưới lòng biển.

Ít ai biết rằng, hơn 40 năm trước, tàu ngầm hạt nhân K-3 đầu tiên của Liên Xô cũng đã lần đầu tiên hoàn thành sứ mệnh vĩ đại trong lịch sử, đi ngầm dưới băng dày trên 20m đến đỉnh Bắc Cực, và cũng đã cắm quốc kỳ trên mặt băng ở Bắc Cực. Gần đây, Lukanin, nhà nghiên cứu lịch sử quân sự Nga đã có bài viết trên tạp chí Hải Quân Nga tiết lộ một số nội tình về tàu ngầm hạt nhân K-3 lần đầu tiên đi dưới băng đến đỉnh Bắc Cực.

Va đập vào núi băng

Thời kỳ Chiến tranh lạnh, Bắc Băng Dương là một cao điểm khống chế chiến lược trong cạnh tranh đi xa của tàu ngầm Mỹ - Nga. Muốn đến được đỉnh Bắc Cực, phải có năng lực đi ngầm rất dài, cho nên có hay không có tàu ngầm hạt nhân trở thành cốt lõi của cuộc cạnh tranh này.

Năm 1954, Mỹ bắt đầu nghiên cứu tàu ngầm hạt nhân. Thế nhưng, trước đó các nhà khoa học Liên Xô đã có được kỹ thuật này. Ngày 25/11/1953, Chính phủ Liên Xô chính thức quyết định sản xuất tàu ngầm hạt nhân.

Ngày 24/9/1954, Liên Xô bắt đầu chế tạo loại tàu ngầm hạt nhân phá băng K-3. Ngày 9/7/1957, tàu K-3 hạ thủy. Ngày 14/9/1957, bắt đầu lắp đặt lò phản ứng hạt nhân và nạp nhiên liệu hạt nhân.

Ngày 4/7/1958, kết thúc thử nghiệm. Ngày 17/12/1958, quyết định cử tàu ngầm K-3 đi thử nghiệm từ Bắc Băng Dương và đến đỉnh Bắc Cực.

Tháng 11/1959, tàu K-3 dưới sự chỉ huy của Thượng tá Alxipekov thực hiện nhiệm vụ đi ngầm dưới băng đến đỉnh Bắc Cực. Do giữa đường đi tàu đã va đập vào núi băng và bị hư hỏng, tàu ngầm phải quay về; lần đi thử này cũng đã lập ra kỷ lục mới, đi ngầm dưới băng được 260 hải lý.

Phát sinh sự cố dưới biển sâu

Mùa hè năm 1962, tàu ngầm hạt nhân K-3 lại bắt đầu chinh phục đỉnh Bắc Cực. Lần này do chuẩn bị chu đáo, việc chạy ngầm dưới băng thuận buồm xuôi gió, trên đường đi không gặp khó khăn gì.

Vào lúc 6h50’ ngày 17/7/1962, tàu K-3 đến đỉnh Bắc Cực. Nhưng do lúc đó lớp băng trên đỉnh tàu ngầm dày tới trên 25m, cho nên tàu K-3 đành phải bỏ kế hoạch xuyên thủng băng nổi lên đỉnh Bắc Cực và quay về.

Trên đường về, tàu ngầm K-3 đã lợi dụng chỗ khoảng giữa băng trôi để nổi lên mặt băng. Các lính thủy đã ra khỏi tàu ngầm, cắm quốc kỳ trên mặt băng và chụp ảnh lưu niệm.

Cũng trên đường về, lần đầu tiên tàu ngầm K-3 còn sử dụng trang bị mới nhất bắn thử ngư lôi dưới biển băng.

Nhưng, điều không ngờ đã xảy ra, trên đường về cách đích không xa thì phát sinh sự cố: Máy hơi nước của tàu bị nứt vỡ. Rất may sự cố đã được khắc phục. Thế nhưng  toàn bộ 94 quân nhân trên tàu đều bị nhiễm bức xạ hạt nhân ở mức độ khác nhau.

Ngày 21/7/1962, tàu ngầm hạt nhân K-3 trở về căn cứ. Trong buổi lễ chào mừng thắng lợi này, cùng với trưởng tàu Gierozov và công trình sư Limofeyev, các quân nhân đều được khen thưởng.

Do K-3 là chiếc tàu ngầm hạt nhân phá băng đầu tiên, nên trong thiết kế của K-3 còn tồn tại nhiều nhược điểm. Qua tài liệu lưu giữ giải mật được biết, cùng với sự cố lần trước, sau này tàu ngầm K-3 cũng còn vài lần suýt chìm dưới đáy biển khi đi làm nhiệm vụ.

Lần nghiêm trọng nhất là ngày 8/9/1967, tàu ngầm K-3 sau khi thực hiện nhiệm vụ trở về trên biển Na Uy thì xảy ra sự cố trong phòng ngư lôi, nguyên nhân do dầu áp lực rò rỉ, điện bị chập dẫn đến cháy. Để ngăn chặn tàu ngầm phát nổ, trưởng tàu buộc phải ra lệnh khóa kín hoàn toàn một số khoang ở của sĩ quan binh lính trên tàu, kết quả là 39 quân nhân đã hy sinh.

Đây là lần sự cố bi thảm nhất phát sinh của K-3. Những năm sau đó, tàu ngầm K-3 có một số lần tu sửa, cải tiến và tiếp tục phục vụ cho đến năm 1989.

Năm 1990, theo mệnh lệnh của Tổng tư lệnh Hải quân Nga, tàu ngầm hạt nhân K-3 được kéo về trưng bày tại Nhà Bảo tàng tàu ngầm hạt nhân Nga

Nguyễn Mau (theo Hải quân ngày nay)
.
.