Chuyến "du lịch Trung Quốc" của cặp điệp viên CIA

Chủ Nhật, 05/04/2009, 07:15
Hơn 50 năm trước, Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) cử 2 điệp viên sừng sỏ John Dony và Richard Fifch đến Đông Bắc Trung Quốc, với mưu đồ móc nối gây dựng lực lượng vũ trang chống cộng. Nhưng không ngờ cả 2 tên nhanh chóng bị bắt và ngồi tù hơn 20 năm liền. CIA luôn lớn tiếng phủ nhận  và cho mãi tới gần đây họ buộc lòng phải công bố toàn bộ sự thật về vụ này.

Điệp vụ định mệnh

Năm 1949, Chính phủ Mỹ không thừa nhận sự ra đời của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Nhằm thực hiện chính sách “cô lập” Trung Quốc, CIA cố gắng tìm cách gây dựng bên trong lãnh thổ Trung Quốc một lực lượng thứ 3, có khả năng làm “đối trọng” với chính quyền Trung Quốc còn đang non trẻ. Lực lượng thứ 3 này tuy chống Cộng, nhưng lại không phải là “đồng minh” của Quốc dân đảng.

Đầu năm 1952, cuộc chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên đã bước sang năm thứ 2, Mỹ nghĩ tới việc, dùng lực lượng thứ 3 phát động cuộc chiến tranh du kích, quấy rối Trung Quốc. Thâm ý của CIA là dùng các toán nhỏ biệt kích phản động người Hoa móc nối liên kết với bọn đặc vụ, gián điệp Quốc dân đảng hoạt động chiến tranh du kích chống chính phủ bằng cuộc chiến tranh tâm lý và hoạt động phá hoại, khủng bố, sau đó dùng điện đài thường xuyên liên lạc báo cáo kết quả và nhận chỉ thị mới từ trung tâm CIA.

Tháng 6/1952, máy bay CIA lén lút đột nhập thả dù xuống vùng đông bắc Trung Quốc một toán biệt kích gián điệp người Hoa gồm 5 tên do chính John Dony phụ trách huấn luyện. Đến tháng 11, CIA quyết định chuyển sang bước 2: cử John Dony và Richard Fifch đi đông bắc Trung Quốc để bắt liên lạc và trực tiếp chỉ đạo hoạt động của toán gián điệp biệt kích này.

Ngày 29/11/1952, một chiếc máy bay vận tải quân sự C-47 của Mỹ cất cánh từ bán đảo Triều Tiên chở theo 2 vị “hành khách đặc biệt” là John Dony và Richard Fitch. Nhằm tránh sự phát hiện của rađa đối phương, chiếc C-47 bay rất thấp, luồn lách giữa các dãy núi cao, rừng rậm sau khi tới địa điểm đã định, Dony và Fifch sẽ tiếp đất bằng thang dây. CIA không thể biết được toàn bộ toán biệt kích xâm nhập trước đó đã bị bắt và trở thành miếng mồi câu 2 điệp viên lão luyện của CIA.

Nửa đêm hôm đó, mùa đông tối trời, trên đỉnh một gò đất lớn giữa đại ngàn vùng đông bắc Trung Quốc, có  3 đống lửa trại cháy rừng rực, đó là ám hiệu quy định từ trước giữa toán biệt kích “5 tên” với CIA. Chiếc C-47 dễ dàng phát hiện ra mục tiêu.

Lúc này, ngay cạnh đống lửa lớn xuất hiện một bóng người dáng dấp rất giống một thành viên trong toán biệt kích, đứng phất cờ ra hiệu cho chiếc máy bay. Chiếc C-47 lao xuống đất gãy làm đôi. Hai phi công tử nạn.

Thật là lạ, 2 vị “khách sộp” John Dony và Richard Fifch đều “bình yên vô sự”. Chưa kịp tìm nơi ẩn nấp để gọi điện cứu nguy thì đã bị bắt và áp giải về nhà tù Thẩm Dương.

CIA ra sức lấp liếm

Nhằm che giấu sự thật, CIA tung ra Dony và Fifch chỉ là quan chức hành chính lực lượng Lục quân Mỹ, chiếc máy bay dân dụng C-47 bị mất tích khi đang bay trên vùng trời phía tây biển Nhật. Phía quân đội Mỹ đã huy động lực lượng cứu hộ tìm kiếm khắp nơi mà không thấy...

Ít lâu sau, cả  2 bị dẫn tới Bắc Kinh, chịu sự xét xử của một tòa án quân sự, Dony với vai trò thủ phạm chính của vụ án nên bị tuyên phạt tù chung thân, còn Fifch với vai trò tòng phạm, lĩnh  20 năm tù giam.

Tuy nhiên, Chính phủ Mỹ khi đó vẫn phủ nhận 2 công dân của mình hoạt động gián điệp CIA, còn hăng hái mở “Chiến dịch lên tiếng ủng hộ” họ tìm mời được hơn  20 nhân chứng sống tự xưng là biết rất rõ nhân thân của Dony và Fifch, đua nhau lên tiếng phủ nhận vai trò gián điệp của 2 người này. Luận điệu dối trá của phía Mỹ kéo dài suốt hơn 20 năm ròng!

Sự thật được phơi bày

Trong các cuộc hội đàm song phương Trung- Mỹ diễn ra tại Geneve và Warsaw, phía Mỹ nhiều lần nêu “sự kiện bắn nhầm C-47” trong khi vẫn khăng khăng không thừa nhận chính thể CHND Trung Hoa nên sự bế tắc quan hệ vẫn không được khơi thông. Hai tù nhân da trắng này quen dần với những bữa ăn chỉ có gạo tẻ với rau xào, thịt muối. Hàng ngày họ luyện thể thao, học Trung văn.

Đặc biệt hơn, 2 tín đồ “tư bản chủ nghĩa” còn xin được nghiên cứu chủ nghĩa Mác-Lênin. Tin tức thời sự bên ngoài cũng liên tục được truyền vào nhà tù như sự kiện Tổng thống Kennedy bị ám sát, hàng vạn binh sĩ Mỹ thiệt mạng trong cuộc chiến tranh Việt Nam...

Cuối thập niên 60, khi quan hệ Trung-Mỹ dần ấm lên, 2 nước khai triển cuộc “Ngoại giao bóng bàn”, tiếp đó Mỹ gỡ bỏ dần cấm vận đối với Trung Quốc. Ngày 9/12/1971, John Dony và Richard Fifch được Trung Quốc phóng thích, qua đường Hồng Công về Mỹ, kết thúc  gần 20 năm ngồi tù nơi đất khách. Việc Dony và Fifch được thả không phải là ngẫu nhiên, mà tổng thống Mỹ khi đó đã chịu xuống nước, thừa nhận họ là gián điệp CIA, được phái vào hoạt động phá hoại trong Trung Quốc đại lục.

Sau khi về nước, Fifch trở thành giáo viên huấn luyện thể thao của Trường đại học Boston, Mỹ, anh ta nói vui là phải cảm ơn trong thời gian bị cầm tù, anh ta có điều kiện học tập, luyện thể lực bài bản và liên tục nên mới tráng kiện như hiện tại. Còn Dony cũng trở thành chuyên gia nổi tiếng về vấn đề phạm tội ở lứa tuổi thiếu niên.

Điều thú vị và đầy ý nghĩa hơn nữa là người vợ thứ 2 của John Dony lại là một cô gái Trung Hoa sinh ra tại đông bắc Trung Quốc, ngay ngôi làng bên cạnh chỗ chiếc C-47 bị bắn hạ

Bùi Hữu Cường (theo Nghiên cứu tình báo)
.
.