Chuyện quanh giải Nobel

Thứ Tư, 21/10/2009, 15:55
Cách những người đoạt Giải Nobel sử dụng số tiền thưởng (tương đương khoảng 1 triệu đến 1,4 triệu USD) là điều mà mọi người rất quan tâm tìm hiểu. Mặc dù đối với những người đoạt giải Nobel, số tiền thưởng đó không lớn lắm, nhưng cũng không phải nhỏ, và nó có một ý nghĩa nhất định nào đó.

Tiền thưởng Giải Nobel được sử dụng như thế nào?

Ngay sau khi Ủy ban Nobel ở Oslo (Na Uy) công bố quyết định trao Giải Nobel Hòa bình 2009 cho Tổng thống Mỹ Barack Obama, Phó thư ký báo chí Nhà Trắng Bill Burton thông báo cho biết: số tiền thưởng trị giá 1,4 triệu USD sẽ được Tổng thống Obama dành tặng cho các quỹ từ thiện.

Cách những người đoạt Giải Nobel sử dụng số tiền thưởng (tương đương khoảng 1 triệu đến 1,4 triệu USD) là điều mà mọi người rất quan tâm tìm hiểu. Mặc dù đối với những người đoạt giải Nobel, số tiền thưởng đó không lớn lắm, nhưng cũng không phải nhỏ, và nó có một ý nghĩa nhất định nào đó. Khi được hỏi về ý nghĩa của số tiền thưởng này, nhà văn Áo Elfriede Jelinek (Nobel Văn chương 2004) đã cười hồn nhiên mà rằng: "Độc lập tài chính, tất nhiên rồi".

Tiền thưởng Giải Nobel được chi tiêu cho rất nhiều mục đích khác nhau; có những mục đích rất tầm thường, nhưng thường thì người ta chọn mục đích cao cả để sử dụng đồng tiền một cách có ý nghĩa nhất. Có người dùng tiền thưởng để chuộc các món đồ cầm cố, mua một chiếc xe hoặc thậm chí gửi tiết kiệm để phòng khi... cháy túi có cái mà chi tiêu.

Wolfgang Ketterle, đồng nhận Giải Nobel Vật lý năm 2001 cho biết, ông đã dùng tiền thưởng Giải Nobel để mua một ngôi nhà và chi cho việc học hành của con cái, trong khi Giáo sư Franco Modigliani (Nobel Kinh tế 1985, đã quá cố) thì dùng tiền thưởng để mua một chiếc du thuyền. Tương tự, hai nhà khoa học nhận giải Nobel Y học năm 1993, một người thì dùng tiền thưởng để xây dựng một sân bóng bầu dục trước nhà (Richard Robert), còn người kia thì mua một ngôi nhà cổ có từ thời nội chiến (Phillip Sharp).

Paul Greengard, Nhà bác học Marie Curie và cựu Phó Tổng thống Mỹ Al Gore.

Đa số những người đoạt giải Nobel dùng tiền thưởng cho mục đích cao cả. Người ta hay tặng tiền thưởng cho các tổ chức từ thiện hoặc lập ra các tổ chức, quỹ từ thiện để phục vụ mục đích giúp đỡ trẻ mồ côi, những hoàn cảnh khó khăn, giúp đỡ phụ nữ bị ngược đãi,... ở ngay tại quê hương mình.

Ông Mohamed El Baradei, Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA), đồng nhận giải Nobel Hòa bình năm 2005 với IAEA, đã dành trọn phần tiền thưởng của mình (1/2 giải) để hỗ trợ các trại nuôi trẻ mồ côi ở Ai Cập, quê hương ông. Trong khi đó, IAEA cũng dùng 1/2 giải thưởng còn lại để lập ra Quỹ Nobel IAEA Chống ung thư và suy dinh dưỡng (IAEA Nobel Cancer and Nutrition Fund). Mục đích của quỹ đặc biệt này là giúp đỡ các nước đang phát triển cải thiện khả năng phòng chống bệnh ung thư và chống suy dinh dưỡng trẻ em.

Tương tự, nhà sinh học phân tử Christiane Nusslein-Volhard đã dùng phần lớn số tiền thưởng Giải Nobel Y học năm 1995 để gây quỹ thành lập Tổ chức từ thiện Christiane Nusslein-Volhard Foundation với mục đích duy nhất là hỗ trợ các phụ nữ trẻ trong hoạt động khoa học, tạo điều kiện cho họ có nhiều thời gian dành cho khoa học hơn.

Cũng có những nhà khoa học sử dụng tiền thưởng Giải Nobel cho mục đích tưởng nhớ người thân của mình. Chẳng hạn, nhà thần kinh học Paul Greengard (Đại học Rockefeller, Mỹ), đồng Giải Nobel Y học năm 2000, đã dùng phần thưởng trị giá 400.000 USD của mình để lập Giải thưởng Pearl Meister Greengard - "Giải Nobel dành cho phụ nữ" nhằm nỗ lực xóa bỏ bất bình đẳng nam - nữ trong nghiên cứu khoa học. Giải thưởng hàng năm trị giá 50.000 USD này được giao cho Đại học Rockefeller quản lý, và đã bắt đầu trao từ năm 2004.

Được biết, Greengard đã đặt tên giải thưởng theo tên mẹ mình để tưởng nhớ bà cụ đã qua đời khi sinh ra ông! Một trường hợp khác là Guenter Blobel, Giải Nobel Y học năm 1999 đã dành trọn số tiền thưởng khoảng 1 triệu USD tặng cho mục đích tái thiết thành phố Dresden, miền Đông nước Đức. Blobel từng phát biểu với báo chí rằng ông làm thế là để tưởng nhớ người chị gái thân yêu bị giết chết trong một trận oanh kích của quân Đồng minh vào năm 1945, khi đó bà mới 19 tuổi.

Cựu Phó tổng thống Mỹ Al Gore, người đã theo đuổi mục tiêu kêu gọi bảo vệ môi trường, chống thay đổi khí hậu toàn cầu kể từ khi thất bại trong cuộc bầu cử năm 2000, đã được trao Giải Nobel Hòa bình năm 2008 (chia chung với Ủy ban Liên chính phủ về thay đổi khí hậu). Gore đã dành toàn bộ số tiền thưởng của mình để gây quỹ hoạt động cho tổ chức Liên minh Bảo vệ khí hậu (Alliance for Climate Protection) do chính ông sáng lập và làm chủ tịch. Mục tiêu trước mắt của Alliance for Climate Protection trong 10 năm tới là đảm bảo 100% năng lượng của nước Mỹ được sản xuất bằng nguồn năng lượng sạch.

Trong lịch sử Giải Nobel, trường hợp của nhà khoa học Marie Curie có thể nói là đặc biệt nhất. Bà Marie Curie đã dùng trọn số tiền thưởng Giải Nobel Vật lý năm 1903 (cùng với chồng bà là nhà vật lý học Pierre Curie) để tái đầu tư cho nghiên cứu khoa học. Và sự đầu tư khôn ngoan này đã tạo ra rất nhiều thành quả đáng khâm phục: bà tiếp tục nhận Giải Nobel Hóa học năm 1911 cũng về lĩnh vực phóng xạ; con gái bà, Irene Joliot-Curie và chồng là Frédéric Joliot-Curie đồng nhận Giải Nobel Hóa học năm 1935 cho phát minh ra phóng xạ nhân tạo. Với các kết quả này, gia đình bà Marie Curie đã xác lập kỷ lục độc nhất vô nhị trong lịch sử thế giới: một gia đình có tới 4 người đoạt 3 giải Nobel ở 2 lĩnh vực Vật lý và Hóa học.

Không như Marie Curie, nhưng Albert Einstein, nhà bác học vĩ đại nhất mọi thời đại, vốn nổi tiếng với những giai thoại về tính đoản trí của mình, có cách sử dụng đồng tiền rất cảm động nhưng cũng không kém phần hài hước. Số là Einstein ly dị người vợ thứ nhất là Mileva Maric (cũng là một nhà khoa học vật lý tài năng) vào năm 1919. Lúc đó là vào thời điểm Giải Nobel hàng năm chưa được công bố, và Einstein tin chắc rằng mình sẽ đoạt giải năm đó. Thế nên, Einstein đã lập bản cam kết (có công chứng hẳn hoi) trao trọn số tiền thưởng Giải Nobel cho bà Maric để nuôi 2 đứa con trai.

Oái oăm thay, năm đó Einstein không được trao giải mà phải đợi đến 2 năm sau, năm 1921, mới được trao. Nhiều sử gia đã đưa ra giả thiết rằng sở dĩ Einstein trao toàn bộ số tiền thưởng cho vợ cũ là vì chính bà mới là người đứng đằng sau các công trình vĩ đại của ông, nhưng một số ý kiến khác thì cho rằng chính xác hơn có lẽ là Einstein muốn thưởng công bà Maric đã xuất sắc đóng vai phản biện giúp cho các công trình khoa học của ông thành công.

Những giải nobel hòa bình không được trao

1. Mahatma Gandhi

Mohandas K. Gandhi là lãnh đạo chính trị và tinh thần của phong trào giành độc lập Ấn Độ ông chủ trương kháng chiến không bạo lực. Ông cũng là người chủ trương giải phóng tầng lớp Hindu bị coi là tiện dân và hòa hợp hai cộng đồng Hindu và Hồi giáo. Sau khi Ấn Độ tuyên bố độc lập, Gandhi phản đối việc chia cắt Ấn Độ và Pakistan. Gandhi bị một tên theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan ám sát ngày 30/1/1948.

Gandhi được đưa vào danh sách đề cử giải Nobel 3 lần trong các năm 1937, 1947 và 1948, sau khi ông bị ám sát. Năm 1937, cố vấn của Ủy ban Nobel phê phán vai trò kép của Gandhi: nhà hoạt động cho hòa bình và lãnh đạo chính trị của phong trào giành độc lập. Ủy ban Nobel dường như cũng bị tác động bởi thành kiến địa phương và chủng tộc. Mặc dù Ủy ban đã xem xét để trao giải cho Gandhi vào năm 1948 nhưng ý nguyện của Alfred Nobel là chỉ trao giải cho người đang sống. Đó là lý do Gandhi đã không được nhận giải Nobel hòa bình trong năm 1948.

2. Eleanor Roosevelt

Đệ nhất phu nhân nước Mỹ là một luật sư và là nhà đấu tranh cho nữ quyền nổi tiếng. Trong thời kỳ cải cách kinh tế - xã hội thập niên 30 thế kỷ XX (New Deal) của Tổng thống Franklin Delano Roosevelt (FDR), bà ủng hộ việc gia tăng số phụ nữ làm việc cho chính phủ, tán thành các chương trình trợ cấp đặc biệt dành cho đối tượng phụ nữ, chống đối thuế thân đánh vào người Mỹ gốc Phi và lên tiếng ủng hộ chính sách tiền lương tối thiểu. Sau cái chết của FDR, Tổng thống Harry Truman chỉ định Eleanor Roosevelt là đại diện cho Đại hội đồng  - bà trở thành lãnh đạo Ủy ban quyền con người của LHQ và đóng vai trò quan trọng trong việc phác thảo Tuyên bố chung về quyền con người.

Năm 1947, Ủy ban Nobel xem xét trao Giải Hòa bình cho cả Eleanor Roosevelt và Alexandra Kollontai, nữ Đại sứ Liên Xô ở Thụy Điển, trong nỗ lực hàn gắn giữa hai cường quốc đối địch trong thời Chiến tranh lạnh. Eleanor Roosevelt được đề cử lần thứ hai vào năm 1955, nhưng vẫn chưa được trao giải. Mãi đến sau khi Eleanor Roosevelt qua đời vào năm 1962, bạn bè của bà bắt đầu gây sức ép buộc Ủy ban Nobel truy tặng Giải Hòa bình cho bà. Tổng thống Truman cũng thôi thúc các thành viên của Ủy ban Nobel bỏ qua nguyên tắc mà trao Giải Hòa bình cho Eleanor Roosevelt nhưng vẫn bị họ từ chối.

3. Ken Saro-Wiwa

Ken Saro-Wiwa là nhà hoạt động môi trường của Nigeria và người lãnh đạo chiến dịch không bạo lực chống sự tàn phá môi trường vùng châu thổ Niger do hoạt động khai thác dầu thô. Là thành viên của nhóm người bản địa Ogoni, Saro-Wiwa thành lập Phong trào sống còn cho người Ogoni để phản kháng lại sự cấu kết của chế độ quân sự Nigeria và Công ty dầu Royal Dutch/Shell phá hoại vùng đất nông ngư nghiệp của người Ogani. Chính quyền Nigeria (phụ thuộc vào lợi nhuận từ việc khai thác dầu của Shell) ra lệnh bắt giữ ông và đưa ra xét xử tại Tòa án quân đội với tội vu khống. Saro-Wiwa bị hành hình năm 1995. Cái chết của ông đã gây phản ứng dữ dội từ khắp thế giới.

Saro-Wiwa được đề cử Giải Nobel Hòa bình năm 1995, nhưng ông không bao giờ nhận được giải. Mặc dù vậy, Saro-Wiwa cũng nhận được nhiều giải thưởng cao quý khác: Giải Môi trường Goldman (giải thưởng quốc tế hàng năm trao cho những nhà hoạt động môi trường), Giải Right Livelihood của Thụy Điển thường được coi là "Giải Nobel thay thế".

4. Sari Nusseibeh

Hiệu trưởng Đại học Al-Quds từ năm 1995 và đại diện Tổ chức giải phóng Palestine (PLO) ở Jerusalem từ năm 2001, Sari Nusseibeh từng là một trong những nhân vật nổi tiếng hòa giải người IsraelPalestine.

Năm 1994, Ủy ban Nobel đã xem xét trao Giải Hòa bình cho những tên tuổi như Yassir Arafat, Shimon Peres và Yitzhak Rabin "vì những nỗ lực sáng tạo hòa bình ở Trung Đông", nhưng khi tình hình trong khu vực vẫn chưa ổn định vào 15 năm sau nên Ủy ban Nobel đã né tránh việc xét trao giải cho bất cứ nhân vật nào của Israel lẫn Palestine. Tuy nhiên, với những cố gắng hòa giải hai dân tộc đem lại hòa   bình cho IsraelPalestine của Nusseibeh hiện nay, người ta hy vọng có lẽ Ủy ban Nobel sẽ phải xem lại quyết định của mình.

5. Corazon Aquino

Bà là vợ của Thượng nghị sĩ Benigno Aquino, đối thủ chính trị hàng đầu của Ferdinand Marcos, cựu lãnh đạo độc tài của Philippines. Sau khi chồng bị ám sát chết, bà Corazon Aquino lao vào hoạt động chính trị  và mọi người đã đoàn kết lại ủng hộ bà chống lại Marcos trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1986. Trong thời gian làm Tổng thống, bà Aquino đã đem lại nền dân chủ cho Philippines. Bà mất vào tháng 8/1992.

Bà Aquino được đề cử Giải Nobel Hòa bình năm 1986, nhưng giải chính thức không thuộc về bà. Mặc dù vậy, bà Aquino cũng được nhận một giải an ủi cùng năm khi được đưa vào danh sách những nhân vật trong năm (Person of the Year) của tạp chí Time

Tiểu Bảo - Thục Miên (tổng hợp)
.
.