Chuyến thăm đột xuất Thổ Nhĩ Kỳ của Giám đốc CIA

Thứ Tư, 12/09/2012, 21:30

Giám đốc CIA David Petraeus có chuyến thăm đột xuất Thổ Nhĩ Kỳ giữa lúc tình hình Syria và khu vực Trung Đông nói chung đang "dầu sôi lửa bỏng" với nhiều cuộc chiến khác nhau, trong đó hoạt động tình báo đóng một vai trò quan trọng, đã khiến cho Ankara bối rối. Tại sao?

Ông David Petraeus đến Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 2/9 vừa qua mà không thông báo trước. Theo kế hoạch, ông sẽ chỉ đến thành phố Istanbul trong chuyến thăm ngắn nhưng rất quan trọng. Tại đây, ông Petraeus đã có các cuộc hội kiến bí mật với Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan, Bộ trưởng Ngoại giao Ahmet Davutoglu và Giám đốc Tổ chức Tình báo Quốc gia (MIT) Hakan Fidan.

Các cuộc hội đàm giữa ông Petraeus với lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ chủ yếu xoay quanh tình hình xung đột tại Syria và các hoạt động tình báo hỗ trợ phiến quân đối lập FSA cũng như thông tin tình báo về thành phần thánh chiến cực đoan có liên quan đến Al-Qaeda từ nước ngoài xâm nhập vào Syria tham chiến.

Thông tin từ giới chức tình báo Mỹ cho biết, kế hoạch lộ trình chuyến thăm được giữ bí mật, kể cả thông tin về việc ông Petraeus đến thăm Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng do có sự rò rỉ thông tin từ trong nội bộ nên tin tức về chuyến đi của ông Petraeus đã được tiết lộ trên tờ nhật báo Aksam của Thổ Nhĩ Kỳ, sau đó thông tin được tờ Hurriyet Daily News của Israel đăng lại.

Tờ Hurriyet Daily News còn thông tin chi tiết về các chủ đề hội đàm giữa ông Petraeus với giới lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó tình hình khủng hoảng tại Syria và cuộc chiến dai dẳng của Thổ Nhĩ Kỳ với đảng người Kurd PKK ở vùng đông nam nước này là 2 vấn đề nổi bật nhất. Ngoài ra còn có một vụ "gián điệp Iran" vừa mới xảy ra. Tuy nhiên, lịch trình cụ thể chuyến công cán Istanbul của ông Petraeus được giới chức Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ giữ kín vì lý do an ninh.

Giám đốc CIA David Petraeus.

Báo chí Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ có cái nhìn khác nhau đối với chuyến thăm của ông Petraeus. Người Mỹ xem chuyến thăm đột xuất Thổ Nhĩ Kỳ của ông Petraeus cần phải được báo chí tuyên truyền một cách cẩn thận, nửa kín nửa công khai nhằm khai thác tính chất quan trọng của chuyến đi.

Washington muốn thông qua chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ của ông Petraeus để gửi một "thông điệp mạnh mẽ" đến các quốc gia kình chống Mỹ trong khu vực (Syria và Iran) rằng Mỹ luôn ở bên cạnh đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ và sẵn sàng hỗ trợ Ankara trong mọi tình huống khẩn cấp.

Đây còn là thông điệp mang ý nghĩa xua tan mọi nghi ngờ trong dư luận khu vực Trung Đông về những rạn nứt, bất hòa thời gian qua giữa 2 đồng minh NATO. Đây là lần thứ hai ông Petraeus đến Thổ Nhĩ Kỳ bằng con đường "đột xuất" nhằm mục đích liên quan đến tình hình Syria và các hoạt động của đảng người Kurd PKK bị nghi ngờ có sự hỗ trợ từ Iran (lần trước vào tháng 3/2012).

Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ có cách nghĩ khác, không muốn phô trương các hoạt động hợp tác tình báo với Mỹ, nhất là các hoạt động liên quan đến cuộc nội chiến ở Syria. Ankara không muốn các quốc gia trong khu vực có ấn tượng rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang biến thành "bãi đáp" để tình báo Mỹ tung ra các chiến dịch tình báo xâm phạm vào khu vực của người Arập Hồi giáo, mặc dù trên thực tế vùng đông nam Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã trở thành khu vực hoạt động thường xuyên của CIA trong cuộc chiến chống các nước trong khu vực như Iran, Syria,...

Đáng chú ý, chuyến thăm của ông Petraeus lại diễn ra ngay sau khi xảy ra một loạt vụ án tình báo tại miền Đông Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó MIT vừa "cất vó" một mẻ lưới và bắt giữ 7 người Thổ Nhĩ Kỳ cùng với 2 người Iran có liên quan đến hoạt động tình báo trên đất Thổ Nhĩ Kỳ nhằm giúp đỡ đảng người Kurd PKK.

Các nghi can "gián điệp" người thổ nhĩ kỳ bị bắt ngày 31/8.

Theo báo chí Thổ Nhĩ Kỳ, MIT đã tiến hành điều tra một mạng lưới gián điệp Iran từ nhiều tháng nay dựa trên mối nghi ngờ một nhóm người ngoại quốc dùng xe minibus đi dọc các tuyến phố để chụp ảnh các trụ sở cơ quan công quyền của thành phố Igdir.

Trong quá trình điều tra, theo dõi và tổ chức kiểm soát các tuyến đường biên giới, ngày 31/8, các nhà điều tra MIT đã kiểm tra một xe ôtô ở ngoại ô thành phố Igdir, tỉnh cực đông Igdir, và phát hiện trên xe có những phương tiện ghi hình khả nghi. 2 người gốc Iran đi trên xe bị bắt tại chỗ được xác định danh tính là Shahram Zargham Kohei và Mohammed Reza Esmaeilpour Ali Malek. 2 nghi can này đã khai nhận đang thực hiện việc thu thập thông tin và hình ảnh các cơ sở an ninh, quân sự, Tòa thị chính thành phố Igdir theo yêu cầu của một số người ở quận Van's Caldiran, tỉnh Igdir chưa rõ danh tính.

Trong khi đó, 7 nghi can người Thổ Nhĩ Kỳ cũng bị bắt tại thành phố Erzurum. Những người này có liên quan đến một mạng lưới gián điệp chuyên thu thập thông tin và hình ảnh cung cấp cho cơ quan Tình báo SAVAMA của Iran. Họ đã bị cảnh sát và tình báo Thổ Nhĩ Kỳ theo dõi từ nhiều tháng nay.

Hình ảnh theo dõi của tình báo Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy một nghi can tên là T.A., đã chụp ảnh và thu thập thông tin về các khu vực chiến lược quan trọng của thành phố Igdir theo yêu cầu của một "điệp viên" người Iran tên là Yagghoub Ahnou Khos (người này đã kịp chạy thoát sang Iran).

Một tấm ảnh khác cho thấy T.A. cung cấp thông tin gián điệp cho một "điệp viên" tên là Z.A. ở biên giới Iran - Thổ Nhĩ Kỳ. Khi khám xét nhà ở của nghi can T.A., cảnh sát tìm thấy những đĩa ghi hình cho thấy các điệp viên Iran kiểm tra 2 thành viên đảng PKK và tra hỏi họ về những hoạt động của PKK và cơ cấu PKK ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Một phát hiện bất ngờ từ lời khai của nghi can T.A. là tất cả những "điệp viên" mà họ cung cấp thông tin đều là người gốc Azerbaijan sinh sống trên đất Iran. T.A. còn khai rằng, do người Iran theo dòng Hồi giáo Shiite nên các "gián điệp" Thổ Nhĩ Kỳ được chọn chủ yếu ở tỉnh Igdir, nơi có đông người Hồi giáo Shiite sinh sống, rồi đưa sang Iran dưới lớp vỏ "đào tạo tôn giáo" để huấn luyện nghiệp vụ tình báo.

Toàn bộ tiền thù lao cho việc cung cấp thông tin, hình ảnh tình báo đều được chuyển qua đường kiều hối, không sử dụng tài khoản ngân hàng để tránh bị phát hiện

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.