Chuyện tình “Mister Butterfly”

Chủ Nhật, 09/09/2018, 13:35
Trong serie “Những câu chuyện tình báo” đăng tải đầu tháng 8, tờ Le Figaro nhận định rằng, nếu có cuộc thi viết tiểu thuyết tình báo bi hài kịch, chắc chắn chuyện tình “Mister Butterfly” sẽ đoạt giải thưởng. Bởi lẽ đây là câu chuyện tình hoàn toàn có thật giữa một nhà ngoại giao trẻ người Pháp với một “nữ” ca sĩ Trung Quốc.

Oái oăm ở chỗ, sau 18 năm “chung chăn gối”, nhà ngoại giao Pháp không hề biết rằng mình đã yêu một người cùng giới tính. Bi kịch hơn, cuộc tình của họ lại bị lợi dụng để khai thác thông tin tình báo.

Chuyện tình lãng mạn

Bernard Boursicot chính là nhân vật chính trong câu chuyện này. Năm 20 tuổi, Bernard Boursicot được tuyển dụng làm kế toán tại Đại sứ quán Pháp ở Bắc Kinh. Vào thời kỳ đó, nước Pháp của Tướng De Gaulle vừa thiết lập quan hệ ngoại giao với nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa của Chủ tịch Mao Trạch Đông và mở Đại sứ quán Pháp tại Bắc Kinh vào năm 1964.

Đây là tòa đại sứ phương Tây đầu tiên ở Trung Quốc kể từ cuộc chiến tranh Triều Tiên (1953-1954). Khi đó, Trung Quốc rất thiếu thốn thông tin liên quan đến thế giới bên ngoài.

Bernard Boursicot trong phiên tòa xét xử tội danh gián điệp. Ảnh: pri.org.

Còn Shi Peipu (Thời Bội Phác) là một diễn viên của Nhà hát Opera Bắc Kinh thời đó. Một ngày năm 1964, phía Trung Quốc tổ chức biểu diễn Kinh Kịch chiêu đãi đoàn ngoại giao, Shi Peipu đóng vai nữ chính. “Nàng” quá xinh đẹp và đầy nữ tính kiểu phương Đông đã hút hồn chàng trai Pháp lãng mạn và vô cùng hâm mộ văn hóa phương Đông.

Boursicot đâu có biết trong sân khấu Trung Quốc cổ, toàn bộ nhân vật nữ đều do nam đóng thay. Đó là hậu quả của quan niệm đạo đức thời phong kiến “xướng ca vô loài”, các gia đình cấm con gái làm nghề nghệ thuật sân khấu. Qua hàng nghìn năm, nghệ thuật hóa trang và tài diễn xuất của các nam diễn viên Kinh Kịch đạt tới mức xinh đẹp và giàu nữ tính hơn cả các phụ nữ bình thường.

Ngay hôm sau, Boursicot tìm gặp Shi Peipu bày tỏ tình cảm ngưỡng mộ và muốn kết bạn trăm năm. Shi Peipu kể với Boursicot rằng, cô lớn lên ở tỉnh Sơn Đông, có cha là một giáo sư đại học, còn mẹ là giáo viên. Cô đã từng theo học tiếng Pháp và từng tốt nghiệp với bằng cử nhân văn chương của trường Đại học Côn Minh. Lúc 17 tuổi, Shi Peipu đã là một diễn viên/ca sĩ được quần chúng công nhận. Từ năm 20 tuổi, Shi bắt đầu tập viết kịch.

Theo những lời tâm sự của Shi Peipu, bẩm sinh là gái nhưng ông bố có tâm lý trọng nam khinh nữ rất nặng muốn có con trai mà không có, cho nên từ nhỏ Shi Peipu đã phải hoàn toàn giả trai cho tới bây giờ. "Những tiết lộ này đã thay đổi toàn bộ cuộc sống của tôi, tôi không thể sống mà không có Shi Peipu”, Boursicot sau này thừa nhận như vậy.

Boursicot lúc đó chỉ thấy lửa tình với “cô gái trẻ Trung Hoa”. Hai người ôm nhau trong bóng tối và chấp nhận yêu nhau bí mật vì thời kỳ đó Trung Quốc chưa cho phép người dân tiếp cận với người nước ngoài.

“Nữ” diễn viên Shi Peipu những năm 1960. Ảnh: Le Figaro.

Sập bẫy

Thế nhưng, Bernard Boursicot không hề biết anh ta đang bị rơi vào cái bẫy do Cơ quan An ninh Trung Quốc giăng ra. Còn Shi Peipu chỉ là một trong những con rối của họ.

Khi Boursicot hết nhiệm kỳ ở Trung Quốc để chuyển sang một nước khác, Shi Peipu đã thông báo “cô” có thai. Boursicot hứa sẽ quay trở lại và anh đã giữ lời. Năm 1969, anh ta quay trở lại Bắc Kinh và giữ vị trí chuyên viên lưu trữ tài liệu của Đại sứ quán. Gặp lại nhau, Shi Peipu cho biết, “cô” đã sinh ra một cậu bé và đặt tên là Shi Dudu.

Cậu bé đã được gửi nuôi trong một gia đình nông dân ở Tân Cương bởi lẽ, xã hội Trung Quốc thời ấy khép kín, dân chúng không được phép có bất cứ quan hệ nào với người phương Tây, nhất là nhân viên ngoại giao, chứ đừng nói là có con với nhau. “Chúng tôi gặp nhau hai tuần một lần. Khi tôi ở nhà “cô” ấy, Shi Dudu được đưa đến chơi. Một cậu bé khá trầm và không nói chuyện với ai”, Boursicot kể.

Hồi ấy đang “Cách mạng văn hóa”, khắp nơi đấu tố, không khí vô cùng căng thẳng, ai có quan hệ với người nước ngoài sẽ bị theo dõi, trừng trị rất nặng … Lấy lý do ấy, Shi Peipu ép người tình của mình phải cộng tác với Cơ quan An ninh Trung Quốc, cụ thể là phải cung cấp các thông tin mật của Pháp; nếu không “vợ con” anh sẽ không được yên thân.

Boursicot  đồng ý chuyển tài liệu cho Kang Sheng, một nhân viên của Cơ quan An ninh Trung Quốc. Thời đó, Trung Quốc đang trong tình trạng Chiến tranh Lạnh nên Bắc Kinh đặc biệt quan tâm tới đối thủ của Liên Xô và của các nước Đông Nam Á. Chuyên viên lưu trữ Boursicot đã cung cấp cho Cơ quan An ninh Trung Quốc toàn bộ công văn của các đại sứ quán khác gửi tới Đại sứ quán Pháp.

Bi kịch tình yêu của Bernard Boursicot và Shi Peipu lên báo chí Mỹ. Ảnh: nytimes.com.

Trong tháng 5-1972, Boursicot say đắm trong tình yêu với Shi Peipu và thường xuyên được gặp "con trai" Dudu, nhưng thực ra là một đứa trẻ mồ côi ở Tân Cương được Cơ quan An ninh Trung Quốc sử dụng tới.

Hết nhiệm kỳ, Boursicot được chuyển về châu Âu. Ông phải đợi năm 1979 mới được cử làm chuyên viên lưu trữ tại Đại sứ quán Pháp ở Ulanbator (Mông Cổ) để được gần Shi Peipu. Cuộc đoàn tụ nhanh chóng được Cơ quan An ninh Trung Quốc thu xếp. Boursicot đã chuyển những tài liệu về sức mạnh quân sự của Liên Xô, những bản đánh giá, báo cáo được đóng dấu “mật” của Đại sứ quán. Tổng cộng Boursicot đã chuyển cho Trung Quốc 500 tài liệu.

Hoạt động tình báo của Boursicot tạm dừng khi anh ta trở về Paris năm 1981. Lấy lý do tránh mọi rắc rối nguy hiểm tại một đất nước dân chúng vốn rất ghét đồng bào của họ lấy chồng hoặc vợ người ngoại quốc, Shi Peipu yêu cầu Boursicot đưa vợ con sang Pháp. Mất rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc, Boursicot mới xin được visa cho “vợ và con” sang Pháp.

Tháng 3-1982, Shi Peipu và Shi Dudu tới Paris định cư tại cùng tòa nhà chung cư có căn hộ của Boursicot đang công khai sống với “vợ” mới - một người đàn ông đồng tính tên là Thierry Toulet.

Sự thật đau lòng

Thời điểm đó, Cơ quan An ninh Pháp được cảnh báo bởi sự ra vào của những người đồng tính, thường đến nhà Bernard Boursicot - một nhân viên ngoại giao từng làm việc ở châu Á. Các điều tra viên đã nhanh chóng vào cuộc để tìm hiểu mối quan hệ này và phát hiện ra rằng, việc Shi Peipu tới Pháp có mục tiêu duy nhất là buộc Boursicot tiếp tục làm việc cho Trung Quốc.

Ngày 30-6-1983, Bernard Boursicot bị bắt. Khi bị thẩm vấn, ông Bernard Boursicot thú nhận tất cả các hoạt động gián điệp của ông cho Cơ quan An ninh Trung Quốc nhằm “giữ gìn tình yêu” của mình với Shi Peipu và đứa con. Ông khẳng định, không bao giờ chuyển cho Trung Quốc tài liệu về nước Pháp cũng không làm hại đất nước của mình. Ngày hôm sau, Shi Peipu bị bắt.

Trong khi bị cảnh sát giam giữ, Shi Peipu thừa nhận mình là “trai giả gái”, đồng thời giải thích với bác sĩ cách ông ta giấu bộ phận sinh dục của mình để thuyết phục Boursicot rằng ông là một phụ nữ.

Hộ chiếu của Bernard Boursicot khi được cử sang Bắc Kinh làm việc. Ảnh: ireneeng.com.

Ngày 13-7 cùng năm, Hãng tin France Inter đưa tin: “Điệp viên “Mata Hari” của Trung Quốc là một đàn ông”. Thông tin trên khiến Boursicot choáng váng. Trong một cuộc thẩm vấn, ông yêu cầu các điều tra viên đưa ra bằng chứng… Đau đớn khi biết “cô vợ” của mình là đàn ông đích thực, Boursicot tìm cách tự tử bằng cách dùng dao lam rạch cổ họng của mình, nhưng may mắn được cứu sống.

Ngày 6-5-1986, tòa tuyên án Bernard Boursicot và Shi Peipu mỗi người 6 năm tù. Tháng 4-1987, gần một năm sau khi bị buộc tội, Shi Peipu được Tổng thống Pháp Francois Mitterrand ân xá nhằm xoa dịu căng thẳng giữa Paris và Bắc Kinh trước một vụ việc được cho là không quan trọng và "rất ngớ ngẩn". Boursicot cũng được ân xá trong tháng 8 cùng năm.

Sau khi được ân xá, Shi Peipu tiếp tục biểu diễn hát bội. Ông từ chối chia sẻ các chi tiết về mối quan hệ của mình với Boursicot, nói rằng ông "đã thường mê hoặc cả nam giới cũng như phụ nữ" và "chuyện cũ của ông không còn là vấn đề nữa”. Shi Peipu thỉnh thoảng liên lạc với Boursicot trong những năm sau đó. Vài tháng trước khi chết, Shi Peipu còn nói rằng, ông vẫn yêu Boursicot rất nhiều.

Shi Peipu qua đời vào ngày 30-6-2009, tại Paris, thọ 70 tuổi. Còn cậu con trai Shi Dudu ngày đó giờ đã có ba con trai. Sau khi được thông báo về cái chết của Shi Peipu, Boursicot buồn bã nói: “Anh ta đã làm rất nhiều điều chống lại tôi không một chút hối tiếc. Tôi nghĩ rằng, thật ngu ngốc nếu tôi đóng kịch làm ra vẻ mình buồn. Chuyện đã qua. Bây giờ tôi được thanh thản”.

Cho đến lúc về già, Boursicot vẫn cho rằng mình là gián điệp duy nhất trên thế giới mà phải trả tiền để được làm gián điệp, bởi vì ông đã tốn rất nhiều tiền trong mối quan hệ với Shi Peipu.

Thế nhưng, một sự thật sau này được chính Boursicot tiết lộ rằng, ông chính là người đồng tính luyến ái ngay từ khi còn là học sinh. Trong một lần trả lời nhà báo năm 1988, ông nói: “Tôi luôn thích cả đàn ông lẫn đàn bà; dù tôi và họ thuộc giới tính nào, điều ấy không quan trọng”.

Sau khi báo chí tiết lộ câu chuyện của Boursicot và Shi Peipu, nhà viết kịch David Henry Hwang đã dựa trên cốt truyện này để viết một vở kịch mang tên “Mister Butterfly”, trong đó diễn viên B.D.Wong đóng vai Song Liling - nữ ca sĩ hát bội và là một điệp viên của Trung Quốc.

Tuy nhiên, khác với đời thực, nhân vật René Gallimard - một nhà cựu ngoại giao Pháp trong vở kịch của David Henry Hwang, sau khi biết mình bị lừa dối, bao năm nay theo đuổi một mối tình hão huyền, không chịu nổi nỗi xấu hổ và đau khổ dằn vặt, đã tự tử trong nhà tù.

Yên Bình (theo Le Figaro)
.
.