Có hay không sự hợp tác gián điệp toàn cầu giữa Nhật Bản và NSA?

Thứ Ba, 09/05/2017, 14:10
Theo tài liệu mật của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) được Edward Snowden tiết lộ, mối quan hệ khăng khít trong bí mật giữa chính quyền Nhật Bản và NSA sau khi Chiến tranh thế giới lần 2 kết thúc kéo dài hơn 6 thập niên. Trong suốt nhiều năm, NSA duy trì một "cơ sở bí mật" bên trong căn cứ quân sự Mỹ Hardy Barraks nằm ở khu thương mại sầm uất Minato giữa thủ đô Tokyo, Nhật Bản.


Cơ sở gián điệp bí mật bên trong những căn cứ quân sự

Ngày 14-8-1945, Nhật Bản tuyên bố đầu hàng vô điều kiện chỉ vài ngày sau khi máy bay Mỹ thả 2 quả bom nguyên tử xuống Nagasaki và Hiroshima, giết chết hơn 100.000 người. Lực lượng Mỹ - do tướng Douglas MacArthur chỉ huy - phác thảo hiến pháp mới cho Nhật Bản đồng thời cải cách hệ thống nghị viện nước này.

Căn cứ Không quân Yokota ở Fussa phía tây Tokyo. 

Tháng 4-1952, Nhật Bản được khôi phục chủ quyền lãnh thổ nhưng Mỹ vẫn tiếp tục duy trì sự hiện diện quân sự ở nước này và đó cũng là lúc câu chuyện về NSA bắt đầu. Về mặt chiến lược, Nhật Bản là một trong những đối tác có giá trị nhất của NSA do nước này nằm gần những quốc gia đối thủ của Mỹ như Trung Quốc, CHDCND Triều Tiên và Nga. Lúc đầu, NSA muốn giữ bí mật về sự hiện diện của họ tại Nhật Bản để tiến hành hàng loạt chiến dịch tình báo. Nhưng khi mối quan hệ đôi bên phát triển mạnh hơn thì mọi chuyện bắt đầu thay đổi.

Năm 2007, NSA xác định không cần phải giữ bí mật hoạt động nữa và bắt đầu di chuyển các cơ sở vào bên trong Đại sứ quán Mỹ ở Tokyo. Trong khi cố duy trì mối quan hệ thân thiện với đối tác Nhật Bản, NSA lại âm thầm gián điệp quan chức cũng như những tổ chức tài chính của nước này.

Một trong những cơ sở tình báo quan trọng nhất của NSA ở Nhật Bản nằm trong căn cứ không quân Mỹ ở Misawa, cách Tokyo hơn 643 km về phía bắc. Cơ sở - được gọi là "Trung tâm Chiến dịch An ninh Misawa" (MSOC)- là nơi tiến hành sứ mạng mang mật danh LADYLOVE, sử dụng khoảng chục ăngten mạnh đặt bên trong những quả cầu khổng lồ màu trắng để bắt tín hiệu những cuộc giao tiếp được truyền qua mạng vệ tinh trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. 

Theo tài liệu tháng 3-2009 của NSA, Misawa được sử dụng để giám sát "hơn 8.000 tín hiệu truyền qua 16 vệ tinh mục tiêu" đáp ứng yêu cầu "thu thập tất cả" từ giám đốc cơ quan lúc đó là tướng Keith Alexander.

Thời gian đó, đội ngũ nhân viên NSA ở Misawa phát triển công nghệ cho phép tự động scan và xử lý khối lượng đồ sộ các tín hiệu vệ tinh. Ngoài ra tại Misawa, NSA còn phát triển một số chương trình gọi là APPARITION và GHOSTHUNTER nhằm giám sát định vị người truy cập Internet ở Trung Đông và Bắc Phi. Chương trình GHOSTHUNTER cũng được triển khai tại căn cứ không quân Menwith Hill tại Anh để phục vụ những chiến dịch không kích chống khủng bố.

Tòa nhà Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) ở Tokyo.

Theo tài liệu NSA, Misawa đặc biệt hữu ích đối với chiến dịch truy lùng nghi can khủng bố ở Afghanistan, Pakistan và Indonesia. Một phương pháp được NSA triển khai tại căn cứ Misawa gọi là tấn công "Quantum Insert" - nghĩa là giám sát thói quen duyệt web của những người dùng là mục tiêu trước khi bí mật điều hướng họ đến trang web độc hại hay máy chủ để lây nhiễm máy tính bằng mã độc để thu thập dữ liệu chuyển về cho chuyên gia NSA phân tích.

Căn cứ không quân Yokota của Mỹ nằm trên vùng đồi thấp dưới chân dãy núi Okutama gần thành phố Fussa là nơi làm việc của hơn 3.400 nhân viên tình báo. Sứ mạng của căn cứ Yokota là "tăng cường vị thế răn đe của Mỹ, và nếu cần thiết, cung cấp sự hỗ trợ không vận cũng như chiến đấu cho các chiến dịch phòng vệ". Ngoài ra, Yokota cũng có nhiệm vụ khác bí mật và quan trọng hơn cả. Yokota là nơi hoạt động của Trung tâm Hỗ trợ Công nghệ (ESF), nghĩa là cung cấp trang thiết bị cho mọi chiến dịch gián điệp trên toàn thế giới.

Năm 2004, NSA mở cửa cơ sở ESF rộng lớn có diện tích bằng một nửa sân vận động bóng đá ở Yokota dành để sửa chữa và sản xuất thiết bị ăngten để triển khai tại một số quốc gia như: Afghanistan, Hàn Quốc, Thái Lan, vùng Balkans, Iraq, Trung Mỹ, Nam Mỹ và Cyprus. Công trình xây dựng tiêu tốn 6,6 triệu USD được chính phủ Nhật Bản chi trả hoàn toàn. Nhật Bản cũng hỗ trợ trả số tiền lương tổng cộng 375.000 USD cho đội ngũ nhân viên đông đảo  ở ESF - bao gồm 7 chuyên gia thiết kế, thợ máy cùng với nhiều chuyên gia khác.

Cách sân bay Yokota gần 2.000km về phía tây nam là một trạm gián điệp từ xa khác của NSA, nằm bên trong căn cứ Hải quân Mỹ Camp Hansen trên đảo Okinawa. Trạm gián điệp này cũng được chính phủ Nhật Bản hào phóng bơm tiền - trị giá khoảng 500 triệu USD - nuôi dưỡng. Vai trò của trạm nghe lén từ xa trên đảo Okinawa là thu thập tín hiệu những cuộc giao tiếp tần số cao - một phần trong chương trình rộng lớn hơn của NSA mang mật danh STAKECLAIM.

Năm 2013, NSA tuyên bố tăng cường hợp tác về các vấn đề an ninh mạng với 2 đối tác Nhật Bản là Tình báo Tín hiệu Nhật Bản (SIGINT Nhật Bản) và Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản (NPA). Thực ra từ tháng 2-2012, Nhật Bản bắt đầu chia sẻ thông tin với NSA về đủ loại mã độc được thế giới hacker tội phạm sử dụng. Đây là lần đầu tiên Nhật Bản chia sẻ loại dữ liệu này với NSA và được tình báo Mỹ đánh giá có giá trị giúp phòng vệ hay dò tìm phát hiện những cuộc tấn công của hacker nhằm vào "những hệ thống thông tin chủ chốt của Mỹ".

Đáp lại, NSA chia sẻ thông tin về những vụ phóng tên lửa của CHDCND Triều tiên cho đối tác Nhật Bản. Ngoài ra, NSA cũng cung cấp cho điệp viên Nhật Bản sự huấn luyện và giúp trang bị một số công cụ gián điệp mạnh nhất.

Mối quan hệ đối tác không đáng tin cậy

NSA hợp tác với một loạt các đối tác khác biệt nhau tại một số quốc gia trên thế giới từ Anh và Thụy Điển cho đến Arập Xêút và Ethiopia. Tuy nhiên, quan hệ đối tác giữa NSA và Nhật Bản được coi là phức tạp nhất cũng như bị phá hỏng bởi sự mất niềm tin lẫn nhau.

Trong tài liệu tháng 11-2008, một trong những sĩ quan tình báo cao cấp nhất của NSA vừa mô tả đối tác Nhật Bản "rất hoàn hảo" trong thực hiện sứ mạng tình báo tín hiệu nhưng lại vừa bày tỏ sự thất vọng rằng "họ giữ bí mật một cách thái quá giống như thời Chiến tranh lạnh".

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đọc diễn văn tại căn cứ không quân Yokota ở Tokyo, ngày 24-10-2011.

NSA tham gia vào một nhóm hợp tác tình báo tín hiệu gọi là SIGINT Seniors Pacific bao gồm các cơ quan tình báo từ Australia, Canada, Anh, Pháp, Ấn Độ, New Zealand, Thái Lan, Hàn Quốc và Singapore. Nhóm tập trung hoạt động giám sát những vấn đề an ninh ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Mặc dù đặc biệt quan tâm đến những vấn đề này song Nhật Bản từ chối tham gia nhóm vì những lý do khó hiểu.

Một số hành động bất hợp tác của Nhật Bản đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến những chương trình gián điệp của NSA. Nhật Bản hợp tác với NSA suốt nhiều năm trong chương trình gián điệp mang mật danh CROSSHAIR chia sẻ thông tin thu thập từ tín hiệu tần số cao.

Tuy nhiên, đến năm 2009 thì Tokyo đột ngột ngừng tham gia chương trình. 4 năm sau đó, vấn đề "Nhật Bản" vẫn còn gây lo ngại cho NSA. Một tài liệu NSA nhận định về đối tác Nhật Bản: "Trong quá khứ, đối tác nhận thức sai lầm rằng NSA cố ép buộc họ sử dụng những giải pháp kỹ thuật của Mỹ thay cho những kỹ thuật của riêng họ. Từ đó mà đối tác phản ứng mạnh theo cách tiêu cực".

Nhưng trong khi phê phán Nhật Bản thì NSA cũng gây vấn đề khác làm xấu đi quan hệ đối tác. Một tài liệu tháng 5-2006 tiết lộ một bộ phận của NSA -Cơ quan về các quan hệ đối tác chiến lược và Tây Âu - gián điệp Nhật Bản trong nỗ lực thu thập thông tin về chính sách đối ngoại cũng như các hoạt động thương mại của Tokyo. Tháng 7-2010, NSA được tòa án Mỹ cho phép gián điệp các quan chức Nhật Bản đang làm việc trên đất Mỹ và Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) đặt văn phòng tại Washington DC và New York City.

Trang Thuần (tổng hợp)
.
.