Cơ quan Ngoại giao Ấn Độ tại Mỹ bị nghe lén

Thứ Năm, 10/10/2013, 20:35

Hệ thống máy tính và điện thoại của hai cơ quan ngoại giao Ấn Độ trên đất Mỹ - tòa nhà Phái đoàn ngoại giao Ấn Độ tại Liên Hiệp Quốc (LHQ) ở New York và Đại sứ quán Ấn Độ ở Washington DC. - đều bị Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) gài thiết bị nghe lén, "soi mói" luồng lưu thông Internet, e-mail, những cuộc nói chuyện qua điện thoại và thậm chí các tài liệu lưu trữ số hóa...

Nằm ở phía đông khu Manhattan của New York City, tòa nhà Phái đoàn ngoại giao thường trực Ấn Độ tại LHQ đứng đầu trong danh sách các mục tiêu Ấn Độ của NSA. Tòa nhà được xây dựng năm 1993 theo thiết kế của kiến trúc sư Charles Corre tên tuổi của Ấn Độ, là mục tiêu gián điệp chính của 4 công cụ tinh vi của NSA bao gồm: Lifesaver (có khả năng gửi về cho NSA các bản sao chép mọi thứ từ các đĩa cứng máy tính), Highlands (thu thập thông tin số hóa từ các thiết bị cài đặt), Vagrant (thu thập dữ liệu trực tiếp từ màn hình máy tính) và cuối cùng là Magnetic (thu thập các tín hiệu số hóa).

Một nhà ngoại giao Ấn Độ nói với tờ The Hindu rằng, hành động gián điệp của NSA có thể gây "tổn hại rất lớn" cho lập trường của Chính phủ Ấn Độ về nhiều vấn đề quốc tế, từ các cải cách Hội đồng Bảo an LHQ cho đến các chiến dịch gìn giữ hòa bình. Nhà ngoại giao giấu tên giải thích: "Nếu như NSA có thể gài những công cụ gián điệp tinh vi vào bên trong các thiết bị viễn thông của tòa nhà Liên minh châu Âu (EU) để chặn bắt mọi tín hiệu giao tiếp thì không có lý do gì để nghi ngờ họ không theo dõi chúng ta”.

Mục tiêu kế tiếp của NSA là khu văn phòng Đại sứ quán Ấn Độ nằm ở số 2107 phố Massachusetts ở Washington DC. Bao gồm 2 tòa nhà liền kề (một căn được xây dựng năm 1885 và căn còn lại năm 1901), Đại sứ quán Ấn Độ có các văn phòng của đại sứ, các cố vấn lãnh đạo các bộ phận chính trị, kinh tế, quốc phòng và công nghiệp cùng với 3 tùy viên quốc phòng đại diện cho Quân đội, Không quân và Hải quân Ấn Độ.

Đại sứ quán Ấn Độ ở Washington DC.

Cũng nằm trong danh sách mục tiêu của NSA là phần nhà phụ của Đại sứ quán Ấn Độ ở số 2536 phố Massachusetts tại Washington DC. Tòa nhà phụ này có 3 bộ phận quan trọng: Ban lãnh sự do một công sứ lãnh đạo phụ trách về visa, Ban thương mại cũng do một công sứ lãnh đạo chịu trách nhiệm về một loạt các vấn đề giao thương của Ấn Độ và Văn phòng của Cơ quan Nghiên cứu không gian Ấn Độ (ISRO) phụ trách các vấn đề hợp tác trong lĩnh vực không gian của hai nước Ấn Độ và Mỹ.

Những hồi chuông báo động đã bắt đầu gióng lên ở New Delhi từ tháng 7-2013 khi lần đầu tiên có báo cáo về việc 38 đại sứ quán và phái đoàn ngoại giao nước ngoài - bao gồm Đại sứ quán Ấn Độ ở Washington - trở thành mục tiêu gián điệp của NSA. Cho đến bây giờ, phái đoàn ngoại giao Ấn Độ tại LHQ vẫn chưa có phản ứng gì trước những báo cáo về hoạt động gián điệp của NSA cũng như chưa có câu trả lời chính thức với tờ The Hindu về vấn đề này.

Trong khi đó, chính quyền Mỹ tuyên bố rõ là họ sẽ không "xin lỗi" với bất cứ ai về những vụ gián điệp chống các sứ mạng ngoại giao nước ngoài, bao gồm Đại sứ quán Ấn Độ và Phái đoàn ngoại giao Ấn Độ tại LHQ ở thành phố New York!

Trong số các quốc gia thành viên của BRICS - Nhóm các nền kinh tế mới nổi bao gồm: Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi - thì Ấn Độ được coi là mục tiêu số 1 của NSA. Còn trong danh sách tổng các mục tiêu của NSA trên toàn thế giới thì Ấn Độ được xếp ở vị trí thứ 5.

Theo tiết lộ của “Người thổi còi” Edward Snowden dành riêng cho tờ The Hindu mới đây, NSA tiến hành thu thập thông tin về mọi hoạt động của Ấn Độ thông qua ít nhất 2 chương trình chính - thứ nhất là Boundless Informant (tạm dịch: Người đưa tin vô hạn), tức là hệ thống khai thác dữ liệu về các cuộc gọi điện thoại và e-mail; và thứ hai gọi là PRISM. NSA thu thập thông tin về hàng triệu cuộc gọi, tin nhắn và e-mail mỗi ngày được thực hiện bên trong Ấn Độ, hay giữa Ấn Độ và một nước ngoài nào đó.

Theo các tài liệu mật mà tờ The Hindu có được, "Boundless Informant" là công cụ của bộ phận mang tên Các chiến dịch truy cập toàn cầu (GAO) của NSA, hoạt động với phương châm là "Sứ mạng không bao giờ ngủ" và phục vụ hết mình cho hệ thống SIGNT. "Boundless Informant" được đánh giá là công cụ cực kỳ hữu hiệu của GAO.

Tòa nhà Phái đoàn Ngoại giao Ấn Độ ở New York.

Các "bản đồ nhiệt toàn cầu" của NSA mà tờ The Hindu nhìn thấy tiết lộ tham vọng gián điệp toàn thế giới của Mỹ là hết sức ghê gớm! Ví dụ, một "bản đồ nhiệt" cho thấy chỉ riêng trong tháng 3/2013, NSA đã thu thập được 6,3 tỉ thông tin từ mạng Internet ở Ấn Độ! Một "bản đồ nhiệt" khác tiết lộ NSA thu thập 6,2 tỉ thông tin từ các mạng điện thoại của Ấn Độ trong cùng một thời gian. Tất cả 3 "bản đồ nhiệt" của NSA - được ấn định mã màu sắc đặc biệt cho riêng mỗi quốc gia để thể hiện mức độ quan trọng của mục tiêu - cho thấy rõ Ấn Độ là một trong những quốc gia mục tiêu "nóng" nhất của tình báo Mỹ.

Hệ thống màu sắc thể hiện trên các "bản đồ nhiệt" của NSA tiết lộ mức độ quan tâm của NSA đối với mục tiêu, từ màu xanh (mục tiêu gián điệp ít được quan tâm nhất) cho đến màu vàng, cam và đỏ (mục tiêu được giám sát chặt chẽ nhất). Ấn Độ nằm trong khu vực màu cam và đỏ; còn các nước trong khối BRICS như Brazil, Nga và Trung Quốc thì nằm trong các vùng màu xanh hay vàng.

Một "bản đồ nhiệt" cho thấy "Boundless Informant" thu thập 14 tỉ thông tin vào tháng 3/2013 từ Iran, quốc gia có lượng thông tin lớn nhất bị NSA đánh cắp. Và, sau đó là Pakistan (13,5 tỉ thông tin), Jordan đứng hàng thứ ba với 12,7 tỉ thông tin bị đánh cắp, Ai Cập hàng thứ tư với 1,6 tỉ.

Mặc dù mối quan hệ giữa Ấn Độ và Mỹ căng thẳng trong suốt nhiều thập niên, song tình hình đã cải thiện đáng kể giữa hai quốc gia trong những năm gần đây. Cựu Tổng thống George W. Bush coi Ấn Độ là đối trọng với Trung Quốc. Tổng thống Barack Obama cũng được tiếp đón nồng nhiệt tại Ấn Độ khi viếng thăm nước này vào năm 2010

Trang Thuần (tổng hợp)
.
.