Công nghệ gián điệp tín hiệu phục vụ cho tình báo Mỹ

Thứ Năm, 05/09/2013, 04:40

Công ty công nghệ sợi quang Glimmerglass Networks Inc. ở miền Bắc bang California cung cấp cho các cơ quan tình báo Mỹ một sản phẩm phần mềm "CyberSweep" để chặn bắt các tín hiệu từ những hệ thống cáp ngầm dưới biển. Công ty quảng cáo công nghệ của họ có khả năng phân tích Gmail và Yahoo! Mail cũng như các mạng xã hội như Facebook và Twitter để phát hiện thông tin tình báo quan trọng. Tuy nhiên, Glimmerglass cho biết, họ chỉ phục vụ cho vài cơ quan tình báo trong số những khách hàng của họ và từ chối tiết lộ các thông tin khác.

Các tiết lộ mới đây của Edward Snowden dành cho tờ báo Anh The Guardian đặc biệt nhấn mạnh Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) khai thác thông tin từ hệ thống cáp ngầm dưới biển song không có chi tiết nào về công nghệ chuyên biệt cho nhiệm vụ này được công bố.

Đáng chú ý là, Snowden cung cấp bằng chứng cho thấy NSA từng chi ra khoản tiền lớn đến 25 triệu USD vào năm 2009 để nâng cấp "triệt để" một trạm nghe lén do Cơ quan Tình báo tín hiệu Anh (GCHQ) vận hành ở Bude, hạt Cornwall (Anh), nơi có nhiều hệ thống cáp trên mặt đất.

Người ta cho rằng nếu như GCHQ và NSA triển khai công nghệ chuyển mạch sợi quang thương mại của Glimmerglass đối với hệ thống cáp ngầm dưới biển để khai thác dòng thác dữ liệu lưu thông qua Đại Tây Dương thì chắc hẳn hai cơ quan tình báo khổng lồ này không thể bỏ qua CyberSweep.

Công cụ CyberSweep và hệ thống cáp ngầm dưới biển

Trên trang web của Glimmerglass, sản phẩm CyberSweep có khả năng xử lý thông tin từ nguồn dữ liệu khổng lồ lưu thông qua hệ thống cáp quang ngầm dưới biển và Jim Donnelly - như lời Phó chủ tịch công ty phụ trách kinh doanh ở khu vực Bắc Mỹ - trình bày những ưu điểm của phần mềm này vào năm 2011. Glimmerglass quảng cáo sản phẩm CyberSweep là "giải pháp an ninh mạng toàn diện" có thể "chọn lọc, trích xuất và giám sát" mọi "dữ liệu qua đường truyền cố định và di động, giọng nói và video, Internet, web 2.0 và mạng xã hội" một cách hiệu quả nhất.

Glimmerglass cũng nhấn mạnh, CyberSweep cũng có thể được sử dụng tại "các trạm nằm dưới mặt biển" - tức là những địa điểm kết nối cáp ngầm với các hệ thống trên đất liền.

Trên trang web của Glimmerglass, công ty cho biết các sản phẩm khai thác dữ liệu cáp quang được các cơ quan tình báo Mỹ sử dụng trong 5 năm qua nhưng không đi sâu thêm vào bất cứ chi tiết nào. Trong một tài liệu được Snowden tiết lộ, tháng 6-2008, Giám đốc NSA - tướng Keith Alexander - có chuyến viếng thăm đến tổng hành dinh GCHQ ở Anh và thốt lên: "Tại sao chúng ta không thể thu thập mọi tín hiệu điện tử trong mọi lúc mọi nơi".

Chẳng bao lâu sau đó, một dự án kéo dài 3 năm được thành lập tại Trung tâm Phát triển không gian mạng (CDC) ở Bude, hạt Cornwall, cũng như ở tại những địa điểm khác như là một căn cứ tình báo tín hiệu (SIGINT) của GCHQ ở Cheltenham.

Các thiết bị dò tìm được lắp đặt trên 200 cáp ngầm dưới biển và vào mùa thu năm 2011, dự án có tên mã TEMPORA của tình báo Anh được khởi động với sự giúp đỡ tận tình của các chuyên gia phân tích NSA. Theo các tài liệu rò rỉ từ Snowden, có ít nhất 7 công ty công nghệ hàng đầu thế giới của Anh và Mỹ tham gia vào dự án TEMPORA - theo thứ tự bao gồm British Telecom, Global Crossing, Interoute, Level 3, Verizon Business và Vodafone Cable.

Trang web của Glimmerglass Networks Inc.

Trong dự án TEMPORA, tổng cộng có khoảng 600 triệu cuộc liên lạc điện thoại một ngày hay 21 petabytes  dữ liệu được GCHQ thu thập và phân tích. Một số lượng lớn dữ liệu đánh cắp sau đó được xóa bỏ trong tiến trình Tiết giảm khối lượng khổng lồ (MVR) và "siêu dữ liệu" - như là các chi tiết cuộc gọi, thời điểm và vị trí thực hiện cuộc gọi mà không bao hàm nội dung - chỉ được lưu giữ trong vòng 30 ngày.

Các tài liệu do Snowden cung cấp cho biết, hiện nay GCHQ thu thập được một lượng siêu dữ liệu còn lớn hơn cả những gì mà NSA có được và chúng được xử lý bởi 300 chuyên gia phân tích Anh với sự hỗ trợ của 250 chuyên gia đến từ NSA. Các chuyên gia phân tích Anh được khuyến khích khai thác sâu đối với dữ liệu viễn thông từ khi sự giám sát của chính quyền nước này trở nên ít khắt khe hơn so với Mỹ. Một điều chắc chắn rằng, hệ thống cáp ngầm dưới biển cực kỳ thuận tiện cho hoạt động thu thập mọi tín hiệu vào mọi lúc - ước tính có khoảng 90% dữ liệu viễn thông xuyên biên giới được truyền theo các cáp quang xuyên Đại Tây Dương.

Ngày nay, có đến hàng trăm cáp quang đan chéo nhau trên khắp hành tinh, dưới đáy các đại dương và chạy dọc theo những vùng bờ biển để kết nối các hệ thống viễn thông. Những sợi cáp ban đầu được làm bằng đồng nhưng cách đây chừng 25 năm, chúng được thay thế bằng sợi quang. Cáp quang ngầm dưới biển vượt Đại Tây Dương đầu tiên là Trans Atlantic-8 (TAT-8) do các đối tác Tổng cục Lao động Pháp (DGT), AT&T (Mỹ) British Telecom International (BTT, Anh) cùng đầu tư thiết kế và lắp đặt năm 1988 để truyền dữ liệu từ Tuckerton (bang New Jersey, Mỹ) đến Pháp và Bude (hạt Cornwall, Anh) với tốc độ 280 megabits/giây.

Căn cứ của GCHQ ở Bude.

TAT-8 dài 6.620km và có khả năng truyền 37.500 cuộc điện đàm cùng một lúc! Sau đó, TAT-8 dài 9.550km ra đời với sự hợp tác giữa Mỹ, Canada và Pháp, và có khả năng truyền cùng lúc 80.000 cuộc điện đàm - tức gấp đôi cáp quang TAT-8. Các cáp quang mới đây nhất là Yellow/Atlantic Crossing-2 do Level 3 Communications lắp đặt năm 2000 và nâng cấp năm 2007 có khả năng truyền dữ liệu với tốc độ 640 gigabits/giây - tương đương khoảng 7,5 triệu cuộc gọi điện thoại đồng loạt.

Để bảo đảm dữ liệu và giọng nói được nhanh chóng và chính xác trên khắp thế giới ngay cho dù có gặp sự cố về trang thiết bị hay đứt gãy cáp, các công ty viễn thông "xẻ nhỏ" dữ liệu thành những gói nhỏ chạy qua đại dương trước khi được thu giữ và tái hợp ở phía khác. Chính điều này giúp cho việc chặn bắt tín hiệu dữ liệu trở nên dễ dàng cũng như kín đáo cho các cơ quan tình báo tín hiệu.

Glimmerglass Networks nghe lén toàn thế giới

Glimmerglass Networks Inc. - thành lập năm 2000, trụ sở chính đặt ở Hayward, bang California - là công ty phát triển và cung cấp những giải pháp chuyển mạch quang thông minh cho khu vực công nghiệp viễn thông và chính quyền Mỹ. Các sản phẩm của Glimmerglass Networks được sử dụng trong trung tâm dữ liệu, cáp quang ngầm dưới biển cũng như các ứng dụng quốc phòng và tình báo.

Robert Lundy, Giám đốc Điều hành (CEO) của Glimmerglass trong 9 năm qua, tuyên bố công nghệ của công ty rất hữu ích có hoạt động thu thập dữ liệu của các cơ quan tình báo và chính quyền. Robert Lundy từng phục vụ quân đội Mỹ ở châu Âu trong bộ phận quản lý "các hệ thống dữ liệu chiến thuật" và đã về hưu. Sau đó, Lundy làm CEO cho Công ty IBM. Năm 2004 được Glimmerglass thuê dụng và tháng 5-2005, trở thành CEO của công ty.

Ngày 21/9/2005, Glimmerglass Networks giành được hợp đồng trị giá 769.600 USD cung cấp trang thiết bị hỗ trợ viễn thông cho Hải quân Mỹ. Năm 2010, Robert Lundy thành công trong việc mở rộng hoạt động kinh doanh cho Glimmerglass khi cung cấp các hệ thống chặn bắt tín hiệu viễn thông trong khuôn khổ luật pháp cho các khách hàng bên ngoài nước Mỹ - bao gồm Đức, Israel và Anh cũng như 2 quốc gia không được nêu tên ở châu Á.

Hàng trăm cáp quang ngầm dưới biển luôn bị các cơ quan tình báo âm thầm kiểm soát.

Trong một cuộc phỏng vấn về các mối đe dọa của phần mềm độc hại (malware) trên phạm vi toàn cầu của blog công nghiệp Fierce Telecom, Robert Lundy hãnh diện nói: "Chúng tôi là tiêu chuẩn vàng trong cộng đồng quốc phòng và tình báo. Chúng tôi quản lý những tín hiệu quang để giúp khách hàng có thể thu thập thông tin tình báo cần thiết nhằm bảo vệ đất nước".

Hoạt động phân tích số lượng lớn dữ liệu viễn thông để theo dõi các mục tiêu khủng bố tiềm tàng từ lâu là chiến lược của NSA. Trong suốt nhiều thập niên, NSA gặp bế tắc đối với chương trình giám sát những cá nhân nguy hiểm bởi vì cơ quan này không có công cụ hữu hiệu nào để nghe lén, đánh chặn tín hiệu điện tử và phân tích mọi thứ. Năm 2000, hai dự án cạnh tranh ra đời với nỗ lực thu thập các tín hiệu điện tử trong mọi lúc.

Công ty Các ứng dụng khoa học Quốc tế (SAIC) đặt trụ sở ở Tysons Corner, bang Virginia, ký hợp đồng với NSA thiết kế hệ thống thu thập dữ liệu gọi là TrailBlazer; trong khi Trung tâm Nghiên cứu tình báo tín hiệu (SARC) nội bộ của NSA làm việc với dự án gọi là ThinThread. Cuối cùng, dự án TrailBlazer bị hủy bỏ do không hoạt động hữu hiệu sau khi số tiền tiêu tốn cho nó đã lên đến 1,2 tỉ USD! Trong khi đó, dự án ThinThread thành công hơn vì nó có thể xử lý thông tin quan trọng một cách có chọn lọc và vứt bỏ những gì không đáng phải quan tâm.

Các nhà thiết kế dự án ThinThread cũng khôn khéo tạo ra hệ thống kiểm soát để che giấu hành vi thu thập dữ liệu cá nhân. Jane Mayer, nữ phóng viên tạp chí New Yorker phỏng vấn một số cựu nhân viên NSA và cho biết ThinThread có thể thu thập dữ liệu về những giao dịch tài chính, lịch trình đi lại của mọi người, các động tác tìm kiếm trên web và bất cứ những thông tin nào giúp cơ quan an ninh phát hiện "kẻ xấu". Nhưng, không may cho đội SARC là ThinThread bị các quan chức cao cấp nhất trong Ban giám đốc NSA tuyên bố hủy bỏ vào tháng 8/2001. Tuy nhiên, sau vụ tấn công khủng bố nước Mỹ ngày 11/9/2001, NSA muốn quay trở lại với ThinThread, nghe đâu dự án đã được tái khởi động.

Các chuyên gia bảo vệ quyền công dân tố cáo hoạt động thu thập dữ liệu trên quy mô lớn là xâm phạm đời tư công dân. Jameel Jaffer, Phó giám đốc phụ trách các vấn đề pháp lý của Liên minh Dân quyền Mỹ (ACLU), chỉ trích hành vi thu thập thông tin của chính quyền vi phạm nhiều quy định của luật pháp được ban hành nhằm bảo vệ đời tư công dân như là Tu chính án thứ 4; cũng như Đạo luật thứ 8 của Công ước châu Âu về nhân quyền và Đạo luật thứ 12 của Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền.

Các vấn đề lớn hiện nay là các công ty viễn thông hàng đầu thế giới đóng vai trò gì trong chương trình thu thập dữ liệu và các nhà thầu tình báo như là Glimmerglass Networks Inc. đã giúp đỡ thiết kế hệ thống phân tích và thu thập thông tin cho chính quyền và các cơ quan tình báo như thế nào.

Eric King, lãnh đạo bộ phận nghiên cứu của Tổ chức nhân quyền Privacy International, đặt vấn đề: "Chương trình TEMPORA của tình báo Anh không thể nào hoạt động được nếu không có sự hỗ trợ tích cực của các nhà cung cấp cáp quang ngầm dưới biển. Những gì mà chúng ta, và công chúng, cần được biết là họ đã làm những gì để bảo vệ quyền riêng tư người dân?"

Trang Thuần (tổng hợp)
.
.