Cửa hậu cho tướng Paulus

Thứ Năm, 24/02/2005, 07:43
Thượng uý Ilichenko nhấc đèn lên nhìn: trên giường có một người rất già, đầy râu ria, mặc áo cổ lọ, không rõ màu gì bộ quân phục treo trên ghế.Đó là Thống soái Paulus (vào năm 1943, ông ta 53 tuổi).

12 năm trước đây báo "Luận chứng và Sự kiện" (A&F) đã trích đăng bài từ quyển sách của Aleksandr Vert "Nước Nga trong chiến tranh, 1941 - 1945" viết về sự đầu hàng của Quân đoàn số 6 phát xít Đức dưới sự chỉ huy của Thống soái Paulus ở Stalingrad. Tác giả cuốn sách đã kể về việc người sĩ quan Nga 22 tuổi Phedor Ilichenko bắt Thống soái Đức Paulus làm tù binh.

62 năm trôi qua, các phóng viên báo "A&F" đã tìm gặp được người lính già nay là Đại tá về hưu 83 tuổi. Ông hiện sống tại Kiev.

Vào mùa hè năm 1942, Stalin bắt đầu chuẩn bị một trận đánh lớn để đập tan quân Đức tại Stalingrad. Phedor Ilichenko, khi đó 22 tuổi, với hàm Thượng úy, được đưa về Sư đoàn 38 Bộ binh cơ giới, giữ cương vị tương đương Đại tá. Đơn vị với 6.500 quân được huy động cấp tập trong vòng 18 ngày và được tung ngay vào trận.

Sau vài ngày chiến đấu tại đồi Mamaev đơn vị chỉ còn lại 138 người. Việc bổ sung quân số được thực hiện thẳng từ quân y viện: những người đã bình phục gần như đi thẳng từ giường bệnh đến chiến hào, cộng với một lực lượng không nhỏ được huy động từ hậu phương hoặc đang làm việc tại các nhà máy quốc phòng của thành phố.

Quân Đức không có cơ hội nào để thoát khỏi chảo lửa ở Stalingrad: Phía trước là quân Nga mà lính Đức rất sợ bị bắt làm tù binh, phía sau là các trại tiền phương sẵn sàng bắn chết kẻ nào thoái lui. Khẩu phần ăn hằng ngày của lính Đức ở Stalingrad là một ổ bánh mì đen cho 5 người và một miếng thịt ngựa. Chúng ăn cả mèo, chó, nhím, quạ, chuột.

Chỉ huy cao cấp của Quân đoàn số 6 đã sẵn sàng bỏ mặc lính cho số phận. Chúng tập hợp thành các nhóm gồm các sĩ quan và tướng lĩnh với dự định tháo chạy khỏi chảo lửa bằng cách trượt tuyết. Khi nghe đến ý đồ này, tướng Paulus cho đó là sự ngu ngốc.

"Việc bắt được Paulus hoàn toàn là sự tình cờ - Phedor Ilichenko kể lại - Trong chiến tranh vẫn có chuyện như vậy. Một lần chúng tôi tóm được “cái lưỡi” - một tên biết nhiều thứ tiếng. Viên trung tá bị bắt này giỏi tiếng Nga, Ba Lan, Rumani, Anh và nhiều thứ tiếng khác.

Thống soái Paulus - SĨ quan cao cấp của Đức bị bắt làm tù binh.

Tại một tầng hầm nhà, chúng tôi tìm ra được trạm quân y của kẻ thù, tại đó trong số những tên bị thương có cả các sĩ quan Đức. “Cái luỡi” của chúng tôi biết mặt nhiều tên trong số chúng. Từ những tên này, chúng tôi được biết tất cả các mệnh lệnh đều xuất phát từ tòa nhà của một cửa hàng bách hóa đổ nát”.

Vào sáng ngày 31/1, Thượng úy Ilichenko, Đại úy Gritsenko và Trung úy Mezirko (2 sĩ quan này về sau đều hy sinh) cùng với viên sĩ quan tù binh Đức đã vào được tầng hầm - nơi trước đây là kho đồ chơi trẻ em.

Chính từ tầng hầm này, trước khi đầu hàng, viên tướng đã gửi cho Hitler bức điện tín cuối cùng: “Thưa Thống chế, ngoài cửa là quân Nga!”. Thượng úy Ilichenko đợi ông ta sau cửa, cùng ông có một người khác đã tiến hành cuộc đàm phán đầu tiên với Paulus về việc đầu hàng của quân đội Đức ở Stalingrad.

Họ tiến vào tầng hầm, nơi mà không chỉ có thể đi bộ, mà xe tăng cũng có thể vào được. Tại đó, hàng trăm lính Đức đứng, ngồi để tránh đạn pháo. Mùi hôi bốc lên từ những thân thể không tắm giặt và cả mùi sú uế do lính Đức đã nhiều ngày không thể ra ngoài nên xả ngay tại nơi chúng ngủ - trên sàn bêtông.

Trong tầng hầm có vài căn phòng. Một phòng có vẻ là nơi làm việc của Paulus. Tất cả đều sạch sẽ, ở giữa là chiếc bàn phủ vải nỉ xanh, trên đó là chiếc đèn dầu làm từ vỏ đạn pháo. Trên đivăng bên cạnh có chiếc đàn gió.

Viên tướng Đức Rosske đi theo Ilichenko chỉ nói với người đàn ông đó một câu ngắn: “Người Nga đã đến!”. Paulus đứng dậy khỏi giường và cố gắng lắm mới nói được: “Thế là hết! Thống soái quân đội Đức đang đầu hàng Hồng quân”. “Đúng là kết thúc!” - Ilichenko nói. Và viên thống soái rũ rượi gật đầu với ông.

Paulus không muốn bước ra ngoài qua lối đi chính như tất cả những người khác. Và ông ta được đưa ra theo cửa hậu. Để làm việc đó những người lính Nga phải dỡ đi các bao cát bịt kín một trong các ô cửa sổ. Paulus bước ra ánh sáng ban ngày qua chính cái lỗ đó.

Sau cuộc thẩm vấn chính thức đầu tiên, chỉ huy Quân đoàn 64 của quân đội Nga - Trung tướng Mikhail Shumilov đã mời Paulus và những người thân cận nhất bữa ăn trưa quân đội (có rượu vodka). Paulus không từ chối đề nghị uống vì ông ta muốn có một kỷ niệm với những người lính Nga ở Stalingrad

Hoàng Thương (theo Luận chứng và Sự kiện)
.
.