Cục Ảnh và Bản đồ quốc gia - Trụ cột mới của tình báo Mỹ

Thứ Năm, 19/10/2006, 08:30
Tháng 4/1992, tại buổi điều trần trước Quốc hội Mỹ, Giám đốc CIA Robert Gates đã đề xuất ý kiến về việc sáp nhập Trung tâm Phân tích hình ảnh tình báo của CIA và Cục Bản đồ của Bộ Quốc phòng thành Nhóm Công tác tình báo ảnh quốc gia, chuyên phụ trách công tác tình báo ảnh toàn nước Mỹ.

Đầu năm 1992, ngay sau khi bước chân vào Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã có cuộc họp kín với các quan chức hàng đầu của Cơ quan Tình báo trung ương (CIA), Cơ quan An ninh quốc gia (NSA), Cục Điều tra liên bang (FBI) và Cục Tình báo Quốc phòng (DIA), đồng thời ra chỉ thị yêu cầu các cơ quan này nhanh chóng tiến hành điều chỉnh, thậm chí phải mất nhiều tiền của để củng cố và xây dựng mới hệ thống tình báo. Trong đó hệ thống tình báo ảnh và bản đồ phải được ưu tiên hàng đầu nhằm đáp ứng với yêu cầu của chiến tranh vũ khí công nghệ cao, đặc biệt là đáp ứng nhu cầu ngày càng bức thiết trong việc nắm bắt thông tin tình báo có giá trị và chính xác của các cơ quan hoạch định chính sách nhằm giúp chính phủ đề ra chính sách, đối nội, đối ngoại, quốc phòng và an ninh.

Vào tháng 4/1992, tại buổi điều trần trước Quốc hội Mỹ, Giám đốc CIA Robert Gates đã đề xuất ý kiến về việc sáp nhập Trung tâm Phân tích hình ảnh tình báo của CIA và Cục Bản đồ của Bộ Quốc phòng thành Nhóm Công tác tình báo ảnh quốc gia, chuyên phụ trách công tác tình báo ảnh toàn nước Mỹ. Đề xuất của Robert Gates đã được Quốc hội Mỹ chấp thuận và phê chuẩn thành luật. Kể từ đây, Nhóm Công tác tình báo ảnh quốc gia phát triển nhanh chóng và phát huy vai trò quan trọng của mình.

Ngày 1/10/1996, sau khi đã xem xét kỹ vị trí và vai trò ngày càng quan trọng của nhóm này, Chính phủ Mỹ quyết định mở rộng chức năng và nhiệm vụ của nhóm. Hàng loạt cơ quan tình báo ảnh như Trung tâm Phân tích xử lý ảnh quốc gia (NPIC) thuộc CIA, Cục Ảnh trung ương (CIO) thuộc Bộ Quốc phòng, Phòng Phân tích ảnh (OIA), Cục Quy hoạch Bộ Quốc phòng (DPO) được sáp nhập thành Cục Ảnh và Bản đồ quốc gia (NIMA). Đây chính là cơ quan tình báo ảnh quốc gia đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ, đồng thời cũng là cơ quan tình báo đầu tiên của Mỹ được thành lập kể từ khi chiến tranh lạnh kết thúc nên nhiệm vụ tình báo ảnh của NIMA được gia tăng gấp đôi so với các đơn vị riêng lẻ trước khi được hợp nhất.

Thực ra, trước khi NIMA ra đời, cộng đồng tình báo và Bộ Quốc phòng Mỹ, đều có lực lượng trinh sát bản đồ và ảnh riêng. Tuy nhiên, do lực lượng phân tán, thiếu sự hợp tác giữa các bên nên đã bộc lộ nhiều yếu kém, nhất là việc chụp ảnh, xác định mục tiêu tấn công trong cuộc chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất. Chính vì vậy, sau khi thành lập NIMA, Chính phủ Mỹ đã chi 3 tỉ USD để xây dựng mới hệ thống thông tin tình báo và bù đắp những yếu kém trước đó. NIMA được trang bị đầy đủ các trang thiết bị kỹ thuật hiện đại và trở thành trung tâm tư vấn tình báo và ảnh đa năng nhất của Mỹ.

Nhiệm vụ chủ yếu của NIMA là định ra các mục tiêu, kế hoạch tình báo ảnh quốc gia, thống nhất việc quản lý các nguồn thông tin tình báo ảnh quốc gia, cung cấp kịp thời và đầy đủ các thông tin tình báo ảnh mang tính chiến lược, chiến thuật cho Bộ Quốc phòng Mỹ, đáp ứng tất cả những yêu cầu về tình báo ảnh cho Hội đồng An ninh quốc gia và cả các cơ quan phi quân sự trực thuộc chính phủ. Cơ cấu tổ chức của NIMA gồm 4 ban hành chính cấp cục, 3 phòng nghiệp vụ chuyên thực hiện các hoạt động tình báo ảnh và các công việc liên quan với số lượng nhân viên hơn 9.000 người, trong đó khoảng 2.000 người từng làm việc tại Trung tâm Phân tích xử lý ảnh quốc gia. Ngân sách hoạt động của NIMA hàng năm là 1,5 tỉ USD.

Để đáp ứng những yêu cầu về tình báo của tổng thống, Bộ Quốc phòng Mỹ và các bộ ngành liên quan, ngoài việc phân tích, nghiên cứu các bức ảnh do vệ tinh tình báo chụp được, NIMA còn phải tận dụng việc thu thập các bức ảnh, tài liệu, bản đồ thông qua việc mua bán công khai, hoạt động đánh cắp, sao chụp từ các điệp viên của NIMA nằm rải rác khắp nơi trên thế giới. Chính vì vậy mà NIMA luôn có đầy đủ hình ảnh, bản đồ đã qua xử lý và những số liệu chính xác nhất, cập nhật nhất về các thành phố, thị trấn, làng mạc, các căn cứ quân sự, công trình công nghiệp của nhiều nước trên thế giới. Theo một nguồn tin tình báo cho biết thì ảnh và bản đồ được xếp thành núi trong kho dữ liệu của NIMA. Chẳng hạn, khi Bộ Quốc phòng Mỹ muốn tra cứu bản đồ thủ đô Teheran của Iran, NIMA sẽ cung cấp 7 thùng gỗ chứa đầy đủ các bức ảnh và bản đồ do Chính phủ Iran xuất bản công khai hoặc do một số cơ quan tình báo của Anh cung cấp.

Thực tế đã chứng minh, trong cuộc chiến Kosovo vào năm 1999, các chuyên viên phân tích của NIMA đã dựa vào những bức ảnh và bản đồ do các vệ tinh trinh sát, máy bay do thám U-2, máy bay không người lái cung cấp để quan sát, phân tích mối quan hệ, sự phân bố dân cư giữa người Albania và người Serbia. Đầu tiên, họ lấy không gian địa lý để làm đối tượng tham khảo, nhận biết và phân tích các bức ảnh, bản đồ có đánh dấu các thành phố và đường giao thông, sau đó kết hợp với các nguồn thông tin khác để phân tích mức độ, vị trí xung đột giữa người Albania và người Serbia. Cuối cùng, họ dùng phương thức đánh dấu  trên bản đồ để yêu cầu vệ tinh và máy bay do thám cung cấp các thông tin cụ thể. Chính vì vậy mà NIMA luôn có được những bức ảnh, bản đồ và số liệu cập nhật từng ngày về sự điều động lực lượng du kích người Serbia và sự di chuyển của dòng người tị nạn người Albania.

Nhờ những thông tin tình báo gốc này, các cơ quan hoạch định quyết sách quốc gia và Bộ Quốc phòng Mỹ đã có được những thông tin tình báo đáng tin cậy nhất để phục vụ cho cuộc chiến Kosovo. Còn trong cuộc chiến tại Iraq vừa qua, NIMA đã cung cấp cho Bộ Quốc phòng Mỹ loại bản đồ tác chiến có tỉ lệ 1:50.000. Nhờ vậy, quân đội Mỹ đã dễ dàng xác định được các mục tiêu trọng yếu, địa hình tác chiến, việc bố trí quân đội Iraq và kể cả từng dinh thự của Tổng thống Saddam Hussein.

Hiện nay, vai trò của NIMA đang ngày càng được Chính phủ Mỹ coi trọng, nhất là vai trò của nó trong giới tình báo Mỹ

Hoàng Phú (Theo Miliplol)
.
.