Cục an ninh liên bang Nga nói gì sau vụ tai tiếng của tình báo Anh tại Nga?

Thứ Năm, 09/03/2006, 13:25

Trong cuộc trả lời phỏng vấn của Hãng thông tấn Interfax ngày 22/2/2006, Giám đốc Cục An ninh Liên bang Nga (FSB) Nikolai Patrushev đã phát biểu quan điểm của FSB về vấn đề đang được dư luận chú ý, đó là mối quan tâm đặc biệt của các dịch vụ tình báo nước ngoài đối với những bí mật quân sự của Nga, mà cụ thể là vụ các gián điệp Anh bị bắt vì hoạt động tình báo tại Nga.

Patrushev nói: “Những nỗ lực nhằm tăng cường khả năng bảo vệ, nhất là nhằm phát triển vũ khí mới cũng như những kế hoạch để tái tổ chức lực lượng vũ trang Nga đã thật sự khuấy động mối quan tâm chưa từng có và hoạt động của các dịch vụ tình báo nước ngoài”, và ông cho rằng: “Các hoạt động tình báo ở Nga đang ngày càng trở nên cực kỳ mạo hiểm”.

Trong 5 năm qua, hoạt động tình báo của 28 người nước ngoài đã từng bị ngăn chặn trên cơ sở những phát hiện của công tác phản gián quân sự. Patrushev tỏ ra quan ngại về việc vẫn còn có nhiều người ở Nga, trong đó có các nhân viên quân sự vì lợi ích cá nhân đã phạm tội phản quốc. Trong vòng 5 năm, lực lượng an ninh quân sự đã bắt giữ 9 nhân viên mật vụ và quân tình nguyện có hành vi thu thập thông tin tình báo cho các dịch vụ đặc biệt nước ngoài. Cũng trong thời gian này đã có 29 người bị kết án tù vì tội tiết lộ thông tin bí mật quốc gia.

Theo ông, lực lượng vũ trang đã và đang là một phần không thể tách rời của một đất nước, và việc bảo vệ chủ quyền và thống nhất lãnh thổ được đặc biệt coi trọng. Vì vậy, công tác phản gián trong quân sự thể hiện trách nhiệm của FSB, đây là cơ quan bảo vệ quân đội chống lại các mối đe dọa an ninh trong nước cũng như từ bên ngoài. Nhiệm vụ chủ yếu của lực lượng an ninh trong quân đội kết hợp với Bộ Quốc phòng và các đơn vị chức năng khác là ngăn ngừa sự  phá hoại bằng vũ khí và các phương tiện nguy hiểm một khi các thứ này rơi vào tay kẻ khủng bố.

Partrushev cũng nhấn mạnh đến các hoạt động dịch vụ tình báo Anh ở Nga trong bối cảnh vụ tai tiếng gián điệp gần đây sau sự việc “bể độ” của các gián điệp Anh tại nước Nga. FSB có những bằng chứng về việc xác định MI-6 đã lấy các bí mật quân sự của Nga nhưng không đòi trục xuất các nhân viên tình báo Anh bị phát hiện này.

Ông nói: “Để thể hiện mối quan hệ vốn có giữa hai cơ quan tình báo, chúng tôi không yêu cầu trục xuất các nhân viên tình báo Anh. Thiết nghĩ ban lãnh đạo MI-6 tự thân họ phải quyết định cần phải làm gì đối với nhân viên của họ. Nếu những người này vẫn ở lại Nga, chắc chắn họ sẽ phải làm việc dưới sự kiểm soát của chúng tôi”.

Kể từ những năm 90 của thế kỷ trước, Nga và Anh là những đối tác của nhau và hai bên đã ký bản công bố chung về các bên đối tác năm 1992  cũng như hiệp ước về các nguyên tắc quan hệ giữa hai nước. Cơ quan Tình báo Nga và MI-6 của Anh đang hợp tác trong khuôn khổ của mối quan hệ cộng tác này, cùng nhau đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế và buôn lậu ma túy cũng như trong các lĩnh vực khác.

Tuy nhiên hoạt động của các gián điệp Anh ở Moskva dưới vỏ bọc ngoại giao đã bị FSB vạch trần. Đấy là: Marc Doe, thư ký Sứ quán Anh và Christopher Pirt và Andrew Fleming, chuyên viên văn thư. Trợ lý đại diện MI-6 tại Nga, Paul Crompton cũng dính líu đến hoạt động gián điệp này.

Như vậy, MI-6 đã vi phạm những quy tắc vốn có, theo đó “những người đại diện chính thức của các dịch vụ tình báo không được tham gia tiến hành hoạt động gián điệp tại đất nước đang lưu trú”.

Thật ra, đại diện chính thức của MI-6 tại Moskva đã được mời đến FSB nhưng đã từ chối thảo luận, trao đổi về vụ việc. Vì vậy, sau đó FSB mới quyết định đưa vụ việc này ra công luận.

Về các tổ chức phi chính phủ (NGO) của Nga, ông cho rằng họ nên duy trì uy tín của mình và phải biết ai là đối tác hỗ trợ tài chính cho họ. Theo ông, các tổ chức này nên tham khảo ý kiến các cơ quan hành luật liên hệ, nên xem lại các nguồn hỗ trợ tài chính. Patrushev gọi các tổ chức NGO là một công cụ quan trọng của đời sống dân sự và nói rằng FSB không có ý định chống lại họ: “Chúng tôi không có kế hoạch nào và cũng sẽ không có ý định riêng biệt gì chống lại NGO vì chúng tôi xem NGO là công cụ quan trọng của xã hội dân sự”. Tóm lại, “nước Anh đã phạm một sai lầm tệ hại trong việc sử dụng nhân viên tình báo để liên lạc với NGO, bởi vì nó làm giảm uy tín hỗ trợ của Anh đối với sự phát triển xã hội dân sự ở Nga”

Ánh Vân (Theo UPI, Mosnews, AP)
.
.