Cục tình báo đối nội DCRI một "FBI" theo kiểu Pháp

Thứ Hai, 18/08/2008, 14:15
Ra đời từ sự hợp nhất của DST và RG, Cục Tình báo đối nội trung ương (DCRI) mới của Pháp (một FBI kiểu Pháp), quy tụ 4.000 đặc vụ, bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 7 năm nay.

Tọa lạc trên đường Villiers, Levallois-Perret là một trong những tòa nhà an ninh nhất nước Pháp. Cơ ngơi rộng hơn 25.000m2 này đặc kín những hệ thống camera theo dõi và thiết bị chống xâm nhập, sẵn sàng phá tan mọi âm mưu tấn công, phát hiện gián điệp trà trộn. Đó là “gương mặt” của cảnh sát Pháp thế kỷ XXI, một “FBI” theo kiểu Pháp.

Sau một năm thai nghén, DCRI đã chính thức hoạt động vào đầu tháng 7 năm nay - đây là sự hợp nhất của 2 cơ quan tình báo khác của Pháp: Cục Giám sát lãnh thổ (DST), thành lập năm 1944, và Tổng cục Tình báo (RG), ra đời vào đầu thế kỷ XX. 6.000 cảnh sát của RG và DST được tuyển chọn để làm việc trong DCRI hay biên chế vào cơ quan an ninh công cộng để đối phó với bạo lực trong thành phố.

Hiện thời có không dưới 4.000 nhân viên, trong đó gồm 3.000 đặc vụ dày dạn kinh nghiệm, phục vụ trong DCRI. Tất cả đều được tuyển chọn kỹ lưỡng và lý lịch của họ phải thông qua sự sàng lọc của một cơ quan an ninh nội địa.

“Mọi người, dù là những người có phẩm hạnh không chê vào đâu được, đều phải trải qua một cuộc điều tra lý lịch tỉ mỉ để phát hiện điểm yếu nhỏ nhất. Thậm chí, một sĩ quan cảnh sát có vợ xuất thân từ phương Đông hay gia đình sống trong một quốc gia phương Đông cũng bị loại khỏi DCRI. Bởi vì chúng tôi biết rằng các cơ quan tình báo nước ngoài sẵn sàng tung người trà trộn vào đây”, Tổng giám đốc lực lượng cảnh sát quốc gia Pháp cho biết.

Một thanh tra của DCRI nói: “Cuộc chiến chống khủng bố là ưu tiên hàng đầu. Bởi lẽ một cuộc tấn công xảy ra trên đất Pháp là mối lo âu lớn nhất của chúng tôi. Không phải nước Pháp được yên ổn hiện nay có nghĩa là Al-Qaeda đã quên lãng chúng tôi”.

Vụ sát hại 4 du khách ở Mauritanie trong tháng 12/2007 và mới đây nhất là vụ giết chết một kỹ sư người Pháp ở Algerie không nằm ngoài điều tra của DCRI. Khoảng 1.200 đặc vụ của DCRI đã triển khai mạng lưới “ăngten” của mình trong những cộng đồng dân cư lớn cũng như trong những ngóc ngách hẻo lánh nhất của nước Pháp để kịp thời phát hiện những âm mưu khủng bố hay phá hoại an ninh.

DCRI được phép ghi âm những cuộc điện đàm, đọc trực tiếp nội dung của tin nhắn điện thoại di động và thư tín. Không chỉ có thế, DCRI còn nhận được sự hỗ trợ công nghệ từ phía DGSE  (Cơ quan tình báo hải ngoại) nếu muốn điều tra một mục tiêu ở nước ngoài, như trường hợp nghe lén điện thoại di động của một doanh nhân Trung Đông bị nghi ngờ buôn ma túy để cung cấp tiền bạc cho các nhóm khủng bố Hồi giáo.

Bởi vì chỉ có quân đội mới sở hữu được những công cụ tình báo thích đáng. Nhờ có vệ tinh, tàu thuyền và máy bay gián điệp, DGSE có thể cung cấp cho DCRI những tấm ảnh chụp từ trên không, cũng như âm bản của một kho hàng...

Ngay đến các doanh nghiệp cũng được hưởng lợi từ DCRI. Ví dụ, trước khi ký kết những hợp đồng thương mại, doanh nghiệp có thể nhờ DCRI cung cấp thông tin về đạo đức của đối tác.

Đứng đầu DCRI là Bernard Squarcini, một người lý tưởng để lãnh đạo cơ quan cực kỳ nhạy cảm này. Trước nhất vì ông là người lão luyện có thâm niên hơn 1/4 thế kỷ trong lĩnh vực tình báo.

Chào đời năm 1955 ở Rabat (Maroc), Bernard Squarcini trở thành thanh tra cảnh sát từ đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, là nhân vật số 2 của RG và ông chủ của DST, chuyên gia về khủng bố xứ Basque, Hồi giáo và đảo Corse. Squarcini là một trong những người trung thành với Tổng thống Nicolas Sarkozy và được ông đánh giá cao

Trần Thanh Phong (theo Spyworld)
.
.