Cuộc binh biến bất thành ở Tây Ban Nha năm 1981

Chủ Nhật, 10/04/2005, 07:32

39 năm kể từ khi tướng Franco làm đảo chính và thiết lập chế độ độc tài quân sự khắc nghiệt lên khắp lãnh thổ Tây Ban Nha, quốc gia Nam Âu này lại trở về với chế độ quân chủ lập hiến với cuộc đăng quang vào ngày 22/11/1975 của Vua Juan Carlos. Lúc này, dư âm về những cuộc trả thù của phe bảo hoàng đối với những người từng tận tâm phục vụ chế độ độc tài trước đây, nhất là quân đội và cảnh sát, lan rộng khắp Tây Ban Nha.

Việc chính phủ mới ở Tây Ban Nha cho phép các tổ chức chính trị hoạt động trở lại cũng làm tăng sự lo ngại về sự bất ổn của xã hội, nhất là khi tổ chức ETA công khai tuyên bố sẽ tiếp tục đấu tranh vũ trang để giành quyền tự trị cho xứ Basques  và trả thù những ai trong chế độ độc tài trước đây trực tiếp đàn áp, bắt giữ các thành viên ETA.

Trong bối cảnh xáo động như trên, một âm mưu thực hiện cuộc binh biến đã hình thành từ cuối năm 1980 nhằm lật đổ chế độ quân chủ mới thiết lập  tại Tây Ban Nha để tái lập chế độ quân sự độc tài. Một nhóm sĩ quan vệ binh quốc gia do Trung tá Antonio Tejero cầm đầu, đã lôi cuốn được tướng Jaime Milans del Bosch, Tư lệnh Vùng III quân sự của Tây Ban Nha và tướng Alfonso Armada, Phó tổng tham mưu trưởng quân đội Tây Ban Nha, tham gia hỗ trợ cuộc binh biến.

Antonio Tejero sinh năm 1932 tại vùng Andalousie khô cằn nhất Tây Ban Nha. Năm 1951, Tejero tham gia vệ binh quốc gia và trở thành một sĩ quan trung thành tuyệt đối với chế độ độc tài quân sự của Franco. Vào năm 1978, Tejero là một trong những kẻ cầm đầu vụ bắt cóc Thủ tướng Aldolfo Suarez làm con tin để yêu sách buộc chính phủ phải giải tán Quốc hội và trao quyền lại cho quân đội. Sau khi vụ bắt cóc thất bại, Tejero bị giáng chức từ đại tá xuống trung tá. Nhưng hình như thất bại càng làm nung nấu trong lòng Tejero quyết tâm bằng bất cứ giá nào cũng phải phục hồi lại chế độ độc tài quân sự ở Tây Ban Nha.

18 giờ 30 phút ngày 23/2/1981, trong khi các đại biểu Quốc hội đang tập trung trong lâu đài Cortès (tòa nhà Quốc hội) ở thủ đô Madrid để biểu quyết tín nhiệm chính phủ mới thành lập do Calvo Sotelo làm Thủ tướng, thì từ bên ngoài hành lang, 200 vệ binh quốc gia trang bị đầy đủ súng ống xông vào.

 

Chỉ huy nhóm vệ binh, trung tá Antonio Tejero vung súng ngắn ra lệnh cho tất cả các nghị sĩ ngồi yên tại chỗ. Để thị uy, Tejero ra lệnh bắn nhiều tràng tiểu liên lên trần lâu đài khiến 135 nghị sĩ phải nằm mọp phía sau ghế ngồi. Duy chỉ có nghị sĩ Aldolfo Suarez, cựu Thủ tướng, là can đảm tiến về phía Tejero để yêu cầu thương lượng, nhưng liền bị bốn vệ binh quốc gia chặn lại rồi lôi vào nhốt trong một căn phòng.

Vài phút sau, Antonio Tejero lên diễn đàn đọc một bài diễn văn ngắn cho biết, vệ binh quốc gia đã chiếm tòa nhà Quốc hội, kêu gọi sự ủng hộ của quân đội và cảnh sát để giải thể chế độ quân chủ, yêu cầu Vua Juan Carlos phải thoái vị và thiết lập một chính phủ mới do quân dội và cảnh sát chỉ định.

Lời kêu gọi của Antonio Tejero lập tức nhận được sự hậu thuẫn của tướng Jaime Milans del Bosch, Tư lệnh Vùng III quân sự, có bản doanh đặt tại thành phố Valence. Tướng Del Bosch liền cho quân đội chiếm giữ các địa điểm quan trọng của thành phố Valence, giải thể chính quyền thành phố, nghiêm cấm hoạt động của các tổ chức chính trị và thiết lập một chính quyền quân sự để tạm thời điều hành hoạt động của thành phố. Sau thành phố Valence, đến lượt các thành phố Murcia và Carthagene cũng thành lập chính quyền quân sự và lên tiếng ủng hộ cuộc binh biến.

Sau tướng Del Bosch, đến lượt tướng Alfonso Armada, Phó tổng tư lệnh quân đội Tây Ban Nha cũng lên tiếng ủng hộ cuộc binh biến, yêu cầu giải thể Quốc hội, chính phủ và buộc Vua Juan Carlos phải rời bỏ ngai vàng.

Trước tình hình hết sức gay go này, sự bình tĩnh sáng suốt của Vua Juan Carlos đóng một vai trò quyết định trong việc đoàn kết các tầng lớp xã hội và làm thất bại cuộc binh biến. Vào lúc 1 giờ 15 phút ngày 24/2/1981, trong bộ quân phục Tổng tư lệnh quân đội, Vua Juan Carlos đã đến Đài Truyền hình quốc gia TVE, kêu gọi mọi người dân Tây Ban Nha  tập hợp xung quanh hoàng gia để bảo vệ chế độ quân chủ lập hiến, chống lại mọi âm mưu tái lập chế độ độc tài quân sự.

 

Để tỏ lòng trung thành với nhà vua, lập tức các tướng lĩnh quân đội và cảnh sát đã thành lập một Bộ chỉ huy chống binh biến đặt tại khách sạn Palace đối diện với tòa nhà Quốc hội ở thủ đô Madrid. Tại đây, một kế hoạch đập tan cuộc binh biến đã hình thành.

Đến 4 giờ cùng ngày, một lực lượng đặc biệt do tướng José Aramburu Topete, chỉ huy an ninh quân đội, đã tiến hành bắt giữ tướng Del Bosch ngay tại thành phố Valence rồi ra lệnh giải thể chính quyền quân sự tại các thành phố Valence, Murcia và Carthagene. Đến 8 giờ cùng ngày, đến lượt tướng Alfonso Armada cũng bị an ninh quân đội bắt giữ. Thông tin về việc bắt giữ các tướng Del Bosch và Armada cùng việc giải thể chính quyền quân sự tại các thành phố Valence, Murcia và Carthagene đã khiến Antonio Tejero và đám vệ binh quốc gia làm binh biến giảm sút tinh thần.

 

Lo ngại một hành động liều lĩnh của Tejero có thể gây nên cuộc tàn sát các đại biểu Quốc hội, một mặt lực lượng chống binh biến ra lệnh cho các đơn vị đặc biệt áp sát xung quanh tòa nhà Quốc hội, mặt khác  kêu gọi Tejero đầu hàng và cho phép y rời Tây Ban Nha đến một quốc gia khác.

 Chỉ cho đến khi các phương tiện truyền thông phát đi một thông báo của bốn đảng phái chính trị lớn ở Tây Ban Nha là đảng Cộng sản, đảng Xã hội, đảng Bảo thủ và đảng UCD cầm quyền cùng cam kết ủng hộ quân đội và cảnh sát đối với việc duy trì chế độ quân chủ lập hiến hiện hành, chống mọi âm mưu tái lập chế độ độc tài quân sự  thì lực lượng làm binh biến mới nhận thức rằng hành động của họ là hoàn toàn lạc lõng. Đến 12 giờ 30 phút ngày 24/2/1981, Antonio Tejero cùng số vệ binh quốc gia làm binh biến tuyên bố đầu hàng và bị áp giải ra khỏi tòa nhà Quốc hội.

Vào tháng 2/1982, một năm sau khi xảy ra cuộc binh biến, hai tướng Jaime Milans del Bosch, Alfonso Armada cùng kẻ cầm đầu cuộc binh biến Antonio Tejero được đưa ra xét xử kín tại một tòa án binh ở thủ đô Madrid. Thông báo của phiên tòa sau đó cho biết, cả Del Bosch và Armada đều bị tước quân hàm, chịu mức án tù giam ba năm. Riêng Tejero bị kết án đến 25 năm tù giam và cấm tham gia mọi hoạt động chính trị sau khi mãn hạn tù. Còn hai trăm vệ binh quốc gia bị lôi cuốn vào cuộc binh biến đều được khoan hồng, nhưng bị buộc phải giải ngũ

V.H. (Theo Historia)
.
.