Cuộc chạy đua bá chủ bầu trời

Thứ Tư, 05/01/2005, 07:16
Việc châu Âu phóng thành công vệ tinh Helios 1A, 2A và việc phát triển hệ thống Galile đã khiến giới quân sự Mỹ “mất mặt”. Một cuộc chay đua ngầm giữa Mỹ và châu Âu xuất hiện và nước Mỹ đã lên kế hoạch: Tiêu diệt mục tiêu khi cần thiết.

13h26’ ngày 18/12/2004, giờ địa phương, Pháp phóng thành công vệ tinh do thám Helios 2A.

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Michele Alliot Marie, việc đưa vệ tinh do thám Helios 2A nặng 4,6 tấn vào hoạt động sẽ giúp Pháp kiểm soát được mọi động thái quân sự trong nước, cũng như tạo một khả năng mới trong việc nâng cao sức chiến đấu của quân đội nước này.

Phát biểu tại Học viện Lục quân Paris, bà Michele Alliot Marie ngoài việc nhấn mạnh, đây là một bước tiến lớn trong việc chinh phục vũ trụ và hợp tác quân sự giữa Pháp, Bỉ và Tây Ban Nha, còn kêu gọi các nước châu Âu khác gia tăng hợp tác trong lĩnh vực hàng không vũ trụ.

Bà Michele Alliot Marie cũng cho biết, trung bình mỗi ngày vệ tinh do thám Helios 2A chụp và gửi về trái đất 100 bức ảnh khác nhau.

Theo giới truyền thông, tháng 12/2001, Pháp, Bỉ và Tây Ban Nha đã quyết định chi 2 tỉ euro, trong đó Pháp bỏ ra tới 95% tổng số tiền trên để nghiên cứu và phóng vệ tinh do thám Helios 2A. Sau sự hợp tác thành công này, nhiều quốc gia châu Âu đã quyết định thành lập Trung tâm kiểm soát vệ tinh do thám của châu Âu.

Ngoài ra, vệ tinh do thám Helios 2A còn giúp quân đội Pháp thu thập những thông tin từ không gian vào ban đêm. Ngoài vệ tinh do thám Helios 2A, còn có 6 vệ tinh khoa học khác cũng được tên lửa Ariane-5 phóng lên trong lần này và đây là lần đầu tiên trong 11 năm qua, một tên lửa Ariane-5 đưa thành công vào quỹ đạo tới 7 vệ tinh trong một lần phóng.

Việc phóng vệ tinh do thám Helios 2A càng được giới chuyên môn quan tâm hơn khi Tòa án Mỹ đang xem xét bản yêu cầu điều tra việc tiết lộ bí mật về dự án vệ tinh tình báo tiêu tốn tới 9,5 tỉ USD, gần gấp đôi so với dự toán ban đầu là 5 tỉ USD.

Hiện có 4 người bị tình nghi tới việc tiết lộ bí mật này, đó là Jay Rockefeller, Thượng nghị sĩ, thành viên ở Ủy ban tình báo cùng Richard Durbin của bang Illinois, Carl Levin ở bang Michigan và Ron Wyden của bang Oregon.

Giới chuyên môn nhận định, Mỹ có thể bị sa lầy vào dự án vệ tinh do thám gián điệp đầy tham vọng này.

Trước đó (hạ tuần tháng 10/2004) Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ thông báo: Mỹ vừa đưa vào vận hành hệ thống chống thông tin (CCS), có khả năng đưa ra lời cảnh báo sớm và can thiệp hoặc phá hủy hệ thống vệ tinh, thông tin của đối phương khi cần thiết.

Giới chuyên môn coi đây là một bước tiến quan trọng trong việc khống chế, giám sát khoảng không của Mỹ trong tương lai bởi với CCS, không một động thái, hoạt động nào của đối phương có thể lọt qua hệ thống giám sát được coi là hiện đại nhất thế giới hiện nay.

Tuy nhiên, hệ thống CCS đang trong quá trình chạy thử và sẽ chính thức đi vào hoạt động từ tháng 2/2005.

Theo giới thạo tin, ngay sau khi vệ tinh do thám Helios 1A của châu Âu được phóng lên quỹ đạo năm 1995, lực lượng không quân Mỹ đã đệ trình lên Bộ trưởng Quốc phòng và Tổng thống một bản kế hoạch tuyệt mật, trong đó kiến nghị:

"Mỹ phải làm gì khi vệ tinh do thám Helios 1A và hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu Galile của châu Âu đi vào hoạt động bởi việc này sẽ gây ảnh hưởng tới an ninh quốc gia? Để đảm bảo tuyệt đối an toàn cho nước Mỹ, chúng ta chỉ có một cách duy nhất, đó là tiêu diệt hệ thống này".

Trải qua hơn 30 năm sử dụng hệ thống định vị toàn cầu (GPS), giờ đây ưu thế tuyệt đối trên vũ trụ của Mỹ đã bị thách thức. Sau 21 năm hoàn thiện (từ 1973), cùng một khoản kinh phí khổng lồ 20 tỉ USD, GPS chính thức đi vào hoạt động (1994).

Ngoài lợi ích về quân sự, an ninh... GPS còn đem lại những khoản lợi nhuận kếch sù cho nước Mỹ, nhưng những ưu thế này đã bị châu Âu thách thức.

Đó là việc phóng thành công vệ tinh do thám Helios 1A vào năm 1995 và năm 1999, châu Âu đưa ra kế hoạch Galile với vốn đầu tư 3,6 tỉ euro. Mỹ đã có những phản ứng tức thì bởi GPS chỉ phát hiện ra những vật có kích thước từ 10 mét trở lên, nhưng vệ tinh do thám Helios 1A và hệ thống Galile có thể phát hiện ra những vật có kích thước 1 mét!

Giới quân sự Mỹ càng đau đầu hơn khi vệ tinh do thám Helios 2A có thể phân giải được những vật có kích thước 0,5 mét và có khả năng nhận biết được những vật nhỏ như một cuốn sách giáo khoa ở bất cứ nơi nào trên trái đất, đặc biệt có thể thu thập thông tin vào ban đêm

Độc Hành (tổng hợp)
.
.