Cuộc chiến chống ma tuý ở Afghanistan

Thứ Tư, 01/11/2006, 08:30

Afghanistan chiếm 92% sản lượng thuốc phiện thế giới. Đất nước này vẫn nằm dưới sự kiểm soát của các vị đầu lĩnh các bộ tộc và những tên trùm buôn lậu ma túy. Thế lực của chúng còn vươn tới chính phủ ở Kabul. Phương Tây biết rõ điều đó nhưng đành "ngậm bồ hòn làm ngọt".

Tướng Mohammad Daud, Thứ trưởng Bộ Nội vụ ở Kabul, là người đứng đầu bộ máy chống ma túy của Afghanistan. Nhưng nhiều chính khách cũng như không ít cố vấn phương Tây đều bày tỏ sự không hài lòng của họ với Chính phủ Afghanistan về viên tướng này. Ông ta tùy tiện bắt giữ các đối thủ chính trị, nhưng lại trì hoãn các cuộc truy lùng bọn buôn lậu ma túy. Người ta có bằng chứng về việc tướng Daud chỉ thị bằng văn bản cho một viên chỉ huy ở miền Bắc Afghanistan về việc phân tán lượng ma túy bị tịch thu “cho các đồng nghiệp”.

Đầu mùa hè vừa qua các nhà điều tra của Cơ quan Bài trừ ma túy Mỹ (DEA) đã đẩy mạnh hoạt động ngay tại Kabul. Một cộng sự thân cận nhất của tướng Daud, Đại tá Nader, chỉ huy một đơn vị đặc nhiệm chống ma túy thuộc Bộ Nội vụ đã bị bắt khi vị này đang bán hêrôin cho hai khách hàng với giá 1.200USD/kg. Những khách hàng lại chính là người của DEA. Số xêri của những đồng USD thanh toán đã được ghi lại và Nader bị rơi vào bẫy. Y bị tố cáo đã nhiều lần bán ma túy bị tịch thu trong các chiến dịch truy lùng “theo lệnh của tướng Daud”. Lượng thuốc phiện mà viên đại tá này tiêu thụ khi thì 50kg khi thì lên tới cả tạ.

5 năm sau khi lật đổ chính quyền Taliban, sản xuất thuốc phiện ở Afghanistan không hề giảm. Theo các chuyên gia chống ma túy của EU thì năm nay Afghanistan có vụ thu hoạch thuốc phiện đạt mức kỷ lục là 6.100 tấn. Lực lượng nổi dậy và các chính khách thoái hóa, tham nhũng ở Afghanistan thu được hàng tỉ USD lợi nhuận từ sản xuất thuốc phiện. Điều này các nước phương Tây, nhà tài trợ chính cho Afghanistan không phải không biết. Cho đến nay tướng Daud vẫn hoàn toàn yên vị. Ông ta vẫn là chỉ huy cao nhất của lực lượng chống ma túy ở Afghanistan.

Cơ quan An ninh Đức cũng nắm vững lý lịch bất hảo của Daud. Cuối năm 2004, Tổng thống Karzai đã dành cho thủ lĩnh Daud chân Thứ trưởng Bộ Nội vụ, mặc dù ông ta có tên trong danh sách về 14 tên trùm buôn bán ma túy ở Afghanistan. Tuy nhiên, hai cái tên trong số đó đã được xóa với sự phê chuẩn của Tổng thống Karzai và Chính phủ Mỹ: đó là tướng Daud và Ahmed Wali Karzai, một người anh em của tổng thống. Cả hai nhân vật này đều phủ nhận không dính líu vào hoạt động buôn bán ma túy.

Bọn buôn lậu ma túy liên kết với các thế lực khủng bố và lực lượng nổi dậy hoành hành tại Afghanistan, gây mất ổn định và đe dọa an ninh của đất nước này. Theo Thiếu tướng Sayed Kamal Sadaat, phụ trách lực lượng chống ma túy của Cảnh sát Afghanistan thì “mục đích chung của chúng là gây rối loạn tình hình đất nước”. Bọn mafia ma túy chi tiền cho các nhóm khủng bố hoạt động, mua chuộc các quan chức trong bộ máy nhà nước, cảnh sát cũng như mua chuộc thủ lĩnh ở 34 tỉnh.

Hiện nay, khó có thể tách  tội phạm có tổ chức với chủ nghĩa khủng bố. Chúng chi phối lực lượng dân quân, hậu cần và có đủ vũ khí trong tay. Ở miền Nam Afghanistan chiến sự diễn ra liên tiếp trong 5 năm qua vì bọn buôn lậu ma túy cung cấp tài chính cho lực lượng tàn quân Taliban và các nhóm vũ trang khác.

Hiện tại, các cơ quan hữu quan của Anh, Mỹ và phương Tây tập trung vào việc đào tạo chuyên gia chống ma túy thuộc Lực lượng Cảnh sát Đặc nhiệm Afghanistan. Các cố vấn thuộc DEA trực tiếp chỉ huy lực lượng đặc nhiệm này. Cạnh đó còn có một số hãng đặc biệt như Blackwater cũng tham gia vào hoạt động đào tạo, huấn luyện chống ma túy. Lực lượng Cảnh sát Afghanistan đã có khoảng 120 cảnh sát, trong đó có 12 phụ nữ biết sử dụng các phương tiện kỹ thuật và vũ khí hiện đại chống lại bọn buôn lậu ma túy.

Hồi đầu năm 2005, tướng Jabbar Khel và đội quân của ông ở Kandahar bắt được một con cá lớn: Baz Mohammad, y là tên cầm đầu một đường dây buôn bán hêrôin qua miền Bắc Afghanistan vào Ukraina và có một chi nhánh ở Karatschi, từ đây ma túy sẽ được chuyển bằng đường thủy hoặc đường hàng không sang châu Âu và châu Mỹ. Hơn 30 nhà điều tra tham gia chiến dịch này trong đó có 7 nhà điều tra người Mỹ. Sau nhiều tháng bị giam tại Afghanistan tên Baz Mohammad đã được chuyển qua một căn cứ quân sự ở Đức và từ đây chuyển về New York. Đây là trường hợp đầu tiên một công dân Afghanistan bị chính thức dẫn độ sang Mỹ với sự chấp thuận của Tổng thống Karzai.

Không chỉ Mỹ và Anh hoạt động cầm chừng trong vấn đề chống ma túy ở Afghanistan mà người Đức cũng có ý né tránh hoạt động chống bọn buôn lậu ma túy vì sợ nguy hiểm đến tính mạng. Đức chỉ dành một khoản tiền khá khiêm tốn để giúp đào tạo, huấn luyện lực lượng cảnh sát Afghanistan. Tuy nhiên, hoạt động này chỉ bó hẹp ở thủ đô Kabul. Một nhân vật trong cuộc ở Afghanistan nói: “Lực lượng cảnh sát của chúng tôi không hề thay đổi. Tại phần lớn các tỉnh thì bọn buôn lậu ma túy lớn nhất lại chính là lực lượng cảnh sát!”.

Cuộc chiến chống ma túy ở Afghanistan sẽ khó đạt được những thành công nếu không có những chính sách phù hợp, quyết đoán. Đúng như Jamil Karzai, cháu trai Tổng thống Karzai, một nghị sĩ trẻ, khá năng nổ trong Quốc hội đã thành thật nhận xét: “Sau 5 năm, chúng tôi hầu như đều bị xếp vào các vị trí những nhân vật không thích hợp”. Jamil Karzai tự hỏi: “Khi mà cộng đồng quốc tế trả tới 70% ngân sách nhà nước Afghanistan, vậy tại sao họ lại không gây áp lực thật sự đối với chính phủ nước này trong cuộc chiến chống ma túy?”

VP (theo Stern)
.
.