Cuộc chiến gián điệp Nga - Mỹ thời hậu Chiến tranh Lạnh

Thứ Bảy, 19/03/2005, 07:20
Cuối tháng 2 vừa qua, tại sân bay quốc tế Los Angeles, nhân viên FBI đã bắt giữ một doanh nhân người Ireland mà họ đã theo dõi trong suốt một tuần lễ tại khu vực thung lũng điện tử Silicon, California.

Theo giấy tờ tùy thân, người này là một doanh nhân xuất cảng công nghệ, đã thu mua những thiết bị tin học kỹ thuật cao của Mỹ để gửi đến Nga qua đường Ireland. Người này sẽ bị phía Mỹ truy tố về tội danh “Xuất cảng bất hợp pháp các thiết bị phòng thủ”. Các viên chức Mỹ xem sự kiện này là dấu hiệu cho một nỗi lo đáng ngại hơn: Mặc dù thời kỳ chiến tranh lạnh đã đi qua, khả năng về mặt quân sự của người Nga vẫn là một nỗi lo lắng ít nhất là ngang bằng với khả năng của Liên Xô trước đây.

Các viên chức tình báo cao cấp Mỹ cho biết, có hơn 100 điệp viên Nga đang hoạt động trong các công sở trên khắp lãnh thổ Mỹ. Đây chỉ là những điệp viên hoạt động dưới các vỏ bọc cổ điển như công chức hoặc các nhà ngoại giao. Còn một số lượng lớn hơn chưa thể biết rõ được là những điệp viên đang sống và làm việc tại Mỹ với những ngành nghề bình thường như doanh nhân, nhà báo hoặc giáo sư đại học.

Điều này càng làm cho người ta lo lắng hơn về con số điệp viên thực tế đang hoạt động tại Mỹ. Số lượng điệp viên Nga tại Mỹ đã gia tăng một cách đáng kinh ngạc. Vào nhiệm kỳ đầu của chính quyền Bush, Mỹ đã trục xuất 50 điệp viên để trả đũa việc điệp viên phản gián FBI Robert Hanssen bị phát giác đã hoạt động cho Nga trong suốt 21 năm qua.

Sau sự kiện ngày 11/9, FBI đã chuyển hướng sang phòng chống khủng bố, nhiệm vụ do thám lâu nay đã bị gác sang một bên. Ngay lập tức, người Nga đã khai thác lỗ hổng này để xây dựng một lực lượng tình báo dồi dào. Đồng thời, họ cũng lợi dụng những cải cách trong điều luật di dân dành cho người Nga, được ban hành sau thời kỳ chiến tranh lạnh, để mở rộng việc cài đặt mạng lưới tình báo.

Các viên chức chính quyền Mỹ nói rằng, người Nga hiện đang theo đuổi những bí mật về kỹ thuật và thiết bị quân sự lẫn dân sự của Mỹ, ví dụ như kỹ thuật tia laser mới đây nhất, đồng thời họ cũng quan tâm đến vấn đề năng lượng của Mỹ. Bên cạnh những điệp viên hoạt động dưới vỏ bọc ngoại giao, Nga - cũng như Pakistan, Iran và những quốc gia khác, kể cả các đồng minh của Mỹ - còn dựa vào lực lượng điệp viên từ các công ty có vỏ bọc hoàn hảo, thường là các công ty của những quốc gia thứ ba, để thu thập những thông tin và kỹ thuật công nghệ.

Một viên chức cao cấp Mỹ nhận xét: “Có thể có đến cả nghìn công ty như vậy”.

David Szady, phụ tá phản gián của FBI, người giữ trách nhiệm quan sát các điệp viên nước ngoài tại Mỹ, nói rằng, trong vòng 5 năm tới, ông mong muốn tăng gấp đôi số lượng nhân viên phản gián. Hiện nay, FBI có ít nhất 7 nhân viên chịu trách nhiệm làm việc này trong tổng số 56 văn phòng làm việc của họ.

Liệu những thay đổi này có thể chống lại được mạng lưới điệp viên đang làm việc cho Nga hay không? Một viên chức tình báo cao cấp Mỹ nói: “Chiến tranh nóng hay chiến tranh lạnh có thể kết thúc vào một lúc nào đó. Nhưng trận chiến tình báo thì không bao giờ có hồi kết”

Nguyễn Phương (Tổng hợp)
.
.