Phỏng vấn đặc biệt cựu Thủ tướng Afghanistan nay là trùm khủng bố bị truy nã gắt gao nhất thế giới:

Cuộc chiến phi lý sẽ chẳng được gì ngoài đổ máu

Thứ Sáu, 18/01/2013, 23:25

Đúng ngày đầu tiên của năm 2013, khi thế giới vẫn còn hân hoan trong thời khắc đón chào năm mới thì tại Trung Đông, Gulbuddin Hekmatyar - người từng là Thủ tướng của Afghanistan và hiện bị Mỹ coi là một trong những trùm khủng bố đáng sợ và bị truy nã gắt gao nhất, đã gửi đi một cuốn băng trả lời phỏng vấn báo Telegraph với những nhận định gây hoang mang cho lực lượng liên quân quốc tế đang đóng quân tại Afghanistan.

Đặc biệt, nhân vật này đã chỉ trích và chế giễu nhằm vào quân đội Anh và Hoàng tử Harry, rằng nước Anh tự kéo mình vào cuộc xung đột phi lý, vô nghĩa nhưng tàn nhẫn này chỉ để làm hài lòng Nhà Trắng. Nước Anh sẽ chẳng được gì ngoài đổ máu và mất mát trong cuộc chiến 10 năm ròng rã này. Tuy vậy người ta vẫn thấy, bên cạnh lập trường rắn rỏi với khối liên quân là một thái độ nhiều thiện chí khi đưa ra những thông điệp mong muốn một nền hòa bình và dân chủ cho Afghanistan.

Cáo không săn được sư tử

Tuyên bố này được lãnh chúa Gulbuddin Hekmatyar đưa ra trong bối cảnh Hoàng tử Harry liên tiếp lập công khi phục vụ trong lực lượng Không quân Hoàng gia Anh. Cụ thể, với chiếc trực thăng tấn công Apache, Hoàng tử Harry đã tiêu diệt một thủ lĩnh Taliban trên lãnh thổ Afghanistan trong vụ tấn công hồi tháng 10 vừa qua.

Cuốn băng được cho là ghi tại một địa điểm gần biên giới Afghanistan  và Pakistan, trong đó trùm khủng bố Gulbuddin Hekmatyar đã ví Hoàng tử như một "con cáo say xỉn và đã giết chết những người vô tội". Tiếp theo, Hekmatyar buộc tội Vương quốc Anh rằng, họ đã lao vào một cuộc chiến phi lý, vô dụng nhưng tàn ác để lấy lòng người Mỹ.

Hekmatyar nói: "Tôi không hiểu làm sao xã hội Anh có thể gửi con cháu của mình vào chỗ chết chỉ để làm vui lòng những kẻ ngồi trong Nhà Trắng". Nước Anh sẽ không giành được gì hết ngoài máu và mất mát. Với Hoàng tử Harry, Gulbuddin Hekmatyar cho rằng: "Cậu ta không hiểu được sự thật đơn giản rằng, truy lùng những con sư tử và đại bàng Afghanistan không đơn giản như vậy đâu. Cáo chưa bao giờ săn được sư tử".

Ngược lại, trong cuộc tấn công vào căn cứ nơi Hoàng tử Harry đóng quân diễn ra gần đây, trùm Gulbuddin Hekmatyar cho biết: "Trong suốt cuộc tấn công của các binh sĩ mộ đạo nhằm vào căn cứ này, chính Hoàng tử nước Anh mới là người bị săn đuổi. Có vẻ như chính quyền nước Anh vẫn còn mơ mộng về quãng thời gian ở thế kỷ XVIII, XIX và hiện tại, họ vẫn còn tưởng rằng các đại sứ nước Anh phải được đối xử như một vương giả và vì thế đã cử Hoàng tử đến trong bộ quân phục".

Trước đó, người thừa kế thứ 3 của Hoàng gia Anh cũng bị Taliban đe dọa truy sát sau khi tới tham chiến tại Afghanistan. Tuy nhiên, Hoàng tử Harry khó lòng gặp nguy hiểm bởi trại Bastion, nơi Harry và các đồng đội đóng quân là doanh trại được canh gác nghiêm ngặt nhất thế giới, nơi các tay súng Taliban khó lòng tiếp cận. Được biết, Hoàng tử Harry còn quyết định đón Giáng sinh 2012 cùng với đồng đội tại căn cứ này.

Theo Gulbuddin Hekmatyar, nước Anh rồi sẽ chẳng nhận được gì hết. Vai trò của nước Anh trong việc sáng tạo ra những cuộc xung đột như vậy đã kết thúc. Các cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq đã chứng minh rằng nước Anh phải đi và phải tham gia vào các cuộc chiến đã bị thôn tính. Chính vì thế mà họ không thể kham nổi dù chỉ trong một thời gian rất ngắn. Chính Gulbuddin Hekmatyar đã thề sẽ tiêu diệt nhiều binh lính liên quân nhất có thể từ giờ cho đến khi cuộc lui quân diễn ra vào năm 2014.

Trên thực tế người Mỹ và đồng minh của họ đã mất quyền kiểm soát và dẫn dắt thế giới cả về mặt hành chính lẫn tinh thần. Người Anh chưa bao giờ có một vị trí xứng đáng trong các vấn đề liên quan tới Afghanistan và sẽ không được gì khá khẩm hơn cho đến năm 2014. Nhận định trước lời tuyên bố rút bớt quân đội Anh ở Afghanistan  của Thủ tướng David Cameron, trùm Gulbuddin Hekmatyar đã đề nghị sẽ "tạo điều kiện" để NATO rời khỏi đây sớm và ngỏ ý "nếu họ muốn một cuộc ra đi trong danh dự, chúng tôi có thể giúp họ thực hiện nó".

Thủ tướng David Cameron  đến thăm các binh sĩ ở Afghanistan nhân dịp Giáng Sinh.

Tiếp theo, Gulbuddin Hekmatyar còn dự báo rằng, đất nước này rồi sẽ chìm vào một trận nội chiến đẫm máu sau khi quân đội NATO rút đi vào năm tới. Nhận thấy một tương lai ảm đạm của Afghanistan, Gulbuddin Hekmatyar đã kêu gọi một cuộc chuyển giao quyền lực và chính phủ trong hòa bình nhưng ông ta cũng bộc lộ những lo sợ rằng những người vô tội sẽ bị cuốn vào tình trạng hỗn loạn vô chính phủ giống như những gì từng xảy ra trong cuộc rút quân khỏi Afghanistan của Liên Xô những năm 80 thế kỷ trước.

Nhận định của thủ lĩnh một đất nước hay của trùm khủng bố?

Được biết Gulbuddin Hekmatyar từng là Thủ tướng của Afghanistan trong những năm 80 và cũng là một chiến binh trong các cuộc chiến đẫm máu của thập niên đó. Có lẽ vì vậy mà ông ta đã đưa ra những nhận định rất sắc sảo và những lời cảnh báo rằng: "Viễn cảnh ngày hôm nay ở Afghanistan  hoàn toàn giống với những gì từng diễn ra trong thời gian một năm trước khi Liên Xô rút quân vào thập niên 80. Người Mỹ và đồng minh của họ đã mệt mỏi vì những cuộc chiến. Họ không thể vừa phải canh cánh trang bị cẩn thận vừa phải dốc hàng núi tiền cho quân đội ở đây thêm được nữa. Họ chẳng còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc rút quân".

Gulbuddin Hekmatyar đã chạy trốn suốt 11 năm và có thời từng giúp Osama bin Laden trốn thoát khỏi núi Tora Bora sau khi Taliban sụp đổ vào năm 2001. Năm 2003, Gulbuddin Hekmatyar bị Chính phủ Mỹ khép vào tội danh trùm khủng bố quốc tế và chính phủ của Tổng thống Hamid Karzai tại Kabul buộc tội ông ta là một "tội phạm chiến tranh". Hekmatyar từng sống sót sau vụ ám sát không thành của CIA và sau đó đã "đạo diễn" một số trận tấn công đẫm máu nhằm vào lực lượng liên quân Anh-Mỹ trong vài năm trở lại đây.

Cuộc phỏng vấn của tờ Telegraph với Gulbuddin Hekmatyar cũng không thể diễn ra trực tiếp mà được tiến hành qua một số phương tiện trung gian. Các câu hỏi được gửi đi và các câu trả lời được ghi lại vào một cuộn băng rồi được gửi về trong vòng 3 tuần sau đó. Cuộn băng ghi hình ảnh trùm Gulbuddin Hekmatyar vẫn trong bộ dạng một cựu chiến binh với 40 năm trong cuộc chiến và những âm mưu ở Afghanistan, bộ râu đã điểm bạc dù ông ta vẫn đội khăn xếp đen, hình ảnh quen thuộc như hồi nào.

Hoàng tử Harry trong căn cứ quân sự ở tỉnh Helmand, nam Afghanistan.

Hekmatyar đã trả lời tất cả các câu hỏi được gửi đến. Khi được hỏi điều gì sẽ diễn ra khi quân đội rút vào năm 2014, câu trả lời của Gulbuddin Hekmatyar vừa gây hoang mang vừa khuyến khích các nhà cầm quyền rằng: "Thực tế là Chính phủ Afghanistan đã thất bại. Họ đã hoàn toàn đánh mất niềm tin của dân chúng. Họ chỉ còn là những nạn nhân của các vụ xung đột quốc tế, tuyệt vọng và nao núng. Lực lượng quân nước ngoài cũng đã thua cuộc và tình thế càng tệ đi mỗi ngày. Chúng ta có thể sẽ phải đối diện với một viễn cảnh đổ máu vào năm 2014 nhưng không ai có thể tiên đoán chắc chắn điều gì sẽ diễn ra". Thế nhưng, những đánh giá đáng sợ đó lại đi kèm với một chất giọng và ngôn ngữ rất ấm cúng đan xen những thông điệp về một tương lai dân chủ cho người Afghanistan.

Và quả thực, theo nhận định của các nhà phân tích thì lời lẽ của Gulbuddin Hekmatyar nghe giống như lời của một quan sát viên Liên Hiệp Quốc hơn là một kẻ khủng bố bị truy nã, người nhận trách nhiệm cho cuộc nã pháo khủng khiếp vào thủ đô Kabul. Bên cạnh việc kêu gọi một cuộc chuyển giao hòa bình, Gulbuddin Hekmatyar còn yêu cầu phải tổ chức một cuộc bầu cử công bằng và tự do, cho rằng "người thắng đa số phiếu sẽ được tất cả mọi người công nhận".

Thông qua cuộc phỏng vấn, Hekmatyar cho biết thêm đảng Hezb-e-Islami (đảng Hồi giáo) của ông ta đã sẵn sàng cho các cuộc bầu cử tổng thống năm 2014 với hai điều kiện: lực lượng quân đội quốc tế rút hết khỏi Afghanistan và cuộc bầu cử phải có sự hiện diện của tất cả các đảng phái. Nếu các điều kiện trên được chấp thuận thì họ cũng sẽ sẵn sàng tham dự cuộc bầu cử. Ngay sau đó Gulbuddin Hekmatyar đã nói một tràng bằng tiếng Arập nhưng tuyệt nhiên không thấy có một lời lẽ nào kích động một cuộc chiến tranh thần thánh với những kẻ không theo đạo Hồi.

Khi được hỏi, liệu ông ta có ủng hộ chiến lược của Taliban ở Pakistan về việc cấm phụ nữ đến trường, Gulbuddin Hekmatyar đã giận dữ nói: "Chúng tôi ngăn chặn, không để cho các trường học và học viện bị phá hủy không chỉ ở Afghanistan  và Pakistan mà còn ở bất kỳ nơi nào trên thế giới. Tôi không nghĩ là mình sẽ cống hiến các cuộc chiến vì đấng tối cao cho những việc vặt vãnh như vậy". Hekmatyar đã chối bỏ mọi liên quan đến Taliban ở Pakistan và buộc tội chính lực lượng tình báo nước ngoài là thủ phạm hoặc đã dính líu tới các vụ phá hủy trường học và các hành động tàn bạo khác.

Quả thực, Hekmatyar khẳng định rằng đảng Hezb-e-Islami luôn coi giáo dục là điều cần thiết cho cả con trai lẫn con gái. Họ không phân biệt chuyện giới tính nào thì được đi học. Duy chỉ có một điều họ phản đối đó là việc con trai học chung với con gái. Họ cho rằng điều này sẽ gây hại trên mọi phương diện. Trùm khủng bố này còn chế giễu việc quân đội quốc gia Afghanistan, lực lượng mà liên quân quốc tế hy vọng có thể trông cậy để đem lại một tương lai hòa bình, vừa mới tuyên bố rằng họ không phải là quân đội của quốc gia. Rằng họ được dựng nên nhờ những bàn tay, những thế lực khác. Thậm chí các binh sĩ của liên quân phía bắc đã mặc quân phục của quân đội Mỹ. Mục tiêu cơ bản của việc thành lập lực lượng quân đội này đó là để dùng họ chống lại những người tìm kiếm tự do.

Tuy nhiên, đằng sau bài diễn văn có phần cương quyết với Liên quân Anh-Mỹ vẫn là một thái độ hết sức thiện chí của Gulbuddin Hekmatyar, nếu đổi lại họ được một Afghanistan hòa bình. Hekmatyar đã kết thúc bài phỏng vấn với 10 chính sách cho đảng của mình, cho rằng: "Mọi đối tượng liên quan trong nội bộ Afghanistan sẽ phải chung tay tìm ra một giải pháp hữu hiệu mà không để bất kỳ một bàn tay bên ngoài nào nhúng vào".

Dù những nhận định trên được thốt ra từ một trùm khủng bố, nhưng là người sáng lập và thủ lĩnh đảng của người Hồi giáo, tổ chức nắm giữ chìa khóa hòa bình của Afghanistan sau khi liên quân rút khỏi, những lời lẽ như vậy không thể bị phớt lờ hay xem thường. Cũng qua đây, những phân tích đau đớn của một kẻ ở bên kia chiến tuyến về thực tế tình hình quân đội sẽ là một thách thức cam go cho Thủ tướng Cameron, khi ông vừa mới gửi tới các binh sĩ của mình những thông điệp đầy lạc quan trong chuyến thăm quân đội Anh nhân dịp Giáng sinh vừa qua

Hoàng Cúc - Hải Yến (theo Telegraph)
.
.