Cuộc chiến quanh báo cáo tra tấn của CIA: Cuộc chiến nước rút

Thứ Ba, 04/10/2016, 16:15
Cuộc chiến cuối cùng giằng co xung quanh việc công bố bản báo cáo đã trở nên khó khăn hơn với việc Nhà Trắng không mặn mà việc công bố bản báo cáo, thậm chí còn đứng ra bênh vực CIA chống lại việc công khai bản báo cáo.

Không ai ngờ rằng sau khi Quốc hội Mỹ đã bỏ phiếu thông qua việc công bố công khai bản báo cáo mà nó vẫn chưa thể được công bố chỉ vì… CIA không cho phép! Cuộc chiến cuối cùng giằng co xung quanh việc công bố bản báo cáo đã trở nên khó khăn hơn với việc Nhà Trắng không mặn mà việc công bố bản báo cáo, thậm chí còn đứng ra bênh vực CIA chống lại việc công khai bản báo cáo.

Cuối cùng, CIA và Ủy ban Tình báo Thượng viện đạt được một giải pháp "phân hai": Bản báo cáo vẫn được công bố công khai nhưng chỉ công bố một phần, những phần nhạy cảm, chứa đựng nhiều bí mật quan trọng đối với an ninh quốc gia thì tiếp tục giữ kín.

Lời xin lỗi của Brennan trước Ủy ban Tình báo

Các thượng nghị sĩ Mỹ có thể tự mình tìm sự trợ giúp pháp lý nếu thấy cần thiết trong việc vận động gây quỹ cho chiến dịch tranh cử, nhưng họ lại không thể cung cấp sự trợ giúp đó cho nhân viên phục vụ mình. Bà Feinstein và cựu Chủ tịch Ủy ban Tình báo Jay Rockefeller lập ra một quỹ dự phòng trợ giúp pháp lý nhưng trên thực tế đã không thể sử dụng quỹ này để cứu các trợ lý của mình trong tình huống họ gặp rắc rối.

Giám đốc cơ quan Tình báo quốc gia Mỹ James Clapper được cho là người đã "hóa giải" được cuộc chiến cuối cùng để báo cáo được công bố.

Daniel Jones là trường hợp điển hình của thực tế trái khoáy này. Trong lúc tìm cách ngăn cản tiến trình điều tra của Jones bằng mọi giá, CIA đã sử dụng thủ đoạn pháp lý nhắm vào ông. Cơ quan này tung đòn "nghi ngờ có kẻ trộm" trong vụ việc thất thoát bản Báo cáo Panetta.

Ngày 7-2-2014, luật sư Eatinger của CIA đệ đơn lên Bộ Tư pháp tố cáo Jones truy cập mạng máy tính một cách không thích hợp. Lời tố cáo của Eatinger có điểm mâu thuẫn: báo cáo của Jones nhắc đến vai trò của Eatinger trong chương trình tra tấn đến 1.600 lần. Và phải mất vài tuần để nhân viên của Thượng viện lấy Báo cáo Panetta ra khỏi ổ đĩa lưu trữ của CIA và cung cấp cho báo chí. Đối với Jones, toàn bộ câu chuyện này là một chiêu trò của giới tình báo: chối bỏ mọi thứ, không thừa nhận gì cả, đưa ra lời phản tố.

Lời buộc tội của CIA đã khiến cho cuộc sống của Jones bị xáo trộn hoàn toàn. Không vợ con, cả đời làm việc cho các cơ quan nhà nước, từ làm giáo viên cho đến nhân viên FBI và giờ là nhân viên Thượng viện, Jones không dành dụm được nhiều tiền, do đó không đủ nguồn tài chính để trang trải cho dịch vụ hỗ trợ pháp lý cần thiết.

Chưa hết, lời buộc tội còn có tác động khủng khiếp về mặt tâm lý, khiến cho Jones và các đồng nghiệp luôn bị ám ảnh bởi khả năng có thể bị khám xét bất cứ lúc nào. Giai đoạn cuối của việc công bố bản báo cáo càng kéo dài thì sự tàn phá của nó càng trở nên lớn hơn đối với Jones.

Tuy nhiên, một chuyển biến bất ngờ đã xảy đến. Ngày 30-4-2014, gần một tháng sau khi Thượng viện bỏ phiếu thông qua việc công bố bản báo cáo, Bộ Tư pháp thông báo với CIA rằng, cơ quan này không quan tâm theo đuổi việc truy tố các nhân viên Thượng viện nữa. Nỗi oan ức được giải tỏa, nhưng Jones không cảm thấy mừng vui chút nào. Tiến trình công bố bản báo cáo vẫn giẫm chân tại chỗ. Các Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa không màng việc yêu cầu Jones ra giải trình trước Thượng viện.

Bởi thế, suốt mùa xuân và hè năm 2014, Brennan vẫn ung dung đến Quốc hội chỉ để báo cáo tóm tắt cho các nghị sĩ nắm về các vấn đề tình báo khác nhau. Các nghị sĩ có yêu cầu cung cấp thêm thông tin về các cuộc điều tra khác nhau xung quanh vụ lục soát mạng máy tính của Thượng viện, nhưng Brennan cứ từ chối.

Lập trường của ông Brennan đã trở nên lung lay vào ngày 18-7. Tổng thanh tra CIA David Buckley kết luận rằng có ít nhất 5 quan chức CIA "đã truy cập bất hợp pháp vào các ổ đĩa chia sẻ của nhân viên Thượng viện trên mạng RDINet". Buckley đã chỉ ra thái độ thiếu trung thực của 3 nhân viên kỹ thuật của CIA mà ông thẩm vấn.

Buckley phát hiện rằng đơn tố cáo Jones lên Bộ Tư pháp của luật sư Eatinger hồi tháng 2-2014 là không có cơ sở pháp lý vì nội dung đơn nêu những chứng cứ khác xa những gì nhóm điều tra Cyber Blue Team kết luận về hoạt động của nhân viên Thượng viện trên mạng RDINet. Báo cáo của Tổng thanh tra Buckley còn đính kèm bản thỏa thuận năm 2009 của CIA với Ủy ban Tình báo nhằm chứng minh CIA đã vi phạm cam kết của chính mình.

Sau sự kiện đó, bà Feinstein đã có một cuộc nói chuyện với ông Brennan. Ngày 31-7, Feinstein đưa ra một tuyên cáo trong đó có viết: "Giám đốc Brennan đã xin lỗi vì những hành động này". Tờ Vice News đã tiếp cận được và cho đăng tải một bức thư của ông Brennan chính thức xin lỗi Ủy ban Tình báo nhưng ông đã không gửi đi, mà chọn phương án trực tiếp xin lỗi vì những hành động vượt ngoài chỉ thị của ông. Bà Feinstein hài lòng vì thông tin về sự kiện này ngay lập tức lan đi khắp thế giới, cho thấy ông Brennan đã chịu lùi một bước. Thượng nghị sĩ Mark Udall kêu gọi Brennan từ chức, và dư luận ở Washington đồn ầm lên về việc Brennan có thể từ chức Giám đốc CIA.

Gần nửa năm sau khi CIA quay mũi giáo chống lại những người giám sát mình, Ủy ban Tình báo đã giành được thắng lợi kép: Thượng nghị sĩ Chambliss, thành viên đảng Cộng hòa của Ủy ban, đã phải yêu cầu CIA xử lý "thật nghiêm" năm quan chức vi phạm trong vụ lục soát mạng máy tính.

Nhưng cuộc chiến vẫn chưa kết thúc. Brennan thông báo ông sẽ tổ chức một "hội đồng xem xét trách nhiệm" để kiểm điểm lại vụ bê bối "lục soát mạng máy tính". Quan trọng hơn, ngay hôm sau, CIA đã giao nộp cho Ủy ban Tình báo phiên bản báo cáo tra tấn mà cơ quan này cảm thấy yên tâm nhất khi công bố trước công chúng.

Công khai… một nửa sự thật

Khi Jones dự thảo xong bản báo cáo điều tra, ông ấy không quá quyết liệt yêu cầu phải công khai hóa nó mà chỉ có ý muốn cho công chúng không tiếp cận những gì ông cho là không nên. Không một quan chức nào của CIA bị nêu tên thật trong bản báo cáo, tất cả chỉ là tên giả, bí danh nhằm bảo vệ danh tính theo đúng nguyên tắc hoạt động tình báo. Thế nhưng, CIA không chấp nhận công khai tất cả những gì liên quan đến những cái tên giả đó.

Trụ sở CIA ở Langley.

Câu chuyện tra tấn Khalid Sheikh Mohammed, kẻ thừa nhận chủ mưu gây ra vụ tấn công 11-9, bị tra tấn "ván nước" nhiều nhất, đã bị kiểm duyệt, bôi đen hết. CIA không cho phép công khai tên tuổi tất cả 119 nghi can bị giam giữ mà Ủy ban 11-9 phát hiện. Không tên quốc gia nào trong chương trình luân chuyển được công bố, không biệt danh nào của điệp viên CIA được phép công bố. Đó là "luật CIA".

Đương nhiên, tác dụng cần thiết của kiểm duyệt là làm cho câu chuyện tra tấn của CIA được che giấu kỹ. Các quan chức CIA liên quan trong chương trình tra tấn đã được cất nhắc, thăng tiến đều đều trong hệ thống cơ quan này. Và điều này đã ít nhất một vài lần được Jones tuyên bố công khai trước công chúng.

Sau nhiều năm "chiến đấu" với CIA để được tiếp cận chính xác tài liệu mật, và đương đầu với những cáo buộc tội phạm, Jones tung ra báo cáo mới nhằm lập luận cho yêu cầu gỡ bỏ thủ tục kiểm duyệt của CIA. Năm 2010, khi CIA tiến hành việc gỡ bỏ các tài liệu khỏi ổ đĩa RDINet ở phía làm việc của ủy ban điều tra của Thượng viện, cả hai bên tìm đến Nhà Trắng để yêu cầu hòa giải. Thế nhưng, các nhà điều tra của Thượng viện đã trở thành kẻ đối đầu với không chỉ CIA mà cả Nhà Trắng. Những cuộc họp "tay ba" kéo dài hàng giờ cứ liên tục diễn ra từ tháng 8 đến tháng 12-2014 - diễn ra trong Phòng Tình huống của Nhà Trắng hoặc trên Đồi Capitol.

Trong các cuộc họp "thương thảo" này, Nhà Trắng đã thể hiện vai trò "người bảo vệ" cho CIA rất quyết liệt, mà người đảm nhiệm vai trò số một này là Denis McDonough. Chính McDonough là người hơn 10 năm trước đã "xúi" Jones đi theo ngành an ninh để đến hôm nay ông tham gia vào cuộc điều tra những hành vi bí mật của CIA và đối đầu với chính McDonough. McDonough là người quyết định ai sẽ hiện diện trong các cuộc họp thương lượng với Ủy ban Tình báo, và đích thân giám sát các cuộc thương lượng.

 Những cuộc thương lượng nước rút luôn không có sự tham gia của nhân viên, mà chỉ có "sếp" họp với nhau. Vào gữa tháng 10-2014, McDonough bay đến San Francisco để nói chuyện với bà Feinstein mà không có mặt Jones. Feinstein muốn dùng bí danh của cơ quan trong bản báo cáo nhưng McDonough không chấp nhận.

Lúc này chỉ có Nhà Trắng và CIA còn khả năng theo đuổi cuộc đua thương lượng nước rút, còn Ủy ban Tình báo thì đang trong tình trạng mong manh, do đây là thời điểm bầu cử giữa kỳ và tình hình chung là đảng Dân chủ của bà Feinstein thất thế so với đảng Cộng hòa, có khả năng sẽ mất Thượng viện vào tay đảng Cộng hòa. Sau ngày 4-11, bà Feinstein mất quyền cầm cương do đảng Dân chủ mất thế đa số ở Thượng viện. Một nghị sĩ đảng Cộng hòa - vốn chống lại cuộc điều tra của Jones - lên thay bà Feinstein.

Đến nước này, McDonough vẫn cương quyết không công khai báo cáo điều tra của Ủy ban Tình báo. Lý lẽ mà McDonough đưa ra nghe có vẻ rất "đạo đức", đó là: gia đình của các quan chức CIA tận tụy sẽ bị nguy hiểm nếu báo cáo của Thượng viện tiết lộ danh tính họ dẫn đến việc họ bị tổn thất về thể xác. Và còn một vấn đề nữa mà McDonough và CIA đều không chịu nhường bước trước Ủy ban Tình báo, đó là tính trung thực của những lời cam kết của CIA.

Các quan chức cao cấp của CIA luôn miệng bảo đảm rằng nhân viên của CIA tham gia chương trình tra tấn đều được sàng lọc kỹ, rằng "tất cả những người tham gia việc hỏi cung nghi can bị giam giữ đều được lựa chọn kỹ càng về mọi mặt". Thế nhưng chính người của CIA cũng cho rằng thực tế không phải lúc nào cũng thế. Ủy ban Tình báo đã điều tra được một số người của CIA có bản tính bạo lực, cho nên không thể nói là "đã sàng lọc kỹ càng" được.

Thứ Sáu ngày 5-12-2014, cuộc họp Quốc hội khóa mới kết thúc, đảng Dân chủ mất quyền kiểm soát Thượng viện, nhiệm kỳ Chủ tịch Ủy ban Tình báo của bà Feinstein cũng chấm dứt từ đây. Ủy ban điều tra, CIA và McDonough đi đến một thỏa thuận về toàn bộ bản báo cáo, ngoại trừ một phần - chỉ một đoạn thôi - nói về thông tin lý lịch cá nhân của các nhà điều tra của CIA. McDonough không chịu nhượng bộ.

Sáu năm sau khi Jones bắt đầu cuộc điều tra về chương trình tra tấn của CIA, có vẻ như một đoạn trong báo cáo sẽ phải bị xóa đi. Nhưng kết thúc cuộc họp, Ủy ban Tình báo lại đón nhận một bất ngờ: Ngoại trưởng John Kerry, người hùng của đảng Dân chủ trong kỳ bầu cử năm 2004, gọi điện thoại cho bà Feinstein. Đó là một đòn chí tử cho cuộc điều tra chương trình tra tấn của CIA. Ông Kerry vốn là một cựu thượng nghị sĩ, từng làm việc chung với bà Feinstein ở Thượng viện, đã yêu cầu các đồng nghiệp cũ ở Thượng viện tạm hoãn việc công bố bản báo cáo.

Lý do ông Kerry đưa ra rất thuyết phục: Liên minh chống IS ở Syria và Iraq sẽ đổ vỡ nếu xuất hiện một báo cáo công bố về việc CIA tra tấn người Hồi giáo. Tính mạng người Mỹ, tài sản của người Mỹ ở nước ngoài sẽ bị đe dọa. Về mặt kỹ thuật thì yêu cầu của ông John Kerry chỉ là tạm hoãn công bố thôi, nhưng với tình hình thực tế đảng Cộng hòa sắp tiếp quản Thượng viện, việc đó sẽ đồng nghĩa "khai tử" bản báo cáo.

Thêm một đòn gây sức ép lên Ủy ban thượng viện là việc Giám đốc Tình báo quốc gia James Clapper gửi một văn bản dài 5 trang giấy phân tích những "hậu quả xấu", thậm chí bạo lực tràn lan sẽ xảy ra nếu báo cáo tra tấn được công bố.

Tuy nhiên, sau những phân tích đó là quan điểm tương đối chấp nhận được của DNI: Đồng ý cho công bố bản báo cáo nhưng chỉ sau khi đã được kiểm duyệt. DNI lập luận, việc phải kiểm duyệt nội dung báo cáo trước khi công bố là cần thiết, vì nó giúp bảo vệ công dân Mỹ và các lợi ích Mỹ ở nước ngoài khi báo cáo được công khai cho toàn thế giới biết.

Cuối cùng, ngày 9-12-2014, Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ công bố báo cáo tóm tắt về chương trình tra tấn của CIA. Báo cáo ngay lập tức gây nên một cơn địa chấn ở Mỹ và trên toàn thế giới. Nhiều tiếng nói kêu gọi truy cứu trách nhiệm những người tham gia chương trình, nhưng tuyệt nhiên không có bạo động, không có bạo lực và không ai bị giết chết vì bản báo cáo như CIA đã "hù dọa".

Nguyên Khang (theo The Guardian)
.
.