Những cuộc chiến của Tổng thống Obama:

"Cuộc chiến" trầy trật ở Pakistan

Thứ Tư, 27/10/2010, 08:30
Những khó khăn của quân Mỹ ở Afghanistan có phần đóng góp quan trọng từ Pakistan - đó là điều ai cũng thấy. Xác định được tầm quan trọng của Pakistan, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã khẳng định phải làm sao triệt phá toàn bộ các "thiên đường" của phiến quân Taliban và các nhóm khủng bố ở Pakistan thì mới hy vọng giành thắng lợi ở Afghanistan.

Ngày 19/5/2010, khoảng 3 tuần lễ sau khi xảy ra vụ đánh bom xe hụt tại Quảng trường Times, thành phố New York, nhân ngày Quốc tế Lao động (1/5), Tổng thống Obama đã biệt phái tướng James Jones - Cố vấn An ninh quốc gia và Giám đốc Cục Tình báo Trung ương (CIA) Leon Panetta đến Pakistan mang theo sứ mệnh thực hiện một loạt cuộc họp bí mật với Tổng thống Asif Ali Zardari và Tổng tư lệnh quân đội Pakistan, tướng Ashfaq Kayani.

Những lo ngại về Pakistan đã "thấp thỏm" trong hàng ngũ cố vấn an ninh quốc gia Mỹ suốt hơn năm nay. Ngay trong giai đoạn đầu cuộc kiểm điểm chiến lược Afghanistan-Pakistan mùa thu năm 2009, Tổng thống Obama đã nói với các tướng chỉ huy quân đội rằng, Pakistan đang thật sự là mối bận tâm bức bách của Mỹ: nơi đó đang có một chính quyền dân sự mong manh, một quân đội có quyền lực bao trùm và một cơ quan tình báo trung ương "tiếp tay" cho khủng bố. Điều nguy hiểm là, ở đó có những "thiên đường" - nơi không chỉ có Al-Qaeda và Taliban hoạt động ráo riết mà còn có nhiều nhóm khủng bố khác đang ngày đêm chiêu mộ cả người phương Tây mang hộ chiếu có thể đi lại khắp châu Âu và Bắc Mỹ.

Vụ đánh bom xe hụt ở Quảng trường Times là một lời cảnh báo cụ thể nhất. Vì thế, Tổng thống Obama quyết định đã đến lúc không còn có thể nương tay với các "thiên đường" này nữa. "Chúng ta cần phải xác định rõ với mọi người rằng khối u ung thư nằm ở Pakistan" - Tổng thống Obama tuyên bố với các cố vấn an ninh quốc gia trong Phòng Bầu dục hôm 25/11/2009. Ông Obama nói thêm, việc xây dựng một chính quyền mạnh, tự quản tốt ở Afghanistan là nhằm bảo đảm khối ung thư đó không thể "di căn" sang nơi đây.

Vụ đánh bom xe hụt ở Quảng trường Times là tiền đề quan trọng để hai ông Jones và Panetta thúc đẩy Islamabad trong các cuộc họp bàn về hợp tác chống Taliban. Vấn đề đáng quan tâm nhất chính là việc tên khủng bố Faisal Shahzad đã học chế tạo quả bom từ các trại huấn luyện của Taliban ở các vùng bộ lạc dọc biên giới Afghanistan - Pakistan - nơi được người Mỹ gọi là "thiên đường" của bọn khủng bố.

Tướng Jones nghĩ rằng Pakistan - một đồng minh chủ chốt của Mỹ trong cuộc truy lùng các nhóm khủng bố và đồng bọn - đang chơi trò "hên xui", cho nên tìm mọi cách buộc ông Zardari phải quyết định ngay có hợp tác hay không. Tuy rằng Shahzad không đạt được mục tiêu, nhưng "chúng tôi xem vụ đánh bom xe hụt đó là một thành công của hắn vì các cơ quan tình báo của Mỹ lẫn Pakistan đều không thể can thiệp hay ngăn chặn nó" - lời ông Jones nói với Tổng thống Zardari tại cuộc họp giữa hai bên.

Tại các cuộc họp với Tổng thống Zardari, hai ông Jones và Panetta truyền đạt lại ý muốn của Tổng thống Obama trong đó đưa ra 4 điều kiện cần và đủ để ngăn chặn một vụ tấn công khủng bố trên đất Mỹ, đó là: chia sẻ đầy đủ thông tin tình báo; sự hợp tác đáng tin cậy hơn trong cuộc chiến chống khủng bố; thời gian duyệt visa cho nhân sự Mỹ đến Pakistan nhanh hơn; và cho phép Mỹ tiếp cận dữ liệu về hành khách đi máy bay.

Tướng Jones nhấn mạnh, "nhờ Trời" nên chiếc xe bom ở Quảng trường Times không nổ, nhưng nếu một vụ tấn công trong tương lai mà thành công, Tổng thống Obama sẽ buộc phải làm những việc mà Pakistan không muốn - những phản ứng và hậu quả. Đó không chỉ là lời đe dọa, mà còn là một tuyên bố mang tính chính trị của người Mỹ. Chính quyền của ông Obama đã có một kế hoạch quân sự tối mật nhằm chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc báo thù, trong đó có việc ném bom khoảng 150 trại khủng bố trong một chiến dịch tấn công trừng phạt vào Pakistan.

Tướng Jones đã cố gắng thuyết phục Tổng thống Zardari về sự hợp tác chống lại các nhóm khủng bố, và ông Zardari đã đồng ý. Tuy nhiên, sự hợp tác của Pakistan cho đến giờ phút này được ghi nhận là quá ít ỏi, và những gì họ làm bên trong biên giới lãnh thổ của họ được đánh giá là hiệu quả kém hoặc chưa tốt. Trong suốt một năm qua, Islamabad đặt ưu tiên hàng đầu cho việc truy quét mạng lưới khủng bố Tehrik-e-Taliban (TTP), còn gọi là Taliban Pakistan. Zardari đã cho phép CIA oanh kích bên trong lãnh thổ Pakistan để tiêu diệt Al-Qaeda và các nhóm khủng bố khác.

Zardari đặt điều kiện bất cứ người vô tội nào bị tử vong cũng đều dẫn đến sự chấm dứt hợp tác chống Al-Qaeda. Ngoài ra, sự hợp tác đó còn có cái giá hơn 2 tỉ USD tiền tài trợ mỗi năm mà Mỹ dành cho Pakistan. Thế nhưng, các đợt oanh kích bằng máy bay không người lái của CIA vẫn bị phản đối dữ dội do xâm phạm chủ quyền của Pakistan. Và đồng tiền viện trợ của Mỹ cũng không thể ngăn được ISI (Cục Tình báo liên cơ quan) của Pakistan ủng hộ 2 nhóm Taliban ở Afghanistan tấn công quân Mỹ.

Tướng Jones và Giám đốc CIA Panetta tiếp tục tung ra những đòn cân não để hướng Tổng thống Zardari đi đến quyết định hợp tác. Panetta lôi ra một tấm bản đồ minh họa mối liên hệ giữa mạng lưới TTP với Faisal Shahzad, kẻ đánh bom xe ở Quảng trường Times. Panetta nói: "Chúng tôi đang thu thập các luồng thông tin tình báo cho thấy TTP đang chuẩn bị thực hiện các cuộc tấn công khác ở Mỹ".

Tiếp sau đó, hai ông Jones và Panetta tiếp tục trưng ra thông tin tình báo về nhóm Lashkar-e-Taiba (LeT) - chịu trách nhiệm vụ đánh bom ở Mumbai năm 2008 làm chết 175 người, trong đó có 6 người Mỹ. Thông tin tình báo cho biết, mặc dù đang bị chính quyền Pakistan giam giữ nhưng tên chỉ huy khủng bố ở Mumbai vẫn ung dung chỉ đạo các hoạt động của LeT từ trong nhà giam. Jones nói, LeT đang đe dọa đánh bom khủng bố ở Mỹ, và nguy cơ đang gia tăng từng ngày...

Bộ trưởng Ngoại giao Pakistan Shah Mahmood Qureshi hiểu được ẩn ý của hai ông Jones và Panetta và ông này dịch lại cho Tổng thống Zardari hiểu. Tổng thống Zardari nói: "Nếu điều đó (LeT tấn công khủng bố trên đất Mỹ) thật sự xảy ra, thì nó không có nghĩa là chúng tôi bỗng dưng trở thành người xấu hay gì gì đó. Chúng ta vẫn là đối tác của nhau". Nhưng cả Jones và Panetta đều khẳng định, "nếu nó thật sự xảy ra, tất cả đều chấm hết”. Rốt cuộc, Tổng thống Zardari vẫn không đưa ra được lời cam kết hợp tác rõ ràng nào.

Sau đó, Jones và Panetta có cuộc gặp riêng với tướng Ashfaq Kayani, Tổng tư lệnh Quân đội Pakistan và là nhân vật quyền lực nhất Pakistan hiện nay.

Các chiến binh khủng bố Lashkar-E-Taiba (LET) ở Pakistan.

Mặc dù tốt nghiệp khóa đào tạo Chỉ huy trưởng và Tổng tham mưu trưởng ở Fort Leavenworth, bang Kansas (Mỹ), nhưng tướng Kayani lại là "sản phẩm chính gốc" của hệ thống quân đội Pakistan nên tư tưởng và những ưu tiên của ông trên cương vị Tổng tư lệnh vẫn chẳng khác gì hệ thống quân đội Pakistan - hơn 40 năm qua vẫn tập trung sự chú ý về phía đông, xem những "mối đe dọa" đến từ Ấn Độ quan trọng hơn tất cả thứ gì khác. Vì vậy, thật khó, nếu không nói là không thể có chuyện tướng Kayani chịu từ bỏ truyền thống đó để quay mặt nhìn về Afghanistan ở phía tây.

Jones bảo Kayani rằng, thời gian thực hiện 4 yêu cầu của Tổng thống Obama đang rất cấp bách. Tổng thống Obama muốn có báo cáo về sự tiến bộ trong vòng 30 ngày. Tướng Kayani vẫn không nhúc nhích. Ông ta khẳng định lại Ấn Độ mới là mối bận tâm chủ yếu của mình.

Đến lượt Panetta đặt ra một loạt yêu cầu bổ sung cho các hoạt động của CIA. Các hoạt động này đã được Tổng thống Obama đồng ý tại các cuộc họp kiểm điểm chiến lược Afgh-Pak hồi cuối năm 2009. Giám đốc CIA Panetta tin rằng các máy bay không người lái loại Predator và thiết bị bay không người lái khác là thứ chuẩn xác nhất trong lịch sử chiến tranh. Vì vậy, ông ta muốn sử dụng chúng nhiều hơn.

Thế là Pakistan cho phép các máy bay không người lái bay trên những vùng địa lý có đánh dấu xác định rõ ràng, được đóng thành "khung". Do quân số bộ binh Pakistan tập trung rất đông ở miền Nam cho nên Islamabad không cho phép mở các "khung" như thế ở vùng này.

Panetta dấn thêm: "Chúng tôi cần có một khung như thế. Chúng tôi cần có được khả năng thực hiện các chiến dịch của chúng tôi”. Kayani đáp rằng, ông ta sẽ xem xét cho phép người Mỹ được mở một cái "khung" như vậy. Một lời hứa hẹn.

Nhưng bấy nhiêu chưa thể nói lên điều gì. Khi Jones và Panetta rời Pakistan, hai ông cảm giác như chỉ mới đạt được những tiến bộ nhỏ nhất, sơ khởi nhất. Giám đốc CIA Panetta tức giận nói: "Làm sao anh có thể tiến hành một cuộc chiến đồng thời lại có những thiên đường chứa chấp bọn khủng bố ở bên kia biên giới được chứ? Đúng là điên rồ thật!".

Panetta kết luận, Mỹ đang cần lực lượng bộ binh trên mặt đất để giúp xóa sổ các "thiên đường" của bọn khủng bố đó. CIA đã có lực lượng riêng - một đội quân bí mật ở Afghanistan với khoảng 3.000 người, được gọi là các toán Truy tìm chống khủng bố (CPT). Một số toán CPT này hiện đang thực hiện nhiều cuộc bố ráp chống khủng bố xuyên biên giới thọc sâu sang lãnh thổ Pakistan. "Chúng ta không thể thực hiện điều này mà không có lực lượng trên mặt đất" - Panetta kết luận. Lực lượng đó có thể là quân Pakistan hoặc quân Mỹ.

Trong bản báo cáo về chuyến công tác trình lên Tổng thống Obama, hai ông Jones và Panetta đã đưa ra cái nhìn bi quan về khả năng hợp tác của lãnh đạo Pakistan. Trong đó, nổi bật nhất là khoảng cách về quan điểm và nhiều thứ khác giữa các cơ quan quyền lực dân sự và quân đội Pakistan. Ông Zardari không thể đưa ra được điều gì, trong khi tướng Kayani là người có quyền lực mạnh nhất nhưng lại không muốn hứa hẹn nhiều.

Tướng Jones nói rằng thành công ở Afghanistan gắn chặt với những gì mà người Pakistan muốn hoặc không muốn làm. Và người Mỹ không thể "thắng" ở Afghanistan chừng nào mà các "thiên đường" dung chứa bọn khủng bố vẫn còn ở Pakistan. Và đây chính là "khối u ung thư" trong bản kế hoạch chiến lược mới cuối năm 2009 của Tổng thống Obama.

Ác thay, người Pakistan không có được cảm giác "khẩn trương" như người Mỹ, vì họ không thể hiểu được mức độ ảnh hưởng của một cuộc tấn công khủng bố dù nhỏ trên đất Mỹ. Vì vậy, những chọn lựa chiến lược của Tổng thống Obama sẽ bị thu hẹp đáng kể sau khi xảy ra một cuộc tấn công xuất phát từ Pakistan. Nếu người Pakistan thực hiện tốt 4 yêu cầu của ông, điều đó chắc chắn không xảy ra. Có vẻ như Pakistan đã có hợp tác tốt hơn chút đỉnh, theo lời khẳng định của Tổng thống Obama

An Châu - Q.Vương (theo Washington Post)
.
.