Cuộc chiến trục xuất giữa Nga và Anh

Thứ Tư, 08/08/2007, 13:30
Giữa tháng 7 vừa qua, Chính phủ Anh đã quyết định trục xuất 4 nhà ngoại giao Nga để trả đũa việc Nga từ chối trao cho phía Anh nhà doanh nghiệp Nga Lugovoi bị phía Anh buộc tội đã ám sát cựu điệp viên Xô Viết phản bội Litvinenko ngay trên đất Anh.

Công ước Vien về quan hệ ngoại giao năm 1961 cho phép quốc gia sở tại có quyền trục xuất một nhà ngoại giao nước ngoài nào đó vào bất kỳ thời điểm nào và không cần nêu lý do. Quốc gia có nhà ngoại giao đó phải triệu hồi người đó về nước hoặc ngừng nhiệm vụ người đó tại cơ quan đại diện, nếu không quốc gia sở tại có thể từ chối công nhận nhân vật đó là nhà ngoại giao.

Các nhân viên ngoại giao được hưởng quyền bất khả xâm phạm về ngoại giao, tức là được miễn trừ trách nhiệm hình sự, dân sự và hành chính (ngoại trừ một số trường hợp được nói riêng trong công ước Vien). Mặc dù họ phải tuân theo pháp luật của nước sở tại, nhưng nếu họ vi phạm pháp luật thì vẫn không thể bị bắt giữ. Tuy nhiên, họ sẽ bị trục xuất về nước theo quy chế persona non grata (nhân vật không được chấp nhận) - cơ chế duy nhất cho phép nước sở tại thoát khỏi những nhà ngoại giao không mong muốn.

Biện pháp trục xuất các nhà ngoại giao còn dùng để biểu thị thái độ không hài lòng của nước sở tại. Bởi vậy không có gì là lạ trong những năm Chiến tranh lạnh, việc trục xuất các nhà ngoại giao phổ biến không kém gì việc trục xuất gián điệp.

Theo nhận xét của tờ báo Anh Guardian, Anh và Nga thường xuyên theo dõi nhau và “trò chơi trục xuất” đã kéo dài từ lâu. Hơn nữa, cả hai bên đều rất thông thạo “trò chơi” này.

Cũng theo số liệu của Guardian, ở >London hiện nay có gần 30 sĩ quan tình báo Nga - một số lượng hệt như trong thời kỳ Chiến tranh lạnh. Trong số gần  30 sĩ quan tình báo Nga kể trên, chỉ một số rất ít là có quy chế chính thức Guardian khẳng định các nhà ngoại giao Nga bị trục xuất là vì bị nghi ngờ hoạt động gián điệp.

Vụ bê bối gián điệp Anh - Nga gần đây nhất xảy ra vào tháng 1/2006. Khi ấy, truyền hình Nga truyền đi hình ảnh gián điệp Anh cất giấu các trang thiết bị hoạt động gián điệp vào những chỗ kín đáo dưới các tảng đá. Đồng thời Moskva đe dọa sẽ trục xuất 4 nhà ngoại giao Anh. London tuyên bố sẽ đáp lại tương tự. Nhưng rốt cuộc, không có chuyện gì xảy ra.

Tuy nhiên, 10 năm trước, vào tháng 5/1996, Moskva vẫn trục xuất 4 nhà ngoại giao Anh, buộc tội họ hoạt động gián điệp. London đáp lại đúng như vậy. Trước đó 2 năm, vào tháng 4/1994, John Scarlett (hiện nay là Giám đốc MI-6) bị trục xuất khỏi Nga đã được “trao đổi” lấy một nhà ngoại giao Nga.

Tất cả những sự cố này không kéo theo những hậu quả nghiêm trọng và lâu dài, khác hẳn với vụ bê bối ngoại giao tai tiếng nhất giữa Anh và Liên Xô xảy ra vào năm 1971. Vào năm đó, London trục xuất liền một lúc 105 nhà ngoại giao Nga, còn Moskva đáp lại rất “khiêm tốn” - chỉ trục xuất 18 nhà ngoại giao Anh. Vụ này có nguyên nhân do sự phản bội của điệp viên Oleg Liapin nên nhiều điệp viên Xôviết bị lộ diện.

Sự hiện diện của điệp viên nước ngoài chẳng phải là điều gì xa lạ đối với cơ quan tình báo của bất kỳ nước sở tại nào. Họ thừa biết các điệp viên nước ngoài thường hoạt động dưới lớp vỏ hợp pháp, chẳng hạn, dưới danh nghĩa nhân viên ngoại giao hoặc nhà báo.

Những điệp viên này có thể bị phát hiện qua một vài dấu hiệu: thứ nhất, theo lịch làm việc (sau giờ làm việc chính thức thường không đi về nhà và thậm chí không đến thư viện), thứ hai, theo đồng hồ đo của ôtô (số cây số nhiều hơn nhiều lần), thứ ba, theo cách ứng xử trong những cuộc chiêu đãi ngoại giao (tích cực hơn trong việc thiết lập mối tiếp xúc)...

Trong những vụ trục xuất hàng loạt, nhiều khi người vô can cũng bị trục xuất theo. Biện pháp này được sử dụng để gây mâu thuẫn giữa cơ quan tình báo với những cơ quan bị họ sử dụng làm vỏ bọc. Bởi lẽ, chính quyền nước sở tại không có trách nhiệm phải giải thích lý do trục xuất cho từng người và người đó cũng không thể đệ đơn kiện được, vì thế, nhà ngoại giao hoặc nhà báo “trong sạch” chỉ còn biết trách cứ cơ quan tình báo đối ngoại của nước mình mà thôi.

Không có gì lạ khi nhiều phương tiện thông tin đại chúng phương Tây gọi quyết định của Bộ Ngoại giao Anh trục xuất 4 nhà ngoại giao Nga là sự quay trở lại thời kỳ “Chiến tranh lạnh”. Theo ý kiến của tờ New York Times, đây là thời điểm quan hệ Nga - Anh sa sút tới mức thấp nhất kể từ những năm 70 của thế kỷ trước

Vũ Việt (theo Rian.ru)
.
.