Cuộc đảo chính bất thành của Ecuador: Liệu có bàn tay của CIA?

Thứ Bảy, 09/10/2010, 18:20
Quốc gia Nam Mỹ Ecuador vừa nổ ra một cuộc đảo chính bất thành của các lực lượng bất mãn và chống đối lại chính phủ. Vụ việc đã khiến cho đương kim Tổng thống Rafael Correa - vẫn nổi tiếng là một người bạn thân thiết với Tổng thống Hugo Chavez của Venezuela, và là người thường chỉ trích Washington gay gắt - chút nữa đã bị lật đổ, thậm chí bị sát hại.

Như thường lệ, "đối tượng tình nghi" hàng đầu đứng đằng sau vụ bạo loạn trên vẫn được nêu tên là Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA).

Cuộc bạo loạn bắt đầu từ ngày 29/9 vừa qua, khi một số nhân viên cảnh sát và quân nhân tràn xuống đường tham gia biểu tình phản đối việc Tổng thống và Quốc hội đã thông qua quyết định cắt giảm ngân sách hoạt động của các cơ quan hành pháp.

Chỉ một ngày sau, tình hình đã biến chuyển thành những cuộc bạo động đẫm máu không thể kiểm soát. Những phần tử nổi loạn đã chiếm sân bay ở thủ đô Quito, cắt đứt tuyến đường chính từ sân bay về thành phố, khiến tất cả các chuyến bay đều bị bãi bỏ. Kèm theo đó, phe đảo chính còn đánh chiếm một số căn cứ quân sự tại Quito, thành phố cảng Guayaquil và nhiều thành phố khác.

Trên đường phố thủ đô Quito đã nổ ra những cuộc chạm súng thực sự giữa những kẻ nổi loạn và lực lượng trung thành với Tổng thống Correa, khiến hàng chục người thiệt mạng và bị thương. Bản thân Tổng thống cũng bị thương và phải vào bệnh viện để phẫu thuật đầu gối. Sau một thời gian ban hành tình trạng khẩn cấp trên khắp đất nước, chính quyền đã dần ổn định được tình hình. Tư lệnh quân đội Ernesto Gonzalez tuyên bố quân đội phục tùng Tổng thống vô điều kiện, đồng thời kêu gọi những kẻ nổi loạn đầu hàng.

Những phản ứng của cộng đồng quốc tế ủng hộ Tổng thống Correa đã được liên tục đưa ra, đặc biệt là từ người bạn thân thiết Hugo Chavez. Ông này ngay lập tức cảnh báo nguyên thủ Ecuador đang gặp nguy hiểm, đồng thời kêu gọi giới quân sự bảo vệ vị thủ lĩnh hợp hiến của mình.

Nguyên thủ trong Liên minh các quốc gia Nam Mỹ (UNASUR) đã gặp gỡ trong một hội nghị khẩn tại Argentina, nhất trí lên án âm mưu đảo chính và bày tỏ sự ủng hộ Tổng thống Correa. Văn kiện cuối cùng của hội nghị còn kêu gọi "phải đưa ra tòa những kẻ chịu trách nhiệm trong vụ nổi loạn trên". 

Sau khi đảo chính thất bại Washington mới chính thức đưa ra tuyên bố ủng hộ đồng minh của Tổng thống Chavez. Tuy nhiên theo các nhà quan sát, đó chỉ là một cử chỉ xã giao mang tính giả tạo của Nhà Trắng. Khó có thể hình dung Washington lại ủng hộ một chiến hữu thân cận của ông Hugo Chavez, người luôn có quan điểm chống Mỹ kiên quyết chẳng kém người bạn của mình.

Trong suốt thời gian cầm quyền vừa qua của mình (từ tháng 1/2007), Correa đã nổi tiếng với những phát biểu và hành động chống lại Washingon.

Chẳng hạn như vị Tổng thống này đã cho quốc hữu hóa một loạt các cơ sở khai thác dầu trước đó thuộc về các công ty nước ngoài, mà chủ yếu là các công ty Mỹ. Ông Correa công khai tuyên bố, chính sách đối ngoại của Ecuador hướng tới mục tiêu xây dựng được một khối liên minh Nam Mỹ thống nhất để chống lại tình trạng bá quyền của Mỹ.

Ngay sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Correa thẳng thừng bác bỏ đề xuất thành lập một khu vực thương mại thống nhất với Mỹ và đuổi quân Mỹ khỏi căn cứ không quân gần thành phố Manta được thuê từ trước đó. 

Các thành viên cảnh sát nổi loạn trên đường phố Quito.

Nếu như cách đây một thời gian không lâu, mọi chiến dịch can thiệp của Washington về cơ bản đều đạt được mục đích (ngoại trừ trường hợp của Cuba). Nhưng kể từ cuối những năm 90 thế kỷ trước, khi Tổng thống Hugo Chavez lên cầm quyền tại Venezuela, thời thế đã không còn đứng về phía Washington nữa. Tình báo Mỹ đã liên tục gặp thất bại, ngay cả khi những kẻ nổi loạn được Washington hậu thuẫn gần như đã lật đổ được Tổng thống Chavez vào ngày 18/4/2002.

Chính sự thật này đã từng được cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter thừa nhận. Theo tuyên bố của ông này với tờ El Tiempo của Colombia, Washington đã tham gia trực tiếp vào âm mưu lật đổ Chavez. Cần nhắc thêm rằng, ngay khi lực lượng nổi loạn tạm thời lên nắm quyền tại Venezuela trong 2 ngày, Mỹ đã có tuyên bố chính thức hoan nghênh cuộc đảo chính.

Có nhiều dữ liệu khác còn cho thấy, cuộc đình công lâu dài trước đó trong lĩnh vực khai thác dầu của Venezuela cũng được tài trợ từ các quỹ tài chính của Mỹ. Chưa đầy nửa năm sau, Tổng thống Chavez lại tuyên bố ngăn chặn được một âm mưu đảo chính mới với kẻ đứng đầu là cựu Ngoại trưởng Enrique Tejera có quan hệ chặt chẽ với Washington.

Nếu tính trong 10 năm gần đây, dù đã triển khai không ít nỗ lực, nhưng thành công duy nhất của Washington chính là vụ đảo chính lật đổ được Tổng thống Manuel Rosale tại Honduras.

Theo các nhà quan sát, Washington từ trước tới nay vẫn theo đuổi chính sách đối ngoại thuần túy phục vụ cho những lợi ích của bản thân mình tại Nam Mỹ. Chính vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi tình báo Mỹ luôn đứng đằng sau những âm mưu lật đổ hay ám sát những nguyên thủ quốc gia “không hợp khẩu vị” với mình tại khu vực này. Trường hợp mới nhất đối với Tổng thống Correa nhiều khả năng cũng không nằm ngoài quỹ đạo trên.

Nhưng thời thế và cán cân lực lượng tại khu vực này giờ đây đã có nhiều thay đổi khiến Washington giờ đây khó có khả năng tiếp tục "thay trời hành đạo" như trước đây

Đinh Linh (tổng hợp)
.
.