Cuộc đối đầu giữa tình báo Xôviết và CIA tại Đài Phát thanh tự do

Thứ Tư, 07/12/2005, 10:18

Trong những năm Chiến tranh lạnh, Đài Phát thanh Tự do được coi là một công cụ quan trọng trong cuộc chiến tâm lý của các cơ quan mật vụ phương Tây nhằm chống lại Liên Xô. Tình báo Liên Xô cũng nhận được lệnh phải cài cắm người vào trung tâm tuyên truyền này để khai thác thông tin.

Ý định xây dựng một đài phát thanh ở Đức để tuyên truyền chống Liên Xô lần đầu tiên được Bộ Ngoại giao Mỹ nêu ra vào tháng 8/1946, cho dù nó đã gặp sự phản đối của tướng Clay, Tư lệnh Quân đội Mỹ tại Berlin. Ông ta cho rằng, âm mưu này trái với quy định của bản hiệp ước về nước Đức, được ký kết giữa 4 cường quốc giành chiến thắng trong Chiến tranh thế giới lần thứ 2.

Tháng 12/1947, Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ ra chỉ thị “NSC 4-A”, giao nhiệm vụ cho Giám đốc CIA “khởi xướng và chỉ đạo những chiến dịch tâm lý bí mật nhằm chống lại Liên Xô, một mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh trên trái đất”. Ngoài ra, Giám đốc CIA cần phải bảo đảm các chiến dịch tâm lý này không được mâu thuẫn với chính sách đối ngoại của Mỹ. Theo ý kiến của các chuyên gia Mỹ, biện pháp hiệu quả nhất trong cuộc chiến tranh tâm lý là sử dụng chính những công dân Xôviết đang lưu vong ở phương Tây.

Đài Phát thanh Giải phóng (tên gọi ban đầu của Đài Tự do) được phát sóng lần đầu tiên vào ngày 1/3/1953, từ một máy phát nhỏ đặt ở Lamperthamer (nằm cách Munich 30 km). Từ thời điểm đó, một trong những nhiệm vụ được đặt ra của tình báo Xôviết là phải cài cắm được người vào trung tâm tuyên truyền này. Viên tướng KGB Oleg Kalugin (kẻ đã chạy sang phương Tây sau đó) đã được giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ đạo chiến dịch xây dựng một mạng lưới tình báo trong số các nhân viên của Đài Tự do”.

“Ngay cả khi chúng tôi không thể điều khiển mức độ tuyên truyền của các buổi phát - Kalugin kể lại - chúng tôi vẫn có khả năng nhận biết điều gì đang diễn ra tại Đài Tự do, nghiên cứu một cách tốt nhất những phương pháp làm việc của CIA, giúp làm “mềm hóa” những đòn tâm lý của họ nhằm vào chúng tôi. Trong suốt 10 năm làm việc tại cơ quan phản gián đối ngoại, chúng tôi đã cài cắm được thành công một vài điệp viên có giá trị vào Đài Tự do. Nhưng điệp viên tốt nhất chính là Oleg Tumanov”. 

Tumanov khi đó đang là một tổng biên tập được trả lương cao tại Đài Phát thanh Tự do. Anh đã cung cấp cho tình báo Xôviết rất nhiều thông tin có giá trị sau khi được tuyển mộ. Những chi tiết về quá trình tuyển mộ Oleg Tumanov chỉ được biết đến sau những tiết lộ của Kalugin.

Từ thời điểm đó, đã có rất nhiều tài liệu về đài phát thanh này đã được Tumanov chuyển giao cho các sĩ quan KGB trong những cuộc gặp gỡ tại Viên, Đông BerlinHelsinki. Qua Tumanov, tình báo Xôviết có đầy đủ hồ sơ riêng của các thành viên trong Đài Tự do, cũng như tất cả các tài liệu mật phục vụ cho công việc tại đây. Chỉ riêng trong năm 1974, Tumanov đã chuyển giao cho Liên Xô tổng cộng 12 đến 14 tập tài liệu. Cũng trong năm này, Đại tá tình báo Victor Gundarev được cử làm chỉ huy trực tiếp của Tumanov.

Năm 1986, Victor Gundarev đang hoạt động tại Athens đã quyết định đào tẩu. Thông tin về vụ phản bội này chỉ được tung lên báo chí châu Âu một tuần sau, khi mà CIA đã khai thác được hầu hết thông tin từ viên đại tá KGB này. Việc Gundarev chạy sang phương Tây đã dẫn tới sự lộ tẩy của một vài điệp viên KGB trong Đài Phát thanh Tự do, trong đó quan trọng nhất là Oleg Tumanov. Khi biết tin Gundarev phản bội, Tumanov vội vàng bay tới Đông Berlin, liên hệ với chi nhánh của KGB tại đây để xin lời khuyên. Anh được lệnh quay trở lại Munich. Nhưng cũng chính vào thời điểm này, KGB nhận được tin cựu sĩ quan hải quân Botvell đã bị bắt giữ do sự chỉ điểm của Gundarev. Thế là Tumanov được lệnh quay trở về Liên Xô vì tình hình đã trở nên rất nguy hiểm. Lúc đó, cả gia đình của Tumanov vẫn còn bị kẹt tại Munich. Bà vợ Svetlana đang làm việc trong một bộ tham mưu quân đội Mỹ tại Bavaria còn bị bắt giữ và kết án tù vì tội “cố gắng tuyển mộ một số quân nhân Mỹ đóng tại Munich”. Tumanov về sau còn viết một cuốn sách có tên “Tumanov: Confessions of a KGB Agent” nói về thời gian hoạt động tình báo của mình ở Đài Tự do.

Trong số các nhân viên của Đài Phát thanh Tự do, còn có một nữ điệp viên rất quan trọng nữa của KGB có mật danh “Marina”. Cô được tuyển mộ bởi một điệp viên khác của KGB cũng được cài cắm trong đài phát thanh. Đặc điểm của nữ điệp viên này là ở chỗ, cô ta không hoạt động vì lý tưởng hay tiền bạc, mà vì thích... mạo hiểm. Trung bình mỗi tháng một lần, Marina sang Áo để trao thông tin và tài liệu cho KGB. Nhiệm vụ cụ thể của Marina là cung cấp các tài liệu nội bộ, cũng như các sổ tra số điện thoại.

Marina thường xuyên qua lại giữa Đông và Tây Berlin nhờ một cánh cửa bí mật tại nhà ga tàu điện ngầm “Fridrichtrasse”, tuyến đường duy nhất nối hai khu của Berlin sau khi bức tường ngăn cách được dựng lên. Đằng sau một cửa hàng tại đây có một đường hầm bí mật được ngụy trang để có thể qua lại Đông Berlin. Có điều là nữ điệp viên này lại có một kết cục khá bi thảm. Sau khi rời khỏi Đài Phát thanh Tự do, Marina cũng chấm dứt luôn mọi hoạt động tình báo. Về sau, khi biết được về hoạt động bí mật của Marina, chính quyền CHLB Đức đã không truy tố cựu điệp viên này. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, chính Marina đã tự tìm đến cái chết

Thái Quân (Tổng hợp)
.
.