Cuộc đối đầu ngấm ngầm giữa Mỹ - Trung Quốc tại Pakistan

Thứ Tư, 13/07/2011, 13:40

Bằng cách tăng cường các cuộc tấn công quân sự trên đất Pakistan và buộc tội Islamabad đã bảo vệ cho Osama bin Laden, chính quyền Obama tìm cách xâm nhập vào vùng chịu ảnh hưởng của Trung Quốc. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã ngay lập tức chuyển một kho vũ khí không quân đến Islamabad và gửi tối hậu thư đến Washington rằng tất cả mọi động thái mới can dự vào Pakistan của Mỹ sẽ được xem như là một hành động không hữu nghị về phía Trung Quốc!

"Tất cả mọi cuộc tấn công chống Pakistan sẽ được ghi nhận như một cuộc tấn công chống Trung Hoa Đại Lục!"

Trung Quốc đã chính thức cảnh báo Mỹ rằng, tất cả mọi cuộc tấn công từ phía Washington chống lại Pakistan sẽ được hiểu như một hành động xâm lược với Bắc Kinh. Cảnh báo rất thẳng thắn này như một tối hậu thư chiến lược đầu tiên mà Washington nhận được từ hơn nửa thế kỷ nay, lần cuối cùng Mỹ nhận được một tối hậu thư như vậy từ Liên bang Xôviết vào cuộc khủng hoảng Berlin giữa năm 1958 và 1961.

Tiếp sau báo cáo chỉ ra rằng, Trung Quốc đã đề nghị Mỹ tôn trọng chủ quyền của Pakistan trong những ngày tiếp sau "chiến dịch Bin Laden", người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Khương Du đã tận dụng cuộc họp báo ngày 19/5/2011 để tái khẳng định dứt khoát sự sẵn sàng của Bắc Kinh: "Chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Pakistan phải được tôn trọng".

Theo một số nguồn tin ngoại giao của Pakistan trích trên tờ Times of India, Bắc Kinh rõ ràng cảnh báo "một cuộc tấn công Pakistan sẽ được xem như một cuộc tấn công Trung Quốc". Tối hậu thư này từng được đề cập trong những buổi đàm phán chiến lược và kinh tế diễn ra tại Washington ngày 9/5/2011 giữa Mỹ và Trung Quốc. Dẫn đầu phái đoàn đàm phán của Trung Quốc lần đó là Phó thủ tướng Wang Qishan và cố vấn Dai Bingguo.

Những cảnh báo của Trung Quốc mặc nhiên được củng cố bởi lực lượng hạt nhân của mình. Trung Quốc sở hữu khoảng 66 tên lửa xuyên lục địa trong đó có nhiều tên tửa có khả năng công kích Mỹ, hơn 118 tên lửa tầm trung, 36 tên lửa có thể bắn từ tàu ngầm và nhiều hệ thống tên lửa tầm ngắn khác.

Theo các nhà quan sát, sự hậu thuẫn của Trung Quốc là một điểm mấu chốt quan trọng với Pakistan vì nếu không có Trung Quốc, Pakistan sẽ bị kẹp giữa gọng kìm Mỹ và Ấn Độ. Tướng Talat Massoud, nhà phân tích chính trị về hưu, đã tuyên bố trên AFP: "Nếu áp lực của Mỹ và Ấn Độ tiếp tục duy trì, Pakistan có thể tuyên bố "Trung Quốc đứng về phía chúng tôi. Đừng nghĩ chúng tôi bị cô lập, chúng tôi có một siêu sức mạnh tiềm năng cùng với chúng tôi".

Thủ tướng Pakistan (phải) thăm Trung Quốc ngày 18/5/2011.

Tối hậu thư đã được đưa ra trong chuyến viếng thăm Bắc Kinh của Thủ tướng Pakistan Youssouf Raza Gilani. Trong chuyến viếng thăm này, Trung Quốc đã thông báo chuyển giao tức thì 50 máy bay phản lực chiến đấu đa năng JF-17 đời mới nhất mà không có khoản phí nào cho Pakistan.

Trước khi rời Bắc Kinh, ông Gilani đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc liên kết đồng minh giữa Pakistan và Trung Quốc bằng cách khẳng định:  "Chúng tôi rất tự hào tin tưởng Trung Quốc, một trong những bằng hữu tốt nhất của chúng tôi và khẳng định một lần nữa sự tin tưởng đã gắn kết chúng tôi với nhau. Trung Quốc có thể mãi mãi tin tưởng Pakistan luôn đứng về phía Trung Quốc trong mọi hoàn cảnh…".

Nguy cơ xung đột Mỹ - Pakistan

Những tuyên bố trên của Bắc Kinh với Mỹ về Pakistan cũng như chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Gilani cho thấy nguy cơ xung đột giữa Mỹ và Pakistan ngày càng rõ nét.

Khủng hoảng ngoại giao tiềm tàng giữa Mỹ và Pakistan đã bùng nổ vào ngày 1/5/2011 sau cuộc xâm nhập đơn phương và không được cho phép của đội biệt kích Mỹ giết chết trùm khủng bố Osama bin Laden. Hành động này đã vi phạm trắng trợn chủ quyền của Pakistan. Cuộc tấn công đơn phương của Mỹ vào Pakistan còn xuất phát từ một nguyên nhân khác. Đó là chuyến thăm Pakistan vào cuối tháng 3/2011 của Hoàng tử Bandar, người đứng đầu an ninh quốc gia Arập. Từ chuyến thăm này, một liên minh đã ngay lập tức được thiết lập giữa Islamabad và Riyad.

Thật vậy, Pakistan đã hứa cung cấp những đội quân để dập tắt mọi cuộc cách mạng màu mà Mỹ đã dày công dàn dựng trong Vương quốc Arập, và cung cấp một chiếc  ô  hạt nhân cho Arập. Điều này sẽ giúp Vương quốc Arập giảm thiểu những lời đe dọa từ Mỹ rằng sẽ để cho Iran khống chế Arập. Động thái liên kết giữa Pakistan và Arập Xêút nhằm mục đích ngăn chặn Washington nhúng tay vào khu vực mặc cho người khác nghĩ gì về hai chế độ này. Liên kết này sẽ là một đòn chí tử với Mỹ.

Chỉ có một yếu tố chắc chắn và nhất quán làm rõ sự kiện này chính là Pakistan đã trở thành mục tiêu chính của Mỹ. Như tờ Sunday Express của London đã viết, Obama đã phê duyệt một hành động gây hấn: "Các toán quân Mỹ sẽ được triển khai ở Pakistan nếu các cơ sở hạt nhân ở nước này có nguy cơ bị kiểm soát bởi phe khủng bố đang mong muốn trả thù sau cái chết của Bin Laden… Kế hoạch có thể được triển khai mà không có sự đồng ý của Tổng thống Zardari. Obama sẽ cử quân đến để trấn giữ các địa điểm quan trọng về tên lửa hạt nhân. Các cứ điểm bao gồm trụ sở chính của căn cứ không quân Sargodha, nơi các máy bay F-16 được trang bị ít nhất 80 tên lửa đạn đạo đầu đạn hạt nhân".

Theo các quan chức Mỹ, "kế hoạch đã được bật đèn xanh và Tổng thống đã thể hiện ý định triển khai các toán quân trên đất Pakistan vì ông ấy nghĩ điều đó quan trọng đối với an ninh quốc gia".

Sự căng thẳng cực độ về vấn đề này đã làm rõ chính sách "căng dây đàn" và sự điên rồ khó tin và mạo hiểm của Obama và cuộc tấn công cứng rắn đơn phương ngày 1/5 có thể được nhà cầm quyền Pakistan hiểu như một cuộc tấn công chống lại các cơ sở hạt nhân của họ.

Trên thực tế, xung đột vũ trang giữa các lực lượng của Mỹ và Pakistan đã leo thang từ ngày 17/5 khi một trực thăng của NATO đã xâm phạm không phận PakistanWaziristan. Lực lượng Pakistan đã sẵn sàng ở mức báo động cao nhất và ngay lập tức nổ súng. Trực thăng của Mỹ đã bắn trả. Hai binh sĩ đóng quân tại khu vực biên giới Datta Khel đã bị thương.

Trước Quốc hội, Thủ tướng Youssouf Raza Gilani bác bỏ mọi lời cáo buộc của Mỹ về việc chính phủ Islamabad bao che cho Osama bin Laden.

Sự đáp trả cho việc xâm nhập này từ phía Pakistan có thể đã xảy ra ở Peshawar vào ngày 20/5 khi một chiếc xe được gài bom đã có vẻ nhắm đến đoàn xe 2 chiếc của lãnh sự quán Mỹ và chỉ gây ra thiệt hại về mặt vật chất và không có nạn nhân nào phía Mỹ. Trên mặt trận mật vụ, kênh truyền hình Ary One đã công bố tên của trưởng chi nhánh CIA tại Islamabad. Đây là vụ việc thứ hai khi một trưởng đại diện của cơ quan tình báo bị lộ trong vòng ít nhất 6 tháng.

Vào ngày 19/5, đại diện đặc biệt của Mỹ tại Afghanistan và ở Pakistan, Marc Grossman, đã bác bỏ một cách kiêu ngạo những lời kêu gọi của Pakistan yêu cầu các hành động như đã diễn ra ở Abbottabad không được tiếp tục diễn ra trên đất của họ. Từ chối tất cả các lời hứa mang nội dung tương tự, Grossman đã tuyên bố trước đây các nhà chức trách Pakistan đã không đề nghị sự tôn trọng biên giới trong nhiều năm gần đây.

Giữa cuộc khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng này, Ấn Độ đã trả giá cao hơn bằng cách lên chương trình diễn tập quân sự nhắm đến Pakistan. Tương tự như chương trình "Vijayee Bhava" (Hãy chiến thắng) diễn ra trong sa mạc Thar phía bắc Rajasthan, chương trình diễn tập chiến tranh chớp nhoáng NBC (Hạt nhân, Sinh học, Hóa học) bao gồm Quân đoàn 2, lực lượng được đánh giá là hùng mạnh nhất trong 3 lực lượng tấn công của quân đội Ấn Độ và nhiệm vụ của quân đoàn này là chia Pakistan làm hai phần trong trường hợp chiến tranh tổng lực nổ ra giữa hai nước".

Một trong những cách để có được sự khiêu khích đủ để biện minh cho cuộc tấn công Mỹ - Ấn chống lại Pakistan là sự gia tăng các hoạt động khủng bố gắn liền với tên gọi Taliban. Theo giới báo chí Pakistan, CIA, Mossad Israel và RAW (Cơ quan Tình báo đối ngoại Ấn Độ) đã tạo ra một phiên bản Taliban của chính họ dưới hình thức những nhóm khủng bố do họ kiểm soát và chỉ đạo.

Theo một nguồn tin, "Những nhân viên CIA đã xâm nhập vào mạng lưới Taliban và Al-Qaeda và tạo ra một lực lượng riêng của họ là Tehrik-e-Taliban Pakistan (TTP) với mục đích gây mất ổn định Pakistan". Tướng Aslam Ghuman, cựu Tư lệnh khu vực của ISI (Cơ quan Mật vụ Pakistan) ở Penjan đã tuyên bố: "Trong chuyến thăm Mỹ, tôi đã biết được Cơ quan Tình báo Mossad đã thông đồng với Cơ quan Tình báo Ấn Độ RAW dưới sự giám sát trực tiếp của CIA muốn gây mất ổn định Pakistan bằng mọi giá". Vụ đánh bom kép đã giết chết 80 nhân viên bán quân sự ở Waziristan vào tuần qua có phải do nhóm giả mạo này gây ra không?

Sau bài diễn văn của Obama tại West Point năm 2009, CIA đã sử dụng các cuộc tấn công mục tiêu giả để tàn sát thường dân với mục tiêu kích động cuộc nội chiến ở Pakistan và dẫn đến việc chia cắt đất nước theo lãnh thổ các sắc tộc Penjab, Sind, Baloutchistan và Pachtounistan. Mục đích địa chính trị của tất cả các vùng này là để kết thúc vai trò hành lang năng lượng giữa Iran và Trung Quốc của Pakistan.

Từ ngày 1/5, 6 cuộc tấn công của máy bay không người lái của Mỹ đã gây nên ít nhất 42 người thiệt mạng trong khu vực dân cư Pakistan. Việc này đã dấy lên làn sóng thù hận Mỹ điên cuồng.

Đáp lại, trong một phiên họp Quốc hội ngày 14/5, Pakistan đã chính thức yêu cầu dừng các cuộc tấn công bằng tên lửa của Mỹ và kêu gọi chính phủ cắt đường hỗ trợ hậu cần của NATO cho Afghanistan nếu các cuộc tấn công còn tiếp diễn. Trong khi đường dây tiếp tế Karrachi-Khyber qua vùng cùng tên vận chuyển 2/3 lượng tiếp tế cho những kẻ xâm lược Afghanistan thì một giải pháp như vậy sẽ gây một sự xáo trộn giữa các lực lượng của NATO. Tất cả điều đó cho thấy nguy cơ xảy ra xung đột giữa các quốc gia mà đường dây tiếp tế đi qua.

Gilani: tăng cường đáp trả để bảo vệ tài sản chiến lược của Pakistan

Trung Quốc đã gửi cảnh báo đến Washington ngay sau khi Thủ tướng Gilani tuyên bố trước Quốc hội Pakistan: "Đừng để bất cứ ai rút ra những kết luận sai lầm. Tất cả mọi cuộc tấn công chống lại những thành quả chiến lược của Pakistan, cho dù có thể thấy được hay ẩn giấu, hãy tìm ra một câu trả lời thích đáng… Pakistan có quyền phản công bằng vũ lực. Không một ai có quyền đánh giá thấp động lực và khả năng của đất nước chúng ta, của lực lượng quân sự  để bảo vệ tổ quốc thiêng liêng". Một sự đe dọa trả thù đến từ một cường quốc hạt nhân giống như Pakistan cần phải được cân nhắc nghiêm túc, ngay cả khi với kẻ hiếu chiến nhất trong chính quyền Obama.

Những thành tựu chiến lược mà Gilani nói đến chính là vũ khí hạt nhân của Pakistan, điểm mấu chốt để răn đe chống lại mọi cuộc tấn công từ phía Ấn Độ trong khuôn khổ hiệp định hợp tác hạt nhân giữa Ấn Độ và Mỹ. Lực lượng quân sự Mỹ ở Afghanistan đã không thể giữ bí mật kế hoạch nắm giữ và tháo gỡ vũ khí hạt nhân của Pakistan.

Theo một báo cáo của Fox News vào năm 2009, "Mỹ đã xây dựng một kế hoạch chi tiết để xâm nhập vào Pakistan và chiếm lấy kho đầu đạn hạt nhân di động nếu có vẻ đất nước này rơi vào tay Taliban, Al-Qaeda hoặc bất cứ phong trào Hồi giáo cực đoan khác". Kế hoạch này đã được xây dựng bởi tướng Stanley McChrystal khi ông còn đứng đầu Bộ Chỉ huy đặc vụ Fort Bragg ở Bắc Carolina.

Bộ chỉ huy này, có vẻ đã trực tiếp tham gia vào trong chiến dịch tiêu diệt Bin Laden, bao gồm lực lượng Army Delta Force, Navy SEALs và "đội đặc nhiệm công nghệ cao được biết dưới cái tên Task Force Orange"... Theo một nguồn tin của Fox News thì "Những đơn vị nhỏ cần phải nắm lấy vũ khí nguyên tử Pakistan, vô hiệu hóa chúng trước khi thu gom về một địa điểm an toàn".

Nếu Trung Quốc đứng sau Pakistan thì chắc chắn dự kiến Nga sẽ xếp hàng sau Trung Quốc. Tại Hội nghị của Tổ chức hợp tác Thượng Hải ngày 15/6 vừa qua, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào chúc mừng mối quan hệ hợp tác Nga - Trung mà theo ông này mô tả là đã đạt được "một mức độ chưa từng thấy" và "một lợi thế chiến lược hiển nhiên"

Văn Bôl - Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.