Cuộc giải cứu Tổng thống Hugo Chavez qua lời kể của Chủ tịch Fidel Castro (tiếp theo)

Thứ Hai, 10/07/2006, 08:00

Trong vòng 40 năm dưới cái gọi là nền dân chủ trước thời kỳ Chavez lên cầm  quyền, tính ra có tới 200 tỉ USD từ Venezuela chạy ra nước ngoài. Đất nước này đã có thể đạt tới trình độ công nghiệp hóa cao hơn Thụy Điển và về giáo dục thì có thể ngang bằng nếu có một nền dân chủ thực sự, nếu các cơ chế dân chủ đó hoạt động đúng như những gì người ta tuyên truyền, quảng cáo.

Từ khi Chính phủ Chavez lên cho đến khi kiểm soát được tỉ giá hối đoái vào tháng 1/2003, người ta tính có  khoảng 30 tỉ USD chạy ra nước ngoài. Như chúng tôi đã vạch rõ, đó là hiện tượng làm cho cái trật tự vẫn tồn tại lâu nay ở khu vực này trở nên không thể duy trì được.

- Ignacio Ramonet (IR): Ngày 11/4/2002 đã xảy ra một cuộc đảo chính chống Chavez ở Caracas, Ngài có theo dõi các sự kiện đó chứ?

- Chủ tịch Fidel Castro (FC): Khi chúng tôi nhận được tin tức về các cuộc biểu tình tuần hành của phe đối lập kéo về Dinh tổng thống Miraflores, với các vụ khiêu khích, các cuộc đấu súng, các con số về thiệt hại nhân mạng... Một số sĩ quan cao cấp đã nổi loạn và công khai phát biểu chống Tổng thống, đội bảo vệ Tổng thống đã rút khỏi Dinh, rồi lại có tin quân đội chuẩn bị vào cuộc và kéo quân đến bắt  Chavez... Lúc đó tôi gọi điện thoại cho ông ấy vì biết rằng ông ấy đang gặp nguy hiểm, nhưng tôi cũng biết rằng Chavez là người kiên định, tôi nói với ông ấy: "Hugo, anh không thể hy sinh, anh đừng hành động như Allende trước đây, khi đó ông chỉ có một mình, không có quân lính. Giờ đây anh có trong tay đại bộ phận quân đội, anh không nên từ chức, không nên rời bỏ chức vụ".

- IR:  Ngài đã cổ vũ Chavez  kháng cự và cầm vũ khí chiến đấu?

- FC: Không phải, hoàn toàn ngược lại. Allende đã tự tay cầm súng chiến đấu  và đã phải hy sinh. Chavez có 3 sự lựa chọn: Một là tử thủ tại Dinh tổng thống; hai là kêu gọi quần chúng nhân dân nổi dậy và phát động cuộc nội chiến; ba là để bị bắt, nhưng không từ chức, không tuyên bố rời bỏ chức vụ. Chúng tôi gợi ý lựa chọn thứ ba, và điều đó trùng hợp với quyết định của chính Chavez. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với bài học lịch sử, bởi vì tất cả các nhà lãnh đạo được quần chúng ủng hộ và bị lật đổ trong hoàn cảnh tương tự, nếu bảo toàn được tính mạng thì quần chúng nhân dân sẽ đấu tranh đòi phải thả họ ra, và sớm hay muộn họ sẽ trở lại nắm quyền.

- IR: Trong thời điểm đó, các ngài đã nỗ lực giúp Chavez thế nào?

- FC:  Vâng, chúng tôi chỉ có thể hành động bằng con đường ngoại giao. Ngay đêm hôm đó chúng tôi mời tất cả các vị đại sứ Mỹ Latinh tới và đề nghị họ cùng đi với Bộ trưởng Ngoại giao Cuba Felipe Perez Roque bay sang Caracas để giải cứu Tổng thống hợp hiến Venezuela Hugo Chavez. Chúng tôi đề nghị cho 2 chiếc chuyên cơ sang đó để sẵn sàng đưa Chavez đi nếu phe đảo chính quyết định trục xuất ông ra tị nạn ở nước ngoài.

Hugo Chavez và Fidel Castro.

Tổng thống Chavez đã bị nhóm quân sự đảo chính bắt làm tù binh và hoàn toàn mất dấu vết. Đài truyền hình liên tiếp đưa tin Chavez đã từ chức hòng làm tan rã lực lượng ủng hộ và lung lạc nhân dân.

Nhưng có một lần, nhóm đảo chính cho phép ông gọi điện thoại, và Chavez đã nói chuyện được với con gái là Maria Gabriela, ông đã nói rằng ông không từ chức, không rời bỏ chức vụ, rằng Tổng thống đang bị bắt, ông yêu cầu  truyền tin đó ra bên ngoài.

Maria lúc đó đã có một quyết định dũng cảm là gọi điện thoại cho tôi để thông báo tin đó, cô khẳng định cha mình không từ chức. Nhận được tin, chúng tôi quyết định lãnh lấy trách nhiệm bảo vệ nền dân chủ Venezuela, bởi vì chúng tôi biết chắc rằng Mỹ và Tây Ban Nha lúc đó dưới thời Thủ tướng Jose Maria Aznar, những nước không ngớt nói về nền dân chủ và thường xuyên chỉ trích Cuba, chính là những nước ủng hộ cuộc đảo chính ở Venezuela.

Chúng tôi đã đề nghị cô Maria nhắc lại thông tin đó và ghi âm cuộc nói chuyện của cô với người dẫn chương trình của Đài Truyền hình Cuba  và phát đi rộng rãi ra quốc tế. Chúng tôi cũng mời tất cả các phóng viên nước ngoài có mặt tại La Habana tới vào lúc 4 giờ sáng để thông báo tình hình và cho họ nghe băng ghi âm phát biểu của con gái Tổng thống Hugo Chavez. Hãng CNN ngay lập tức truyền đi tin này, và tại Venezuela, tin Tổng thống không từ chức và bị bắt lan truyền khắp đất nước.

- IRHậu quả của việc đó ra sao?

- FC: Vâng, tin đó đã tới được các sĩ quan trung thành với Tổng thống, những người đã bị phe đảo chính lừa dối bằng việc tung tin Chavez từ chức. Trong số này có một viên tướng đã tìm cách liên hệ với chúng  tôi, và tôi đã nói chuyện với ông ta qua điện thoại, khẳng định lại rằng điều con gái Chavez nói là đúng, rằng khắp thế giới đều biết Tổng thống không từ chức. Viên tướng đã nói chuyện khá lâu với tôi, ông ta thông báo về tình hình quân sự và cho biết những ai trong giới sĩ quan cao cấp ủng hộ Chavez, những ai không. Khi ấy chúng tôi hiểu rằng tình hình không đến mức tồi tệ, bởi vì các đơn vị quân đội tinh nhuệ nhất, được huấn luyện tốt nhất vẫn đứng về phía Tổng thống.

Tôi nói với viên tướng là điều cấp thiết nhất là phải biết được nơi Chavez bị câu lưu và điều động ngay lực lượng trung thành đến giải cứu. Viên tướng đề nghị tôi nói chuyện với cấp trên của ông ta và chuyển điện thoại cho người đó. Tôi khẳng định lại với vị này tin do con gái Chavez cung cấp và nhấn mạnh rằng Chavez vẫn là Tổng thống hợp hiến của Venezuela. Tôi nói với ông ấy về lòng trung thành của một sĩ quan, về tư tưởng yêu nước của Simon Bolivar và lịch sử Venezuela... Vị tướng cao cấp hơn này tỏ rõ tinh thần yêu nước và sự trung thành với hiến pháp bằng việc khẳng định với tôi: Nếu quả thực Chavez không từ chức thì ông ấy sẽ luôn trung thành với vị Tổng thống được nhân dân bầu ra.

- IR: Nhưng tới lúc đó vẫn chưa biết Chavez ở đâu, đúng không?

- FC: Trong lúc đó thì Chavez đã bị đưa ra đảo Orchila. Thông tin hoàn toàn bị cắt. Tổng giám mục Caracas Baltazar Porras đến thăm ông và khuyên nên từ chức, để tránh một cuộc nội chiến. Đó là một lời đe dọa dưới chiêu bài nhân đạo. Vị cha cố này còn yêu cầu Chavez viết một bức thư bày tỏ ý nguyện từ chức. Lúc đó Chavez không nắm được tình hình diễn biến ở Caracas và ở trong nước. Phe đảo chính đã mưu toan đưa Chavez ra xử bắn, nhưng  tiểu đội hành quyết đã chống lệnh và đe dọa nổi loạn.--PageBreak--

Nhiều sĩ quan và binh lính làm nhiệm vụ canh gác sẵn sàng bảo vệ Chavez  và ngăn cản việc sát hại ông. Chavez tìm cách kéo dài thời gian thông qua vị Tổng giám mục, làm như đang soạn thảo và sửa chữa một tuyên bố gì đó... vì e rằng nếu hoàn chỉnh ngay văn bản thì sẽ bị chúng tìm cách thủ tiêu... Chavez kiên quyết không từ chức, và tuyên bố nếu phe đảo chính buộc ông làm việc đó thì trước hết phải bước qua xác ông, và nếu vậy thì vấn đề không còn là một giải pháp hợp hiến!

- IR: Vậy việc cho máy bay sang để giải cứu và đưa Chavez đi tị nạn có tiếp tục không?

- FC: Không, sau cuộc nói chuyện với các viên tướng nói trên, chúng tôi thay đổi kế hoạch. Chuyến đi của Ngoại trưởng Felipe và các đại sứ Mỹ Latinh sang Caracas tạm ngừng. Hơn thế nữa, khi có tin đồn là phe đảo chính định trục xuất Chavez sang Cuba, chúng tôi liền tuyên bố công khai rằng nếu họ đưa Chavez sang đây thì chúng tôi sẽ cho máy bay chở Tổng thống trở lại Venezuela ngay lập tức.

- IR: Và rồi Chavez đã trở lại nắm quyền như thế nào?

- FC: Vâng, tình hình đang diễn biến thì vào một thời điểm nào đó viên tướng đầu tiên nói chuyện với tôi lại liên lạc qua điện thoại và thông báo là đã xác định được nơi Chavez bị giam giữ ở đảo Orchila. Chúng tôi thảo luận về biện pháp tốt nhất để giải cứu Chavez. Với thái độ rất tôn trọng họ, tôi gợi ý 3 điểm cơ bản: Kế hoạch  tuyệt đối bí mật, sử dụng lực lượng áp đảo và đảm bảo hiệu quả cao nhất. Lực lượng quân dù ở căn cứ Marakay, một đơn vị ưu tú nhất của quân đội, trung thành với Tổng thống được giao nhiệm vụ này.

Trong khi đó, tại Caracas, quần chúng nhân dân biểu tình tuần hành đòi Chavez trở về, đội bảo vệ Dinh tổng thống trở lại chiếm lĩnh các vị trí tại lâu đài Miraflores và cũng đòi Tổng thống trở về. Quân đảo chính lần lượt bị dồn đuổi chạy khỏi Dinh tổng thống. Bản thân Pedro Carmona, Chủ tịch nghiệp đoàn giới chủ và tổng thống tiếm quyền trong vài ngày suýt nữa bị bắt ngay tại đây. Cuối cùng, vào rạng sáng ngày 14-4-2002, Chavez đã được lực lượng quân đội trung thành giải cứu trở về lâu đài Miraflores trong sự tung hô chào mừng nồng nhiệt của nhân dân. Trong thời gian 2 ngày diễn ra các sự kiện ở Caracas, tôi hầu như không ngủ, và thật là vui mừng biết bao khi chứng kiến việc quần chúng nhân dân và một bộ phận quân đội yêu nước đã bảo vệ được nền dân chủ hợp hiến ở Venezuela. Thảm kịch Chile năm 1973 đã không lặp lại ở đất nước của Simon Bolivar.

- IR: Hugo Chavez  là đại diện của giới quân sự tiến bộ, nhưng ở châu Âu và cả ở Mỹ Latinh, nhiều người tiến bộ lại chê trách Chavez chính ở điểm là một nhà quân sự, Ngài có ý kiến gì về điều có vẻ như là mâu thuẫn giữa tính chất tiến bộ và vai trò quân nhân?

- FC: Ông xem, ở Venezuela chúng ta thấy có một quân đội đóng vai trò quan trọng trong cuộc cách mạng theo tư tưởng Bolivar. Ở Panama có Omar Torrijos là tấm gương của một nhà quân sự giác ngộ yêu nước,  ở Peru trước đây có Juan  Velasco Alvarado từng có nhiều hoạt động tiến bộ nổi bật. Cũng không nên quên rằng ở Brazil đã từng có Luis Carlos Prestes là một sĩ quan đã tiến hành cuộc trường chinh dọc theo đất nước từ 1924-1926, giống như cuộc trường chinh của Mao Trạch Đông  ở Trung Quốc năm 1934-1935. Nhà văn  Jorge  Amado đã viết một tác phẩm về cuộc trường chinh của Luis Carlos nhan đề "Chàng kị sĩ của niềm hy vọng"... Những ví dụ đó cho thấy: các nhà quân sự đã có những công trạng to lớn đối với đất nước và nhân dân của họ.

Tôi lại lấy ví dụ ở Mexico: Lazaro Cardenas đã thực hiện quốc hữu hóa ngành dầu mỏ trong cách mạng Mexico.  Ông cũng là người thực hiện cải cách ruộng đất  và giành được sự ủng hộ của đại đa số nhân dân. Khi đề cập tới lịch sử Mexico, người ta không thể không nói tới Lazaro Cardenas, và đó chính là nhà cách mạng xuất thân là một nhà quân sự, một vị tướng đấy chứ...

- IR: Ông có nghĩ rằng thời đại của các cuộc cách mạng và đấu tranh vũ trang đã chấm dứt?

- FC: Thế này nhé, không ai có thể dám chắc rằng ngay lúc này sẽ diễn ra những biến đổi cách  mạng ở Mỹ Latinh, nhưng cũng không ai có thể khẳng định là nó lại không xảy ra ở nước này hay nước kia vào bất cứ lúc nào. Tôi cho rằng nếu ai đó phân tích một cách khách quan thực trạng kinh tế và xã hội của một số nước, thì không thể không đi đến kết luận là tình hình có xu hướng bùng nổ. Ông xem, ở nhiều nước Mỹ Latinh, tỉ lệ trẻ em chết yểu là 65 phần nghìn, ở Cuba là 6,5 phần nghìn, nghĩa là ở các nước khác trong khu vực, tỉ lệ trẻ em chết yểu cao hơn 10 lần so với ở Cuba.

Tình trạng suy dinh dưỡng chiếm 49% dân số Mỹ Latinh, tỉ lệ người mù chữ là rất cao, nạn thất nghiệp tác động tới hàng chục triệu người, hơn 30 triệu trẻ em bị bỏ rơi. Ông Tổng giám đốc UNICEF nói với tôi rằng nếu Mỹ Latinh có trình độ chăm sóc y tế như ở Cuba  thì 700 nghìn trẻ em sẽ được cứu sống hàng năm... Tình hình chung ở khu vực thật là kinh khủng!

Nếu không có được giải pháp đối với các vấn đề đó - mà Liên minh tự do thương mại châu Mỹ (ALCA) do Mỹ khởi xướng không thể giải quyết được, và đơn thuốc toàn cầu hóa tự do kiểu mới cũng không thể giải quyết được thì có thể nổ ra không phải chỉ là một cuộc cách mạng ở một nước nào đó trong khu vực mà Mỹ hoàn toàn không ngờ tới. Khi ấy họ không thể đổ lỗi cho ai đã làm bùng nổ những cuộc cách mạng đó

Phạm Đình Lợi (dịch)
.
.