Cuộc giải cứu Tổng thống Hugo Chavez qua lời kể của Chủ tịch Fidel Castro

Thứ Bảy, 08/07/2006, 08:00
Trong các số trước, Chuyên đề ANTG đã giới thiệu nội dung Chủ tịch Fidel Castro trả lời phỏng vấn Tổng biên tập báo Le Monde Ignacio Ramonet về tình hình sức khỏe của ông và vấn đề người kế vị ở Cuba. Nay xin giới thiệu tiếp phần nói về tình hình chính trị ở Mỹ Latinh và chuyện giải cứu Tổng thống Venezuela Hugo Chavez khỏi cuộc đảo chính quân sự năm 2002.

- Ignacio Ramonet (IR):  Xin hỏi Chủ tịch một câu về  Subcomandante Marcos. Tháng 1/2004 vừa tròn 10 năm ngày nổ ra cuộc nổi dậy của những người zapatista ở Chiapas (Mexico) nhân dịp Hiệp định Tự do thương mại giữa Mexico, Mỹ và Canada có hiệu lực. Tôi muốn biết ý kiến của ngài về nhân vật đặc biệt và rất nổi tiếng trong phong trào phản đối toàn cầu hóa này. Ngài có từng quen biết hay từng đọc các bài viết của ông ta?

-Fidel Castro (FC): Tôi không thể đánh giá về ông ta, tôi chỉ mới đọc một số tài liệu ông viết về Marcos, và những gì ông ta nói rất đáng chú ý, nó giúp ta hiểu về bản lĩnh con người này và một số điều khác nữa, chẳng hạn vì sao lại có cấp hàm Subcomandante.  Trước đây, tất cả các vị chỉ huy tham gia chiến tranh hoặc tư lệnh các chiến dịch đều mang hàm cấp tướng. Trong thời kỳ cách mạng Cuba, một tiền lệ đã được đặt ra là các chỉ huy chỉ mang hàm comandante  (nghĩa gốc là thiếu tá, sau được hiểu rộng ra là tư lệnh, người chỉ huy một đạo quân - ND). 

Bản thân tôi chỉ mang hàm thiếu tá, và không bao giờ thăng cấp cả. Sau này, vì tôi là chỉ huy quân khởi nghĩa nên mọi người gọi là Thiếu tá tư lệnh (Comandante y Jefe), chứ không phải là Tổng tư lệnh (Comandante en Jefe)  như sau này quen gọi như vậy. Sở dĩ tôi có cấp hàm như thế là vì khi ở chiến khu Sierra Maestra, chúng tôi phải tổ chức lực lượng quân sự, và không thể gọi Tổng thư ký đoàn quân du kích.

Vì thế chúng tôi vận dụng các thuật ngữ quân sự đã có, và cấp thiếu tá là quân hàm khiêm tốn nhất của quân đội cách mạng, nhưng cũng có thuận lợi là có thể thêm các từ Tư lệnh hay Tổng Tư lệnh vào sau như mọi người đã biết. Từ đó về sau, các phong trào cách mạng không mấy khi sử dụng danh hiệu cấp tướng trong tổ chức quân sự của mình. Nhưng Marcos thì tự đặt cho mình là Subcomandante, tôi cũng không hiểu vì sao...

- IR: Marcos có giải thích đấy, ông ấy nói  Comandante là nhân dân, còn tôi chỉ là Subcomandante, tức là người thừa hành mệnh lệnh của nhân dân mà thôi.

- FC:  Vậy Marcos là Phó Tư lệnh của vị Tư lệnh là nhân dân, hay quá!... Cũng qua quyển sách của ông ghi lại cuộc trò chuyện với Marcos, tôi hiểu được khá nhiều chi tiết, những tư tưởng và quan niệm của ông ta. Cuộc đấu tranh của ông ta vì sự nghiệp của người Anhđiêng bản xứ. Tôi đã đọc với tất cả sự tôn trọng, và tôi rất vui mừng được tiếp cận những thông tin như thế về tình hình Chiapas... Tôi rất chú ý theo dõi quá trình này, tôi nhận thấy Marcos là một con người chính trực, có tài năng, có quan  điểm rõ ràng.

Bây giờ thì tôi hiểu là có thể xuất hiện một Marcos, hai Marcos, hàng trăm Marcos, bởi vì tôi biết rõ và đã từng tiếp xúc với những người Anhđiêng bản xứ qua nhiều năm, tôi đã gặp họ ở Bolivia, ở Peru, ở Ecuador. Tôi thực sự có cảm tình với họ về chính trị, về con người, về bản chất cách mạng của lớp người từng chịu đựng nhiều đau khổ trong xã hội Mỹ Latinh.

- IR:  Ngài quan tâm nhiều đến cuộc chiến đấu của các dân tộc Anhđiêng bản xứ ở Mỹ Latinh?

- FC: Tôi đặc biệt quan tâm đến điều này. Ông cũng biết tôi là bạn thân của họa sĩ Guayasamin (họa sĩ, nhà văn hóa lớn người Anhđiêng ở Ecuador). Tôi rất khâm phục và thường xuyên nói chuyện với  Guayasamin và ông ấy cũng thường nói với tôi về các vấn đề, về những thảm họa mà người da đỏ bản địa phải trải qua.

Mặt khác, chúng ta đều biết trong lịch sử đã từng xảy ra các vụ diệt chủng  đối với người Anhđiêng qua hàng thế kỷ, nhưng dần dần các nhóm cư dân bản xứ ngày càng có nhận thức rõ ràng hơn. Cuộc đấu tranh của Marcos và những người da đỏ  bản địa ở Chiapas là sự kiện minh chứng cho tinh thần chiến đấu mới của họ.

Đó là tất cả những gì tôi có thể nói về Marcos. Chúng tôi quan sát với tất cả sự tôn trọng đường lối mà họ theo đuổi, cũng như chúng tôi luôn tôn trọng đường lối của các phong trào, các đảng tiến bộ và dân chủ. Nhưng tôi chưa có điều kiện, chưa từng có dịp nói chuyện riêng với ông ấy, chưa trực tiếp quen biết  và chỉ biết ông ấy qua báo chí và truyền hình. Tôi cũng quen biết nhiều người, nhiều nhà trí thức có cảm tình và rất khâm phục Marcos.

- IR: Ecuador cũng có một phong trào mạnh của người bản xứ.

- FC: Đúng vậy, tôi cũng rất khâm phục phong trào của người Anhđiêng ở Ecuador, đó là Liên đoàn Các dân tộc bản địa (CONA) và Tổ chức Đất đai của chúng ta (PACHACUTIK), với các tổ chức xã hội, chính trị và những lãnh tụ của họ.

Tôi cũng có quen biết với một số nhà lãnh đạo tài năng của Bolivia, một đất nước có tinh thần chiến đấu mạnh mẽ. Tôi cũng quen biết nhà lãnh đạo chủ yếu của Bolivia hiện nay là Evo Morales, một con người nổi bật, tài năng kiệt xuất.

- IR: Ngài rất vui mừng trước thắng lợi của Evo Morales trong cuộc bầu cử tổng thống Bolivia ngày 18/12/2005?

- FC:  Rất vui mừng, Evo Morales đã giành thắng lợi một cách vang dội và tuyệt đối, điều đó làm rung chuyển thế giới, bởi vì đây là lần đầu tiên một người thiểu số da đỏ được bầu vào chức vụ tổng thống. Evo Morales có đầy đủ phẩm chất để lãnh đạo đất nước và nhân dân mình trong giờ phút quyết định này.

Bolivia nằm giữa trái tim của châu Mỹ, chính là nước đã lấy tên của người anh hùng giải phóng Simon Bolivar làm quốc hiệu của mình. Nhà lãnh đạo đầu tiên ở Bolivia là Nguyên soái  Antonio Jose de Sucre. Đó là đất nước giàu tiềm năng về con người và hầm mỏ, nhưng hiện tại đang là nước nghèo nhất khu vực, với số dân chừng 7 triệu người, cư trú trên địa bàn chủ yếu là rừng núi có diện tích trên 1 triệu km2.

Trong  bối cảnh ấy,  Evo Morales phấn đấu hướng về tương lai như là niềm hy vọng của đại đa số nhân dân Bolivia. Đó là hiện thân của quyết tâm phá vỡ hệ thống chính trị đã được thiết lập từ lâu đời trong khu vực và cũng thể hiện ý chí của tuyệt đại bộ phận quần chúng muốn giành được độc lập thực sự. Việc Evo Morales trúng cử là bằng chứng cho thấy bản đồ chính trị ở Mỹ Latinh đang thay đổi. Một luồng gió mới bắt đầu thổi vào bán cầu này.

Ban đầu chưa có gì chắc chắn về lợi thế của Evo Morales trong cuộc bầu cử ngày 18/12/2005, và người ta lo ngại có sự thao túng trong Quốc hội. Nhưng khi con số kiểm phiếu cho thấy ông giành thắng lợi với 54% số phiếu bầu ngay trong vòng đầu tiên và thắng luôn tại Quốc hội  thì mọi sự tranh chấp đều được giải quyết.

Đó là một cuộc bầu cử kỳ diệu, một cuộc bầu cử làm chấn động thế giới, làm rung chuyển chủ nghĩa đế quốc và cái trật tự không thể duy trì được do Mỹ áp đặt lâu nay. Nó chứng tỏ rằng ngày nay Washington không thể sử dụng các chế độ độc tài như trong thời kỳ trước đây, chủ nghĩa đế quốc đã không còn các công cụ như xưa  và cũng không thể sử dụng được các công cụ đó nữa.

- IR: Cuba là nước đầu tiên mà Evo Morales đến thăm vào ngày 30/122005 sau khi đắc cử Tổng thống, trước cả khi ông nhậm chức ngày 22/1/2006, ngài có cho rằng chuyến thăm ấy gây ra vấn đề trong quan hệ với Mỹ?

- FC: Chuyến thăm hữu nghị của Evo Morales, Tổng thống đắc cử của Bolivia nằm trong khuôn khổ mối quan hệ  anh em và tình đoàn kết lịch sử sâu sắc giữa nhân dân hai nước CubaBolivia. Không ai lại có thể bực mình vì chuyện đó. Họ cũng không thể phật lòng vì các hiệp định đã được ký kết. Bởi vì đó là những thỏa thuận vì cuộc sống, vì loài người, đó không phải là tội lỗi.

Chúng tôi thậm chí không cần nghĩ tới việc gì sẽ xảy ra với Mỹ. Vì sao mà Chính phủ Mỹ lại cảm thấy bị xúc phạm khi Cuba giúp đỡ để tăng tuổi thọ của người dân Bolivia? Vì sao người ta lại có thể khó chịu khi tỉ lệ trẻ em chết yểu của một nước được giảm đi, hoặc là một quốc gia thực hiện được việc thanh toán nạn mù chữ?

- IR: Ngài có cho rằng  giờ đây cần phải tính tới nhân tố người Anhđiêng bản xứ  ở các nước Mỹ Latinh khác nữa?

- FC: Tình hình xã hội đang khá căng thẳng ở hai nước khác, nơi có một lực lượng mạnh và một nhân tố Anhđiêng bản địa đáng chú ý, đó là PeruEcuador. Ở Guatemala cũng có nhân tố Anhđiêng mạnh, nhưng quá trình ở đó khác với các nước khác. Nói về nhân tố Anhđiêng thì ở Mexico cũng khá mạnh. Tôi chỉ có thể nói rằng, ở tây bán cầu, người ta hoàn toàn có thể hiểu được vì sao lại có một Marcos  đứng lên đấu tranh vì quyền lợi của  người da đỏ bản xứ, cũng như có thể có hàng chục, hàng trăm Marcos khác nữa.

Đặc biệt tôi rất có ấn tượng về thái độ nghiêm túc của các nhà lãnh đạo người thổ dân mà tôi từng biết. Tôi có dịp nói chuyện với những người thổ dân ở Ecuador. Họ nêu vấn đề với một tinh thần rất nghiêm túc. Ở họ thấy toát lên sự tôn trọng, sự tin tưởng, họ là những người hết lòng vì sự nghiệp. Ở  Ecuador, cũng như ở Peru và các nước khác, cần phải tính đến lực lượng và nhân tố người thổ dân da đỏ.

- IR: Ngài có nói là rất khâm phục Tổng thống Venezuela Hugo Chavez?

- FC: Đúng thế, và với Hugo Chavez, chúng ta có một ví dụ cụ thể về một người gốc da đỏ bản xứ, một người Anhđiêng kiểu mới, một người  lai có gốc thổ dân, và có mang dòng máu da trắng như ông ấy từng nói. Nhưng ông cứ nhìn kỹ Chavez mà xem, đó đúng là một người Venezuela bản địa thực sự, một người con lai mang đầy đủ những nét cao thượng của dân tộc da đỏ bản xứ và một tài năng xuất chúng, rất đặc biệt...

Tôi thường nghe các bài diễn văn của Chavez, ông ấy luôn tự hào về nguồn gốc bình dân, về tính chất con lai đa sắc tộc của mình,  trong đó mang đủ các nhân tố, từ nguồn gốc da đỏ bản địa, đến gốc nô lệ châu Phi, gốc người lai da màu... Có thể là cả gien da trắng,  điều đó không có gì lạ, mà mọi sự kết hợp đều tốt, nó làm phong phú cho nhân loại, tạo nên các chủng tộc khác nhau trên trái đất này.

- IR: Ngài đã luôn theo dõi sự biến chuyển của tình hình Venezuela, đặc biệt là những âm mưu gây mất ổn định chống Tổng thống Chavez?

- FC: Vâng, chúng tôi luôn theo dõi với mối quan tâm rất lớn. Chavez  đã thăm Cuba sau khi ra khỏi nhà tù vào thời gian trước cuộc bầu cử năm 1998. Đó là hành động rất dũng cảm, bởi vì phe đối lập chỉ trích gay gắt việc Chavez sang Cuba. Chúng tôi đã nói chuyện với nhau và tôi nhận thấy đây là một con người lịch lãm, thông minh, tư tưởng rất tiến bộ, một người theo chủ nghĩa yêu nước chân chính của Bolivar.

Sau đó Chavez giành thắng lợi trong tổng tuyển cử, ông ấy đã vài lần sửa đổi Hiến pháp Chavez được sự hậu thuẫn to lớn của nhân dân, của tầng lớp người nghèo. Phe chống đối không ngừng tìm mọi cách cô lập chính quyền Chavez về mặt kinh tế..

 

(Còn tiếp)

Phạm Đình Lợi
.
.