Cuộc giải mã tài liệu khoa học Nga trong Chiến tranh lạnh

Thứ Năm, 14/11/2019, 11:23
Những nỗ lực dịch các tài liệu khoa học của Nga sang tiếng Anh trong Chiến tranh Lạnh - được thúc đẩy bởi những lo lắng về việc không theo kịp Liên Xô - có thể đã giúp tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thống trị của khoa học ngày nay.


Nỗ lực làm chủ tiếng Nga

Đó là những ngày đầu của Chiến tranh Lạnh, và các nhà lãnh đạo khoa học Mỹ đã rất lo lắng trước việc “không biết gì” về các bài báo khoa học của Liên Xô. Trên thực tế, các nhà khoa học Liên Xô đã viết khá nhiều bài báo khoa học bằng tiếng Nga.

Một nghiên cứu năm 1948 cho thấy rằng tất cả các bài báo khoa học được xuất bản bằng ngôn ngữ khác tiếng Anh mà trong đó một phần ba bằng tiếng Nga - một tỷ lệ càng tăng lên sau tuyên bố của Đảng Cộng sản yêu cầu các nhà khoa học Xôviết xuất bản công trình của họ bằng ngôn ngữ được sử dụng nhiều nhất ở quốc gia này – đó là tiếng Nga.

Do đó, các nhà khoa học nói tiếng Anh đã phải đối mặt với rất nhiều các ấn phẩm khoa học ngày càng mở rộng bằng một ngôn ngữ mà rất ít người trong số họ thông thạo. Nói cách khác, nỗ lực theo kịp trình độ khoa học của Liên Xô dường như là một nhiệm vụ hết sức khó khăn.

Đáp lại, các nhà khoa học Mỹ đã cấp tốc tham gia các khóa học tiếng Nga, tăng cường sử dụng “người dịch” và thậm chí còn sản xuất một số chương trình “máy dịch” đầu tiên.

Thẻ đục lỗ cho “máy tính 701” của IBM có chứa một câu tiếng Nga sẽ được dịch. Máy tính đã dịch chính xác cụm từ “Xử lý cải thiện chất lượng của dầu thô”.

Nhà sử học Princeton Michael Gordin ghi lại những nỗ lực đó trong cuốn sách gần đây của ông: “Scientific Babel: How Science Was Done Before and After Global English” (tạm dịch: “Tháp Babel Khoa học: Khoa học đã làm được gì trước và sau khi tiếng Anh được sử dụng toàn cầu”). Tác giả nhận định cuối cùng những nỗ lực của chính phủ nhằm “làm chủ” cho được núi tài liệu khoa học Nga có thể đã giúp tiếng Anh trở thành ngôn ngữ mới chủ đạo của khoa học ngày nay trên thế giới.

Sự tồn tại của một khối lượng lớn tài liệu khoa học bằng một ngôn ngữ khác tiếng Anh hầu như không phải là vấn đề mới. Trong thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, tiếng Đức được coi là ngôn ngữ phổ biến của khoa học. Nhiều nhà nghiên cứu nghiêm túc thích nghi bằng cách học tiếng Đức hoặc học tại một trường đại học của Đức.

Nhưng triển vọng học tiếng Nga trong Chiến tranh thế giới lần 2 của Mỹ bị hạn chế rất nhiều. Năm 1947, chỉ có 17 trường trung học trong cả nước Mỹ dạy ngôn ngữ này. Ngay cả khi con số đó tăng lên, nó cũng khó có thể giúp các nhà nghiên cứu muốn theo kịp những gì đối tác Xôviết và các đối thủ của họ đang làm.

Trong cuốn sách, tác giả Gordin cho biết vào thập niên 1940 có một niềm tin ngày càng tăng giữa các nhà khoa học Mỹ rằng dịch thuật “tiếng Nga khoa học” hay “tiếng Nga kỹ thuật” là một nhiệm vụ khác biệt cơ bản so với việc dịch tác phẩm The Brothers Karamazov (Anh em nhà Karamazov) của văn hào Nga Fyodor Dostoevsky.

Các bài báo khoa học chủ yếu sử dụng thể thụ động, có ít thì của động từ và sử dụng vốn từ vựng chuyên biệt. Mặc dù người lớn có thể khó thành thạo tiếng Nga, nhưng nhiều nhà khoa học tin rằng việc học để đọc được tài liệu về hóa học hữu cơ của một nhà nghiên cứu Xôviết là công việc có thể coi là tương đối đơn giản.

Năm 1942, giáo sư tại MIT (Viện Công nghệ Massachusetts của Mỹ) George Znamensky bắt đầu tổ chức giảng dạy tại cuộc hội thảo diễn ra hàng tuần nhằm mục đích cho phép sinh viên đọc các bài báo khoa học bằng tiếng Nga. 

Và 16 năm sau, nhà hóa học Irving S. Bengelsdorf đã gây một bất ngờ lớn với bộ phim truyền hình “Basic Russian for Technical Reading” (tạm dịch: Tiếng Nga cơ bản để đọc tài liệu kỹ thuật). Khóa học kéo dài 12 tuần ban đầu dự kiến sẽ thu hút một lượng khán giả gồm khoảng 250 nhà khoa học ở New York nhưng kết thúc với hơn 10.000 người xem thường xuyên!

Phong trào “máy dịch”

Không phải ai cũng coi việc dạy các nhà khoa học đọc tiếng Nga là giải pháp tốt nhất cho vấn đề làm chủ ngôn ngữ Nga.

Warren Weaver, giám đốc khoa học tự nhiên lâu năm của Quỹ Rockefeller, trình bày một ý tưởng khác: Lập trình một máy tính để dịch. Trong một bản ghi nhớ được lưu hành rộng rãi năm 1949, Weaver cho rằng việc dịch tiếng Nga thực sự là một vấn đề phá mã, một nhiệm vụ mà các máy tính ban đầu đã giải quyết có hiệu quả cao trong Chiến tranh thế giới lần 2.

Warren Weaver.

Patrick viết: “Khi tôi nhìn vào một bài báo bằng tiếng Nga, tôi nói: Điều này thực sự được viết bằng tiếng Anh, nhưng nó đã được mã hóa trong một số biểu tượng lạ. Bây giờ tôi sẽ tiến hành giải mã. Ngay cả khi máy tính dịch thuật chỉ dịch tài liệu khoa học (trong đó những khó khăn về ngữ nghĩa là rất ít), thì dường như đối với tôi cũng có giá trị. Ở đây một lần nữa chúng ta thấy niềm tin rằng tài liệu khoa học về cơ bản dễ học đọc hơn so với tiếng Nga hàng ngày”.

Năm 1952, Weaver tài trợ “Hội nghị về Máy dịch” đầu tiên diễn ra tại MIT, trong đó tập hợp một cộng đồng nhỏ các học giả quan tâm đến MT (Machine Translation – Máy dịch hay Dịch bằng máy). Một trong những người tham dự hội nghị là Leon Dostert, người đứng đầu Viện Ngôn ngữ và Ngôn ngữ học Đại học Georgetown. Dostert đến Cambridge như một người hoài nghi về MT. Nhưng sau đó Dostert đã thay đổi quan điểm và nhanh chóng trở thành gương mặt nổi bật nhất của MT. Dostert hợp tác với công ty máy tính IBM của Mỹ trong nỗ lực lập trình “máy tính 701” để dịch các bài báo khoa học tiếng Nga sang tiếng Anh.

Đến năm 1954, Dostert có màn trình diễn hết sức ấn tượng, trong đó “máy tính 701” được tiếp nhận các thẻ đục lỗ với các cụm từ tiếng Nga và in ra các câu tiếng Anh “với tốc độ chóng mặt là hai dòng rưỡi mỗi giây” - theo thông cáo trên báo chí của IBM.

“Máy tính 701” của IBM.

Thành công vang dội của Dostert và IBM kích thích chính quyền liên bang Mỹ chi ra khoản tài trợ không chỉ cho chính Doster mà còn cho cả công trình nghiên cứu MT nói chung.

Tuy nhiên, sự bùng nổ MT đã không kéo dài. Chương trình Dostert chỉ biết 250 từ tiếng Nga và sáu quy tắc cú pháp cơ bản, không đủ để dịch toàn bộ tiếng Nga khoa học với bất kỳ loại tốc độ hoặc khối lượng nào. Mặc dù vậy, Dostert vẫn cố gắng tiến lên phía trước với tinh thần lạc quan rằng chỉ cần một vài năm nỗ lực tập trung sẽ dẫn đến việc cho ra đời một máy tính có khả năng dịch thuật tiếng Nga khoa học một cách hoàn hảo.

Nhưng đến giữa thập niên 1960, những người bảo trợ của ông trong chính phủ Mỹ đã mệt mỏi vì chờ đợi. Một báo cáo của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ (NAS) năm 1966 về MT đã kết luận rằng việc trả tiền cho các dịch giả sẽ ít tốn kém hơn nhiều so với việc tiếp tục theo đuổi giấc mơ về một chiếc máy tính có thể dịch tiếng Nga khoa học. Công trình đầy tham vọng của Dostert và IBM sụp đổ ngay sau đó và sẽ mất thêm hai thập niên để dịch thuật bằng máy tính hồi sinh.

Thị trường dịch thuật

Rất lâu trước khi NAS công bố báo cáo ủng hộ các “dịch giả con người”, một nhà xuất bản táo bạo đã đi đến giải pháp tương tự. Earl Maxwell Coleman là người sáng lập một công ty có tên là Văn phòng tư vấn, bắt đầu bằng cách dịch các tài liệu kỹ thuật của Đức bị quân Đồng minh thu giữ sau khi Đức đầu hàng. Thị trường cho loại dịch thuật đó bị hạn chế, vì vậy Coleman nhanh chóng chuyển sự chú ý sang dịch các tạp chí khoa học Nga.

Các tạp chí của Văn phòng Tư vấn đã đạt được lợi nhuận, một phần, bằng cách trả cho người dịch số tiền cực kỳ thấp là 4 USD cho mỗi nghìn từ thay vì tiêu chuẩn ngành là 12 USD. Với lợi thế của Coleman, mức giá thấp chỉ hấp dẫn những dịch giả đủ nhanh để kiếm được tiền lương từ khối lượng công việc ổn định mà ông đưa ra. Viện Vật lý Mỹ (AIP, đơn vị xuất bản tạp chí Physics Today) cũng tham gia vào thị trường dịch thuật.

Viện Vật lý Hoa Kỳ đã dựa vào một khoản tài trợ khổng lồ của NSF để xuất bản “Vật lý Xôviết – JETP”.

Năm 1955, được hỗ trợ bởi một khoản trợ cấp NSF (Quỹ Khoa học Quốc gia Mỹ) hào phóng, AIP bắt đầu xuất bản cuốn sách “Soviet Physics – JETP) (Vật lý Xôviết – JETP) - một tạp chí có chứa bản dịch các bài báo của Tạp chí Vật lý Thực nghiệm và Lý thuyết (JETP) của Liên Xô. Ấn phẩm này gây ấn tượng ngay lập tức với nhiều đăng ký đặt mua và AIP nhanh chóng mở rộng dự án dịch thuật của mình bao gồm các ấn phẩm định kỳ nhỏ hơn như “Soviet Aeronautics (Hàng không Xôviết).

Tuy nhiên, AIP sớm nhận thấy rằng nó không thể theo kịp với quy mô ngày càng tăng của các tạp chí khoa học Liên Xô. “Vật lý Xôviết – JETP” có hiệu quả về chi phí để xuất bản khi JETP xuất bản 1.500 trang mỗi năm, nhưng đến năm 1965, tạp chí Xôviết đã tăng lên… 4.500 trang mỗi năm.

Vào cuối thập niên 1950, AIP bắt đầu tiến hành chương trình chuyển công việc dịch thuật của mình sang cho đội ngũ dịch thuật ổn định của Coleman; và đến năm 1968, Coleman xuất bản tất cả các tạp chí của AIP. Văn phòng tư vấn Coleman (sau đổi tên thành Công ty xuất bản Plenum) trở thành vị vua không thể tranh cãi về các ấn phẩm khoa học dịch thuật, đưa công trình của các nhà vật lý hạng nặng như 2 nhà tiên phong về hiện tượng siêu dẫn Alexei Abrikosov và Lev Gor Muffkov của Nga đến các nhà nghiên cứu nói tiếng Anh.

Tiếng Anh trở thành ngôn ngữ khoa học

Thành công của các tạp chí của Văn phòng Tư vấn không chỉ đơn thuần là nâng cao lợi nhuận của công ty. Gordin cho rằng sự sẵn có các bản dịch tiếng Anh từ các tạp chí Liên Xô đã đóng một vai trò quan trọng trong việc biến tiếng Anh trở thành ngôn ngữ khoa học phổ biến nhất trên thế giới hiện nay.

Các nhà khoa học từ các nhóm ngôn ngữ nhỏ hơn muốn theo dõi sự phát triển trong cả khoa học Mỹ và Liên Xô. Rất ít bài báo của Mỹ được dịch sang tiếng Nga, vì lý do đơn giản là nhiều nhà khoa học Liên Xô… rất thông thạo tiếng Anh.

Cuốn sách “Scientific Babel: How Science Was Done Before and After Global English”.

Nhưng nếu các tạp chí tiếng Nga được dịch sang tiếng Anh một cách có hệ thống, các nhà khoa học ở các cường quốc khoa học đang lên như Ấn Độ và Trung Quốc có thể theo dõi cả hai nền khoa học bằng cách chỉ học một trong các ngôn ngữ đó là… tiếng Anh.

Điều này, Gordin viết, kết hợp với một phản ứng dữ dội trên trường quốc tế chống lại tiếng Đức sau Chiến tranh thế giới lần 2 để từ đó tạo tiền đề cho tiếng Anh thay thế Đức trở thành ngôn ngữ được sử dụng thường xuyên nhất trong các hội nghị khoa học, hợp tác và xuất bản.

Năm 1960, các bài báo tiếng Anh chiếm khoảng 50% tài liệu khoa học; đến năm 2005 con số đó tăng vọt đến 90%. Đó là một sự thống trị dường như khó thể bị lật đổ, nhưng điều đó không có nghĩa là nó sẽ tồn tại mãi mãi.

Duy Ân (tổng hợp)
.
.