Cuộc tái ngộ của những nhân vật chính trong vụ Profumo

Thứ Hai, 31/05/2010, 12:00
Đó chính là cuộc tái ngộ của cặp tình nhân, cô người mẫu Anh Christine Keeler và nhà ngoại giao gián điệp Liên Xô Yevgeni Ivanov bắc nối sợi dây tình cảm mới. Mối tình của họ đã dẫn đến việc Bộ trưởng Quốc phòng Anh John Profumo phải từ chức và Chính phủ Bảo thủ của Thủ tướng Harold Macmillan sụp đổ. Còn Huân tước Dening, người trực tiếp điều tra vụ án coi "đây là một tổn thất nặng nề nhất của nước Anh trong thời kỳ Chiến tranh lạnh".

Giờ đây hơn 40 năm sau, Christine và Yevgeni mới lại gặp nhau, không phải ở London như thuở trước, mà tại Moskva.

Họ lại ôm hôn nhau, đó là những cử chỉ đã giúp nhà tình báo Xôviết thâm nhập vào giới có thế lực nhất ở Anh hồi đầu thập niên 60 thế kỷ trước. Từ đó Ivanov lấy được những thông tin tuyệt mật tầm cỡ an ninh quốc gia của Vương quốc Anh và gửi chúng về cho Điện Kremlin. Yevgeni Ivanov lúc ấy là Trợ lý Tùy viên Hải quân của Đại sứ quán Liên Xô tại London, đồng thời cũng là một nhân viên chìm thuộc Cơ quan Tình báo Quốc phòng Xôviết (GRU). Còn C.Keeler là cô người mẫu đang nổi, với vẻ đẹp tuyệt mỹ. Keeler là nhân tình của cả Ivanov và Profumo - đương kim Bộ trưởng Quốc phòng Anh, cô moi tin từ Profumo rồi chuyển cho Ivanov.

Giữa những nhân vật nổi cộm trong vụ "scandal gián điệp sex" tai tiếng nhất trong toàn bộ lịch sử nước Anh này là Tiến sĩ nghệ thuật tạo hình  Stephen Ward, một người chuyên vẽ chân dung cho Hoàng gia Anh và là liên lạc viên cho Christine và Yevgeni.

Người đẹp C.Keeler.

Bây giờ cựu người mẫu C.Keeler đã 68 tuổi, với 2 cuộc hôn nhân tan vỡ và có 2 người con trai. Hiện bà sống chủ yếu nhờ vào khoản cho thuê một phần diện tích ngôi nhà khiêm nhường của mình ở ngoại ô London. Còn anh chàng điển trai E.Ivanov một thời nay cũng đã 74 tuổi, với mái tóc bạc trắng và vẫn sống độc thân. Cả hai đều muốn ôn lại quá khứ của hơn 40 năm về trước.

Ông muốn giải thích để bà rõ vì sao ông bỗng dưng đột ngột bỏ đi hồi ấy... Sự vắng mặt của ông lúc bấy giờ kéo theo hệ lụy là cả chính phủ đương nhiệm Anh phải từ chức. Đồng thời sự kiện hi hữu đó  cũng đã làm thay đổi tận gốc rễ cuộc sống của mỗi cá nhân họ.

Trong bi kịch cá nhân của hai nhân vật điển hình của thời Chiến tranh lạnh vẫn còn nhiều điều chưa được sáng tỏ, nên giờ đây họ đều muốn làm rõ chúng. "Anh hãy thừa nhận là anh dan díu với em nhằm lừa phỉnh em. Anh làm theo lệnh của Stephen Ward, đúng không - bà vặn hỏi ông - Bản thân anh đâu có yêu thương gì em, em thừa hiểu điều đó. Hồi ấy chúng ta quen kề bên nhau, thế mà bỗng dưng anh biến mất, để lại cho em nỗi sợ hãi vô cùng...".

Trợ lý tuỳ viên E.Ivanov.

E.Ivanov nói với các phóng viên, nhưng không để bà Keeler nghe: "Cả hai chúng tôi đều cảm mến nhau, Christine rất yêu tôi. Đúng ra tôi sẽ không làm quen với Christine nếu như không thấy cô ta đi cùng viên Bộ trưởng John Profumo đầy thế lực kia". "S.Ward từng là sếp, là ông chủ. Đó là điệp viên số 1 của người Nga tại London. Với học thức cùng vẻ lịch thiệp, Stephen thừa sức mê hoặc mọi người", bà Keeler nhớ lại.

Nhưng theo Huân tước Dening, người từng cầm đầu nhóm điều tra "vụ Profumo" cách đây 40 năm, thì "Stephen Ward chưa bao giờ là kẻ đe dọa đến nền an ninh của Anh cả. Ông ta chỉ là một con tốt đen mà thôi".

Còn bà Keeler thêm: "Tôi đã đồng ý làm gián điệp đúng vào thời điểm trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng về tên lửa ở Cuba đầu năm 1962. Tôi đã cung cấp đều đặn các tài liệu cho Sứ quán Liên Xô ở London, Tiến sĩ Steven còn trực tiếp ra lệnh cho tôi phải lấy được tin từ Bộ trưởng Profumo về ngày giờ chính xác kế hoạch trao các đầu đạn hạt nhân của người Mỹ cho Cộng hòa Liên bang Đức. Khi ấy tôi mới 17 tuổi và coi tiến sĩ như một người cha, tôi sẵn sàng làm mọi việc vì sự uyên bác của ông ấy, kể cả phương sách mỹ nhân kế". Vậy mà sau khi mọi chuyện đổ bể, Ward lại trút hết mọi tội lỗi lên đầu tôi".

Tiến sĩ - giao liên S.Ward (đeo kính) bên người đẹp Chritine (bìa phải).

C.Keeler còn cho biết thêm, rằng sau vụ Profumo, Stephen Ward có kế hoạch ám hại bà. Sợ hãi cực độ, cô người mẫu Christine xinh đẹp khi ấy đi đâu cũng kè kè khẩu súng lục trong xắc tay. C.Keeler được vô tội, vì trong phiên điều trần trước Nghị viện Anh ngày 22/3/1963, Bộ trưởng Quốc phòng J.Profumo khẳng định, là ông đã cắt đứt mọi quan hệ với Christine từ tháng 12/1961 - khoảng thời gian chưa bị rò rỉ tin mật.

Giờ đây 2 nhân vật chính của vụ án tình báo đều là những thực thể đơn côi. Do vậy nhiều người cho rằng cuộc gặp tại Moskva lần này có thể đưa họ trở lại thời kỳ trăng mật của quá khứ, không gì có thể ngăn cản được việc họ tái hòa hợp lại với nhau nữa. Ai cũng mong cho đoạn kết của một mối tình - gián điệp nổi cộm được kết thúc có hậu, bù đắp lại phần nào những nỗi gian truân vì nhiệm vụ mà họ từng trải qua

Quang Phú (tổng hợp)
.
.