Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair và những nghi án với nữ tỉ phú Israel

Thứ Năm, 06/10/2011, 09:55

Tờ Daily Mail (Anh) vừa mới đây tiết lộ mối quan hệ bị cho là "vụng trộm" giữa cựu Thủ tướng Anh, Tony Blair và nữ tỉ phú Israel, Ofra Strauss.

Trước đó, dư luận chỉ biết ông Blair là "khách viếng thăm" thường xuyên của Israel trong vai trò đặc phái viên Trung Đông, đại diện cho "bộ tứ oai hùng" bao gồm Liên Hiệp Quốc, Mỹ, Liên minh châu Âu và Nga, nhằm kêu gọi Israel và Palestine phản ứng tích cực với đề xuất về việc hai nước tiến hành đàm phán trực tiếp, để có thể đi đến ký kết thỏa thuận vào cuối năm 2012. Tuy nhiên, giới săn tin đã nhanh chóng "bắt sóng" được những nguồn tin thân cận nhất bên cạnh ông Blair, và chắc như đinh đóng cột về "chuyện đi đêm" của cựu Thủ tướng Anh. Và không chỉ có thế, thêm một lần nữa, ông Blair lại dính vào "vòng xoáy tình ái" khi một nhà báo đã viết thư "tố" ông với cựu đệ nhất phu nhân, bà Cherie Blair.

Những mối quan hệ ngoài phạm vi "đặc phái viên LHQ"

Sau 10 năm giữ cương vị Thủ tướng, ông Tony Blair đã quyết định rời phố Downing, để lại chiếc ghế cho người kế nhiệm Gordon Brown trong một mối quan hệ vô cùng sóng gió, và chính thức bước chân vào thương trường tài chính khốc liệt. Ước tính tài sản mà ông Blair tích lũy sau nhiều năm "lặn lội" trên thương trường có thể lên tới 60 triệu bảng Anh. Với vai trò cố vấn, ông được nhận 2 triệu bảng mỗi năm, chỉ với một lời mời và một lần ký kết với mức thù lao "không thể khước từ".

Trung tâm nghiên cứu học thuật tại thị trấn Herzliya, Israel đã từng có lời mời ông Blair tới cộng tác trong một dự án nghiên cứu chiến tranh vô cùng nổi tiếng, bao gồm cả một hệ thống tướng lĩnh quân đội hàng đầu, các chính trị gia và học giả tài năng nhằm tìm ra hướng đi cho Israel nếu xảy ra chiến tranh với Iran. Và dư luận bấy giờ "shock" trước câu trả lời của ông, rằng: "Tôi sẽ rất vui được cộng tác với các bạn…, nếu tôi được trả công với mức giá là 100.000 bảng". Đến mức một nhà nghiên cứu phải thốt lên: "Điều đó vượt quá khả năng của những người thường như chúng tôi".

Tuy nhiên trong những lần tới Israel, Tony Blair đã "xây dựng" nhiều mối quan hệ hơn thế. Đó là việc ngài cựu Thủ tướng đã thân thiết với một trong số những phụ nữ giàu có nhất và cũng hứng chịu nhiều thị phi và đồn thổi bậc nhất quốc gia Trung Đông này, Ofra Strauss. Tỉ phú 51 tuổi, đã li dị chồng năm 2010, hiện tại là giám đốc một công ty thực phẩm đáng giá tới 1,3 tỉ bảng Anh. Giới báo chí Israel thường xuyên chứng kiến cảnh bà này lui tới công ty của ông Blair, thường xuyên tới mức họ không thể không đặt câu hỏi về mối quan hệ thực sự giữa hai người.

Vin vào cái cớ "lá cải" này, ngày 24/9, đại diện của bà Strauss là Rani Rahav đã tuyên bố trong tức giận rằng bất cứ thông tin nào cho rằng những việc bà Strauss đã và đang cùng ông Blair tiến hành có màu sắc "lãng mạn" đều "lố bịch và chẳng hề đáng tin". Rani nói rằng bà Strauss là bạn thân của vợ chồng Thủ tướng Blair, không có nghĩa rằng bà ấy cần phải nói về họ quá nhiều. Rani đe dọa các phóng viên của tờ The Mail (Anh) khi họ cố gắng phỏng vấn bà Strauss tại tư gia khi bà mới trở về từ New York.

Cánh săn tin lại "chộp" được cái cớ rằng đây cũng là nơi ông Blair thực hiện vai trò đặc phái viên của mình khi tham dự các buổi tọa đàm về tương lai của Palestine tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Tuy nhiên, một số đồng nghiệp của Blair bảo vệ ông đã tuyên bố, bà Strauss chỉ là bạn của cựu Thủ tướng và cùng bà Cherie Blair, vợ ông tham gia các kế hoạch về quyền lợi và các vấn đề có liên quan tới phụ nữ mà thôi.

Báo giới đang "nổi sóng" vì mối quan hệ giữa ông Blair với tỉ phú Ofra Strauss (bên trái).

Đích ngắm của báo giới

Mối thâm tình "rõ như ban ngày" giữa ông Blair và bà Strauss được dư luận chú ý nhiều tới mức đầu năm 2011, một nhà báo của báo Maariv (Israel) đã viết "một lá thư chân tình" tới bà Cherie Blair, và gợi ý rằng bà nên tự mình "đưa ra ánh sáng" bản chất quan hệ bí mật giữa chồng mình với nữ tỉ phú Israel. Lá thư có đoạn: "Thông tin gửi tới bà Blair: Cuối tuần qua, chiếc xe chuyên chở ông Tony Blair đã rất "từ từ" đi vào cánh cổng biệt thự cẩm thạch của Ofra Strauss, vây quanh bởi những khu vườn lộng lẫy cùng hệ thống an ninh bảo vệ nghiêm ngặt…

Sự thật là mọi người, dù xấu hay tốt, đều đã gọi cho tôi và nhắc khéo rằng cuộc viếng thăm "thường thường" kiểu này nhằm mục đích gì đó, có lẽ chăng ông Blair đang "đi lại" với bà Strauss? Vì thế, tôi mạnh dạn nói với bà chuyện này với hy vọng mọi chuyện sẽ được giải quyết êm đẹp mà không bị dư luận phanh phui".

Bức thư nhà báo gửi tới bà Blair được đăng tải trên báo Maariv không chỉ là "mũi tên" duy nhất nhắm tới mối quan hệ úp mở của cựu Thủ tướng Anh. Một bài báo khác đã chỉ đích danh "những người hàng xóm của bà Strauss luôn muốn biết khi nào các sự kiện đặc biệt diễn ra mà ông Blair có mặt… chuyện này diễn ra rất thường xuyên". Thậm chí, mạnh tay hơn có tờ báo còn khẳng định, ông Blair đang tiến hành những cuộc "đi đêm" với quý bà Israel.

Hồi đầu tháng 9 vừa qua, một trang web mỉa mai rằng, trong khi Thủ tướng David Cameron đang cố gắng dẹp loạn ở London thì cựu đồng nghiệp Blair lại thản nhiên "có lý do để vui vẻ" từ những cuộc gặp mặt khó hiểu với một quý bà xứ người. Người viết tin đã dùng cụm từ "những ham muốn khó hiểu" để giải thích cho những chuyến viếng thăm Tel-Aviv của ông Blair, rằng chúng đã "khơi dậy bản năng còn ngủ quên" trong con người chính trị gia này.

Báo giới đã chứng kiến cảnh hai người ăn tối cùng bạn bè tại một nhà hàng sang trọng bậc nhất ở Tel-Aviv, Montefiore Yavne, do anh chị bà Strauss quản lý. Sau đó, cặp đôi này tiếp tục ăn tối tại một quán sang trọng khác thuộc khách sạn Montefiore. Dù viên quản lý đã từ chối cung cấp mọi thông tin có liên quan vì lý do an ninh và bất lợi cho ông Blair, nhưng một nguồn tin thân cận đã khẳng định bữa tối không có ai khác ngoài vị chính khách và nữ tỉ phú.

Những đồn thổi trong quan hệ tình cảm của ông Blair không chỉ dừng lại ở nhân vật Ofra Strauss. Trong vòng luẩn quẩn của những cáo buộc tình cảm, giới báo chí truyền tai nhau rằng Blair từng thuyết phục Shari Arison, một tỉ phú thừa kế nắm trong tay Ngân hàng Hap-oalim, đầu tư vào các khu vực thuộc Pakistan. Bà Arison đã từ chối lời mời, cho rằng bà không chắc chắn liệu việc đầu tư có an toàn hay không, và mọi chuyện có liên quan tới quan hệ của hai người đều được giữ kín.

Dường như cựu Thủ tướng Anh luôn bị báo giới "săm soi" khi liên tiếp có những bài báo giật tít rằng ông bị "cuốn" vào vòng xoáy tình ái. Trước đây, người ta truyền tai nhau về việc ông từng có những phút giây mặn nồng với cô bạn Carole Caplin của vợ. Caplin từng là một "tư vấn viên về phong cách sống" đồng thời cũng là huấn luyện viên thể dục của bà Cherie Blair trong suốt quãng thời gian người phụ nữ này ở số 10 Downing.

Tháng 9/2010, tờ Daily Mail từng cho rằng, bà Caplin có thể đang cân nhắc việc rao bán câu chuyện 10 năm giữa bà và gia đình cựu đệ nhất phu nhân sau khi hoạt động của trung tâm thể dục thẩm mỹ mà bà dựng lên làm ăn thất bát. "Câu chuyện này có thể mang lại cho bà Caplin tới 2 triệu USD" - Daily Mail nhấn mạnh. Tờ báo này thậm chí còn tiết lộ, bà Caplin thường xuyên massage cổ cho ông Blair và mỗi lần như vậy, bà còn gọi ông bằng cái tên trìu mến là Toblerone. "Bật mí" gây sốc nhất chính là việc hai người thường bí mật ân ái với nhau sau những lần như vậy.

Ngay sau đó, Carole Caplin đã khởi kiện tác giả của bài báo với nội dung đặt ra nghi vấn về việc liệu bà Caplin có ý định chia rẽ cuộc hôn nhân giữa ông Tony và bà Cherie Blair bằng "những bí mật về tình dục" này hay không. Và lời phủ nhận bất thường trên được đưa ra trong vụ kiện tại Tòa án Tối cao ở London. Luật sư David Price QC của bà cũng khẳng định thân chủ Caplin không hề có những hành động nhằm phá hoại cuộc hôn nhân của bạn mình.

Góc khuất của những khối tài sản khổng lồ

Những tin đồn về mối quan hệ giữa cựu Thủ tướng Anh và bà Strauss lại khiến báo chí thêm một lần nữa mổ xẻ về sự giàu có "lắm góc khuất" của hai người. Tin tức nhanh chóng để lộ hiện tại, cựu Thủ tướng Anh thuê tới 130 người trong khi mở rộng quy mô kinh doanh và các quỹ từ thiện. Toàn bộ những phỏng đoán về khối lượng tài sản riêng của ông Blair có lẽ chưa bao giờ chạm tới con số chính xác. Sự giàu có của ông Blair thực chất nằm ở những giao dịch có phần "thiếu minh bạch" của Tập đoàn Tony Blair, được thành lập năm 2009 chuyên tham vấn cho chính phủ nước ngoài.

Những cuộc làm việc và viếng thăm của ông tới Các tiểu Vương quốc Arập thống nhất và Kuwait được đồn thổi là sẽ diễn ra, và con số thù lao sẽ chạm tới ngưỡng 5 triệu bảng mỗi năm. Từ đó, toàn bộ lợi nhuận được chia ra 6 công ty con do ông Blair quản lý, dưới những cái tên bắt đầu bằng Windrush hoặc Firerush. Dù ông Blair có "cố ý" công khai mức thu nhập của 2 công ty con, xấp xỉ 12 triệu USD trong năm vừa qua, tuy nhiên, lại giấu nhẹm chi tiết về nguồn gốc và cách thức tiền được chi trả cho tập đoàn. Để tránh thông tin bị rò rỉ, ông Blair đã cho lập những mê cung trên trang web của công ty để "thả sức" cập nhật thông tin mà không sợ tai mắt dư luận.

Với nữ tỉ phú Strauss, dù liên tục có tên trong danh sách 50 nữ doanh nhân thành đạt nhất, nhưng đời tư của Ofra Strauss khá ồn ào sau 2 lần ly hôn và những mối quan hệ chính trị bị đồn thổi là "lắm thị phi". Người chồng đầu tiên bà kết hôn 18 năm trước, Dan Lahat, vốn là con trai của cựu Thị trưởng Tel-Aviv. Đến người thứ hai, Adi Keizman, được biết tới là một đại gia với khối lượng tài sản kếch xù, với gu ăn mặc đắt tiền và những chiếc xe thể thao hoành tráng. Ofra Strauss là Chủ tịch Tập đoàn Strauss thừa hưởng từ người cha quá cố, Micheal, chuyên sản xuất thực phẩm từ sữa, đồ ăn nhanh và bánh kẹo.

Do không có nhiều đối thủ cạnh tranh nên tập đoàn chính thức được kinh doanh độc quyền, hoạt động theo luật pháp Israel và hiển nhiên giá cả chịu sự điều phối hoàn toàn của chính phủ. Đưa ra những mức giá thực phẩm quá cao, chính Ofra đã "khơi mào" cho những bất ổn vốn dĩ đang tồn tại ngầm trong xã hội Israel và biến chúng trở thành vấn nạn xã hội nhức nhối nhất trong lịch sử quốc gia này. Trong tháng 7, giá hai loại mặt hàng sữa chua và pho mát bị đẩy lên cực điểm khiến khoảng 10 nghìn người dân "cắm trại" ở trung tâm Tel-Aviv để tỏ thái độ phản đối. Ba tháng sau, con số này tăng lên xấp xỉ nửa triệu, dồn dập tấn công nhiều công ty kinh doanh độc quyền khác, khiến Israel như chìm vào một cuộc bạo loạn.

Một nhóm phản đối đã lập một hàng rào đối diện biệt thự nhà Strauss ở ngoại ô vùng Tzahala để khẳng định chính kiến của người dân Israel vì họ cho rằng những quý bà như Strauss đang bòn rút tiền của và sức lao động của hàng ngàn người dân Tel-Aviv, vô tình lợi dụng ngay cả những người bình thường nhất. Và chưa dừng lại ở đó, họ nhấn mạnh chính những người như Strauss đang "khoét sâu" vào khoảng cách giàu nghèo ở Israel. Ofra Strauss là phụ nữ giàu có sống ở quốc gia mà số lượng tỉ phú, dù đếm trên đầu ngón tay, nhưng nắm tới 80% của cải của quốc gia.

Không rõ vô tình hay hữu ý, Chaim Asa, cố vấn an ninh chiến lược của nhiều đời thủ tướng Chính phủ Israel và là người đi tiên phong trong xu hướng Internet hóa các hoạt động chính trị, đã lên tiếng chỉ trích mối quan hệ giữa những chính trị gia và các tỉ phú, rằng chính những cự phú đang làm suy tàn cả một nền chính trị hiện thời của Israel. Dư luận ngay lập tức đặt câu hỏi, liệu ông Chaim có biết cựu Thủ tướng Anh đã và đang có một mối quan hệ như thế với bà Strauss hay không? Và có lẽ mọi chuyện đã rõ khi vị cố vấn này nói: "Có thể lý do thực sự "nhạy cảm" là ông Blair yêu quý tài sản của bà Strauss"

Lâm Anh - Kim Lương
.
.