Vụ bê bối tình báo Anh tráo trở trong hợp tác với lực lượng chống đối Gaddafi:

Cựu Thủ tướng Tony Blair đối mặt với nguy cơ hầu toà

Thứ Tư, 02/05/2012, 17:55

Tờ Daily Mail hôm 22/4 đưa tin, sau khi vụ bê bối MI-6 bỏ “1 tỉ USD mua lặng im” của nhân vật Abdel Hakim Belhadj bị tiết lộ, phía Belhadj đã có những động thái tiến tới một vụ kiện đòi bồi thường từ phía tình báo Anh. Điều khiến dư luận quan tâm là nhân vật này sẵn sàng kéo cựu Thủ tướng Anh Tony Blair và cựu Bộ trưởng Ngoại giao Straw vào “cuộc chơi pháp lý”.

Tuy nhiên, trong khi cảnh sát đang tiến hành điều tra các chứng cứ thì đến lượt người anh em MI-5 lại dính vào một cáo buộc mới. Theo đó, những tập tài liệu bí mật đã tiết lộ mối quan hệ “hợp tác - phản bội” giữa MI-5 và gián điệp Libya trong chiến dịch chống lại Gaddafi. Những tài liệu này được phát hiện trong hồ sơ của một trùm gián điệp Libya ít lâu sau khi quân đội Anh trợ giúp NTC lật đổ Đại tá Gaddafi. Song, điều khiến dư luận sốc hơn cả là khi vụ bê bối của MI-5 loang ra thì một lần nữa xuất hiện cái tên Tony Blair và các cộng sự của ông ta.

Những cáo buộc sẵn sàng cho "cuộc chơi pháp lý"

Những vụ bê bối của tình báo Anh luôn kéo vào cuộc chơi những nhà chính trị quyền lực. Ông Blair được dư luận cho là "người giật dây" MI-5 và MI-6 dẫn tới những cáo buộc trên. Ông Blair rất có thể sẽ phải đối mặt với một vụ kiện từ Belhadj sau những cáo buộc "trả tiền bịt miệng" nhân vật này tiết lộ.

Trên thực tế, Belhadj đã hoàn tất các thủ tục pháp lý và bằng chứng để chống lại ông Blair trước tòa. Belhadj muốn cựu Thủ tướng Anh thừa nhận đã phê chuẩn quyết định chuyển ông ta về Libya, đứng phía sau MI-6 chỉ đạo toàn bộ mọi chuyện. Thậm chí, các luật sư bào chữa cho Belhadj cũng đã sẵn sàng cho một vụ kiện với cựu Thủ tướng Anh.

Đồng minh của ông Blair là cựu Bộ trưởng Ngoại giao Jack Straw cũng đang phải hứng chịu mọi búa rìu dư luận trong vụ Belhadj. Các tài liệu cáo buộc Straw bao gồm những hồ sơ được tờ Sunday Times đăng tải, với nội dung là chính ông Straw đã ký quyết định chi 1 tỉ USD để mua sự im lặng từ Belhadj dưới sự cố vấn và phê chuẩn của một nhân vật giấu tên chưa xác định, các tập nhật ký và ghi chép từ năm 2004 về trước.

Thậm chí, Straw tiếp tục nhận cáo buộc từ Sami Al Saadi - nhân vật cũng chịu chung số phận giống Belhadj. Trong khi cảnh sát thủ đô tích cực điều tra các nghi vấn và thẩm tra bằng chứng thì Hội đồng các bộ trưởng Anh luôn một mực phủ nhận dính líu tới cáo buộc tra tấn và dùng tiền "bịt miệng".

Một số tờ báo yêu cầu ông Straw phải "lộ mặt" để bồi thường cho Belhadj, Saadi cùng gia đình sau những sự việc tồi tệ phía MI-6 thực hiện. Tất nhiên, vào thời điểm nhạy cảm này sẽ là rất bất hợp lý khi chính phủ không có động thái xác nhận sự thật hay lên tiếng phủ nhận để cứu Straw, thậm chí là cả cựu Thủ tướng Tony Blair, dù vai trò của ông chưa thể được xác định.

Dư luận cho rằng cựu bộ trưởng ngoại giao Straw (trái) trong vụ bê bối MI-6 với Belhadj (phải) là "con tốt thí mạng" cho cựu thủ tướng Tony Blair.

Luật sư Cori Crider chia sẻ: "Điều gì còn ở lại phía sau những hành vi tồi tệ của MI-6? Vụ bê bối này cần phải được điều tra rõ ràng, và phải là điều tra công khai. Dư luận Anh xứng đáng được nghe một lời giải thích từ phía chính phủ, nhất là từ ông Tony Blair, về những chính sách và kế hoạch họ đã và đang thực hiện. Ông Blair cần nói rõ vì sao cấp dưới lại dính líu tới kế hoạch bất hợp pháp như thế, mua chuộc nhân quyền, kể cả trẻ em và phụ nữ (trường hợp vợ của Belhadj)".

Trong một diễn biến mới nhất, Hội đồng các bộ trưởng Anh mới đây đã tuyên bố khẳng định vô can của ông Straw là dối trá. Họ dẫn ra một loạt các bằng chứng cho thấy Straw có liên quan tới việc MI-6 hành hạ và trao trả Belhadj về chính quốc.

Luật sư của Belhadj, ông Sapna Malik, cho hay: "Nếu ông Straw đứng phía sau MI-6 chỉ đạo thì chắc chắn tới 90% ông Blair thâu tóm mọi chuyện. Sẽ thật vô lý nếu ngài Thủ tướng chẳng hề biết gì, có chăng ông ta đang che mắt dư luận mà thôi". Malik nhấn mạnh các luật sư sẽ công tâm và mạnh tay trước "những gã chính trị khổng lồ" buộc họ phải xin lỗi và bồi thường danh dự cho Belhadj. Dù biết Blair có vị trí rất lớn trên chính trường Anh nhưng Malik cùng cộng sự vẫn đeo đuổi vụ kiện tới cùng, và không e sợ khi tuyên bố "ngài Blair và đồng minh, kịch đã tới lúc hạ màn".

Ngày 18/4 vừa qua, các luật sư của Belhadj đã gửi thông cáo tới ông Blair và ông Straw nhằm gia hạn 4 tuần những động thái chính thức của một vụ kiện. Theo đó, nếu hai nhân vật này không lên tiếng thừa nhận xin lỗi, bồi thường và đưa ra bằng chứng vô tội xác đáng thì vụ bê bối sẽ cần tới sự phân xử của tòa án.

Malik cho biết, trước tiên ông cần cựu Ngoại trưởng Straw thừa nhận vai trò thực sự trong vụ bê bối này, sau đó tới ông Blair. Nếu cựu Thủ tướng không lên tiếng thì "người nhà" của ông phải công khai xin lỗi trước dư luận để tránh những phiền phức trong các phiên tòa không đáng có. "Vấn đề không nằm ở khoản tiền bồi thường, mà chỉ cần những người có chức quyền thừa nhận chuyện kế hoạch 1 tỉ USD bịt miệng nhân chứng để khôi phục nhân phẩm và danh dự cho Belhadj. Chúng tôi có trong tay bằng chứng chỉ đích danh từng cá nhân".

Tờ Daily Mail cũng đưa tin Cảnh sát Anh cũng đã vào cuộc và yêu cầu thẩm tra ông Blair cùng ông Straw và những người, tổ chức liên quan về hành động và nhân cách của họ.

Văn phòng Chính phủ Anh nói sẽ không chịu trách nhiệm liên quan tới "đống" tài liệu vô căn cứ được đệ trình làm bằng chứng. Và dĩ nhiên, lại một lần nữa phía ông Blair "tua lại" tuyên bố vô can của cựu Thủ tướng cùng cộng sự trước dư luận để trấn an tình hình. Họ đang theo rất sát các động thái pháp lý trong bê bối của MI-6 bị nghi ngờ có liên quan tới ông Blair và Straw, song từ chối mọi bình luận.

Phát ngôn viên nói: "Dư luận Anh đều hiểu rõ vai trò của chính phủ với vấn đề nhân quyền. Chúng tôi luôn tôn trọng con người và phản đối bất kể hình thức vô nhân tính nào gây tổn hại, đe dọa và hạ thấp nhân quyền. Chúng tôi sẽ không bỏ qua điều này và sẽ mạnh tay trừng trị những kẻ thực hiện. Hơn nữa, chúng tôi tôn trọng pháp luật và hy vọng một phiên tòa công bằng, nghiêm minh nếu vụ bê bối này buộc phải nhờ tới tòa án. Sẽ không có bất cứ khoan hồng nào cho những cáo buộc sai trái, làm ảnh hưởng tới chính phủ chỉ để được tiền bồi thường".

Chuyện MI-5 "bội tín" Libya: Sẽ là những hệ lụy gì?

Tờ Daily Mail cho biết, MI-5 đã bội tín khi không giúp đỡ người dân Libya, thậm chí sẵn sàng tuyên bố "gửi trả gián điệp về chính quốc vì không làm được việc, không hợp tác hay có động thái đe dọa an toàn quốc gia". Địa điểm và nội dung các cuộc gặp mặt nhằm trao đổi thông tin giữa tình báo hai bên được ghi khá chi tiết trong một tập hồ sơ riêng khoảng 50 trang. Theo đó, MI-5 làm nhiệm vụ cung cấp cho các gián điệp này thông tin tình báo, điện thoại di động được bảo mật cùng một khu cư trú an toàn và rất xa hoa trên đường Knightsbridge, trung tâm thủ đô London.

Các thương vụ này diễn ra ở Tripoli và London, núp dưới danh nghĩa các chuyến thăm ngoại giao từ tháng 8 đến tháng 10-2006. Tình báo Libya thường xuyên qua lại London với ý định tiếp cận các mục tiêu tại đây và Manchester. Theo đó, phía Libya đã có những thành công nhất định với MI-5, rằng một vài người dân tị nạn ở Anh đã hợp tác để cung cấp thông tin cho hoạt động tình báo.

Trụ sở cơ quan tình báo anh MI-5.

Tuy nhiên, MI-5 lại e sợ rằng đây là cái bẫy để Libya tiến sâu vào nội địa, thậm chí có cơ hội "đánh úp". Họ nuôi ý "đồng hóa" những người dân tị nạn Libya về phe MI-5, rồi giả hợp tác với tình báo phe địch để khám phá hang ổ khủng bố và thâu tóm quyền lực. MI-5 tin rằng những người này nằm vùng cho nhóm chiến binh Hồi giáo, có quan hệ chặt chẽ với Al-Qaeda và là mối đe dọa hàng đầu tới an ninh quốc gia.

Tuy nhiên, vào phút chót của cuộc họp hồi tháng 10-2006, MI-5 quyết định "im hơi lặng tiếng", giấu toàn bộ kế hoạch này và đưa một vấn đề khác trao đổi với tình báo Libya. Cho dù đã vô hiệu hóa chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt của Libya song MI-5 vẫn thấy bất an với tình trạng hỗn loạn với bạo động gia tăng.

Hơn nữa, MI-5 biết rằng đây là một chiến thuật "tra tấn tinh thần", thậm chí có thể là "xử thẳng tay để bịt đầu mối" đối với người dân Libya. Một khi nói ra sẽ khiến Libya thay đổi thái độ, xuất hiện mâu thuẫn dẫn tới mọi kế hoạch đổ bể. Do đó, việc quản lý chặt chẽ các chiến binh thánh chiến Jihad, vốn xuất thân từ Libya, là một "đòn phủ đầu" khôn ngoan của MI-5, vừa khai thác thông tin về Libya, vừa ngăn chặn những đe dọa an ninh quốc gia và là cớ để ép buộc tình báo Libya hợp tác.

Không ai biết việc tiết lộ trên đây sẽ dẫn tới những hệ lụy gì, nhưng chí ít nó sẽ tạo ra những xáo động trên trường chính trị. Cựu nghị sĩ Anh David Davis cho biết, thực chất câu chuyện là những tình tiết tiếp nối vụ Abdel Hakim Belhadj cáo buộc và đòi MI-5 bồi thường. Chẳng thể ngờ sự hợp tác giữa MI-6 và Belhadj lại nhen nhóm cho một bê bối đang lớn dần trong lòng Cơ quan Tình báo Anh, giờ đây lan tới MI-5. Cũng dễ hiểu khi MI-5 chuyên về an ninh nội địa thì MI-6 hướng tới an ninh nước ngoài, đều là về an ninh và chuyện "trên bến dưới thuyền" là dĩ nhiên.

Các tài liệu nhấn mạnh sự thô bạo và ngược đãi của MI-5, rằng các cơ quan tình báo Anh đã "đi ngược lại nhân quyền" với những người dân Libya tị nạn, dù nhập cư hợp pháp hay bất hợp pháp. Đây được coi là sự phá vỡ mọi quy tắc và rào cản ngoại giao mà Anh từng tuyên bố với những lời lẽ vô cùng cảm động, đại loại là "giúp Libya hết mình, tái thiết đất nước". MI-5 vốn rất thực dụng, mọi chiến lược đều vì sự tồn tại của MI-5 chứ không bao giờ đề cao nhiệm vụ bảo đảm an ninh quốc gia.

Thậm chí, tình báo Anh còn lạm dụng các hình thức áp bức khẩu cung kịch liệt, tống tiền và ép buộc để khai thác thông tin triệt để. Davis nhấn mạnh giới chức trách cần phải mở rộng điều tra vào các chiến dịch mang danh hợp tác giữa MI-5 và Libya, vì đó chính là một "hang ổ" bí mật tình báo đen tối, tồn tại ngay trong lòng nước Anh.

Các chuyên gia luật quan ngại MI-5 đang làm ảnh hưởng lớn tới chính an ninh quốc gia, chứ không phải là "con chim đầu đàn" bảo vệ yên ổn đất nước. Tài liệu được tìm thấy ngụ ý những lỗ hổng nghiêm trọng đối với hệ thống luật Anh quốc, tuyên bố về nhân quyền và luật hình sự. Đây thực sự là cảnh báo lớn và cần phải có một cuộc điều tra quy mô lớn để giải quyết triệt để vấn đề. Tuy nhiên, phe tình báo vẫn tỏ ra "bình chân như vại" và không hề có một tuyên bố nào trước công luận.

Một cựu điệp viên giấu tên tiết lộ rất có thể "thương vụ" giữa MI-5 và Libya có liên quan tới cựu Thủ tướng Tony Blair cùng hai phụ tá đắc lực là cựu Bộ trưởng Ngoại giao Margaret Beckett và Bộ trưởng Nội vụ Lord Reid. Thông tin này khiến bà Beckett bị choáng, và buộc phải tổ chức một buổi họp báo tuyên bố trước truyền thông "Tôi không hề biết gì về MI-5 và chuyện họ đối xử tệ với dân Libya, hay hợp tác với tình báo Libya rồi lại trở mặt với họ".

Thậm chí bà còn "ngây thơ" khi phát biểu chuyện cộng tác rất đáng tuyên dương ấy không cần tới sự phê chuẩn của bất kỳ một bộ trưởng nào!? Cũng ở vào tình trạng tương tự, ông Reid lẩn tránh báo giới và cắt đường dây điện thoại, trong khi ông Blair phải nhờ tới phát ngôn viên tuyên bố vỏn vẹn vài câu rằng "không có gì, mọi tin đồn đều là thất thiệt". Người ta truyền tai nhau chứng cứ được ghi quá rõ ràng trong từng trang tài liệu, không có lẽ gì người trong cuộc lại phải tự tuyên bố trắng án trong khi họ thực sự đã nhúng tay vào vụ bê bối của MI-5

Trần Quân - Anh Doãn (tổng hợp)
.
.