Cựu lãnh đạo tình báo Libya đối diện án tử hình

Thứ Năm, 29/10/2015, 09:00
Cựu lãnh đạo tình báo Libya Abdullah al-Senussi là một trong những nhân vật thân cận nhất của Tổng thống Muammar Gaddafi. Senussi bị tuyên án tử hình hồi tháng 7/2015 song đã kháng cáo.

Senussi từng được xem là một trong những nhân vật quyền lực bậc nhất ở Libya, vợ ông ta là em gái của Gaddafi. Senussi còn nắm giữ nhiều vai trò quan trọng như Phó giám đốc Tổ chức An ninh nội địa. Theo tài liệu rò rỉ từ Đại sứ quán Mỹ, Senussi cũng là cố vấn thân cận của Saif al-Islam Gaddafi, con trai Tổng thống Gaddafi.

Abdullah al-Senussi đang bị giam giữ.

Sau khi chính quyền Gaddafi sụp đổ và bị chính quyền Pháp và Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) trụ sở tại The Hague (Hà Lan) phát lệnh truy nã, Abdullah al-Senussi bí mật rời khỏi Libya. Năm 2012, Senussi bị bắt giữ khi bay từ Morocco đến Mauritania với hộ chiếu giả. Một năm trước đó, ICC phát lệnh truy nã Senussi cùng với Gaddafi và Saif al-Islam, vì các tội ác chống nhân loại khi đàn áp những người biểu tình ở thành phố Benghazi miền đông Libya lúc bạo loạn mới bùng phát ở nước này vào tháng 2/2011.

Giới chuyên gia cho rằng Senussi là người thực hiện các hoạt động tàn bạo của chế độ Gaddafi và được gọi là "tên đồ tể" do nổi tiếng với những hành vi tàn ác. Năm 2013, ICC cho thấy chính quyền Libya có thể truy tố và xét xử Senussi mà không cần phải dẫn độ ông ta đến The Hague. Senussi và 36 quan chức khác phục vụ chế độ Gaddafi bị đưa ra xét xử và bị tuyên án tử hình vào tháng 7/2015 cùng với Saif al-Islam và 7 cựu quan chức khác. Tuy nhiên, án tử hình còn đang chờ quyết định cuối cùng của Tòa án Tối cao Libya.

Hiện trường vụ nổ chuyến bay Pan Am 103 tại Lockerbie.

Phiên tòa không có nhân chứng, không có bằng chứng hay sự tranh luận trước tòa. Theo cựu Bộ trưởng Tư pháp Salah al-Marghani, người còn nắm giữ chức vụ lúc phiên tòa xét xử bắt đầu, vụ án Senussi sẽ giúp phơi bày ra ánh sáng những sự thật còn chưa được biết đến về chế độ Gaddafi cũng như hoạt động của Cơ quan Tình báo Libya thời đó. Senussi bị buộc một số tội danh vi phạm nhân quyền, bao gồm sự liên can vào cuộc thảm sát năm 1996 đối với hơn 1.000 tù nhân trong nhà tù Abu Salim ở thủ đô Tripoli của Libya. Senussi cũng được cho là đã ra lệnh cho binh lính đứng trên cao bắn xối xả xuống các tù nhân chính trị bên dưới sau cuộc bạo động đòi cải thiện tình trạng ăn uống và vệ sinh.

Sau khi bị buộc tội vắng mặt ở Pháp năm 1999 do có liên quan đến vụ đánh bom chuyến bay French UTA năm 1989, Senussi không được phép bay ra nước ngoài. Chuyến bay nổ tung bên trên bầu trời quốc gia Niger ở Tây Phi, giết chết 170 người và nhiều hành khách trong số đó là công dân Pháp. Giới chuyên gia phân tích cho rằng, Senussi có thể giúp cung cấp manh mối cho Mỹ và Anh tái dựng lại toàn bộ sự kiện chuyến bay Pan Am 103 phát nổ bên trên bầu trời thị trấn Lockerbie, miền Nam Scotland năm 1988, giết chết 270 người trong đó có 11 người trên mặt đất.

Mới đây, các công tố viên Scotland tin rằng, Senussi cùng với nhà chế tạo bom Mohammed Abu Ejaila là 2 nghi can mới trong cuộc điều tra đang được tiến hành về vụ Lockerbie và đề nghị chính quyền Libya cho phép họ phỏng vấn trực tiếp Senussi tại Tripoli. Họ tin 2 nghi can cùng hành động với Abdelbaset al-Megrahi - người duy nhất bị tuyên án tù chung thân năm 2011 trong vụ Lockerbie và đã chết năm 2012.

Các quan chức dưới chế độ Gaddafi bị đưa ra xét xử.

Họ cũng tin Megrahi là người được Senussi tuyển mộ. Megrahi và Senussi đều là thành viên của một trong các bộ tộc lớn nhất Libya là Magarha. Senussi cũng được cho là người nắm giữ thông tin về những người Libya bị bắt cóc và ám sát ở châu Âu cũng như tại những nơi khác khi Gaddafi còn cầm quyền, và về hoạt động tài trợ khủng bố đặc biệt ở châu Phi. Ngoài ra, Senussi cũng liên quan đến âm mưu ám sát Thái tử Arập Xêút Abdullah năm 2003.

Các chuyên gia phân tích an ninh cho rằng Senussi là người giám sát nhà máy hạt nhân bí mật của Gaddafi trong khu vực sa mạc miền Nam Libya nhưng địa điểm chính xác của nó vẫn chưa được tiết lộ. Bộ Tài chính Mỹ cũng đưa Senussi vào danh sách đen những quan chức cao cấp Libya bị đóng băng tài sản. Cũng giống như những chính khách khác của Gaddafi, Senussi có hoạt động kinh doanh mờ ám ở Libya. 

Năm 2003, Gaddafi tuyên bố Libya thừa nhận trách nhiệm vụ Lockerbie và trả tiền bồi thường cho các nạn nhân song cá nhân ông ta không thừa nhận đã ra lệnh vụ đánh bom. Sắp tới, việc gửi các nhà điều tra đến Libya có thể sẽ phức tạp. Phần lớn các nhà ngoại giao và nhân viên nước ngoài đã rời khỏi Tripoli hồi năm 2014 và cho đóng cửa các đại sứ quán sau khi một lực lượng vũ trang tự xưng là Libya Dawn chiếm thủ đô và thành lập chính quyền.

Di An (tổng hợp)
.
.