DSS: Cơ quan bảo vệ yếu nhân ngoại giao của Mỹ

Thứ Bảy, 26/09/2020, 11:59
Cơ quan An ninh ngoại giao Mỹ (viết tắt DSS hoặc DS) là cơ quan thừa hành pháp luật và là cánh tay an ninh của Bộ Ngoại giao Mỹ.

DSS chịu trách nhiệm bảo vệ các tài sản ngoại giao, các cá nhân và thông tin, cũng như đảm bảo sự toàn vẹn của các tài liệu đi lại của Mỹ chống các hành vi gian lận hộ chiếu và thị thực; ngoài ra còn thực thi các công tác chống khủng bố, phản gián, an ninh mạng và điều tra hình sự. DSS đang chịu trách nhiệm bảo vệ cho 275 nhiệm vụ ngoại giao ở hơn 170 quốc gia và 30 thành phố trên đất Mỹ. 

Các nhân viên của cơ quan này vừa là thành viên Bộ Ngoại giao, vừa là viên chức thi hành pháp luật liên bang có quyền điều tra và bắt giữ các đối tượng khả nghi. DSS chính thức thành lập vào năm 1985 sau khi xảy ra vụ đánh bom đẫm máu tại Đại sứ quán Mỹ và các doanh trại lính thủy ở Beirut, Lebanon năm 1983. DSS cung cấp cơ chế an ninh cho Ngoại trưởng Mỹ, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc (UN). 

Một lịch sử hình thành phức tạp

DSS tuyển dụng đặc vụ được biết đến với các tên gọi như “Đặc vụ DS” hay “Các đặc vụ DSS”. Điều kiện tuyển dụng vào làm việc ở DSS nghe có vẻ dễ dãi: phải có nhiều năm đi du lịch nước ngoài. Khi không có nhiệm vụ ra nước ngoài, các đặc vụ sẽ làm việc tại tổng hành dinh DSS ở Arlington (Virginia), hoặc tại một trong 30 văn phòng thực địa trên toàn quốc. 

Một tỷ lệ nhỏ các đặc vụ DSS chỉ thường chú trọng vào các công tác điều tra tội phạm và bảo vệ phẩm giá ngay trong lãnh thổ Mỹ. Các đặc vụ DSS cũng điều tra vào hoạt động của các cơ quan tình báo hải ngoại có ý đồ can thiệp vào Bộ Ngoại giao Mỹ, hỗ trợ truy bắt những kẻ đào tẩu trốn sang Mỹ, thường xuyên kiểm tra lý lịch các nhân viên và các nhà thầu của Bộ Ngoại giao Mỹ.

Một đặc vụ DSS đứng dõi theo Ngoại trưởng Mỹ, John Kerry, thực hiện việc gọi điện thoại.

Cấp bậc của sĩ quan DSS tại đại sứ quán hay lãnh sự quán có giữ chức danh Sĩ quan an ninh khu vực (RSO) và họ thường được gọi là “tùy viên an ninh”.

Nguồn gốc của DSS bắt nguồn từ giai đoạn sơ khởi của cuộc Đại chiến tranh thế giới lần Thứ nhất (ĐCTGI) khi Mỹ đang tìm cách duy trì sự trung lập của mình và nhận ra bản thân trở thành mục tiêu của các hành vi gián điệp, phá hoại và gian lận hộ chiếu. Các điệp viên Đức và Áo đã từng tiến hành các hoạt động ngay tại New York bằng cách giả mạo hoặc lấy cắp giấy tờ tùy thân. Cuối năm 1915, Ngoại trưởng Robert Lansing ra khuyến nghị thành lập một lực lượng thi hành pháp luật quốc tế ngay trong Bộ Ngoại giao Mỹ để điều tra các hoạt động tội phạm. 

Ngày 4 tháng 4 năm 1916, dưới sự ủy quyền của Tổng thống Woodrow Wilson, Ngoại trưởng Lansing đã thành lập nên Vụ Tình báo mật (BSI). BSI còn được biết đến dưới cái tên là Văn phòng trưởng đặc vụ (SY) nhằm che giấu các hoạt động nhạy cảm của nó. Các đặc vụ được giám sát bởi Sĩ quan dịch vụ nước ngoài cấp thấp có tên là Leland Harrison. Khi Hoa Kỳ tham chiến, BSI cũng thực tập và trao đổi các viên chức ngoại giao cho các cường quốc đối nghịch.

Sau khi ĐCTGI kết thúc, các đặc vụ BSI bắt đầu điều tra những trường hợp gian lận thị thực và hộ chiếu. Vào thập niên 1920, thay vì báo cáo các hoạt động trực tiếp cho Ngoại trưởng, thì Trưởng đặc vụ đã trả lời cho Trợ lý Ngoại trưởng về hành chính. Một thời điểm ngay sau khi ĐCTGII kết thúc, SY bắt đầu tham gia thường xuyên công tác bảo vệ các nguyên thủ quốc gia.

Từ đầu thập niên 1970, số lượng các đặc vụ SY hãy còn tương đối ít, độ khoảng 300 người, trong đó một hai nhân sự hoạt động ở nước ngoài. Sau vụ đánh bom đại sứ quán Mỹ ở Beirut vào tháng 4 năm 1983, SY đã tự cải tổ để thành lập nên Dịch vụ an ninh ngoại giao, là một phần của Cục An ninh ngoại giao (BDS). Sau khi xem xét các vụ đánh bom vào cơ sở an ninh ngoại giao Mỹ ở Beirut, Báo cáo Inman đã khuyến nghị rằng an ninh cho Bộ Ngoại giao Mỹ cần phải nâng lên ưu tiên cao hơn.

Trụ sở Cơ quan an ninh ngoại giao Hoa Kỳ (DSS) tại Arlington (Virginia). Ảnh nguồn: Salute Group.

Tới năm 1985, Quốc hội Mỹ đã thành lập nên Cục An ninh ngoại giao (DS) được đứng đầu bởi Trợ lý ngoại trưởng về an ninh ngoại giao, và Cơ quan an ninh ngoại giao (DSS) được đứng đầu bởi giám đốc DSS dưới quyền của Trợ lý ngoại trưởng cho DS. Tuy nhiên, DSS là cơ quan thi hành pháp luật liên bang và không thuộc về Cục An ninh ngoại giao (DS). Với sự ra đời của DS và DSS, quân số của 2 cơ quan này đã tăng lên hơn 1.000 đặc vụ. 

Đến năm 1998 thì xảy ra loạt vụ đánh bom đại sứ quán Mỹ ở Đông Phi, và đến năm 1999, Ngoại trưởng Mỹ khi đó là Madeleine Albright đã hạ lệnh rút DSS ra khỏi Cơ quan hành chính và đặt RSO trực tiếp dưới quyền của Phó trưởng phái đoàn (DCM) trong chuỗi chỉ huy tại đại sứ quán Mỹ. Kể từ năm 1999 và đặc biệt là sau khi thành lập các đại sứ quán Mỹ ở Kabul và Baghdad, có một sự thật là Bộ Ngoại giao Mỹ ngày càng chấp nhận hoạt động của DSS.

Bảo vệ yếu nhân và phản gián, điều tra tội phạm

DSS cam kết các khả năng bảo vệ tốt nhất trên toàn cầu. Cơ quan này nhận bảo vệ cho Ngoại trưởng và Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc. Hiện tại, DSS chịu trách nhiệm bảo vệ cho Đại sứ Mỹ ở Iraq với độ bảo mật cao nhất; ngoài ra các đại sứ Mỹ ở Trung Quốc, Israel, Ai Cập và Jordan đã nhận được bảo vệ của DSS. Các ngoại trưởng từ những nước lớn hoặc Đồng Minh hay những ai được xếp vào dạng rủi ro cao đều sẽ được DSS bảo vệ. 

Văn phòng phái đoàn nước ngoài của Cục An ninh ngoại giao (BDS) chịu trách nhiệm bảo vệ các đại sứ quán và lãnh sự quán nước ngoài trên đất Mỹ. Từ thập niên 1970 trở đi, DSS mở rộng sứ mạng bảo vệ an ninh cho người đứng đầu các quốc gia Afghanistan, Haiti và Liberia ngay tại quê hương của họ. Ngay cả Ngoại trưởng Hillary Clinton cũng nhận được sự bảo vệ của DSS.

Chân dung “kẻ khủng bố” Ramzi Yousef liên quan đến vụ đánh bom Trung tâm thương mại thế giới (WTC) bị các đặc vụ DSS tóm gọn. Ảnh nguồn: FBI

Các cuộc điều tra của DSS thường được thực hiện bởi các viên chức hiện trường và các viên chức cơ quan thường trú trên khắp đất Mỹ, còn các nhân viên RSO ở nước ngoài lại chuyên giám sát về gian lận hộ chiếu hoặc thị thực.

Ngoài ra, các đặc vụ DSS cũng điều tra về buôn bán người và tình dục, gian lận tài liệu, các hành vi vi phạm Luật bảo vệ, bắt giữ các cá nhân đào tẩu sang ra hải ngoại (với sự hỗ trợ của quốc gia sở tại), điều tra chống khủng bố và phản gián cùng các hồ sơ tội phạm có tổ chức quốc tế. Việc gian lận thị thực cũng bao gồm các hoạt động kết hôn giả nhằm cho phép người ngoại quốc trở thành công dân Mỹ. 

DSS cũng tiến hành điều tra các hành vi được cho là chưa phù hợp hoặc bất hợp pháp bởi các cá nhân Bộ Ngoại giao liên quan đến những sự cố gián điệp. Bên cạnh đó, DSS còn chịu trách nhiệm theo dấu và bắt giữ những thành phần đào tẩu: những người rời khỏi nước Mỹ để tránh quyền tài phán và khỏi bị truy tố. Năm 2009, DSS đã hỗ trợ tóm gọn 136 cá nhân đào tẩu quốc tế trên toàn cầu.

Năm 1995, 2 đặc vụ DSS là Jeff Riner và Bill Miller đã phối hợp với đại sứ quán Mỹ ở Pakistan, cùng với cảnh sát nước này và Tình báo liên minh (ISI) để bắt giữ Ramzi Yousef, kẻ liên đới với vụ đánh bom Trung tâm thương mại thế giới (WTC) tại New York. 

Trong những năm gần đây, DSS còn mở rộng hoạt động điều tra sang nước ngoài với sự giúp sức của Các điều tra viên hình sự hải ngoại (ARSO-I), họ là những viên chức lãnh sự được ủy nhiệm. Các nhân viên ARSO-I cũng bắt tay vào hoạt động điều tra buôn bán người và buôn lậu cùng với các đặc vụ điều tra an ninh nội địa (HSI). 

Tại biên giới Mỹ, các ARSO-I cũng xử lý các trường hợp gian lận thị thực, hộ chiếu, buôn lậu, buôn bán người với Cục Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ (CBP) và HSI. Hoạt động phản gián của DSS cũng đáng lưu tâm. 

Văn phòng điều tra và phản gián của Cơ quan dịch vụ ngoại giao (DS/ICI/CI) thường tiến hành đồng loạt chương trình phản gián nhằm phát hiện, ngăn chặn và vô hiệu hóa các cơ quan tình báo nước ngoài nhắm vào các cá nhân, cơ sở và sứ mạng ngoại giao của Bộ Ngoại giao Mỹ trên toàn cầu, các hoạt động này thường nhận được sự phối hợp của F.B.I.

Cơ chế tuyển dụng khắt khe

Ngoài việc được bố trí tại hầu hết các sứ mạng Mỹ trên khắp thế giới, các đặc vụ DSS còn làm việc chặt chẽ với những đối tác hải ngoại nhằm đảm bảo tối đa an ninh cho các sự kiện lớn chẳng hạn như Thế vận hội Bắc Kinh năm 2008, Đại hội thể thao liên Châu Mỹ được tổ chức ở Rio de Janeiro năm 2007, Thế vận hội mùa Đông ở Turin (Ý) năm 2006, Thế vận hội mùa Đông ở Vancouver (Canada) năm 2010, hay Giải bóng đá vô địch thế giới năm 2010, cùng một loạt các sự kiện đặc biệt khác. Các đặc vụ DSS cũng làm việc với nhiều cơ quan an ninh của các nước đăng cai các sự kiện quy mô lớn khác trên toàn thế giới. 

Đối với những sự kiện có sự hiện diện của Mỹ như Thế vận hội, thì một Điều phối viên an ninh thế vận hội (OSC) cũng là một đặc vụ DSS sẽ được chỉ định để quản lý toàn bộ các khía cạnh an ninh và liên lạc với chính phủ đăng cai. Tất cả các cơ quan liên bang khác chẳng hạn như FBI, ATF (Cục rượu, thuốc lá, súng và chất nổ Mỹ), USSS (Cơ quan mật vụ Mỹ) và các thành phần của DOD (Bộ Quốc phòng Mỹ) sẽ trực tiếp báo cáo cho đặc vụ DSS phụ trách. 

Ngoài ra cơ chế tuyển dụng, huấn luyện các nhân viên mới vào làm việc cho DSS cũng hết sức đặc biệt. 

Sau khi thuê được một ứng viên mới và tiềm năng, người đó sẽ bắt đầu khóa huấn luyện kéo dài gần 9 tháng, bao gồm Chương trình huấn luyện điều tra viên tội phạm (CITP) tại Trung tâm huấn luyện thực thi pháp luật liên bang thuộc Bộ An ninh nội địa Mỹ ở Glynco (tiểu bang Georgia); ngoài ra ứng viên còn phải trải qua một khóa huấn luyện đặc vụ căn bản (BSAC) tại Trung tâm huấn luyện an ninh ngoại giao; và trải qua các khóa huấn luyện ở Viện dịch vụ đối ngoại (FSI) ở Arlington (tiểu bang Virginia). 

Sau khi hoàn thành toàn bộ các bài huấn luyện sơ khởi, các ứng viên sẽ được yêu cầu phải vượt qua các chứng chỉ tái cấp hàng quý đối với vũ khí dùng làm nhiệm vụ của họ, bao gồm súng ngắn Glock 19M, súng máy Colt Sub, súng trường Mk18, và súng săn Remington 870. Hiện đang xây dựng một cơ sở huấn luyện nhằm hợp nhất các bài huấn luyện đặc vụ DSS tại cùng một địa điểm, còn hiện thời họ đang được đào tạo tại một “cơ sở huấn luyện tạm thời” (ITF) ở  Winchester (tiểu bang Virginia).

Kết thúc khóa đào tạo, các tân binh thường đảm nhận làm việc ở những văn phòng thực địa quốc nội trong vòng 2, 3 năm đầu tiên trước khi được chỉ định ra nước ngoài công tác, mặc dù các đặc vụ có thể được phái đi làm việc ở nước ngoài theo diện tạm thời trong thời gian họ làm việc trong nước Mỹ. Tuy nhiên, tùy vào nhu cầu của DSS mà các đặc vụ có thể được phái ra nước ngoài công tác sớm hơn. Khi trở thành thành viên của Dịch vụ đối ngoại, các đặc vụ có thể sẽ dành phần lớn sự nghiệp để sống và làm việc ở nước ngoài, thường là trong các môi trường độc hại hoặc các quốc gia kém phát triển trên thế giới. 

Có thể kể tóm tắt các giai đoạn huấn luyện của đặc vụ DSS như sau: BSAC kéo dài 9 tháng; Khóa huấn luyện văn phòng an ninh vùng căn bản (trường RSO) kéo dài 3 tháng; Khóa đào tạo các mối đe dọa cao (HTOC) kéo dài 12 tuần (Điều kiện tiên quyết để được phân công đến các quốc gia bị đánh giá “đe dọa cao” đối với nhân viên Mỹ); Học ngoại ngữ kéo dài từ 2 đến 12 tháng tùy theo độ khó của các ngôn ngữ; Khóa học dùng súng thực địa căn bản (BFFOC) dài 2 tuần; Khóa học dùng súng trong môi trường đe dọa cao (HREFC) dài 3 ngày.

Kể từ khi được thành lập đến nay, có 4 đặc vụ DSS hy sinh trong lúc thực thi nhiệm vụ. Và tính tới tháng 3 năm 2016, thêm 133 nhân viên DSS, nhân viên thi hành luật ở các nước sở tại và các thành viên của quân đội Mỹ hy sinh trong lúc đang thực hiện các nhiệm vụ an ninh ngoại giao.

Phan Bình (Tổng hợp)
.
.