Đặc nhiệm "Rắn hổ mang" của Cảnh sát Áo

Thứ Sáu, 14/05/2010, 21:45
Ra đời cách đây ba thập niên, với tên gọi chính thức là Einsatzkommando Cobra (EKC) chuyên trách công tác chống khủng bố, thường được giới truyền thông địa phương nhắc đến qua biệt danh Cảnh sát Đặc nhiệm Cobra (Rắn hổ mang).

Sau hai vụ bắt cóc con tin đầy tai tiếng xảy ra liên tiếp trên đất Áo: quản chế 11 bộ trưởng của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (năm 1975) và đòi 30 triệu siling tiền chuộc doanh nhân V.Palmer (năm 1977), đầu năm 1978, Bộ trưởng Nội vụ E.Blank quyết định thành lập EKC cùng quân số 100 người thuộc biên chế của Tổng cục Trị an Quốc gia.

Năm 1981, EKC được giao thêm nhiệm vụ bảo đảm an ninh cho dinh Thủ tướng Áo, cũng như tháp tùng các chuyến công du của người đứng đầu nội các. Sĩ số nhân viên EKC lúc này là 186 người, với tòa trụ sở bề thế tại Viner Neistadt, cách thủ đô Vienne 25km. Sau vụ "khủng bố thế kỷ" hôm 11/9/2001 ở Mỹ, EKC được đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ trưởng Nội vụ nước cộng hòa, đồng thời quân số được bổ sung thêm thành 336 người.

Phương châm đào tạo của EKC dựa trên các chiến thuật mạo hiểm, đòi hỏi sự thiện nghệ của mỗi thành viên. Hình thức tuyển chọn hết sức khắt khe, các ứng viên EKC đều phải tốt nghiệp đại học, chưa vi phạm bất cứ hình thức kỷ luật nào và trên hết là khả năng chịu đựng áp lực cả về thể chất lẫn tâm lý. Biết suy nghĩ độc lập hòng đưa ra phương án chóng vánh và hiệu quả khi đối diện với bọn khủng bố cuồng tín.

Trong lịch sử 30 năm tồn tại, duy nhất chỉ có một phụ nữ trúng tuyển và hiện vẫn đang kề vai sát cánh cùng các đồng nghiệp nam trong đội hình "Rắn hổ mang" tinh nhuệ.

Kể từ năm 2005, số nhân viên thuộc biên chế lực lượng chống khủng bố Cobra được xếp vào hàng bí mật quốc gia, không được phép công bố con số cụ thể. Song song với nhiệm vụ cố hữu bảo vệ sự an toàn của thủ tướng chính phủ và các thành viên nội các, đặc nhiệm EKC được giao thêm các trọng trách sau: đảm bảo an ninh hàng không dân dụng, chuyên chở tiền tệ và kim loại quý; bảo vệ các trụ sở đầu não trong nước và các cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài, cũng như các tổ chức và cá nhân có nguy cơ bị khủng bố đe dọa; hỗ trợ cơ quan chức năng trong công tác điều tra và bài trừ tội phạm có tổ chức; bắt giữ các phần tử quá khích và những tên côn đồ nguy hiểm; giải thoát con tin sau khi các phương án phi vũ trang bất thành...

T.Q.Long (theo Der Standard)
.
.