Đài Loan giúp Mỹ xây dựng 2 trạm nghe trộm ở Mông Cổ và Ấn Độ

Thứ Tư, 30/08/2006, 08:30

Theo một quan chức Cục Tình báo quân đội Đài Loan, khi hai trạm giám thính được xây dựng xong ở Mông Cổ và Ấn Độ, Mỹ sẽ nắm được hầu như toàn bộ các thông tin tình báo về các động thái quân sự của Trung Quốc.

Theo tờ Tin tức thế giới của Trung Quốc ngày 14/2/2006, được Mỹ giật dây, mùa hè năm 2003, Cục trưởng Cục Tình báo quân đội Đài Loan Tiết Thạch Dân (nay là Cục trưởng Cục An ninh quốc gia) cùng một số quan chức khác của Cục Tình báo quân đội Đài Loan như Trưởng phòng Điện báo Chu Quốc Vũ, Trưởng ban Cao Hoán Long đã bí mật bay từ Hàn Quốc tới Ulanbato (Mông Cổ), dành nửa tháng để trợ giúp Mỹ xây dựng một trạm giám thính tại Mông Cổ.

Trạm giám thính  này ra đời chủ yếu để thực thi nhiệm vụ giám sát, thu thập và phân tích các tin tức tình báo truyền qua đường điện tín của các khu vực nằm trong lãnh thổ Trung Quốc như Nội Mông, Đông Bắc, Tân Cương, Mỹ, Đài Loan và Mông Cổ cùng chia sẻ những thông tin tình báo thu được.

Bên cạnh đó, nhằm giúp Cơ quan Tình báo Mông Cổ nâng cao hiệu quả công tác, Cục Tình báo quân đội Đài Loan còn phái các chuyên gia kỹ thuật tới nước này phụ trách việc lắp đặt, duy tu và bảo vệ các trang thiết bị giám thính. Phòng Điện báo Cục Tình báo quân đội Đài Loan định kỳ phái nhân viên tới Trạm giám thính Mông Cổ để tiến hành nghe trộm các thông tin tình báo chuyển qua đường điện tín của các khu vực trên cũng như để dịch các loại mật mã điện tín thu được của Trung Quốc.

Nhằm phối hợp với Trạm giám thính Mông Cổ, Cục Tình báo quân đội Đài Loan còn chuyển trạm ăngten vệ tinh An Khánh (phụ trách việc giám thính đối với  các khu vực nằm trong nội địa Trung Quốc như Tân Cương, Nội Mông và khu vực Đông Bắc) tới doanh trại Khê Viên ở Tân Điếm.

Ngoài Mông Cổ, Đài Loan và Mỹ còn giúp Ấn Độ xây một trạm giám thính phụ trách việc thu thập tin tức tình báo điện tử đối với các khu vực Tây Tạng, Tân Cương, Thanh Hải và Tứ Xuyên. Cứ 7 đến 10 ngày,  các bản tin mã hóa thu được của Trung Quốc lại được chuyển cho Đài Loan qua hộp thư ngoại giao của Mỹ. Sau khi phá mã, các thông tin thu được được đem ra phân tích và báo cáo lên các cơ quan chức năng của Đài Loan và Mỹ.

Hoạt động hợp tác phát triển tình báo với Ấn Độ của Đài Loan bắt đầu khởi động từ thời ông  Lý Đăng Huy cầm quyền ở Đài Loan và được thúc đẩy sau khi ông Trần Thủy Biển  lên kế nhiệm. Ngoài việc giao lưu kỹ thuật, Văn phòng đại diện của Đài Loan tại New Dehli còn có biên chế sĩ quan phụ trách việc thu thập và trao đổi tin tức tình báo với Ấn Độ.

Một nguồn tin đáng tin cậy cho biết, Tham mưu trưởng Không quân Ấn Độ từng tới thăm Đài Loan theo lời mời của Tư lệnh Không quân Đài Loan Trần Triệu Mẫn. Hai nhà quân sự này đã cùng nhau đi đánh gôn và trao đổi ý kiến về một số vấn đề, nhưng cụ thể ra sao thì tới nay vẫn chưa hề được tiết lộ.

Dư luận báo chí Trung Quốc cho rằng, việc Đài Loan giúp Mỹ xây dựng trạm giám thính ở nước thứ 3 không chỉ phản ánh mối quan hệ “thứ đồng minh quân sự” giữa Mỹ và Đài Loan đang dần lộ rõ, mà còn cho thấy ý đồ của Mỹ và Đài Loan trong việc lôi kéo những nước xung quanh Trung Quốc vào việc thực thi các biện pháp chống lại Trung Quốc

Nam Khánh (Theo Tin tức thế giới)
.
.