Đài Loan từng tham vọng sở hữu vũ khí hạt nhân

Chủ Nhật, 29/09/2019, 21:55
Ngày 9-1-1988, đại tá Chang Hsien-yi, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Năng lượng hạt nhân Đài Loan bất ngờ đào tẩu sang Mỹ đã khiến nhà cầm quyền Đài Loan rúng động bởi lẽ từ năm 1976, ông Chang là người đứng đầu chương trình nghiên cứu chế tạo vũ khí hạt nhân của Đài Loan.

Việc Chang Hsien-yi đào tẩu đã khiến giấc mơ trở thành "cường quốc hạt nhân" ở châu Á của Đài Loan coi như kết thúc…

Nuôi ong tay áo

Sinh năm 1943 ở thành phố Đài Trung, Đài Loan, sau khi tốt nghiệp Học viện Công nghệ Chung Cheng (nay là Đại học Quốc phòng Đài Loan), ông Chang sang Mỹ học ngành vật lý hạt nhân ở Viện Đại học M.I.T (Massachusetts Institute of Technology). Hồ sơ giải mật của Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) cho thấy trong thời gian học ở M.I.T, Chang được CIA tuyển dụng và trở thành điệp viên của cơ quan này.

Ông Chang Hsien-yi và cuốn hồi ký Nuke Spy.

Năm 1964, Trung Quốc lục địa thành công trong việc chế tạo bom nguyên tử. Vụ nổ thử nghiệm do Bắc Kinh tiến hành đã khiến người đứng đầu Đài Loan lúc ấy là ông Tưởng Trung Chính ăn ngủ không yên. Vì thế, đầu năm 1970, Viện Nghiên cứu năng lượng hạt nhân (viết tắt là INER), cơ sở đặt tại Lungtan, quận Đào Viên, Đài Loan, ra đời với danh nghĩa "phục vụ các mục tiêu dân dụng" nhưng thực chất là tìm cách chế tạo vũ khí nguyên tử. 

Bằng cách mua một lò phản ứng từ Canada và một lượng uranium thứ cấp của Mỹ, các nhà khoa học Đài Loan đã có trong tay những điều kiện cần thiết để nghiên cứu và chế tạo bom hạt nhân.

Cuối năm 1971, ông Chang trở về Đài Loan và nhanh chóng trở thành một trong những người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại INER với cấp hàm đại tá. 

Trong cuốn hồi ký tựa đề: "Gián điệp nguyên tử", Chang viết: "Bắt đầu từ năm 1972, với cương vị phó giám đốc INER, tôi cùng các đồng nghiệp tiến hành làm giàu uranium quy mô nhỏ. Lò phản ứng hạt nhân nước nặng của chúng tôi được Canada cung cấp với danh nghĩa nghiên cứu, phù hợp với các tiêu chuẩn của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA)".

Tháng 2-1972, Tổng thống Mỹ Richard Nixon thăm Bắc Kinh. Đến tháng 6, các quan chức thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ được CIA cung cấp thông tin về việc "sẽ có một quả bom hạt nhân do Đài Loan chế tạo".

Với những tài liệu do Chang Hsien-yi cung cấp, CIA kết luận Đài Loan đang cố gắng để làm chủ công nghệ tái chế nhiên liệu uranium, một yếu tố quan trọng của việc chế tạo bom hạt nhân. 

Trong hồi ký, Chang viết về mối quan hệ của ông với CIA như sau: "CIA thành lập một nhóm đặc nhiệm, hoạt động bí mật ở Đài Loan, chuyên theo dõi việc phát triển vũ khí hạt nhân của INER. Mỗi tháng, tôi gặp nhân viên của nhóm này 2 hoặc 3 lần tại khu chợ đêm Shilin ở thành phố Đài Bắc. Giả như người đi ăn tối, tôi cung cấp cho họ danh sách các thiết bị mà nhà cầm quyền Đài Loan đã mua để phục vụ việc nghiên cứu, chế tạo bom hạt nhân, hoặc nội dung những buổi họp bàn về chế tạo bom hạt nhân của chính phủ…".

Giữa năm 1976, thông qua Chang Hsien-yi, Washington đã thu thập thêm nhiều bằng chứng cho thấy Đài Loan bước đầu thành công trong việc làm giàu uranium mức độ thấp, và Viện Nghiên cứu năng lượng hạt nhân Đài Loan chỉ là vỏ bọc, nhằm che giấu việc chế tạo vũ khí nguyên tử. 

Lo ngại Bắc Kinh nổi giận, Washington gây sức ép buộc Đài Loan phải cho phép các thanh sát viên của IAEA vào kiểm tra. Theo bản phúc trình của đoàn kiểm tra, trong các báo cáo của INER, có nhiều điểm thiếu nhất quán, không phù hợp với thực tế.

Lò tái chế uranuim của Đài Loan trong giai đoạn xây dựng.

Nắm đủ bằng chứng, một nhóm công tác đặc biệt từ Washington bay sang Đài Loan. Trong buổi làm việc với những người đứng đầu Chính phủ Đài Loan, nhóm công tác đưa ra thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ, nội dung cực lực phản đối việc Đài Loan âm thầm chế tạo vũ khí hạt nhân vì điều đó có thể dẫn đến nguy cơ nổ ra xung đột giữa Đài Loan - Trung Quốc trong bối cảnh Pakistan, Ấn Độ, là hai quốc gia Nam Á cũng đã có vũ khí hạt nhân, còn CHDCND Triều Tiên thì vừa xây xong những lò phản ứng.

Trước tình hình ấy, người đứng đầu Đài Loan khi ấy là Lý Đăng Huy buộc phải cam kết: "Đài Loan không thực hiện bất kỳ hoạt động tái chế nguyên liệu hạt nhân cho mục đích nào khác ngoài việc phát triển năng lượng phục vụ các chương trình kinh tế" nhưng chỉ 1 năm sau đó, Mỹ lại phát hiện Đài Loan bí mật làm giàu uranium. 

Lần này, đích thân Tổng thống Mỹ Jimmy Carter cử một đặc phái viên sang gặp ông Lý Đăng Huy, truyền đạt nội dung "Mỹ sẽ ngừng tất cả mọi viện trợ quân sự, kinh tế nếu Đài Loan vẫn cứ tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân". 

Tài liệu được CIA giải mật cho thấy thời kỳ ấy, Washington đang cố gắng bình thường hóa quan hệ với Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Việc Đài Loan nghiên cứu và chế tạo vũ khí hạt nhân đã làm cho các nhà hoạch định chính sách Mỹ nổi nóng: "Bất kỳ sự phát triển nào của Đài Loan về vũ khí hạt nhân đều có thể gây ra những căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Trung. Khi ấy, sẽ rất khó khăn trong việc đưa ra các biện pháp bảo đảm an ninh cho Đài Loan…".

Năm 1980, chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Đài Loan tạm thời "ngủ đông" để che mắt Mỹ và thế giới. Đến năm 1985, họ tái khởi động việc nghiên cứu dưới sự đứng đầu của Chang Hsien-yi. Cuối năm 1985, một báo cáo của CIA gửi Ủy ban Quân sự, Quốc phòng Hạ viện Mỹ cho thấy chỉ khoảng 5 năm nữa (1990), Đài Loan đủ khả năng hoàn thành một quả bom hạt nhân, đồng thời có thể gắn đầu đạn hạt nhân vào tên lửa "Tiên Ma" hoặc tên lửa "Ngựa Trời", có tầm bắn xa 1.000km. 

Chưa hết, bản báo cáo cho biết Đài Loan đã có kế hoạch đặt bom hạt nhân loại nhỏ vào các thùng chứa nhiên liệu phụ của máy bay tiêm kích "Bản Địa" do Đài Loan chế tạo, sẵn sàng đáp trả đối phương nếu xảy ra chiến tranh.

Vì sao Chang Hsien-yi đào tẩu?

Đầu tháng 1-1988, ông Chang Hsien-yi xin Bộ Quốc phòng Đài Loan cho ông ta nghỉ phép thường niên. Theo quy định, những người giữ các trọng trách tối mật về vũ khí hạt nhân như Chang không được ra nước ngoài, mà phải nghỉ ở nhà hoặc ở những khu an dưỡng trong nội địa nhằm tránh trường hợp bị bắt cóc hoặc bị mua chuộc. 

Ông Chang Hsien-yi lúc mới đến Mỹ.

Đã lường trước vấn đề ấy, CIA dàn xếp để một công ty Mỹ, trụ sở đặt tại Mỹ, ký hợp đồng lao động với Chang dưới một cái tên mới, một hộ chiếu mới do CIA cung cấp, và bản thị thực hợp đồng lao động của Chang đã được Cục Di trú Mỹ phê duyệt. 

Bên cạnh đó, biết rằng Chang không thể bỏ vợ con ở lại, CIA bố trí cho vợ Chang là bà Hung Mei-feng cùng 3 đứa con đi du lịch Tokyo, Nhật Bản, rồi từ Tokyo sẽ sang Mỹ nếu Chang đào tẩu thành công. Khi mọi thủ tục hoàn tất, người của CIA mua cho Chang vé máy bay từ Kaohsiung, Đài Loan đến thành phố Seattle, bang Washington, Mỹ.

Sáng ngày 8-1-1988, vợ ông Chang cùng 3 con đáp máy bay đi Tokyo. Tối cùng ngày, Chang ra sân bay quốc tế Kaohsiung. 

Trong hành lý của Chang, ngoài những vật dụng cá nhân, còn có những tài liệu tuyệt mật về chương trình nghiên cứu, chế tạo vũ khí hạt nhân của Đài Loan cùng các kế hoạch sử dụng. Theo nhà nghiên cứu David Brown thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược hạt nhân, Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) thì: "Những tài liệu mà ông Chang mang theo đủ cho bất cứ quốc gia nào cũng sẵn sàng trả giá hàng trăm triệu USD để có được chúng".

Như đã chuẩn bị sẵn, 1 ngày sau khi đại tá Chang đặt chân đến thành phố  Seattle, phía Mỹ lập tức công bố thông tin Chang xin tỵ nạn và điều này đã khiến Chính phủ Đài Loan, Bộ Quốc phòng và Viện INER sững sờ. Chưa hết, người Mỹ còn công bố kế hoạch nghiên cứu, chế tạo bom nguyên tử của Đài Loan dựa trên những hồ sơ mà Chang mang theo cùng lời khai của ông ta. 

Ông Chang Jung-feng, cựu thành viên Đội an ninh quốc gia của ông Lý Đăng Huy đã mô tả hành động của Chang là "một kẻ phản bội", trong lúc CIA từ chối bình luận về vai trò gián điệp của Chang ở cơ quan tình báo này. 

Ông Wang Ting-yu, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại và Quốc phòng của Nghị viện Đài Loan nói: "Bất chấp quan điểm chính trị của anh ta là gì, nhưng khi anh ta đã phản bội thì không thể chấp nhận và không thể tha thứ được". Song song với những phản ứng đó, nhà cầm quyền Đài Loan phát lệnh truy nã Chang. 

Đáp lại, trong một phát biểu, Chang phủ nhận mình làm việc cho CIA, đồng thời biện luận: "Chính phủ Mỹ có đủ bằng chứng về chương trình hạt nhân của Đài Loan. Họ chỉ cần thêm một ai đó - như tôi - để xác nhận".

Ngày 15-1-1988, nghĩa là chỉ 6 ngày sau khi Chang đào tẩu, phía Mỹ yêu cầu nhà cầm quyền Đài Loan cho phép họ tiếp cận Viện Nghiên cứu năng lượng hạt nhân (INER). Chẳng đặng đừng, Đài Loan buộc phải đồng ý vì mọi chứng cứ do Chang cung cấp đã khiến vụ việc rõ như ban ngày. 3 hôm sau, một nhóm chuyên gia Mỹ đến căn cứ không quân Ching-chuankang ở Tai-chung. 

Ông Chang Hsien-yi (phải) hiện nay ở Mỹ.

Tại đây, sau cuộc thảo luận ngắn với tướng Yeh Chang-tung, Phó Chánh văn phòng Bộ Quốc phòng Đài Loan, nhóm chuyên gia cùng tướng Yeh đi thẳng đến địa điểm nghiên cứu hạt nhân ở Lungtan, quận Đào Viên. Tiến hành lấy một số mẫu đất và phân tích phần cứng được cài đặt ở đó, nhóm chuyên gia Mỹ bắt tay vào việc tháo dỡ lò phản ứng nước nặng. 

Chỉ trong vài tiếng đồng hồ, cơ sở chế tạo vũ khí hạt nhân trị giá 1,85 tỉ đô la Đài Loan và 17 năm công phu nghiên cứu đã ngừng hoạt động. Nếu tính cả chi phí đào tạo nhân lực thì Bộ Quốc phòng Đài Loan mất đứt 3 tỷ đô la Đài Loan chỉ vì một người là Chang Hsien-yi.

Tháng 12-2016, cuốn hồi ký của Chang Hsien-yi: "Gián điệp nguyên tử" bằng tiếng Anh chính thức ra mắt người đọc. Rất nhanh chóng, nó được dịch sang tiếng Trung và đã gây ra nhiều cuộc tranh cãi. Phía ủng hộ khen ngợi Chang vì đã "ngăn ngừa một cuộc chiến tranh hạt nhân tiềm tàng" trong lúc phía phản đối lại xem hành động của Chang là "cố ý tước bỏ một thứ vũ khí giúp phòng vệ và sinh tồn".

Theo ông Chang, thời điểm đó ông luôn lo sợ "sẽ có thêm nhiều Hiroshima và Nagasaki nữa". Chang nói: "Nếu có hối tiếc thì điều hối tiếc duy nhất là tôi không được ở cạnh cha mẹ tôi khi họ qua đời…".

Vũ Cao (theo hồi ký Nuke Spy)
.
.