Đại sứ Pháp tại Moskva đã cộng tác với tình báo Liên Xô như thế nào?

Thứ Hai, 20/04/2009, 18:35
Một trong những bí quyết thành công đặc biệt của tình báo Xôviết và các nước Đông Âu chính là có khả năng cài cắm hay tuyển mộ những điệp viên nắm giữ những vị trí quan trọng tại nhiều quốc gia. Như tại Anh có thể nhắc tới Kim Philby cùng các thành viên của nhóm "bộ ngũ Cambridge". Tại Đức là vụ của Guter Guillaume, cố vấn của Thủ tướng Willy Brandt.

Còn tại Pháp, nhiều người vẫn chưa được biết về một chiến dịch rất thành công vào cuối những năm 50 thế kỷ trước của Cơ quan Phản gián Xôviết (chứ không phải cơ quan tình báo). Khi đó, dưới sự chỉ huy trực tiếp của chỉ huy Tổng cục II-KGB, Trung tướng Oleg Mikhailovic Gribanov, phía Liên Xô đã tuyển mộ thành công Đại sứ Maurice DeJean của Pháp tại Moskva làm điệp viên cho mình…

Ứng cử viên thích hợp nhất

Maurice DeJean có lẽ là một dạng điệp viên đặc biệt: hoạt động không cần mật danh, không thường xuyên tham gia những cuộc gặp kín, không qua những lớp huấn luyện về nghiệp vụ, không nhận tiền thù lao v.v... Trong thuật ngữ tình báo ngày nay, ông được xếp vào loại "điệp viên ảnh hưởng", có nghĩa là điệp viên thường không tham gia thu thập thông tin tình báo, mà trên cương vị của mình có những tuyên bố và hành động có lợi cho phe của mình cộng tác.

Thường là trên thực tế, các cơ quan mật vụ không tuyển mộ điệp viên ảnh hưởng theo kiểu thông thường. Họ có thể lặng lẽ cài bẫy, dần dần cảm hóa hay "giáo dục", khiến "đối tượng" không hề cảm thấy nghi ngờ gì cho đến khi đã quá muộn. 

Khi lập kế hoạch tuyển mộ DeJean với tư cách điệp viên ảnh hưởng, Cơ quan Phản gián Xôviết không chỉ tính toán tới những năng lực công tác của quan chức ngoại giao cao cấp này, mà còn tính tới tình bạn lâu năm của ông ta với De Gaulle (là Tổng thống Pháp khi đó) bắt nguồn từ những năm Chiến tranh thế giới thứ hai, khi cả hai cùng tham gia vào phong trào kháng chiến.

Tổng thống Pháp thường chú ý đặc biệt tới quan điểm của người bạn, đồng thời là chiến hữu của mình, rất coi trọng ý kiến của ông ta về các vấn đề khác nhau trong hoạch định chính sách quốc tế của Pháp.

Toà nhà Đại sứ quán Pháp tại Moskva.

Trận đòn “ghen tuông”

Maurice DeJean trên thực tế là một người đàn ông lịch thiệp, phong độ và nổi tiếng hào hoa dù đã 50 tuổi. Điều này đã được chứng minh bằng không ít những chuyện tình của ông với những người đẹp Xlavơ, cũng như những lời ngưỡng mộ không giấu giếm của những phụ nữ từng có dịp tiếp xúc với ông ta.

Nhân vật tạo ra sự thay đổi với DeJean là một người đẹp, diễn viên có tên Larisa Cronberg-Sobolevski (thường gọi là Laura), sau một thời gian gặp gỡ đã trở thành người tình của vị đại sứ Pháp. 

Cuối cùng, chuyện tình đã bùng nổ từ vài tháng trước giữa DeJean và Laura đã đến lúc cần "gặt hái thành quả". Thời điểm được lựa chọn rất đúng lúc, khi phu nhân đại sứ rời khỏi Liên Xô đi nghỉ tại vùng núi Alps (Thụy Sĩ). “Chồng” Laura bất ngờ trở về sau chuyến đi công tác và một người bạn của anh ta. Từ trước đó, Laura thường thổ lộ với DeJean về “người chồng” khá dữ dằn và hay ghen tuông của mình.

“Người chồng” đã bắt gặp cả hai đang tình tứ trong phòng và xông vào hành hung DeJean. Sau khi Laura ra sức can ngăn và cho biết đây là đại sứ của Pháp, anh ta còn không sợ và khẳng định sẽ nộp đơn tố cáo lên cảnh sát. DeJean dù phải nhận vài cú đòn ghen của “người chồng” nhưng đã chạy thoát được ra khỏi phòng, nhảy lên chiếc xe riêng của mình đang đợi ở dưới để chuồn về đại sứ quán.

Quá trình hợp tác

Ngay chiều tối của cái ngày đen đủi đó, DeJean có cuộc gặp với Gribanov, người trước đó đã có lịch gặp vị đại sứ với tư cách cố vấn của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô để bàn bạc về một loạt các vấn đề giữa hai nước. Tuy nhiên, trong suốt cuộc gặp này, cả hai chủ yếu bàn về những vấn đề riêng của vị đại sứ, người đã không hề che giấu khi thừa nhận: "Tôi đang có những rắc rối nghiêm trọng. Tôi cần sự giúp đỡ của ngài". DeJean kể tỉ mỉ về chuyến phiêu lưu tình ái của mình, đề nghị Gribanov can thiệp để “người chồng” của Laura không nộp đơn ra cảnh sát.

Những giúp đỡ sau đó của Gribanov đã khiến DeJean coi ông là một ân nhân, một người bạn mới thân thiết của mình. Từ thời điểm đó, quan chức đứng đầu Cơ quan Ngoại giao Pháp tại Moskva luôn tư vấn với Gribanov mọi vấn đề, mọi lĩnh vực khác nhau trong chính sách ngoại giao của Pháp, đặc biệt là trong quan hệ với Liên Xô và các quốc gia thành viên NATO.

Trong những cuộc tiếp xúc và trò chuyện kiểu này, DeJean còn đưa ra nhiều đề xuất, gợi ý và dự đoán của riêng mình dựa trên thông tin mình có được, thậm chí còn cảnh báo trước cho phía Liên Xô về những bước đi được cho là không hợp lý. DeJean cũng chia sẻ với người bạn của mình thông tin về tính cách và quan điểm của các quan chức ngoại giao cao cấp khác của phương Tây mà mình đã có dịp tiếp xúc, thông báo về dự định và kế hoạch của họ trong quan hệ với Liên Xô.

Gribanov về phần mình cũng thông qua DeJean để thể hiện những thiện chí tốt đẹp từ phía Moskva trong quan hệ với Pháp, gián tiếp qua vị đại sứ này để tác động lên những quyết định trong chính sách đối ngoại của De Gaulle.

Thành công đáng chú ý nhất trong chiến dịch sử dụng điệp viên ảnh hưởng này chính là KGB tìm cách cho De Gaulle nghĩ rằng, nước Anh đang có những trò "chơi khăm" ông trong NATO, về lâu dài có thể làm ảnh hưởng đến những quyền lợi an ninh của Paris. Nhờ đó, De Gaulle đã đi đến quyết định rút lui khỏi Bộ Chỉ huy quân sự của NATO (mãi tới gần đây, Tổng thống Sarkozy mới đưa ra đề xuất gia nhập lại).

Quá trình hợp tác khá thành công giữa Đại sứ DeJean và KGB đã kéo dài trong suốt 6 năm, trước khi người Anh có được một kẻ phản bội có tên Yuri Korotkov, một nhân vật từng tham gia vào chiến dịch tuyển mộ đại sứ Pháp. Có thể thấy quan hệ bằng hữu giữa De Gaulle và DeJean thân cận tới mức nào ngay cả khi mọi chuyện đã đổ bể. DeJean không phải chịu bất kỳ án phạt nào, ngoại trừ việc phải từ chức.

Ông thậm chí còn trở thành một trong những nhà lãnh đạo của Hiệp hội Pháp - Liên Xô, là nơi đã thể hiện vai trò ủng hộ tích cực cho việc cải thiện quan hệ giữa hai nước. Hơn nữa, DeJean còn được bổ nhiệm là tổng giám đốc một nhà máy nhỏ chuyên sản xuất loại đồng hồ hiệu "Slava" của Liên Xô ở thành phố Besancon tại Pháp, một biểu tượng của sự hợp tác kinh tế giữa hai quốc gia vào thời điểm đó.

Maurice DeJean qua đời tại Paris vào ngày 14/1/1982 khi đã ở tuổi 82

Thái Quân (tổng hợp)
.
.