Đằng sau cái chết đột ngột của giám đốc tình báo Nga Igor Korobov

Thứ Ba, 27/11/2018, 08:15
Việc qua đời đột ngột của Giám đốc Cơ quan Tình báo Quân sự Nga (GRU) Igor Korobov hôm 21-11 đã khiến các nước phương Tây càng dấy lên các thuyết âm mưu chống lại Điện Kremlin cũng như cơ quan tình báo nước ngoài hàng đầu của Nga.


Thuyết âm mưu từ phương Tây

Trong tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga, Thượng tướng Igor Valentinovich Korobov (1956-2018), người đứng đầu GRU, đã qua đời ngày 21-11 sau một thời gian dài mắc bệnh trọng.

Dù ca ngợi ông là một người con đích thực và trung thành của nước Nga, quân đội đã không đưa ra chi tiết về tình trạng bệnh tật của ông Korobov. Điều này đã thúc đẩy truyền thông phương Tây quan tâm và đặt nhiều giả thuyết liên quan tới cái chết của ông. Nhất là khi Korobov chịu trách nhiệm về GRU vào khoảng thời gian cơ quan này phải đối mặt với một loạt các phơi bày hoặc cáo buộc từ phương Tây.

Theo báo chí phương Tây, ông Korobov đã bị "ốm yếu bất ngờ" sau khi bị Tổng thống Nga Vladimir Putin quy trách nhiệm vì những sai lầm nghiêm trọng mà GRU mắc phải liên quan đến sự kiện gây rạn nứt mối quan hệ ngoại giao Moscow và phương Tây ở thành phố Salisbury của Anh và một số hoạt động quốc tế khác.

Giám đốc GRU, Thượng tướng Igor Valentinovich Korobov qua đời ở tuổi 62.

Hoa Kỳ và các đồng minh phương Tây đã cáo buộc GRU tham gia các chiến dịch tấn công mạng - can thiệp vào cuộc tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016, dàn xếp cuộc tấn công vào cựu điệp viên hai mang người Nga Sergei Skripal ở Anh, hay phá vỡ các nỗ lực chống doping trong các môn thể thao thế giới. Đặc biệt, các cáo buộc đã chĩa thẳng vào GRU sau vụ đầu độc đối với hai cha con ông Skripal tại thành phố Salisbury của Anh hồi tháng 3.

Theo hãng tin Guardian và một số trang tin của Anh (gồm Dailymail và Express), vị trí của ông Korobov trong GRU đã lung lay sau khi Thủ tướng Anh Theresa May, vào tháng 9, đã chỉ đích danh tên hai công dân Nga được xác định là nghi phạm của vụ tấn công tại Salisbury.

Lực lượng tình báo Anh cho rằng hai người đàn ông du lịch đến Vương quốc Anh dưới bí danh của Alexander Petrov và Ruslan Boshirov vào thời điểm diễn ra vụ đầu độc là các sĩ quan của GRU.

Tất nhiên, Điện Kremlin phủ nhận các cáo buộc. Cả Petrov và Boshirov đều xuất hiện trong một chương trình phỏng vấn trực tuyến, tuyên bố rằng họ đến thăm thành phố của Anh vì những nhà thờ ấn tượng và quyết định rời thành phố sớm vì điều kiện thời tiết. Những câu trả lời khá vụng về này tiếp tục gây ra những nghi ngờ.

Tiếp đó, danh tính thực sự của hai kẻ tình nghi đã được tiết lộ bởi trang web điều tra Bellingcat (của Anh). Theo đó, danh tính thực sự của Boshirov là Đại tá Anatoliy Chepiga, một sĩ quan cấp cao trong GRU, còn Petrov thực sự là Alexander Mishkin, một bác sĩ quân đội, cũng thuộc biên chế GRU.

Sau khi Tổng thống Putin khẳng định hai nghi phạm trên là thường dân trong một nỗ lực đẩy lùi các cáo buộc chống Moscow từ phương Tây, các nhà điều tra của Bellingcat tiếp tục tung tin, cả hai nghi phạm đều được ông Putin trao danh hiệu Anh hùng của Liên bang Nga.

Những tiết lộ này được nhà báo người Nga Sergey Kanev đưa ra sau khi thu nhận thông tin từ các kết nối tình báo mà ông còn liên lạc tại Moscow. Ông Kanev hiện đang phải sống lưu vong và là một cây bút cho Bellingcat.

Không dừng lại đó, các quan chức Hà Lan hồi tháng 10 tiếp tục tố cáo các điệp viên Nga đã cố gắng thực hiện vụ tấn công vào hệ thống máy tính vào Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học (OPCW) tại The Hague để để lấy thông tin về cuộc điều tra vụ đầu độc hai cha con ông Sergei Skripal.

Bốn điệp viên, được cho là người của GRU, đã bị bắt và trục xuất hồi tháng 4 khi sử dụng ăng-ten giấu dưới một chiếc áo khoác từ một bãi đậu xe gần trụ sở chính của OPCW, dưới sự giúp đỡ của lực lượng tình báo Anh.

Tất cả những cáo buộc này, dù chưa bao giờ được chính quyền Nga thừa nhận, đã trở thành những đòn tấn công liên tiếp vào GRU và khiến ông Putin nổi giận. Sau cuộc họp giữa Tổng thống Putin với các quan chức Bộ Quốc phòng Nga hồi tháng 10, Giám đốc GRU Korobov được cho là đã về thẳng và "đổ bệnh".

Ông Korobov cũng vắng mặt trong một buổi lễ Kỷ niệm 100 năm thành lập GRU hồi đầu tháng 11, có sự tham dự của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Những suy đoán này được truyền thông phương Tây thổi bùng lên và cho rằng, cơ quan tình báo nước ngoài hàng đầu của Nga đang phải trải qua một sự cải tổ lớn. Tuy nhiên, các suy đoán kiểu thuyết âm mưu này bị chính quyền Nga bác bỏ và gọi chúng là một phần của chiến dịch bôi nhọ từ phương Tây.

Vì sao nhắm vào GRU?

GRU, tên đầy đủ là Tổng cục Tình báo thuộc Bộ Tổng tham mưu Lực lượng vũ trang Liên bang Nga, là một trong ba cơ quan tình báo chính của nước này, cùng với Tổng cục An ninh Liên bang của Liên bang Nga (FSB) và Tổng cục Tình báo nước ngoài (SVR RF). Chính vì vậy, GRU đã trở thành mũi nhọn của các cuộc tấn công chính trị chống Moscow.

Trong suốt quãng thời gian khá kín tiếng từ khi được thành lập năm 1918, GRU dưới thời Thượng tướng Korobov lại bất đắc dĩ "nổi tiếng", trở thành công cụ chính của Nga nhằm thể hiện vai trò quan trọng trên toàn cầu.

Bất chấp những cáo buộc kể trên, các điệp viên GRU vẫn luôn đóng vai trò quan trọng trong các cuộc chiến quan trọng tại Ukraine. Đặc biệt, mạng lưới mạnh mẽ tình báo quân sự Nga đã giúp đẩy lùi khủng bố ở Syria, giúp chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad kiểm soát lại phần lớn lãnh thổ đất nước. Những thành tựu này đã mang về danh hiệu cao quý Anh hùng của Liên bang Nga cho Tướng Korobov năm 2017.

Và hơn hết, các hoạt động này đã chứng minh khả năng của Nga nói chung và GRU nói riêng trong việc vươn tầm ảnh hưởng trên trường quốc tế; đồng thời, chứng tỏ Moscow là một "đối thủ" xứng tầm khiến phương Tây luôn phải dè chừng.

Dù vậy, sự ra đi của Tướng Korobov sẽ khiến ông Putin phải bổ nhiệm người kế nhiệm lãnh đạo một cơ quan cực kỳ quan trọng của Bộ Quốc phòng cũng như đối với an ninh nước Nga.

Ứng cử viên sáng giá cho vị trí lãnh đạo GRU là Phó Đô đốc Igor O. Kostyukov, 57 tuổi, người đảm nhiệm chức vụ quyền Giám đốc cơ quan này từ sau khi ông Korobov bị bệnh.

Theo nhà báo Sergey Kanev, ông Kostyukov là người lãnh đạo chi nhánh GRU ở Italia và hiện đang giám sát các hoạt động chiến sự ở Syria. Vị Phó Đô đốc này cũng ngồi cạnh Tổng thống Vladimir Putin trong buổi lễ Kỷ niệm 100 năm ngày thành lập GRU.

Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, ông Putin có thể chỉ định một người từ các cơ quan gián điệp SVR RF hoặc FSB, để khôi phục lòng tin vào GRU.

Thùy Dương
.
.