Đằng sau việc Mỹ cung cấp vũ khí cho các nước Arập khu vực Trung Đông

Chủ Nhật, 17/07/2011, 10:05

Khi các cuộc biểu tình rầm rộ diễn ra tại nhiều nước trong khu vực Trung Đông từ đầu năm 2011 đến nay, dư luận bắt đầu chú ý đến các hợp đồng mua bán vũ khí của Mỹ với một số quốc gia trong khu vực. Người ta lo ngại liệu vũ khí Mỹ có tham gia vào tình hình bất ổn ở Trung Đông hay không, và liệu việc mua bán đó có tiếp tục được tiến hành hay không?

Vào tháng 10/010, sau nhiều tháng thương lượng, chính quyền Tổng thống Barack Obama đã thông báo khẳng định các hợp đồng cung cấp khí tài quân sự cho Arập Xêút có tổng giá trị hợp đồng lên đến hơn 60 tỉ USD. Đến tháng 5/011, các hợp đồng đó tiếp tục được xúc tiến tại Quốc hội.

Thông tin về các hợp đồng cung cấp vũ khí của Mỹ cho các quốc gia khu vực Trung Đông luôn được giữ kín, việc cung cấp thông tin trên báo chí rất hạn chế nhằm tránh những dư luận không tốt. Mặc dù vậy, một số tờ báo, hãng thông tấn vẫn tìm cách có được những thông tin quan trọng trong các hợp đồng quốc phòng này.

Chẳng hạn, tờ Wall Street Journal đã tìm cách thu thập được thông tin liên quan các hợp đồng cung cấp vũ khí cho Arập Xêút trị giá 60 tỉ USD. Hiện các hợp đồng cung cấp máy bay chiến đấu F-15 đã được Quốc hội Mỹ thông qua, các hợp đồng khác, bao gồm tàu chiến và các hệ thống phòng thủ tên lửa thì vẫn đang được xem xét.

Tổng thống Mỹ Barack Obama (phải) cam kết tiếp tục cung cấp vũ khí cho Arập Xêút bất chấp những quan ngại về tình hình bất ổn trong khu vực.

Quy mô của các hợp đồng vũ khí có thể kể sơ lược như sau: Bên cạnh việc giúp Arập Xêút nâng cấp các máy bay chiến đấu F-15S, các công ty công nghiệp quốc phòng Mỹ còn cung cấp thêm 84 chiếc F-15SA, 190 chiếc trực thăng quân sự gồm trực thăng chiến đấu AH-64D Apache Longbow, UH-60 Blackhawk, các loại trực thăng vận tải, huấn luyện,… các loại vũ khí hạng nhẹ, súng phóng tên lửa vác vai và thiết bị dò tìm, cộng với 12.667 quả tên lửa, 18.350 quả bom và đặc biệt là 1.000 bộ thiết bị vũ khí tấn công trực tiếp (JDAM), các thiết bị dẫn hướng tên lửa điều khiển qua vệ tinh.

Theo giới chuyên gia, việc trang bị các hệ thống JDAM cho Arập Xêút có nguy cơ làm suy yếu lợi thế "sức mạnh quân sự" của Israel. Tuy nhiên, thời gian thực hiện hợp đồng cũng kéo dài trong 15 năm.

Theo ông Andrew Shapiro - Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các sự vụ chính trị-quân sự, việc cung cấp vũ khí của Mỹ sẽ giúp cho Arập Xêút tăng cường khả năng phòng thủ chống lại "các mối đe dọa dọc biên giới và các cơ sở khai thác dầu hỏa" chứ không hề nhằm mục đích khác (đe dọa an ninh của Israel). Nhưng các gói hợp đồng mua bán vũ khí trên 60 tỉ USD đó vẫn chưa thể giúp Arập Xêút tăng cường đáng kể sức mạnh quân sự.

Chuyện Mỹ bán vũ khí cho các nước đồng minh Arập trong khu vực Trung Đông đã phát triển đều đặn trong 6 thập niên qua. Năm 2009, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton từng công khai thừa nhận rằng nước Mỹ "kinh doanh mạnh trong lĩnh vực quân sự và bán nhiều hệ thống vũ khí cho một số quốc gia ở Trung Đông và Vùng Vịnh". Trong đó, Arập Xêút được xem là nước nhận viện trợ cũng như là mối khách hàng mua vũ khí Mỹ lớn nhất trong khu vực.

Theo các tài liệu năm 2009 của Lầu Năm Góc, Arập Xêút đã nhận viện trợ quân sự của Mỹ trị giá 295 triệu USD trong giai đoạn 1946-2007, và trong giai đoạn từ năm 1950 đến 2006 đã mua tổng cộng 80 tỉ USD vũ khí các loại và dịch vụ xây dựng các công trình quốc phòng.

Máy bay chiến đấu F-15.

Một vài câu hỏi được đặt ra là: "Tại sao Israel không lên tiếng phản đối việc Mỹ cung cấp vũ khí số lượng lớn cho các nước Arập trong khu vực? Và tại sao Quốc hội Mỹ cũng im lặng một cách khó hiểu mà không có phản ứng gì?” theo cách giải thích của  ông Alexander Vershbow - Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng về các sự vụ an ninh quốc tế, việc cung cấp vũ khí cho Arập Xêút và vài nước đồng minh khác của Mỹ trong khu vực Trung Đông thực ra không hề đe dọa sự vượt trội quân sự của Israel.

Thật vậy, vấn đề Mỹ cung cấp vũ khí cho các nước Arập ở Trung Đông và Vùng Vịnh mang ý nghĩa là kết quả thực thi các thỏa thuận về an ninh giữa đôi bên. Thời Tổng thống W.Bush, Mỹ đặt mục tiêu lâu dài cho Đối thoại An ninh Vùng Vịnh năm 2006 là tích hợp Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) và GCC+3 (Ai Cập, Iraq và Jordan) vào hệ thống phòng thủ chung chống Iran. Israel cũng được đóng một vai trò nhất định trong kế hoạch đầy tham vọng đó của Mỹ.

Mặt khác, từ năm 2007, chính quyền George W.Bush đã thông báo gói cung cấp vũ khí có tổng trị giá 63 tỉ USD cho các đồng minh Mỹ ở Trung Đông. Quốc hội Mỹ khi đó đã đồng ý phân bổ "cân đối" cho Israel trị giá 30 tỉ USD và Ai Cập trị giá 13 tỉ USD trong thời gian 10 năm. Tuy nhiên, các hợp đồng trị giá 20 tỉ USD cho các nước GCC đã không được thông qua do thỏa thuận cung cấp 1.000 hệ thống JDAM vẫn chưa được hoàn chỉnh. Để bù đắp, Arập Xêút, Kuwait và Các tiểu Vương quốc Arập thống nhất (UAE) được phép mua các vũ khí phòng vệ trị giá 11,42 tỉ USD.

Hệ thống tên lửa tấn công trực tiếp JDAM được cho là "khắc tinh" của sức mạnh quân sự Israel.

Tháng 4 vừa qua, Riyadh đã yêu cầu Hải quân Mỹ "báo giá" tàu chiến có trang bị các hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo. Ngày 13/6, DSCA thông báo có khả năng bán 14 hệ thống pháo binh, 132 xe thiết giáp, 404 quả bom chùm cùng trang thiết bị hỗ trợ đi kèm, tổng trị giá 968 triệu USD.

Khi tình hình bất ổn ở Trung Đông bắt đầu bùng nổ vào đầu năm 2011, vấn đề cung cấp vũ khí cho Trung Đông và Vùng Vịnh cũng bắt đầu nóng theo. Dư luận đang cho rằng Washington làm ngơ trước việc Arập Xêút nhiều lần sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp để oanh kích các khu vực của bộ lạc Houthi và giết chết nhiều dân thường. Tháng 3/2011, 1.000 quân Arập Xêút cùng khí tài quân sự đã được đưa sang hỗ trợ Bahrain trấn áp người biểu tình.

Phát biểu trước Nhóm Cố vấn thương mại Quốc phòng đầu tháng 5/2011, ông Trợ lý Ngoại trưởng Andrew Shapiro đã nhấn mạnh các nhà hoạch định chính sách phải cân nhắc tình hình biến động về địa chính trị tại Trung Đông. Ngày 12/5, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết vấn đề các giao dịch vũ khí với Trung Đông đang tạm dừng để chờ xem xét. Mặc dù vậy, chính quyền Mỹ vẫn tiếp tục việc cung cấp khí tài quân sự cho các đồng minh khu vực Trung Đông

Quốc Vương (tổng hợp)
.
.