Mở màn cuộc đua vào Nhà Trắng:

Đất chật người đông, nhiều tiền sẽ thắng?

Thứ Ba, 26/04/2011, 22:15

Giữa những bộn bề, rối ren từ các cuộc khủng hoảng trên thế giới và tình hình căng thẳng trong việc thúc đẩy Quốc hội thông qua ngân sách 2011, Tổng thống Mỹ Barack Obama vẫn táo bạo gửi hồ sơ đăng ký tranh cử tổng thống năm 2012 lên Ủy ban Bầu cử liên bang (FEC) hôm 4/4 vừa qua.

Tuy nhiên, ông Obama lại không phải là ứng viên đầu tiên và duy nhất tính đến thời điểm này mà chỉ mới đến cuối tháng 2/2011 đã có 76 người nộp đơn xin tranh cử!

Quỹ vận động tranh cử phải đạt ít nhất 1 tỉ USD

Theo giới chuyên môn, việc khởi động tranh cử vào tháng 4 là khá sớm, ít có tổng thống đương nhiệm nào làm. Trong khi đó, phía đảng Cộng hòa mới chỉ có Thống đốc bang Minnesota Tim Pawlenty và Thống đốc bang Massachusetts Mitt Romney có những động thái "thăm dò" chứ cũng chưa chính thức khởi động, các ứng cử viên còn lại vẫn chỉ là "tiềm tàng".

Không ai phủ nhận việc khởi động tranh cử sớm ngay thời điểm này sẽ mang lại nhiều cái lợi cho ông Obama. Trước hết, ông có cơ hội đi trước đối thủ một bước để tranh thủ sự ủng hộ của công chúng dành cho đương kim Tổng thống. Theo một kết quả thăm dò ý kiến mới nhất do Washington Post và ABC News liên kết thực hiện, có đến 51% người Mỹ hài lòng với công việc điều hành đất nước của ông Obama, trong khi số không hài lòng với ông chỉ chiếm 45%. Đây cũng là một lợi thế dù không hoàn toàn chắc thắng. Quan trọng nhất là khi khởi động tranh cử sớm, ông Obama có nhiều thời gian để vận động quyên góp tài chính tranh cử.

Ở kỳ vận động năm 2008, ông Obama đã quyên góp được hơn 750 triệu USD tiền quỹ tranh cử. Vì vậy, ngay từ bây giờ, ban vận động của ông đã đặt mục tiêu là ít nhất cũng phải phá được "kỷ lục" đó, còn nếu đạt được mốc 1 tỉ USD thì càng tốt. Để đạt được chỉ tiêu đó, Ban vận động của ông Obama đang chuẩn bị kết nối lại với khoảng 13 triệu người từng ủng hộ tiền quỹ tranh cử cách đây 3 năm.

Ông Obama cũng tuyên bố rằng, kỳ này ông sẽ không sử dụng tiền quỹ tranh cử cho các quảng cáo trên truyền hình, mà thay vào đó là thực hiện chiến dịch rầm rộ thuê một đội ngũ nhân viên vận động cử tri, tập trung mạnh vào các bang trọng yếu.

Cuộc chiến tại Afghanistan tiếp tục làm hoen ố hình ảnh nước Mỹ.

Tổng hành dinh của chiến dịch đang được xây dựng tại thành phố Chicago, quê nhà của ông Obama, và ngay trong tháng 4 này, ban vận động của ông cũng sẽ mở các văn phòng vận động tranh cử tại các bang Iowa, New Hampshire và một số bang bỏ phiếu sớm nhất.

Tuy nhiên, việc bắt đầu chiến dịch tranh cử sớm cũng có mặt trái của nó. Điều bất lợi lớn nhất của ông Obama là ông không có một đối thủ trực tiếp để công chúng so sánh những điểm mạnh, lợi thế của ông trước các đối thủ, đồng thời ông cũng trở thành mục tiêu duy nhất của giới truyền thông và thành phần đối lập.

Mặt khác, vận động tranh cử vào thời điểm này, với hàng loạt vấn đề rối rắm trên thế giới, như khủng hoảng hạt nhân ở Nhật Bản, chiến tranh tại Libya và tình hình bất ổn tại khu vực Trung Đông,… và trong nước (cuộc đối đầu căng thẳng với đảng Cộng hòa ở Quốc hội về việc cắt giảm chi tiêu ngân sách khiến cho chính phủ có nguy cơ "tạm đóng cửa") khiến cho ông Obama dễ bị dư luận soi xét gắt gao hơn.

Đáp lại thông báo tranh cử của ông Obama, đảng Cộng hòa đã tung ra một loạt chỉ trích gay gắt, cho rằng ông Obama không quan tâm giải quyết những vấn đề bức xúc của quốc gia mà chỉ chăm lo cho lợi ích chính trị cá nhân.

Trong nước, ông Obama đã gây ra một cuộc tranh cãi lớn khi tung ra luật cải cách y tế, tung ra gói kích thích kinh tế bị hàng triệu người phản đối vì tính hiệu quả không cao. Ông đã hứa quyết tâm vực dậy nền kinh tế đang suy sụp của nước Mỹ với gánh nặng nợ nần lên đến con số nghìn tỉ USD, nhưng hơn 2 năm trôi qua, với hàng loạt hành động, giải pháp được thực hiện mà kinh tế Mỹ vẫn cứ ì ạch, tỉ lệ thất nghiệp tuy có giảm nhưng vẫn ở mức cao (gần 9%) và giới chuyên gia dự báo tỉ lệ này khó có thể giảm xuống mức dưới 7% vào thời điểm cuộc bầu cử diễn ra. Đảng Cộng hòa đang lợi dụng điểm yếu này để công kích ông trên các video quảng cáo tung lên mạng Internet và cả trên mặt báo.

Trong khi đó, cuộc giằng co giữa Tổng thống Obama với các lãnh đạo đảng Cộng hòa trong Quốc hội xung quanh mức cắt giảm chi tiêu ngân sách liên bang năm 2011 đã đi đến bế tắc do 2 bên không thống nhất được các con số cắt giảm là 40 tỉ USD hay 33 tỉ USD, từ đó khiến cho Chính phủ Mỹ đang có nguy cơ phải tạm "đóng cửa". Nếu việc này xảy ra, một số lĩnh vực dịch vụ công thuộc nhóm không thiết yếu sẽ ngưng hoạt động, còn những lĩnh vực thiết yếu, như cảnh sát, cứu hỏa, quân đội, cấp nước, điều phối không lưu,… vẫn hoạt động bình thường.

Về đối ngoại, 2 cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, những chuyện bê bối, tội lỗi do lính Mỹ gây ra cho thường dân và tù nhân Afghanistan vẫn liên tục xảy ra làm cho hình ảnh nước Mỹ tiếp tục bị hoen ố. Trong khi đó, cuộc can thiệp quân sự vào Libya đang lâm vào thế bế tắc. Sau hàng loạt biểu tình phản đối ở khu vực Trung Đông, khiến cho các chính thể đồng minh trong khu vực sụp đổ và chao đảo, chưa bao giờ chính sách của Mỹ tại khu vực này bị thử thách mạnh như thế. Ông Obama dường như đã bối rối khi quyết định chọn phương án ứng phó tình thế một cách thích hợp nhất.

Những “rào cản” trên con đường tiến vào nhà trắng

Hình thức khởi động tranh cử lần này được ông Obama áp dụng cũng rất hiện đại, chủ yếu sử dụng phương tiện Internet, thông qua các mạng xã hội để huy động cảm tình viên. Thay vì đưa ra một tuyên bố trịnh trọng hoặc tổ chức một buổi họp báo như thường tình, ông Obama đã ký tên vào một bản tuyên bố, kêu gọi những ai ủng hộ ông, động viên lực lượng để "bảo vệ các tiến bộ đạt được - và tạo thêm các tiến triển khác".

Bên cạnh đó còn có một đoạn video về quyết định tái ứng cử của Tổng thống Obama chuyển đi bằng thư điện tử. Thông điệp còn được chuyển đến 7,28 triệu người gắn kết với trương mục barackobama của ông trên mạng Twitter. Cùng lúc, trang Facebook của Tổng thống Mỹ cũng được cập nhật với thông tin mới nhất. Trang này có đến 19 triệu "người hâm mộ".

Ông Barack Obama và ông Joe Biden khi vận động tranh cử tổng thống ở Springfields, Illinois, ngày 23/8/2008.

Tuy nhiên, ông Obama sẽ phải đối đầu với một hoàn cảnh khác hơn năm 2008 khi ông tranh cử với tư thế của kẻ ở thế yếu, đứng bên ngoài guồng máy để hứa hẹn đem tới hy vọng và thay đổi cho cử tri đang chán nản với hoàn cảnh khi đó. Nhiều người từng ủng hộ ông Obama nay cảm thấy chán nản sau hai năm có nhiều khó khăn và vì một số những quyết định khó khăn, không được lòng dân về vấn đề kinh tế, chiến tranh, năng lượng và nhiều điều khác.

"Những thuận lợi cho ông gồm có hiện khoảng 50% cử tri Mỹ ủng hộ ông, không có người đối đầu trong cuộc tranh cử sơ bộ, có thể vận động nguồn tài chính vô cùng lớn, nội bộ đảng đoàn kết ổn định" - Doug Shoen, một nhà thăm dò dư luận thuộc đảng Dân chủ, từng là cố vấn hàng đầu cho Tổng thống Clinton, nhận xét. Điều không tốt là giới cử tri độc lập nay đang xa rời ông, tình hình kinh tế Mỹ đang phải đối phó rất trầm trọng và Mỹ cũng đang tham dự 3 cuộc chiến.

Ông Obama cũng phải tái huy động thành phần cử tri nhiệt thành từng giúp đưa ông vào Nhà Trắng nhưng nay đang mất tin tưởng vì những thỏa hiệp của ông cũng như những thất bại trong thời gian cầm quyền vừa qua. Những thử thách mà ông Obama phải đối diện được thấy rõ ràng chỉ ít giờ sau lúc ông loan báo quyết định tái tranh cử, khi các giới chức chính phủ loan báo rằng, Khalid Sheik Mohammed và 4 nghi can đồng lõa bị cáo buộc là tổ chức vụ tấn công ngày 11/9/2001, sẽ bị đem ra xử trước Tòa án quân sự tại Guantanamo. Đây là điều ngược hẳn lại với hứa hẹn của ông Obama trong thời kỳ tranh cử trước đây là sẽ đem xử họ trước Tòa án liên bang và là sự nhắc nhở về hứa hẹn không đạt được là sẽ đóng cửa nhà tù Guantanamo.

Hội đồng Bầu cử Liên bang Mỹ (FEC) cho biết: Tính đến cuối tháng 2/2011 đã có 76 người nộp đơn xin tranh cử. Thủ tục ghi danh này cho phép những người mơ mộng ghế tổng thống có quyền quyên tiền vận động tranh cử, và sẽ được ghi trong danh sách "ứng cử viên chính thức" nếu họ quyên góp được từ 5.000 USD trở lên.

Trong danh sách những người nghĩ có thể đánh bại được Tổng thống đương quyền Obama của đảng Dân chủ có những chính trị gia tên tuổi như cựu Thống đốc Tim Pawlenty của tiểu bang Minnesota, hay cựu Thống đốc Mitt Romney của tiểu bang Massachussetts, nhưng đồng thời cũng có những người hầu như không mấy ai biết đến, chẳng hạn như ông cựu chiến binh hải quân Rutherford Haynes mới 42 tuổi đang cư ngụ tại thành phố Seattle, hoặc ông thợ sửa nhà cửa 56 tuổi tên Dennis Knill ở tiểu bang Arizona. Danh sách này còn có cả ông Randy Crow, một cư dân theo đảng Cộng hòa ở North Carolina chẳng được ai biết đến, cho dù đây là lần thứ tư ông ghi tên xin dự cuộc đua chính trị tiến về Nhà Trắng.

FEC cho biết không thể đoán biết trước số người ghi danh ứng cử tổng thống năm 2012 là bao nhiêu người, nhưng ở kỳ tranh cử 2008 có tới 366 người nộp đơn. Trong danh sách đó có bà Hillary Clinton cư ngụ tại New York - từng là đệ nhất phu nhân, là thượng nghị sĩ và hiện đang giữ chức Ngoại trưởng, ông John McCain - thượng nghị sĩ của tiểu bang Arizona và được cả nước ca ngợi là anh hùng quân đội, cho đến một công dân ở Florida có tên rất lạ lùng: Emperor Caesar (Caesar Đại đế). Mọi người cũng không quên ông McCain được đảng Cộng hòa chọn là đại diện ra tranh chức tổng thống, bà Clinton theo đuổi vòng bầu sơ bộ cho đến phút cuối cùng, riêng ông Caesar thì chẳng được phiếu nào, nên trước ngày phòng phiếu mở cửa, "đại đế" đã chấp nhận là kẻ "đại bại".

Tại sao biết trước sẽ thua nhưng vẫn sẵn sàng bỏ tiền tranh cử? Ứng cử viên Dennis Knill cho hay ông không hề có ý tham gia chính trường nhưng cuối cùng phải dự cuộc đua chỉ vì "không thể nào chịu đựng nổi cái lũ ngốc nghếch đang làm việc ở thủ đô". Ông cũng chỉ trích là "cái lũ" đó "đang hủy hoại đất nước" và đã tới lúc "phải có người ngăn chặn chúng, không để cho chúng phá hoại quốc gia thêm nữa".

Một ông khác cũng nuôi mộng làm tổng thống là Haynes nói, quyết định đưa vai gánh vác sơn hà vì "quốc gia nợ nần quá nhiều mà vị thế lại quá yếu". Ông này khoe có hẳn kế hoạch cân bằng ngân sách và có cả một chính sách để đưa nước Mỹ trở lại cương vị cường quốc đứng đầu thế giới.

Ông Crow, 64 tuổi, thì hãnh diện nói ông gốc da đỏ, đang hành nghề đầu tư, từng tranh cử cả thảy 16 lần ở các chức vụ quận, hạt, thành phố cho tới cấp tiểu bang "nhưng chưa bao giờ thắng cử cả"! Tài liệu bầu cử còn cho thấy tên ông được ghi trong danh sách các ứng viên tranh cử sơ bộ ở New Hampshire trong những năm 2000, 2004 và 2008. Tên ông Crown được ghi trên phiếu bầu chỉ vì điều kiện ghi danh tranh cử ở New Hampshire chẳng khó khăn: chỉ cần đóng 1.000 USD, trả lời tờ đơn in sẵn với những câu hỏi rất thông thường như tên tuổi, địa chỉ, nghề nghiệp… là xong, dễ tới mức chính ông Crow phải nói rằng: "Không thể ngờ tranh cử lại dễ dàng đến thế".

Điều đáng mừng là vì luật bầu cử của các tiểu bang hoàn toàn khác nhau nên dễ ở New Hampshire không có nghĩa là cũng dễ ở những bang khác. Chẳng hạn như tại North Carolina, ngoài tiền ghi danh, các ứng viên phải thu được 10.000 chữ ký ủng hộ của cử tri

Văn Trương - Đan Kô (tổng hợp)
.
.