Địa ngục Bắc Mali

Thứ Sáu, 07/12/2012, 08:30

Một chế độ khủng bố đang gây kinh hoàng cho đất nước châu Phi này. Hàng trăm ngàn người đã trốn chạy, những người ở lại hằng ngày phải chịu đựng mọi sự áp bức.

Một trạm kiểm soát sừng sững mọc lên, đây là dấu hiệu cho thấy sự hiện diện của những ông chủ mới trong vùng. Trạm kiểm soát trên con đường dẫn đến Gao được dựng lên bởi cảnh sát Hồi giáo: súng Kalashnikov lăm lăm trên tay, các thanh niên đứng án ngữ giữa đường, chân dạng ra. Một tên lớn tuổi nhất nhai nhải trên loa phóng thanh: "Không được mang thuốc lá, đĩa CD, máy thu thanh, máy ảnh, camera, nữ trang". Chuyến hành trình đến miền Bắc Mali đã bắt đầu với những sự cấm đoán vô lý như thế.

Tự tin vào quyền uy của mình, các cảnh sát chặn những chuyến xe đến từ miền Nam. Một thanh niên chĩa súng vào hành khách ở lối đi giữa xe. Phụ nữ có ngồi cách biệt với đàn ông không? Họ có mang khăn trùm mặt không? Đàn ông có mặc quần đến cổ chân không? Tất cả hành khách và tài xế im lặng chịu đựng sự kiểm tra đó. Gã thanh niên nhảy xuống cửa sau xe, giơ cao súng và nói: "Salam alikoum". Xe có thể đi qua.

Từ tháng 4/2012 đất nước Mali bị chia cắt làm đôi. Những cuộc giao tranh để lại vết tích trên các nhà cửa ở Gao. Khắp nơi đều là vết đạn, vôi vữa, những mảng tường sắp đổ sụp. Trước đây thành phố có 100.000 dân này là một chặng du lịch trên đường đến Tombouctou. Từ khi phe Hồi giáo lên nắm quyền, nó đã mất đi mọi màu sắc. Các quán lề đường biến mất, quán bar và nhà hàng phải đóng cửa, âm nhạc bị nghiêm cấm. Không còn xe đổ rác nên rác thải chất đống bốc mùi trên đường phố dưới cái nóng 40oC.

Người tị nạn Mali.

40.000 người đã rời bỏ thành phố, đa số là những người có vị thế, trong số đó có các kỹ sư ngành điện lực và cấp nước. Những tổ chức trợ giúp phát triển của nước ngoài đã ra đi cũng như các quan chức chính phủ. Cách đây không lâu, những sự trừng phạt nhân danh luật Hồi giáo được thực hiện một cách công khai, nhưng giờ đây, những vụ trừng phạt bằng cách chặt tay hay chân được xử kín. Tòa án Hồi giáo thi hành các bản án ghê gớm trong một căn cứ quân sự cũ nằm bên ngoài thành phố.

Alhassane Boncana Maiga nằm trong danh sách các nạn nhân: anh ta bị tố cáo đã trộm gia súc. Bốn cảnh sát kéo anh ta vào một gian phòng tối. Một bác sĩ đến tiêm cho anh mũi thuốc giảm đau. Tên đao phủ Omar Ben Said cầm trên tay con dao ra. Sau câu nói "Nhân danh Thượng đế khoan dung thương xót", hắn cầm lấy bàn tay của nạn nhân và bắt đầu cắt...

Sau khi xong việc, tên đao phủ cầm lấy điện thoại di động báo cáo với cấp trên: "Tội nhân đã bị trừng phạt". Alhassane Boncana Maiga nhắm nghiền mắt cắn răng, không dám kêu la. Người ta đưa Maiga vào một căn phòng khác để băng bó vết thương. Vài ngày sau anh ta chết, có lẽ vì bị nhiễm trùng hay mất máu.

Một trong những kẻ chủ chốt gây kinh hoàng tại Mali là Iyad Ag Ghali. Hắn sống tại Kidal cách Gao 320km về phía đông bắc, trong một tòa nhà lộng lẫy gần phi trường vắng tanh. Đó là một người nhỏ bé với chòm râu dài và mang kính râm. Quanh hắn luôn luôn có một đám cận vệ Ansar Dine, "những kẻ bảo vệ tín ngưỡng", được trang bị tận răng. Năm vừa qua Iyad Ag Ghali được biết đến như một gương mặt nổi cộm trong phong trào nổi dậy đòi ly khai của người Touareg. Lúc thì hắn kêu gọi đàm phán với chính quyền thủ đô Bamako, khi lại hô hào thành lập một nhà nước độc lập.

Một nhóm vũ trang tại Mali.

Vào tháng 11/2011, phe nổi dậy Touareg đã đưa hắn vào tầm ngắm. Có lẽ từ lúc đó hắn đã chuyển theo Hồi giáo và không còn kêu gọi thành lập một nhà nước độc lập nữa. Hắn buộc phải áp dụng luật Hồi giáo. "Tất cả những ai không theo con đường của Thánh Allah đều là bọn phản đạo". Sự chuyển hướng này đã giúp hắn nhận được sự ủng hộ của Al-Qaeda và các nhóm cực đoan khác tại Bắc Phi.

Ngoài ra, phe Ansar Dine còn buôn bán ma túy tại vùng Sahara. Các tập đoàn ở Nam Mỹ cung cấp ma túy bằng tàu đến Guinée-Bissau, từ đấy hàng được vận chuyển bằng đường bộ lên miền Bắc. Một nguồn lợi tức khác của Ansar Dine là bắt cóc. Trung tuần tháng 10 vừa qua, khi Liên Hiệp Quốc  phê chuẩn sự can thiệp vào miền Bắc Mali, Ansar Dine đe dọa sẽ hành quyết các con tin Pháp mà chúng đang cầm giữ.

Tại Kidal, xe cảnh sát chạy khắp nơi, một nửa dân số đã chạy sang Mauritania và Niger. Chợ đóng cửa, phụ nữ không được phép ra đường một mình, đàn ông phải để râu dài. Những ai không cầu nguyện khi có lời gọi từ đền thờ sẽ bị quất roi hay giam 3 ngày. Nghiêm cấm nghe radio. Cảnh sát đã cưa ăngten parabol trên các mái nhà.

Hàng chục người trốn chạy chính quyền Hồi giáo đã đến tá túc tại Ménaka, thành phố ở phía đông nam Gao hoàn toàn cách ly với thế giới từ nhiều tháng qua. Hàng trăm gia đình đã đến Ménaka để trốn chạy các nhóm Hồi giáo vũ trang tại Gao và Tombouctou, những nơi chẳng còn điện nước, thực phẩm, thuốc men.

Các xe tải của Hội Chữ thập đỏ quốc tế lại cung cấp trực tiếp cho những phe vũ trang, bỏ mặc dân chúng với số phận thảm thương của họ. Ngay cả các nhóm bác sĩ nhân đạo cũng giảm bớt và phương tiện rất hạn hẹp

Minh Luân (tổng hợp)
.
.