Diễn biến tâm lý phức tạp của hội chứng Stockholm

Thứ Tư, 30/10/2013, 15:15

Hội chứng Stockholm liên quan đến một nhóm các triệu chứng tâm lý phức tạp xảy ra nơi một số người bị bắt cóc làm con tin. Hội chứng được giới truyền thông thế giới quan tâm đặc biệt trong những năm gần đây do nó được sử dụng để giải thích trạng thái tâm lý kỳ lạ của các nạn nhân con tin nổi tiếng như là Patty Hearst (năm 1974) và Elizabeth Smart (năm 2002).

Thuật ngữ có nguồn gốc từ vụ cướp Ngân hàng Kreditbanken nằm gần quảng trường Norrmalmstorg ở thủ đô Stockholm của Thụy Điển vào ngày 23/8/1973, trong đó hung thủ tên là Jan-Erik Plsson bắt giữ 4 nhân viên ngân hàng (bao gồm 3 nữ và 1 nam) làm con tin suốt 131 giờ. Cuối cùng, sau khi được thả ra, cả 4 con tin bất ngờ biểu lộ trạng thái tâm lý khác thường khi tuyên bố với các phóng viên rằng, họ coi cảnh sát là kẻ thù hơn kẻ đã bắt cóc họ và thậm chí họ cảm thấy quý mến hắn! Về sau nữ nạn nhân Kristin Enmark còn trở thành bạn thân của kẻ bắt cóc.

Vụ bắt cóc về sau được xây dựng thành phim và là đề tài hấp dẫn của nhiều tiểu thuyết. Hội chứng được đặt tên lần đầu tiên bởi Nils Bejerot (1821 - 1988), giáo sư y khoa kiêm chuyên gia tội phạm học và cố vấn về bệnh tâm thần cho Cảnh sát Thụy Điển trong cuộc giải cứu con tin ngân hàng. Hội chứng Stockholm cũng được gọi là Hội chứng gắn bó của người sống sót.

Hội chứng Stockholm thể hiện rõ nét nhất ở Patty Hearst, nữ triệu phú thừa kế một tờ báo ở California (Mỹ) bị nhóm chiến binh cách mạng bán vũ trang SLA bắt cóc năm 1974 và sau đó nảy sinh tình cảm thân thiết với những kẻ bắt cóc, thậm chí nhập bọn với chúng trong một vụ cướp ngân hàng vào tháng 4/1974. Cuối cùng, Patty Hearst bị bắt giữ và mang án 7 năm tù nhưng được trả tự do sau 3 năm.

Tháng 1/2001, Tổng thống Bill Clinton đã có lời xin lỗi đối với Hearst do luật sư bào chữa của Hearst tuyên bố thân chủ chỉ mới 19 tuổi của mình bị tẩy não và mắc phải Hội chứng Stockholm. Trường hợp mới đây nhất được giới truyền thông đưa tin rộng rãi là vụ án Natascha Kampusch. Wolfgang Priklopil bắt cóc Kampusch lúc nạn nhân chỉ mới 10 tuổi và giam giữ trong căn hầm suốt 8 năm, nhưng về sau cô gái lại khóc lóc thảm thiết khi nghe tin hung thủ đã chết. Trong một cuộc phỏng vấn của tờ báo Anh The Guardian năm 2010, Kampusch không thừa nhận bản thân mắc phải Hội chứng Stockholm.

Hung thủ Jan-Erik Olsson (giữa), bị cảnh sát áp giải.

Chuyên gia tâm thần Frank Ochberg xác định hội chứng cho Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) và Scotland Yard của Anh trong thập niên 70 thế kỷ trước. Lúc đó, Ochberg giúp Lực lượng Đặc nhiệm chống khủng bố và bạo loạn Quốc gia Mỹ lập ra chiến lược đối phó trong các tình huống bắt cóc con tin.

Ochberg giải thích: "Đầu tiên, các nạn nhân cảm thấy hoảng loạn đến mức tuyệt vọng và cho rằng mình chắc chắn sẽ chết. Sau đó, họ chuyển sang trạng thái tâm lý trẻ con - tức là họ phải xin phép mới được ăn, nói chuyện hay đi vệ sinh. Khi đó, một số hành vi tử tế nho nhỏ như là cho ăn uống của bọn bắt cóc sẽ tạo nên tâm lý quý mến chúng nơi các nạn nhân". Nhưng, Ochberg cũng nhận định Hội chứng Stockholm rất hiếm xảy ra.

Hội chứng Stockholm được coi là phản ứng phức tạp xảy ra trong tình huống khủng khiếp, song các chuyên gia vẫn không hoàn toàn đồng ý với nhau về mọi biểu hiện đặc biệt của nó hay các yếu tố khiến cho số người này dễ mắc phải hơn so với số người khác. Nhiều nhà nghiên cứu tin rằng Hội chứng Stockholm có thể được sử dụng để giải thích một số hành vi khác thường của những người sống sót trong các trại tập trung của Đức Quốc xã trong Thế chiến II, những người vợ bị bạo hành, những đứa trẻ bị xâm hại về thể xác v.v…

Tuy nhiên, trên thực tế Hội chứng Stockholm không tác động đến toàn bộ các nạn nhân bị bắt cóc làm con tin. Nghiên cứu đối với 1.200 vụ án bắt cóc con tin - bao gồm những nạn nhân của bọn không tặc hay khủng bố - của FBI cho thấy 92% các con tin không phát triển Hội chứng Stockholm. Sau đó, các nhà nghiên cứu thuộc FBI kết luận có 3 yếu tố cần thiết dẫn đến sự phát triển Hội chứng Stockholm: Thứ nhất, vụ bắt cóc kéo dài nhiều ngày; thứ hai là hung thủ thường xuyên tiếp xúc với các con tin nghĩa là nạn nhân hoàn toàn không bị biệt giam; cuối cùng là bọn bắt cóc có một số hành vi tỏ ra nhân đạo hay ít nhất hạn chế gây hại cho nạn nhân.

Theo FBI, những con tin bị bọn bắt cóc bạo hành luôn căm ghét chúng và thường không mắc phải Hội chứng Stockholm. Ngoài ra, những người thường cảm thấy bất lực trong những tình huống căng thẳng hay sẵn sàng làm bất cứ điều gì để sống còn thường dễ mắc phải hội chứng này nếu họ bị bắt cóc làm con tin.

Những người mắc phải Hội chứng Stockholm đều có một số triệu chứng tương tự như những người được chẩn đoán rối loạn stress hậu chấn thương (PTSD) - như là mất ngủ, gặp ác mộng thường xuyên, có cảm giác bực tức khó chịu, khó tập trung đầu óc, rất dễ bị giật mình, có cảm giác hão huyền hay nhầm lẫn, không thấy thích thú với những trải nghiệm dễ chịu trước kia, mất lòng tin vào những người khác và thường hay hồi tưởng xa xăm. Do đó, phần đông các bác sĩ sử dụng tiêu chuẩn chẩn đoán cho rối loạn stress cấp tính (ASD) hay PTSD khi đánh giá một người phát triển Hội chứng Stockholm. Phương pháp điều trị hội chứng này cũng tương tự như điều trị cho bệnh nhân PTSD, thường là kết hợp dùng thuốc và liệu pháp tâm lý

Duy Minh (tổng hợp)
.
.