Điệp viên Australia sập bẫy FBI

Thứ Tư, 22/07/2009, 22:40
Ngày 26/6/2009, Chính phủ Australia đã đạt được thỏa thuận với Chính phủ Mỹ về việc sẽ di lý Jean-Philippe Wispelaere, 38 tuổi, điệp viên của Cơ quan Tình báo quốc phòng Australia (DIO), đang thụ án tại một nhà tù liên bang ở bang Georgia, Mỹ về tội đánh cắp và bán tài liệu liên quan đến an ninh quốc phòng của Mỹ, về thụ án tại một nhà tù ở bang Victoria của Australia.

Đây là kết quả của cuộc đấu tranh suốt nhiều năm liền của gia đình Wispelarere và các phương tiện truyền thông Australia và chỉ được ông Kevin Rudd quan tâm khi trở thành Thủ tướng Australia vào năm 2007. Vậy tại sao một nhân viên tình báo của Australia lại phải lãnh án tù giam tại Mỹ?

Jean Philippe Wispelaere sinh ngày 11/6/1971 tại thành phố Melbourne của Australia trong một gia đình thương nhân. Năm 1993, sau khi tốt nghiệp Đại học Wesley, Wispelaere lọt vào tầm ngắm của các chuyên viên tuyển dụng của Cơ quan An ninh tình báo Australia (ASIO). Trở thành điệp viên ASIO, Wispelaere có thời gian thi hành nhiệm vụ tại nhiều quốc gia châu Á, Canada và Mỹ. Đến năm 1997, Wispelaere chuyển sang làm việc tại Ban hợp tác quốc tế của Cơ quan Tình báo quốc phòng Australia (DIO).

Nhiệm vụ của Wispelaere là tiếp nhận thông tin, tài liệu thuộc phạm vi tình báo quốc phòng được các quốc gia đồng minh thân cận với Australia như Mỹ, Anh, Canada, New Zealand... chuyển giao để cập nhật, tham khảo nhằm giúp chính phủ kịp thời triển khai các biện pháp hành động. Những thông tin tài liệu quan trọng này sau khi được phân tích, đánh giá sẽ được lưu giữ một cách cẩn mật và được xếp vào danh sách tài liệu mật liên quan đến an ninh quốc phòng quốc gia.

Do chuẩn bị lập gia đình rất cần tiền nhưng không vay mượn được nên Wispelaere tìm cách bán tài liệu mật quốc phòng cho các cơ quan tình báo nước ngoài. Đến ngày 12/1/1999, nhân chuyến công tác đến thủ đô Jakarta của Indonesia, Wispelaere tìm cách liên hệ với Sứ quán Ấn Độ để bán tài liệu mật, nhưng không đạt được kết quả.

Không nản lòng, vào tháng 3/1999, nhân có chuyến công tác đến thủ đô Bangkok của Thái Lan, Wispelaere liên hệ với Sứ quán Singapore, tự xưng là Jeff Baker, nhân viên của Cơ quan Không ảnh và Bản đồ quốc gia Mỹ (USNIMA), muốn bán một số tài liệu quốc phòng và tình báo trên không. Là đồng minh của Mỹ tại châu Á và cho rằng đây là một trường hợp đánh cắp tài liệu mật quốc phòng nên Sứ quán Singapore liền bí mật báo tin cho Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI). Và thế là  một cái bẫy đã được FBI giăng ra để bắt giữ kẻ tự xưng là nhân viên USNIMA đánh cắp tài liệu mật quốc gia để bán.

Đầu tháng 4/1999, FBI cử một toán đặc vụ  gồm toàn người gốc châu Á từ Mỹ đến thủ đô Bangkok giả dạng làm nhân viên Sứ quán Singapore liên hệ với Wispelaere để bàn việc mua bán tài liệu mật.

Trong cuộc hẹn với một đặc vụ FBI đội lốt nhân viên Sứ quán Singapore tại một khách sạn ở thủ đô Bangkok vào ngày 5/4/1999, Wispelaere đã thỏa thuận là sẽ chuyển giao nhiều lần cho “nhân viên sứ quán” này trên 700 tài liệu quốc phòng để được nhận 240.000 USD chia thành nhiều đợt. Các cuộc trao đổi kế tiếp sẽ được thực hiện bằng thư điện tử tại nhiều thời điểm khác nhau. Tại lần gặp gỡ đầu tiên này, Wispelaere đã chuyển bán 200 tài liệu mật và nhận được 70.000 USD.

Trở về lại thành phố Canberra, Wispelaere tiếp tục giữ liên hệ với đặc vụ FBI trá hình qua trao đổi bằng thư điện tử. Tháng 5/1999, FBI quyết định giăng bẫy để bắt giữ điệp viên người Australia này. Ngày 15/5/1999, qua liên lạc bằng thư điện tử, Wispelaere nhận được thông tin về một cuôc hẹn mới để chuyển giao tài liệu mật mà địa điểm là tại thủ đô Washington của Mỹ.

Ngày 18/5/1999, khi đặt chân đến thủ đô Washington trên một chuyến bay đến từ thủ đô London của Anh, Wispelaere liền liên hệ với đặc vụ FBI trá hình để chuyển giao tài liệu và nhận tiền. Chiều ngày 20/5/1999, khi giao dịch đang diễn ra tại một khách sạn thì Wispelaere liền bị bắt giữ về tội đánh cắp và buôn bán tài liệu mật có liên quan đến an ninh quốc phòng của nước Mỹ với chứng cứ là hàng trăm tài liệu mà Wispelaere định chuyển giao cho đặc vụ FBI trá hình.

Bị thẩm vấn, Wispelaere thú nhận là điệp viên của DIO, do cần tiền nên giả danh là nhân viên của Cục Bản đồ và Không ảnh Mỹ để bán tài liệu. Lập tức, FBI liền liên hệ với DIO và được xác nhận Wispelaere là nhân viên của cơ quan tình báo này. Tại Australia, DIO, ASIO và Văn phòng Cảnh sát liên bang đã tiến hành khám xét nơi ở của Wispelaere và thu giữ thêm hàng trăm tài liệu mật liên quan đến tình báo quốc phòng.

Ngày 20/8/1999, một tòa án liên bang ở bang Virginia của Mỹ đã tuyên phạt Wispelaere 15 năm tù giam về các tội đánh cắp và buôn bán tài liệu mật liên quan đến an ninh quốc phòng của nước Mỹ. Tuy nhiên, đến năm 2001, bản án mới được thi hành do Wispelaere phải được điều trị chứng hoang tưởng.

Vụ FBI giăng bẫy để  bắt giữ một điệp viên Australia đã khiến dư luận quốc gia này quan tâm. Nhiều người đã chỉ trích chính phủ của Thủ tướng John Howard đã không quan tâm đến số phận của công dân Australia, cho dù đó có là một điệp viên phạm tội đánh cắp tài liệu mật liên quan đến an ninh quốc phòng quốc gia.

Đến năm 2005, gia đình của Wispelaere đã kiến nghị lên Chính phủ Australia can thiệp để Wispelaere được thụ án tại Australia thay vì ở Mỹ nhưng vẫn không có kết quả. Và chỉ cho đến khi ông Kevin Rudd trở thành Thủ tướng mới của Australia vào tháng 12/2007 thì kiến nghị của gia đình Wispelaere có sự hỗ trợ của một số phương tiện truyền thông mới được giải quyết.

Năm 2008, Chính phủ Australia đã tích cực can thiệp với Chính phủ Mỹ về việc chuyển giao Wispelaere về lại Australia để tiếp tục thụ án. Tuy nhiên, chỉ cho đến khi ông Barck Obama lên làm Tổng thống Mỹ thì vụ việc mới được giải quyết qua kênh  trao đổi phạm nhân giữa hai quốc gia.

Cuối tháng 6/2009, chính phủ hai quốc gia đã đạt được thỏa thuận là phía Mỹ sẽ di lý Wispelaere về lại Australia để tiếp tục thụ án sau 8 năm bị giam giữ tại một nhà tù ở Mỹ

Hoàng Phú (theo CiCentre)
.
.