Điệp viên Iraq định giúp đỡ Tổng thống Chirac tái đắc cử

Thứ Bảy, 19/08/2006, 08:30

Các điệp viên của Saddam Hussein đã lập ra một kế hoạch  nhằm vào giới chính trị gia Pháp trong thời gian quân Mỹ - Anh chuẩn bị xâm lăng Iraq, trong đó có sáng kiến tài trợ cho chiến dịch tái cử của Tổng thống Chirac vào năm 2002. Nhưng theo hồ sơ mật của tình báo Iraq, chiến dịch này đã thất bại khi các trợ lý của Chirac cho biết rằng họ không cần tiền.

Theo các hồ sơ của Cơ quan Tình báo Iraq bị phát hiện bởi những điều tra viên của Tiểu ban Năng lượng thuộc Thượng viện Pháp, các điệp viên Iraq đã chú ý đến một số chính trị gia và doanh nhân thân cận với Tổng thống Chirac. Một báo cáo của Phòng 2 Mukhabarat nhắc đến cuộc nói chuyện giữa các điệp viên và nữ dân biểu Roselyne Bachelot, kế đó là đến một dân biểu Quốc hội và phát ngôn viên của chiến dịch tái ứng cử. Cơ quan Mukhabarat xem bà Bachelot như là “một thân hữu của Iraq”. Những điệp viên đó nói rằng bà Bachelot đã đảm bảo nước Pháp sẽ dùng quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an LHQ nếu Mỹ đưa ra đề nghị tấn công Iraq, đồng thời sẽ dàn xếp để LHQ gỡ bỏ các chế tài đối với Iraq.

Cơ quan Mukhabarat chuyển thông điệp rằng “Iraq sẵn sàng hỗ trợ về tài chính cho ông Chirac trong chiến dịch tái ứng cử”. Bà Bachelot trả lời sẽ đưa lời đề nghị này vào báo cáo tài trợ chính thức của chiến dịch. Tuy nhiên, nhóm trợ lý của ông Chirac “bày tỏ lòng biết ơn của nước Pháp”, nhưng từ chối sự trợ giúp đó vì không cần thiết.

Bà Bachelot, 58 tuổi, sau đó trở thành Bộ trưởng Môi trường và hiện nay là dân biểu trong Quốc hội châu Âu, khẳng định rằng bà chưa hề nhận được một lời đề nghị nào như thế. Dù trong nhiệm kỳ của mình bà từng tiếp đón nhiều người Iraq và là người tích cực chống đối lệnh chế tài của LHQ đối với Iraq, nhưng bà cũng chưa hề gặp gỡ các điệp viên Iraq.

Hồ sơ của tình báo Iraq cho biết, âm mưu mua chuộc ảnh hưởng của nước Pháp đã khởi sự từ đầu năm 2002 theo mệnh lệnh trực tiếp của Saddam Hussein, giữa lúc mà Mỹ đang tìm mọi cách trước sự chần chừ của Hội đồng Bảo an LHQ trong việc đưa ra các nghị quyết liên quan đến Iraq. Một tài liệu ngày 5/2/2002 có tựa “Quan hệ Pháp - Iraq” do Phó giám đốc cơ quan Mukhabarat thảo ra nhấn mạnh rằng “Iraq phải khuyến khích những ai có nhiều cơ hội nhất trong cuộc chạy đua ứng cử tổng thống. Iraq phải nghiên cứu khả năng hỗ trợ một ứng cử viên trong cuộc bầu cử bằng một hợp đồng hưởng lợi nhuận từ dầu mỏ...”.

Sau khi đã xác định kế hoạch, các bộ phận khác của Mukhabarat bắt tay vào hành động. Kế hoạch lên danh sách một loạt các chính trị gia có uy tín của nước Pháp, trong đó có bà Bachelot, cựu Tổng thống Giscard d'Estaing, cựu Bộ trưởng Nội vụ Charles Pasqua, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Jean Pierre Chevènement, cựu Bộ trưởng Nội vụ Pierre Joxe và cựu Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jacques Delors.

Mới đây ông Delors đã tuyên bố với báo chí: “Tôi ở trong Ủy ban châu Âu vào thời gian đó. Tôi tiếp xúc nhiều với các nguyên thủ quốc gia ở châu Âu, nhưng không hề có quan chức nào trong Chính phủ Iraq cả”. Còn cựu Bộ trưởng Nội vụ Joxe khẳng định rằng mọi luận cứ cho rằng ông ta đã nhận tiền đút lót đều là giả trá và vô lý. 

Các tài liệu mật của Iraq không chỉ ra những ai đã thực sự bị móc nối hay nhận tiền. Nhưng chúng mô tả chi tiết kế hoạch ẩn sau âm mưu và những ai có thể được móc nối. Các tài liệu này được phát hiện bởi Tiểu ban Năng lượng của Thượng viện Pháp trong khuôn khổ cuộc điều tra về chương trình 64 tỉ USD “Đổi dầu lấy lương thực” của LHQ. Mới đây một tiểu ban khác báo cáo rằng Iraq đã chu cấp tiền từ dầu mỏ cho nghị sĩ George Galloway và Charles Pasqua, nhưng cả hai người đã phản bác lời cáo buộc

Minh Luân (Theo Le Point)
.
.