Điệp viên Thụy Sĩ bị bắt vì theo dõi các nhà điều tra Đức

Thứ Sáu, 12/05/2017, 07:50
Cục Cảnh sát Hình sự Liên bang Đức (BKA) hôm 1-5 thông báo đã bắt giữ một điệp viên người Thụy Sĩ vì tiến hành hoạt động do thám bất hợp pháp trên đất Đức.

Vụ một điệp viên của Cục Tình báo Thụy Sĩ (FIS) bị bắt đang làm cho quan hệ giữa hai nước Đức và Thụy Sĩ trở nên căng thẳng. Tại Berlin, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Sigmar Gabriel  đã yêu cầu Đại sứ Thụy Sĩ Christine Schraner Burgener giải thích về những diễn biến mới nhất của vụ việc này "vì lợi ích của quan hệ hữu nghị giữa Đức và Thụy Sĩ.

Theo tờ Die Welt của Đức, điệp viên Thụy Sĩ được xác định bằng mật danh là Daniel M, bị bắt hôm 28-4 tại sân bay quốc tế Frankfurt, bang Hesse, khi ông này đến Frankfurt để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ được giao.

Tại cuộc họp báo ngày 2-5 ở Bern, Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Sĩ Guy Parmelin cho rằng, ở Thụy Sĩ, không chỉ các ngân hàng mà cả các công ty nhỏ và vừa, các viện nghiên cứu và các tổ chức quốc tế đóng trên lãnh thổ Thụy Sĩ thường xuyên bị tấn công mạng, bị gián điệp moi móc, mua chuộc nhân viên để lấy cắp thông tin, dữ liệu.

Giám đốc NDB Markus Seiler (trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Sĩ Guy Parmelin trong cuộc họp báo hôm 2-5.

Theo ông Parmelin, việc Cục Tình báo Thụy Sĩ (FIS) cử Daniel M sang Đức để điều tra là nhằm mục đích xác định cho rõ nguồn gốc của những vụ việc lấy cắp thông tin, dữ liệu mật từ các ngân hàng Thụy Sĩ trong thời gian qua là do đối tượng nào thực hiện, đồng thời điều tra, nghiên cứu xem bằng phương pháp nào mà những đối tượng đó có được những thông tin, dữ liệu mà họ không được phép có bằng con đường chính thức.

Giám đốc Cơ quan Tình báo liên bang (NDB) của Thụy Sĩ Markus Seiler nói với báo chí: "Khi có người dùng các phương pháp bất hợp pháp để lấy trộm các bí mật nhà nước Thụy Sĩ và bí mật doanh nghiệp, chúng tôi gọi đó là gián điệp, và chúng tôi có nhiệm vụ chống lại điều đó".

Năm nay 54 tuổi, Daniel M là một cựu cảnh sát viên của cảnh sát liên bang Thụy Sĩ, chuyên trách công tác chống tội phạm có tổ chức. Sau đó, Daniel M chuyển sang làm việc cho một ngân hàng lớn của Thụy Sĩ, phụ trách bảo vệ an ninh cho các thành viên Hội đồng Giám đốc điều hành.

Vào năm 2010, Daniel M tự đứng ra thành lập một công ty riêng chuyên cung cấp dịch vụ tư vấn cho cá nhân và công ty trên toàn thế giới về lĩnh vực an ninh và tuân thủ pháp luật. Đến khoảng năm 2015, Daniel M lọt vào tầm ngắm của cơ quan chức năng Thụy Sĩ, bị cáo buộc thu thập dữ liệu của khách hàng các ngân hàng ở Thụy Sĩ để sau đó bán lại cho bên thứ ba.

Vậy tại sao Daniel M bị cơ quan cảnh sát quốc gia Đức bắt giữ? Từ năm 2012, Daniel M đã bắt đầu làm việc cho FIS. Với vỏ bọc bề ngoài là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tư vấn an ninh, Daniel M được FIS giao nhiệm vụ theo dõi các hoạt động của các cơ quan điều tra của các bang ở Đức nhắm vào các cá nhân có tài khoản ngân hàng ở Thụy Sĩ để tìm hiểu xem bằng cách nào họ thu thập được các thông tin, dữ liệu về tài khoản ngân hàng ở Thụy Sĩ. Lợi dụng các mối quan hệ đã có từ trước, Daniel M đã điều tra, xác minh được rằng các cơ quan chức năng ở một số bang của Đức đã tìm cách mua được thông tin, dữ liệu bí mật về khách hàng của các ngân hàng Thụy Sĩ.

Các ngân hàng Thụy Sĩ vốn nổi tiếng về bảo mật thông tin khách hàng, bất chấp có liên quan đến việc trốn thuế hay không.

Cụ thể, từ năm 2010, chính quyền bang North Rhine-Westphalia (NRW) đã tìm cách mua lậu 11 đĩa CD chứa các dữ liệu về các công dân Đức có tài khoản ngân hàng ở Thụy Sĩ, và đã chi trả tổng cộng 17,9 triệu euro. Kết quả từ những thông tin, dữ liệu có được là bang NRW đã ngăn chặn những người Đức gửi tiền sang Thụy Sĩ, thu ngân sách từ tiền thuế thu nhập cá nhân lên đến 7 tỉ euro. Norbert Walter-Borjans, một quan chức tài chính của chính quyền bang NRW cho biết, nếu không dùng cách mua lậu các đĩa CD này thì chính quyền bang không có cách nào khác để truy tìm tận gốc những kẻ trốn thuế.

Vụ việc điệp viên Daniel M bị bắt còn soi rọi lại hoạt động "mua thông tin lậu" của các cơ quan chức năng Đức. Hầu như cả thế giới đều biết các cơ quan chức năng của Đức trong nhiều thập niên qua chủ yếu dựa vào việc bỏ tiền ra mua chuộc các "người thổi còi" từ bên trong các tổ chức tín dụng (ngân hàng) để thu thập các tài liệu nội bộ làm tiết lộ thông tin cá nhân của công dân Đức giấu tiền trong các tài khoản ngân hàng ở nước ngoài. Từ năm 2006, các cơ quan chính quyền Đức đã bỏ ra khoảng trên dưới 100 triệu USD để mua các loại thông tin như thế.

Báo chí Đức cho rằng việc điệp viên Daniel M bị bắt ngoài vấn đề ngoại giao còn là vấn đề về uy tín của hệ thống bảo mật thông tin của Thụy Sĩ. Xưa nay, hệ thống ngân hàng Thụy Sĩ vốn nổi tiếng về chuyện bảo vệ bí mật thông tin của khách hàng. Ngay cả trong loạt Hồ sơ Panama năm 2016, dưới sức ép của chính quyền nhiều nước mà hệ thống ngân hàng Thụy Sĩ vẫn đứng vững, vẫn giữ nguyên tắc bất khả xâm phạm đối với thông tin, dữ liệu khách hàng. Từ vụ việc lần này, có vẻ như người Thụy Sĩ sẽ tìm cách bảo vệ bí mật khách hàng chặt chẽ hơn.

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.