“Điệp viên” được giải oan sau 50 năm

Thứ Sáu, 26/10/2018, 15:13
Trong số 30.000 người Triều Tiên đào tẩu sang Hàn Quốc, ông Lee Soo-keun được xem là trường hợp đáng chú ý bởi vấn đề nhạy cảm và bi kịch đến với ông sau khi sang Hàn Quốc. Từ chỗ được vinh danh như một “người hùng” ở Hàn Quốc, Lee bỗng trở thành tội đồ, bị buộc tội “làm gián điệp cho miền Bắc”, bị kết án và hành quyết một cách chóng vánh, để rồi gần 50 năm sau lại được minh oan…

Câu chuyện đào tẩu của ông Lee Soo-keun xảy ra vào ngày 22-3-1967 tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm, một ngôi làng hòa bình sống chung của người dân Triều Tiên hai bên đường biên giới phi quân sự.

Năm đó, ông Lee 44 tuổi và là Phó chủ tịch cơ quan Thông tấn xã trung ương Triều Tiên (KCNA). Vào thời điểm diễn ra sự việc, ông Lee đến làng Bàn Môn Điếm để thực hiện việc đưa tin cuộc đàm phán giữa Triều Tiên và Bộ chỉ huy Liên quân do Mỹ dẫn đầu. Không rõ động cơ đào tẩu của Lee là gì, nhưng ngay khi ông yêu cầu các quan chức Mỹ giúp ông chạy sang Hàn Quốc và được đồng ý ngay, bởi giúp người CHDCND Triều Tiên đào tẩu cũng là một mục tiêu chiến tranh thời đó.

Theo lời kể của đại úy Thomas F. Bair, thuộc bộ binh Mỹ trong Liên quân, trong khi đang thực hiện việc đưa tin, Lee chạy ào đến một chiếc ôtô 4 chỗ ngồi thuộc Bộ chỉ huy Liên quân. Lúc đó có 2 lính CHDCND Triều Tiên chạy theo và cố níu kéo ông lại nhưng không được.

Ông Lee Soo-keun được chào đón như “người hùng” khi vừa đến Hàn Quốc năm 1967.

Lee đấm họ văng ra khỏi xe, như phim hành động. Người lái chiếc ôtô chở Lee chạy thoát là thượng sĩ Terry L. McAnelly và người lái xe “hộ tống” là trung tá Donald E. Thomson. Hai chiếc ôtô tông văng rào chắn bằng gỗ của quân đội CHDCND Triều Tiên để thoát ra khỏi làng. Binh sĩ gác ở chốt kiểm soát vội nã súng như mưa theo hai chiếc ôtô, nhưng cuối cùng họ cũng thoát được.

Cuộc đào thoát ly kỳ như phim của ông Lee ngay lập tức trở thành một quân bài quan trọng của Hàn Quốc để tuyên truyền chống chính quyền ở CHDCND Triều Tiên. Điều đó biến Lee trở thành một “người hùng” trong cuộc chiến. Và 50 ngàn người đã tập trung nghẹt cứng khu trung tâm Seoul để chào đón “người hùng” vừa đến từ phía bắc ranh giới Bàn Môn Điếm. Đi kèm sự tôn vinh, chào đón ấy là thực chất: Lee được cấp nhà ở, một chiếc ôtô làm phương tiện đi lại làm việc, tiền mặt để tiêu xài và vô số quà tặng ý nghĩa.

Hiềm một nỗi, vợ và con Lee vẫn còn mắc kẹt ở CHDCND Triều Tiên, vì vậy ông vẫn vò võ một mình, ngày đêm thương nhớ. Để giúp ông vơi bớt nỗi nhớ nhung này, chính quyền Hàn Quốc đã “cấp” cho ông một cô vợ “chất lượng cao”: một giảng viên đại học được đào tạo bài bản ở Mỹ. Để đổi lại những biệt đãi này, đương nhiên là Lee phải làm việc, và công việc của ông là tuyên truyền chống lại CHDCND Triều Tiên triệt để. Lee phải thực thi nhiệm vụ đi diễn thuyết những bài tuyên truyền khắp Hàn Quốc.

Trong các cuộc diễn thuyết đó, Lee hay kể rằng sở dĩ ông buộc phải đào tẩu là bởi vì ông sắp bị mang ra “xử” vì trong bài viết của mình, ông đã không thể hiện sự tập trung đúng mức đối với phát biểu của nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên, đồng thời mô tả cuộc sống ở CHDCND Triều Tiên một cách không mấy tốt đẹp, như mọi người phải làm việc nhiều giờ, phải nghe tuyên truyền suốt ngày đêm và chịu đựng các cuộc tra vấn về tư tưởng...

Thế nhưng, những lời tuyên truyền của Lee có vẻ như trái ngược hẳn với thực tế đang diễn ra. Ông cũng không thấy vui hơn với cuộc sống ở Hàn Quốc. Bởi, ông luôn luôn bị đặt trong vòng kiểm soát, giám sát, theo dõi thường trực của đặc vụ Hàn Quốc vì dù tôn vinh ông như “người hùng” nhằm mục đích tuyên truyền, nhưng mặt khác chính quyền Seoul vẫn chưa hoàn toàn tin tưởng ông, vẫn luôn đề phòng ông phản bội họ. Điều tra của chính quyền Hàn Quốc khi đó phát hiện rằng, mỗi khi ông đi chệch ra ngoài những nội dung mà họ yêu cầu ông phải tuyên truyền, lập tức Lee bị các đặc vụ “giáo dục” bằng dùi cui tra tấn.

Không chịu nổi cuộc sống trong vòng kiểm soát quá gắt gao đó, Lee tìm cách trốn thoát. Tháng 1-1969, Lee cải trang thành một người khác, đội tóc giả và gắn râu giả, làm một tấm hộ chiếu giả và mua vé máy bay rời Hàn Quốc, với sự giúp đỡ của Pae Kyung-ok, một người cháu vợ của ông. Đặc vụ Hàn Quốc phát hiện ra việc Lee chạy trốn sau khi ông đã lên máy bay rời đi, và họ đã đuổi kịp ông khi chuyến bay chở ông quá cảnh tại một điểm trước khi bay sang Phnom Penh, Campuchia.

Lee bị bắt giữ ngay tại sân bay và bị dẫn giải trở về Hàn Quốc trên máy bay quân sự. Ngay sau đó, Cơ quan tình báo quốc gia Hàn Quốc (lúc đó có tên gọi là KCIA) ra thông báo việc Lee đào tẩu sang Hàn Quốc hồi năm 1967 chỉ là một sự kiện giả tạo do tình báo CHDCND Triều Tiên dàn dựng nhằm thực hiện hoạt động gián điệp ở Hàn Quốc.

Theo sau đó là một cơn “bão” tuyên truyền kết tội Lee. Các báo đua nhau giật tít gây sốc, phỉ báng Lee. Trẻ em Hàn Quốc được cho hát những lời ca kết tội Lee là “gián điệp”. Một phiên tòa chớp nhoáng đã được tổ chức bí mật để xét xử và tuyên án tử hình dành cho Lee vì tội “làm gián điệp”. Án cũng được thi hành một cách nhanh chóng, vào tháng 7-1969, chỉ 2 tháng sau khi ông bị kết án. Người cháu tên Pae đã giúp Lee làm hộ chiếu giả chạy trốn cũng bị bắt và kết án tù chung thân. Pae đã được trả tự do vào năm 1989 sau 20 năm ngồi tù.

Sau khi Lee bị hành hình, một số nhà báo và nhà sử học có lương tri ở Hàn Quốc không tin vào những luận điệu tuyên truyền của Seoul, và họ đặt nghi vấn những lời cáo buộc đối với Lee. Trong hàng chục năm sau khi Lee bị hành hình, công luận có lương tri vẫn tiếp tục đấu tranh, đi tìm sự thật để minh oan cho ông. Năm 2007, Ủy ban Sự thật và Hòa giải Hàn Quốc (nay đã giải tán) có nhiệm vụ tiến hành cuộc điều tra lạm dụng nhân quyền của chính quyền Hàn Quốc cũng kết luận rằng Lee và Pae đều đã bị tra tấn bức cung, và đề nghị xét xử lại vụ án.

Và trong phiên tòa xét xử lại vào năm 2008, Pae được xóa tội gián điệp, nhưng Lee thì vẫn không được minh oan. Gia đình ông phải tiếp tục cuộc đấu tranh đòi công lý cho ông. Phải đến tháng 9-2018, công lý mới được trả lại cho Lee. Một tòa án ở Seoul đã tuyên Lee vô tội, vì không có chứng cứ buộc tội ông làm gián điệp. Đồng thời, Pae cũng được bồi thường 6,8 tỉ won vì ngồi tù oan.

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.