Điệp viên mật NSA hoạt động phá hoại ở hải ngoại

Thứ Hai, 10/11/2014, 10:35

Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) đã tổ chức mạng lưới điệp viên mật ở các quốc gia như Trung Quốc, Đức và Hàn Quốc phục vụ cho những chương trình "phá hoại vật chất" mang tính "bí mật cốt lõi". Theo số tài liệu mật rò rỉ từ Edward Snowden, NSA sử dụng điệp viên "mang vỏ bọc" thâm nhập dữ liệu nhạy cảm và các hệ thống máy tính toàn cầu, thậm chí số người này còn đối phó với các công ty công nghệ Mỹ.

Chi tiết về những cuộc tấn công mạng máy tính nước ngoài của NSA chỉ được chia sẻ với một số ít quan chức bên ngoài cơ quan tình báo. Chris Soghoian, chuyên gia công nghệ của Liên minh Nhân quyền Mỹ (ACLU), nhận định sau khi xem qua các tài liệu mật: "Đó là những gì mà mọi người muốn biết từ lâu. Và, tôi đã có những cuộc trò chuyện với giám đốc điều hành các công ty công nghệ về vấn đề này”.

Dự án bí mật của NSA được thiết kế để "bảo vệ không gian mạng" nước Mỹ có tên mã là Sentry Eagle - đó là tập hợp ít nhất 6 chương trình tình báo nhạy cảm mang những tên gọi khác nhau: Sentry Hawk (dành cho các hoạt động liên quan đến việc khai thác mạng máy tính, hay CNE, như là chương trình Flame), Sentry Falcon (phòng thủ mạng máy tính), Sentry Osprey (chương trình hợp tác với một số cơ quan tình báo khác, như Cục Tình báo trung ương Mỹ - CIA, Cục Điều tra liên bang Mỹ - FBI, Cục Tình báo Quốc phòng Mỹ - DIA), Sentry Raven (phá vỡ các hệ thống mã hóa), Sentry Condor (các chiến dịch tấn công mạng máy tính, hay CNA; bao gồm làm suy yếu, tổn hại, cản trở hay hủy hoại các hệ thống) và Sentry Owl (hợp tác với công ty tư nhân). Sentry Eagle được xếp nằm trên đỉnh của hình tháp mô tả về các cấp độ an ninh quốc gia Mỹ.

Theo tài liệu mật rò rỉ, dự án Sentry Eagle bắt đầu hoạt động từ năm 2004 và kéo dài đến năm 2012. Mọi chi tiết về các chương trình của Sentry Eagle chỉ được chia sẻ rất hạn chế và thậm chí chỉ một vài quan chức tình báo cao cấp nhất được biết và thông qua, trong đó có Giám đốc NSA.

Theo các tài liệu mô tả về Sentry Eagle, NSA sử dụng bộ phận tình báo con người (HUMINT) gọi là khai thác mục tiêu (TAREX) hợp tác với CIA, FBI và DIA để hỗ trợ cho các chiến dịch tình báo tín hiệu (SIGINT) nằm trong khuôn khổ chương trình Sentry Osprey. TAREX triển khai điệp viên tại 3 quốc gia mục tiêu là Hàn Quốc, Đức và Trung Quốc.

Nhân viên của TAREX hoạt động tại các trung tâm trong nước của NSA ở 3 bang là Hawaii, Texas và Georgia. Nhân viên TAREX  có mặt trong các đại sứ quán của Mỹ và "các địa điểm ở hải ngoại". Trung Quốc, Hàn Quốc và Đức được chính quyền Mỹ đánh giá là những nơi có nhiều nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn trên thế giới, và cho rằng, Trung Quốc chính là mục tiêu quan trọng nhất cho hoạt động tình báo của Mỹ.

Mặc dù TAREX đã hoạt động trong nhiều thập niên nhưng cho đến nay vẫn có rất ít thông tin về nó. Trong một cuốn sách xuất bản năm 2010, trung tá về hưu Anthony Shaffer mô tả các chiến dịch của TAREX ở Afghanistan bao gồm các đội thu thập thông tin tình báo nhỏ chỉ gồm từ 2 đến 3 người.

Bức không ảnh ngày 7/7/2014 cho thấy "Khu phức hợp Dagger" của NSA ở Griesheim bang Hessen (Đức).

Tiết lộ gây chú ý nhất về dự án Sentry Eagle là kế hoạch cài điệp viên mật "mang vỏ bọc" vào nội bộ "các tổ chức thương mại" bởi vì trước đây người ta chỉ biết NSA thuyết phục các công ty công nghệ mở "cửa sau" cho họ bí mật khai thác dữ liệu người dùng - bao gồm siêu dữ liệu về điện thoại di động và email, CIA nổi tiếng sử dụng điệp viên mang vỏ bọc doanh nhân cũng như công ty bình phong để che đậy hoạt động tình báo của họ trước mắt người ngoài, cụ thể là giới truyền thông ở Mỹ.

NSA có lịch sử dài về sự dính líu đến các công ty Mỹ, nhất là công ty công nghệ và viễn thông. Những công ty này thường có đội ngũ nhân viên riêng biệt - những người từng làm việc cho NSA, FBI, DIA hay quân đội - được phép sử dụng thông tin mật để giao tiếp với cộng đồng tình báo Mỹ.

Chuyên gia Chris Soghoian ở ACLU cho biết, đội ngũ nhân viên này được bảo vệ danh tính trên bảng lương các công ty. Theo Soghoian thì: "Những giao tiếp điện tử ngày càng được tăng cường mã hóa, cho nên cộng đồng tình báo Mỹ rất quan tâm đánh cắp chìa khóa mã. Đó là mục tiêu vô cùng hấp dẫn".

Dĩ nhiên, NSA không là cơ quan tình báo duy nhất hưởng lợi từ hoạt động phá mã, mà tình báo Trung Quốc cũng luôn cố gắng xâm nhập các công ty Mỹ để đánh cắp bí mật. Matthew Prince, Giám đốc điều hành Công ty máy chủ CloudFlare, cho biết: "NSA là một nguy cơ song tôi lo ngại về Trung Quốc nhiều hơn".

Tài liệu mô tả chương trình Sentry Hawk, tức CNE (khai thác mạng máy tính), cho thấy NSA có mối quan hệ hợp tác khá là chặt chẽ với các công ty công nghệ Mỹ cũng như nước ngoài. Thật ra, từ lâu giới chuyên gia an ninh đã nghi ngờ NSA có được sự trợ giúp từ các công ty nước ngoài. Và, mới đây nhất là câu chuyện NSA đánh chặn tín hiệu giao tiếp điện tử từ điện thoại di động ở 3 quốc gia trong đó có Afghanistan

Trang Thuần (tổng hợp)
.
.