Điệp viên nội gián của CIA trong Bộ Ngoại giao Pháp

Thứ Ba, 18/08/2009, 22:30
Từ năm 1963 đến năm 1982, một “con lừa" đã làm nội gián cho Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) trong Bộ Ngoại giao Pháp. Thông qua điệp viên nội gián này mà CIA đã nắm bắt được nhiều bí mật liên quan đến chiến lược ngoại giao, chiến lược quốc phòng, các chương trình thử nghiệm vũ khí hạt nhân và đến cả tình trạng sức khỏe của Tổng thống Pháp.

Đây là tiết lộ mới nhất của nhà báo người Pháp Vincent Nouzille trong cuốn sách có tựa đề "Những bí mật được giữ rất kín" vừa được nhà xuất bản Fayard phát hành tại Pháp vào trung tuần tháng 7/2009.

Trong suốt 5 năm liền, nhà báo Nouzille đã được phép lục tung và đọc hàng chục ngàn trang tài liệu mật lưu trữ của CIA, Bộ Ngoại giao Mỹ và cả Nhà Trắng dưới thời cầm quyền của 6 đời Tổng thống Mỹ từ năm 1958 đến năm 1981 và đã phát hiện ra cái tên Jean de la Grandville, quan chức cao cấp của Bộ Ngoại giao Pháp làm nội gián cho CIA từ năm 1963 đến năm 1981 với mật danh Nick.

Jean de la Grandville sinh  năm 1929, thuộc dòng họ quý tộc La Chevardière de la Grandville vốn có truyền thống hoạt động trong ngành ngoại giao của nước Pháp từ thế kỷ XVII. Grandville từng tốt nghiệp ngành Quan hệ quốc tế và Chính trị xã hội của Đại học Sorbonne ở thủ đô Paris trước khi được nhận vào làm việc tại Bộ Ngoại giao Pháp vào năm 1956.

Năm 1962, sau 6 năm công tác tại các sứ quán Pháp ở Argentine và Mexico, Grandville được điều động quay về lại Pháp làm việc tại trụ sở Bộ Ngoại giao ở thủ đô Paris. Grandville đã được CIA tiếp cận và tuyển dụng khi còn công tác tại Sứ quán Pháp ở thủ đô Mexico của Mexico từ năm 1960 đến năm 1962. Lúc đó, CIA đã giao cho Grandville nhiệm vụ thu thập các thông tin liên quan đến chính sách ngoại giao và quốc phòng của Pháp đối với Mexico và cả đối với các quốc gia Mỹ Latinh.

Grandville trở  về lại Pháp vào năm 1962. Đầu năm 1963, theo yêu cầu của CIA, Grandville đã thu thập các bí mật liên quan đến quan điểm cá nhân, các phương pháp thuyết phục đối phương cũng như những bí mật của Tổng thống Pháp Charles de Gaulle nhằm phục vụ cho chuyến công du của Tổng thống Mỹ John Kennedy đến Pháp vào tháng 6/1963.

Ngày 8/6/1966, dư luận quốc tế sửng sốt trước tuyên bố bất ngờ của Tổng thống De Gaulle trong một bức thư gửi Tổng thống Mỹ Lyndon Johnson về việc Pháp quyết định rút khỏi mọi hoạt động quân sự của Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO). Kèm theo quyết định mang tính lịch sử này là việc Pháp yêu cầu phải đóng cửa các căn cứ quân sự của Mỹ và NATO trên lãnh thổ Pháp và quân đội nước ngoài phải hoàn thành việc rút hết quân ra khỏi lãnh thổ Pháp trong vòng 90 ngày.

Quyết định của Tổng thống De Gaulle cho thấy Pháp muốn duy trì một chính sách quốc phòng độc lập và không muốn đóng vai trò vệ tinh quốc phòng cho Mỹ ở châu Âu. Tuy nhiên, quyết định quan trọng này của Tổng thống De Gaulle đã không gây bất ngờ cho Nhà Trắng, CIA và Bộ Ngoại giao Mỹ vì trước đó không lâu CIA đã nắm được chủ trương rút khỏi NATO của Pháp và đã triển khai một số kế hoạch với mục đích điều chuyển các hoạt động quân sự của Mỹ trên lãnh thổ Pháp đến các quốc gia thành viên NATO khác ở châu Âu. Chính điệp viên nội gián Grandville đã kịp thời chuyển giao quyết định quan trọng này của Tổng thống De Gaulle cho CIA.

Tuy được đánh giá là cường quốc hạt nhân, nhưng  phải đợi đến năm 1960, Pháp mới cho nổ thử nghiệm quả bom hạt nhân đầu tiên tại sa mạc Sahara thuộc Algérie. Tuy nhiên, một thời gian ngắn sau đó, việc triển khai nghiên cứu và phát triển vũ khí hạt nhân của Pháp đã chững lại do các quốc gia Bắc Phi không chấp thuận cho Pháp sử dụng lãnh thổ của mình để thử nghiệm vũ khí hạt nhân. Vì vậy, Tổng thống Charles de Gaulle đã ra lệnh chuyển toàn bộ các hoạt động thử nghiệm hạt nhân đến đảo Mururoa thuộc Pháp ở Nam Thái Bình Dương theo một kế hoạch bí mật có tên gọi Aldebaran. Kế hoạch Aldebaran cũng được  Grandville thu thập và chuyển giao kịp thời cho CIA.

Do không muốn Pháp phát triển vũ khí hạt nhân nên Mỹ đã xách động dân cư các đảo ở Nam Thái Bình Dương cũng như New ZealandAustralia phản đối các hoạt động thử nghiệm vũ khí hạt nhân của Pháp trên đảo Mururoa. Do đó mãi đến năm 1966 mới tiến hành cuộc thử nghiệm đầu tiên.

Từ lâu, sức khỏe của các Tổng thống Pháp vẫn được xem là bí mật quốc gia. Thế nhưng, đến năm 1973, bí mật này đã được tiết lộ bởi Grandville cho CIA trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Pháp-Mỹ tại thủ dô Reykjavik của Iceland giữa Tổng thống Pháp Georges Pompidou và Tổng thống Mỹ Richard Nixon.

Từ hồ sơ do Grandville cung cấp, CIA khẳng định rằng Tổng thống Pompidou đang mắc chứng ung thư máu và tình trạng sức khỏe của vị Tổng thống Pháp này đang suy giảm nhanh chóng. Đây là lý do giúp Tổng thống Nixon gây áp lực đối với Tổng thống Pompidou đạt được một số thỏa thuận có lợi cho Mỹ vào những ngày hội đàm cuối cùng.

Năm 1981, khi đang giữ chức vụ Cục trưởng Cục Thương lượng và Ký kết các hiệp định quốc tế của Bộ Ngoại giao Pháp, Grandville đã chuyển giao cho CIA một tài liệu tối quan trọng liên quan đến chiến lược ngoại giao của tân Tổng thống Pháp Francois Mitterrand trong nhiệm kỳ 1981-1988.

Năm 1984, Grandville rời khỏi Bộ Ngoại giao và đến năm 1985 là Chủ tịch Công ty xuất nhập khẩu Alleno, mà theo nhà báo Nouzille, đó là một công ty bình phong của CIA hoạt động tại Pháp. Hoạt động nội gián của Grandville luôn được bảo đảm an toàn cho đến khi ông ta qua đời vào năm 1998

Hoàng Phú (theo La Revue)
.
.