Điệp viên nước ngoài - mối lo của Mỹ

Thứ Hai, 04/06/2007, 12:00
Mỹ cho rằng các điệp viên Nga là lực lượng tích cực nhất trong thu thập tin tức về hệ thống mục tiêu quân sự được bảo vệ và dự án đang trong giai đoạn phát triển có tính nhạy cảm của Mỹ.

Trong bài phát biểu ngày 30/4/2007 tại phiên họp Ủy ban Tình báo của Quốc hội, Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia Mỹ Michel Macconnel cho rằng hoạt động của các cơ quan tình báo Nga chống lại Mỹ hiện nay đã gần ngang bằng với thời kỳ chiến tranh lạnh.

Cách đây không lâu, vào cuối tháng 2/2007, Michel Macconnel cũng đã cáo buộc Nga tiến hành các hoạt động tình báo đối ngoại chống lại Mỹ. Macconnel cho rằng điều đó sẽ ảnh hưởng xấu đến khả năng hợp tác của Mỹ đối với Nga trong nhiều lĩnh vực như chống khủng bố, không phổ biến vũ khí giết người hàng loạt, năng lượng và thúc đẩy dân chủ ở khu vực Cận Đông. 

Lo ngại trước sự xâm nhập của tình báo nước ngoài, trong đó có tình báo Nga, chính quyền Bush đã đề nghị hai viện Quốc hội Mỹ mở rộng quyền hạn giám sát của các cơ quan an ninh Mỹ đối với người nước ngoài bị tình nghi là gián điệp hay phần tử khủng bố quốc tế.

Khi lý giải về nguyên cớ của đề nghị nói trên, đại diện của Nhà Trắng nói thêm rằng, hiện ở Mỹ không chỉ có các cơ quan tình báo nước ngoài, mà còn có hàng loạt “đối thủ” gồm cả các nhóm khủng bố quốc tế đã và đang tiến hành các hoạt động tình báo có hiệu quả không thua kém các tổ chức tình báo quốc gia.

Về phía mình, Macconnel nhấn mạnh tổ chức khủng bố Al-Qaeda và các liên hệ của chúng ở khắp nơi đang tiếp tục có những kế hoạch khủng bố nước Mỹ và đồng minh.

Theo Macconnel, cùng với việc thay đổi nhanh chóng của công nghệ điện tử hiện đại mà các điệp viên nước ngoài hay bọn khủng bố sử dụng, Mỹ cần phải sửa đổi, bổ sung Luật theo dõi người nước ngoài (FISA) cho phù hợp với tình hình mới.

Nếu đề nghị của chính quyền Bush được Quốc hội Mỹ thông qua thì các lực lượng an ninh Mỹ, trong những trường hợp cần thiết, có thể tiến hành các chiến dịch chặn thu các cuộc trò chuyện và trao đổi thông tin qua tất cả các thiết bị công nghệ thông tin liên lạc hiện tại và sẽ phát triển trong tương lai mà không cần tòa án cho phép theo như luật hiện hành.  

Tuy nhiên đề nghị nói trên của Nhà Trắng lập tức vấp phải sự phản đối từ trong nước. Liên đoàn Tự do công dân của Mỹ (ACLU) đã đệ trình lên Quốc hội Mỹ bản khuyến cáo những nguy hiểm của việc mở rộng quyền hạn của các cơ quan an ninh. Chủ tịch ACLU Keroline Frederikson cho rằng nếu đề nghị của chính quyền được thông qua thì tất cả các khách du lịch nước ngoài và các công ty có vốn nước ngoài trong các lĩnh vực như truyền thông, tài chính, hàng không, viễn thông và Internet đều có thể bị coi là “điệp viên nước ngoài”.

Mọi cuộc liên lạc của họ sẽ bị chặn thu trái pháp luật vì rằng họ có thể “sở hữu”, “truyền đi” hay “thu về” các thông tin tình báo trên lãnh thổ Mỹ. Frederikson nhấn mạnh, việc tăng quyền hạn theo dõi người nước ngoài mà chính quyền Bush đưa ra không chỉ vi phạm hiến pháp mà còn là một hành động vô trách nhiệm

Quang Lê (Tổng hợp từ báo Nga)
.
.